Nhảy việc thế nào là nhiều? Các nhà tuyển dụng nói gì về điều này?

SỰ NGHIỆP & TÀI CHÍNH

Nhảy việc thế nào là nhiều? Các nhà tuyển dụng nói gì về điều này?

authorBy S. Reen
Share on
Share on
Nhảy việc thế nào là nhiều? Các nhà tuyển dụng nói gì về điều này?

Theo nghiên cứu năm 2022 của LinkedIn, số người dùng LinkedIn ở Hoa Kỳ thay đổi công việc đã tăng 37% vào năm 2021. Những người lao động thế hệ Z (những người sinh năm 1997 trở lên) là những người “khó ở yên 1 chỗ nhất”, báo cáo cho thấy.


Khoảng 25% số người được hỏi nói rằng họ hy vọng hoặc có kế hoạch rời bỏ công ty hiện tại trong vòng 6 tháng tiếp theo.


Một nghiên cứu khác của CareerBuilder vào năm 2021 cho thấy, thế hệ Gen Z sẽ dành trung bình 2 năm 3 tháng cho một công việc, con số của thế hệ Millennials (25 đến 40 tuổi) nhiều hơn 6 tháng.


Để so sánh, nhân viên Gen X (41 đến 56 tuổi) dành trung bình 5 năm cho cùng một công việc, trong khi những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số (57 đến 75 tuổi) ở lại làm công việc của họ trong khoảng 8 năm.


Nhảy việc thế nào là nhiều?


Amy Zimmerman, giám đốc nhân sự của Relay Payments, cho biết mặc dù việc nhảy việc hiện “được chấp nhận hơn bao giờ hết”, nhưng việc chuyển đổi công việc sau một năm đảm nhiệm vẫn “quá nhanh” - theo CNBC Make It.


“Thứ nhất, bạn thiếu sự cam kết. Thứ hai, bạn thiếu kiên trì. Tất cả những điều này nói với tôi rằng nếu con đường bạn đồng hành cùng chúng tôi trở nên khó khăn, bạn sẽ tiếp tục nhảy việc.”


Zimmerman cho biết cái gọi là thời điểm thích hợp để chuyển đổi công việc là 2-3 năm một lần, vì nó cho phép các ứng viên xin việc chứng tỏ rằng họ có thể “thực hiện cam kết và tôn trọng điều đó”.


Jaya Dass, Giám đốc điều hành của Randstad tại Singapore và Malaysia cho biết, tối thiểu 18 tháng làm việc là có thể chấp nhận được, nhưng sẽ “tuyệt vời” hơn nếu kéo dài từ 3-5 năm.


Lợi ích ngắn hạn và dài hạn


Hannah Williams 26 tuổi, nhưng kể từ năm 2019, cô đã đảm nhiệm tổng cộng 5 công việc - trong đó thời gian dài nhất là 1 năm. Mặc dù đã nhảy việc thành công nhưng cô cũng phải đối mặt với những câu hỏi khó từ các nhà tuyển dụng trong các cuộc phỏng vấn. “Họ luôn lo lắng rằng tôi sẽ sớm rời đi và làm hỏng quy trình làm việc của họ, điều này hợp lý vì việc thuê người sẽ tốn rất nhiều tiền. Họ chỉ lo tôi làm lãng phí thời gian của họ thôi.”


Tuy nhiên, Williams khẳng định đó “hoàn toàn không phải là mục tiêu” và tự hào về đạo đức làm việc của mình.


Các chuyên gia trong ngành thừa nhận những mặt tích cực của nhảy việc, chẳng hạn như sự nhanh nhẹn, thích nghi nhanh chóng với môi trường mới hay khả năng mở rộng kết nối và cơ hội để khám phá cũng như thể hiện bản thân. Nhảy việc có thể là một cách nhanh chóng để tăng lương so với việc thăng chức trong cùng một công ty. 


Tuy nhiên, Zimmerman cảnh báo, lợi ích ngắn hạn không đáng có với rủi ro dài hạn. “Nó sẽ ảnh hưởng đến chiều sâu kiến thức của bạn và cuối cùng là giá trị của bạn đối với các công ty trong tương lai". Mặc dù nhảy việc thúc đẩy bộ kỹ năng đa dạng nhưng nó cũng có thể ngăn cản bạn đạt được chuyên môn sâu trong một lĩnh vực cụ thể bởi bạn hiếm khi tham gia dự án từ đầu đến cuối.


Việc thuê và đào tạo nhân viên mới rất mất thời gian và tốn kém, các công ty không muốn lặp lại quy trình này nếu bạn rời đi trong vòng vài tháng. Nhân viên mới thường không thể bắt tay vào công việc vì cần có thời gian để tìm hiểu các quy trình làm việc mới, công nghệ và những thách thức kinh doanh riêng của mỗi công ty. Nếu một nhân viên rời đi chỉ sau vài tháng, họ có thể chưa có được các kỹ năng để tạo ra giá trị có ý nghĩa và dành thời gian để họ thích nghi với vai trò đó. “Nếu bạn chỉ làm việc với ai đó trong hai năm và phải mất sáu tháng để họ phát huy hết năng suất, thì bạn chỉ có được một năm rưỡi năng suất từ người đó”.


Đó là lý do tại sao, mặc dù việc nhảy việc đã trở nên phổ biến hơn nhưng nó vẫn khiến một số lãnh đạo công ty phải đắn đo.


Những điều người tìm việc nên biết


1. Thận trọng với những khoảng trống lớn trong sơ yếu lý lịch


Để lại những khoảng trống không giải thích được hoặc thời gian làm việc không rõ ràng trong sơ yếu lý lịch của bạn có thể là một bước đi mạo hiểm, chưa kể đến việc không trung thực. Nhà tuyển dụng có thể sẽ đẩy bạn xuống cuối danh sách xin việc nếu hồ sơ của bạn có vẻ “không phù hợp”. Điều cuối cùng mà bộ phận nhân sự muốn là mất thêm thời gian để cố gắng tìm ra loại công việc bạn đã đảm nhiệm, với ai và khi nào.


Hãy trung thực về lý do tại sao bạn thực hiện mỗi hành động. Tránh đổ lỗi cho sếp và đồng nghiệp cũ của bạn, vì chiến lược đó sẽ phản tác dụng và khiến họ nghi ngờ rằng bạn có thể là vấn đề chứ không phải công ty nơi bạn làm việc.


Tập trung vào những mặt tích cực của việc đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau. Nói về những gì bạn đã học được trong mỗi cơ hội mới, cách bạn sẽ tăng thêm giá trị cho doanh nghiệp, những hiểu biết sâu sắc về hoạt động của các công ty đối thủ và học hỏi từ họ.


Hãy chắc chắn để người phỏng vấn biết rằng đây không chỉ là một công việc mà bạn thực sự yêu thích công ty, con người, cơ hội, sứ mệnh cũng như sản phẩm và dịch vụ của công ty.


2. Đừng nghĩ nhảy việc là phải lên chức, đổi công ty lớn hơn


Khi bạn đã quyết định rằng nhảy việc là con đường phù hợp với mình, hãy thực hiện điều đó một cách có chủ đích bằng cách tự hỏi bản thân xem liệu công việc tiếp theo có phải là bước đi đúng đắn hay không. Đừng chỉ nhảy việc vì mong chức danh tốt hơn, công ty lớn hơn hoặc mức lương cao hơn. Bạn cần xem xét tất cả các yếu tố về chất lượng cuộc sống, đời sống tinh thần, vật chất… Hãy thực tế và đảm bảo rằng bạn đang tiến lên nấc thang sự nghiệp hoặc vai trò mới này khác biệt đáng kể so với vai trò cũ của bạn. Hoặc, hãy đảm bảo rằng bạn sẽ học được những kỹ năng mới và có được những trải nghiệm mới.


Huấn luyện viên nghề nghiệp Chelsea Jay nói thêm: “Tôi luôn khuyến nghị những người tìm việc trước tiên hãy quyết định xem bạn muốn gì… Tôi thấy rất nhiều người vẫn chưa tìm ra những gì còn thiếu trong quá khứ và những gì họ muốn trong tương lai”.


“Hãy dành thời gian ngồi xuống và viết ra danh sách những điều bạn cần ở một công việc để có thể hạnh phúc và duy trì được công việc đó.”


3. Nếu chưa đủ 2 năm gắn bó, mà muốn nhảy việc?


Bạn vẫn có thể cân nhắc nhảy việc, nếu:


- Nơi làm việc hiện tại không giúp bạn phát triển và phát huy tối đa khả năng.

- Không phù hợp với văn hóa công ty.

- Môi trường làm việc độc hại. 

- Có xung đột không thể giải quyết và nó ảnh hưởng lớn đến công việc cũng như đến chính bạn.

About the author

Một cô gái yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp

author

S. Reen

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!