Tại sao phụ nữ thích “dìm” nhau thay vì ủng hộ nhau?

ĐỜI SỐNG

Tại sao phụ nữ thích “dìm” nhau thay vì ủng hộ nhau?

authorBy Dao Chi Anh
Share on
Share on
Tại sao phụ nữ thích “dìm” nhau thay vì ủng hộ nhau?

Từ bé đến khi trưởng thành, con gái chúng ta đều phải lớn lên trong một môi trường cạnh tranh “ngầm”. Các bé gái đã trở thành đối tượng để người lớn, dù vô tình hay cố ý, đem ra so sánh với nhau.Từ đó trong tâm thức chúng ta đều hình thành suy nghĩ mình phải “hơn” các bạn: học giỏi hơn, xinh hơn, mặc đẹp hơn... Dần dần, những so sánh đó dẫn đến tâm lý cạnh tranh. Khi lớn lên, sự cạnh tranh đó tiếp diễn ở lĩnh vực công việc, thu nhập, người yêu, chồng con và cả ở khả năng làm việc nhà để chứng tỏ mình “đảm” hơn.


Với sự phát triển của mạng xã hội, sự ganh đua này càng rõ rệt hơn khi mỗi người phụ nữ đều chỉ muốn "khoe" những hình ảnh lung linh nhất của mình, hoặc để “khoe” con, “khoe” bạn, “khoe” nơi mình đến, “khoe” các món... để đánh bóng chính mình. Vô hình mạng xã hội trở thành phương tiện để mọi người tự so sánh mình với những người khác và ngấm ngầm cạnh tranh.


Dù nhìn ở mặt tích cực, sự cạnh tranh không phải là điều xấu, nó khuyến khích chúng ta sống tốt hơn, chăm sóc bản thân mình hơn hoặc học hỏi ở người khác nhiều hơn. Nhưng đôi khi sự cạnh tranh có thể bộc lộ "mặt tối", sự ích kỷ và tính hơn thua ở nhiều người. Với sự hỗ trợ đắc lực và nhanh chóng của mạng xã hội, những điều tiêu cực này dễ dàng được lan truyền tạo nên những tác động và hậu quả khôn lường. Là người đã tạo ra những group Facebook khác nhau cho phụ nữ, tôi đã chứng kiến tận mắt rất nhiều hiện tượng “phụ nữ dìm phụ nữ”, nhưng lại rất ít thấy trường hợp “phụ nữ dìm đàn ông”. Phải chăng chúng ta có tiêu chuẩn khác nhau dành cho người cùng giới và người khác giới?


Một trường hợp dễ nhận thấy nhất là mỗi khi tôi chia sẻ lên hội nấu ăn của mình trên Facebook, nếu đó là một món ăn tôi đã đơn giản hoá đi rất nhiều bước và nguyên liệu để tiết kiệm thời gian và giải phóng sức lao động cho mình, thì chắc chắn luôn thu hút những lời nhận xét tiêu cực từ những người phụ nữ khác như: “Mỗi thế thôi mà cũng phải làm tắt” hoặc “Làm thế thì không gọi là nấu ăn”... Trong khi đó nếu chồng tôi chia sẻ một món lên Facebook thì luôn được chị em hào phóng dành tặng những lời khen: "Đàn ông làm thế này là giỏi lắm rồi" hay "Đàn ông mà chăm vào bếp và giỏi việc nhà thế". Phải chăng phụ nữ chúng ta quá nghiêm khắc với nhau, trong khi việc làm phụ nữ vốn đã là việc vô cùng khó khăn? Tại sao chúng ta không ủng hộ nhau, động viên nhau nhiều hơn, nhất là khi ngoài xã hội đã có xu hướng phán xét phụ nữ nhiều hơn đàn ông? Tại sao chúng ta không cư xử với nhau như những người “cùng hội cùng thuyền”, như đàn ông vẫn hay “nâng đỡ” và thậm chí là “bao che” với nhau? 


Phải chăng phụ nữ chúng mình quá thiếu sự công nhận và đánh giá từ gia đình và người thân từ bé đến lớn, nên chỉ biết dùng sự công kích và phán xét người khác để khẳng định về mình, để cảm thấy mình có giá trị hơn người khác? Cũng có thể văn hoá gia đình Á Đông quá tiết kiệm lời khen, và chỉ hào phóng với lời phê phán, nên chúng ta lớn lên với tư tưởng là nếu không ai khen hay ủng hộ mình, thì mình cũng không bao giờ khen và ủng hộ người khác. 


Nhưng điều kỳ lạ có thể bạn chưa biết là nếu mình càng hào phóng với những lời khen cho những người phụ nữ quanh mình, thì không những họ càng tự tin và hào phóng với lời khen hơn, mà chính bạn cũng trở nên tự tin về mình hơn. Người càng có thể trao lời khen, lời ủng hộ cho người khác, thì người đó càng có nhiều niềm tin cho chính mình và bớt nghiêm khắc với bản thân mình hơn. Vì vậy, bạn cũng có thể dễ dàng hiểu là những ai có vẻ thích phán xét, chỉ trích người xung quanh nhiều nhất, chính ra cũng là người khó tính và phán xét với bản thân mình nhất. Những lời nói bóng gió, mỉa mai họ buông ra trên mạng xã hội có thể là chính những suy nghĩ họ thầm dành cho mình mỗi lúc đánh giá bản thân.


Nếu bạn không tin, hãy thử làm một thí nghiệm xã hội trên chính những người quanh mình. Trong một tuần, với mỗi người phụ nữ bạn tiếp xúc tại nơi làm hay khi gặp gỡ với bạn bè, hãy thử nghĩ bạn có thể nói gì tích cực với họ ngay khi gặp? Chẳng hạn như khen chiếc áo họ mặc, khen kiểu tóc mới của họ, đánh giá sự hiện diện của họ bằng một cái ôm… Cho họ thấy là bạn thực sự “nhìn thấy” họ. Sau một tuần làm như vậy, bạn cảm thấy thế nào? Có ấm áp hơn và tràn ngập hứng thú và tình yêu cho cuộc sống hơn không? Điều kì diệu nằm chính ở đây: khi chúng ta càng nhận ra vẻ đẹp ở mọi thứ và mọi người xung quanh mình, thì chúng ta càng yêu đời và thấy cuộc sống đẹp hơn. Các mối quan hệ cũng tự nhiên trở nên sâu sắc hơn, khi những người phụ nữ quanh bạn cảm thấy được bạn trân trọng và để ý. Có khi lời khen của bạn là lời khen duy nhất họ đã được nghe trong cả tuần? Và vì lời khen đó, họ tự tin hơn và ngày hôm đó họ đã làm được những điều bình thường họ không đủ can đảm để làm. Đây gọi là “hiệu ứng gợn sóng” khi phụ nữ hỗ trợ, nâng đỡ và giúp đỡ lẫn nhau, khiến tập thể phụ nữ chúng ta càng có sức mạnh hơn. Ngược lại, khi một người phụ nữ dìm một người phụ nữ khác xuống, dù là trực tiếp hay gián tiếp qua việc phán xét, nói xấu sau lưng, thì sức mạnh trong chúng ta giảm sút. 


Tôi đã tự luyện cho mình thành thói quen, rằng mỗi khi tôi có một suy nghĩ không tốt về ai đó hay đang có xu hướng phán xét một ai đó, tôi sẽ ngay lập tức thay thế suy nghĩ đó bằng một suy nghĩ tích cực về họ, và nhắc nhở bản thân rằng điều xấu mình thấy ở người khác sẽ phản ánh lại trong chính nội tâm của mình. Khi gặp gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp, trước khi nói gì, tôi luôn nhìn vào mắt họ mỉm cười để thực sự ghi nhận sự hiện diện của họ và thể hiện sự đánh giá của mình với họ, rồi mới mở miệng cất lời nói đầu tiên. Và qua đó, những lời nói ra khỏi miệng sau đó tất yếu sẽ là những lời yêu mến, tích cực và khen ngợi về họ. Nó sẽ không hề sáo rỗng, giả tạo, mà thực sự đem lại sự ấm áp vào lòng người đối diện, vì họ biết là họ đang được “nhìn thấy”.


Thầy Thích Nhật Hạnh đã nói, món quà quý giá nhất bạn có thể trao tặng bất cứ ai, chính là sự hiện diện của bạn với họ. Và việc mình ủng hộ, đánh giá một ai đó trước mặt mình, chính là đỉnh cao của “sự hiện diện” của bạn trước họ. Còn nếu bạn mải mê phàn nàn về gì đó, hoặc về người nào đó khác, bạn cũng đang đánh mất sự hiện diện quý giá đó trước người đối diện. Lúc trên mạng xã hội cũng vậy. Một khi bạn bỏ thời gian ra viết một lời bình luận tiêu cực về ai đó hoặc để “dìm” quan điểm một ai đó, bạn cũng đang đánh mất sự hiện diện đó với chính mình, khi lao vào cái hố đen của “cái tôi”. Chúng ta đều biết rằng, “cái tôi” luôn muốn mình đúng và hơn người khác, nhưng nó không phải con người thật của mình và không thể tỏa ra vẻ đẹp và ánh sáng ấm áp như lúc bạn là con người thật đang đánh giá và trân trọng những người xung quanh mình. 


Gần đây tôi hay nhận được những lời chia sẻ riêng từ phụ nữ là họ cảm thấy họ kém cỏi và không “giỏi” như bạn bè cùng lứa, hoặc không “đảm” như những người phụ nữ khác... Phải chăng vấn đề không nằm ở họ, mà ở xã hội chúng ta không bao giờ cho phép mình cảm thấy thỏa mãn với chính mình, khi chứng kiến những lời phán xét, chê bai quá phổ biến so với những lời động viên, khích lệ và khen ngợi. Chắc hẳn “tiêu chuẩn” người phụ nữ hoàn hảo mãi mãi là điều chúng ta không thể với tới được vì không ai muốn chúng ta đạt được nó? Vì một khi ai đó có vẻ “đạt được” tiêu chuẩn đó, những người xung quanh sẽ tìm mọi cách để tìm ra khuyết điểm của họ để lại kéo họ xuống, để mình được hả hê và “bớt” phải đố kỵ hơn.


Điều tôi muốn nói lên ở đây là, việc phán xét hay “dìm” người khác không khiến bạn là một “kẻ xấu”, nhưng nó thể hiện một điều là bạn đang rất thiệt thòi, vì khi mình không nhìn và công nhận những điều đẹp đẽ ở người khác, là mình cũng đang không nhìn thấy những điều đẹp đẽ ở chính mình. 


Những gì chúng ta càng để ý và dồn năng lượng vào, thì nó sẽ càng phát triển. Vì vậy nếu lời nói của chúng ta chỉ xoay quanh những điều tiêu cực hay phán xét, chê bai người khác, thì chúng ta càng tạo ra thêm những thứ chúng ta muốn ghét bỏ trong chính cuộc sống của mình, hoặc những điều tiêu cực đó sẽ càng thể hiện ở những người sống gần mình… Có thể bạn cũng đã từng quan sát những người phụ nữ có lời nói “sắc nhọn” về người khác, cũng sẽ không có nhiều lời tốt để kể về chồng mình, đơn giản vì họ không nhìn được chúng. Và đó là điều thực sự đáng buồn cho cuộc sống của họ. Ngược lại, khi tìm được những thứ đẹp đẽ ở vạn vật xung quanh mình và đặc biệt là ở những người quanh mình, đồng thời ghi nhận chúng, chia sẻ về chúng, thì trong cuộc sống chúng ta sẽ càng nhân thêm nhiều niềm vui, nhiều cái đẹp, và vì “hữu xạ tự nhiên hương”, chúng ta cũng sẽ càng thu hút những người tốt đẹp vào trong cuộc sống mình. Từ một người có lời nói tích cực, có thể tạo ra cả một cộng đồng tích cực. Nhưng một lời nói tiêu cực, có thể phá hủy cả một thế giới. Vì vậy, hãy đừng bao giờ coi thường sức mạnh của lời nói của mình, cho dù nó là một lời khen, hay một lời chê.


Từ nay trước khi định phán xét hay phê phán ai đó, bạn hãy thử nghĩ, việc này nói ra sẽ khiến người kia cảm thấy thế nào? Nếu mình là họ, mình nghe điều đó sẽ thấy vui hay buồn? Quy tắc đơn giản để sống hạnh phúc là hãy đối xử tất cả mọi người theo cách bạn muốn được đối xử. Vậy thôi. Chừng nào phụ nữ dù trong cuộc sống hay trên mạng xã hội vẫn muốn "dìm" nhau, thì họ cũng vẫn tiếp tục là nạn nhân của sự phán xét và công kích từ xã hội và tự chính họ. Hãy phá vỡ chuỗi phản ứng này, bắt đầu từ chính mình, và từ ngay ngày hôm nay.

About the author

Đào Chi Anh là Founder của HER, ngoài việc kinh doanh, cô còn là một HLV Fitness, Pilates và Dinh Dưỡng cá nhân. Cô đã được nhận chứng chỉ quốc tế về Tư vấn Dinh dưỡng, Tư vấn Thể hình và Pilates từ những chương trình đào tạo uy tín tại Mỹ và Canada. Cô cũng đã tốt nghiệp bằng Diploma (Cao Đẳng) về Sức khỏe Dinh Dưỡng của Anh Quốc và là một HLV Fitness cá nhân được cấp chứng chỉ bởi ISSA (Hoa Kỳ).


Hãy theo dõi Chi Anh trên mạng xã hội tại:

IG: @daochianh,

LinkedIn: @chianhdao,

FB: @daochianh

author

Dao Chi Anh

Founder

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!