Tại sao nạn nhân bạo lực gia đình không dám rời bỏ?

YÊU

Tại sao nạn nhân bạo lực gia đình không dám rời bỏ?

authorBy S. Reen
Share on
Share on
Tại sao nạn nhân bạo lực gia đình không dám rời bỏ?

Bạo lực gia đình xảy ra ở mọi xã hội và mọi nền văn hóa. Tại Việt Nam, con số liên quan đến bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng. Không ít lần chúng ta phải chứng kiến những vụ bạo lực gia đình tới đau lòng, và cũng không ít lần chúng ta cùng nhau đặt câu hỏi: “Sao họ không bỏ đi?” hay “Tại sao không đứng lên bảo vệ bản thân?”


Nạn nhân của bạo lực gia đình có thể thuộc mọi lứa tuổi, giới tính, chủng tộc, văn hóa, tôn giáo, trình độ học vấn, bản dạng giới, nền tảng kinh tế, việc làm hoặc tình trạng hôn nhân. Mặc dù cả nam và nữ đều có thể bị lạm dụng nhưng hầu hết nạn nhân đều là phụ nữ.


Những mối quan hệ lạm dụng tình cảm có thể hủy hoại giá trị bản thân, dẫn đến lo lắng và trầm cảm, đồng thời khiến nạn nhân cảm thấy bất lực và cô đơn. Không ai đáng phải chịu đựng loại đau đớn này


Vậy tại sao họ không rời đi? Hãy đọc tiếp để tìm hiểu lý do.


Tại sao nạn nhân bạo lực gia đình không dám rời bỏ?


Có một giải pháp chúng ta luôn nghĩ rằng đơn giản và có vẻ hiển nhiên, là nếu ai đó làm tổn thương bạn, hãy tránh xa họ. Nhưng thực tế là, mối quan hệ giữa nạn nhân và kẻ bạo hành rất phức tạp, tâm lý nạn nhân cũng thế. 


Có nhiều rào cản khác nhau đối với nạn nhân bị bạo hành khiến họ không thể rời bỏ hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ. Những rào cản này thường được tạo ra bởi những lầm tưởng và quan niệm sai lầm xung quanh vấn đề bạo lực gia đình.


Một lần nữa, tại sao họ không bỏ chạy? Dưới đây là những lý do phổ biến khiến họ không rời đi:


Bình thường hóa việc bị bạo hành


Nếu ai đó lớn lên trong một môi trường thường xuyên bị lạm dụng/ bạo hành, họ có thể không biết những mối quan hệ lành mạnh là như thế nào. Kết quả là, họ có thể không nhận ra rằng hành vi bạo hành của đối tác là không lành mạnh hoặc nguy hiểm.


Lòng tự trọng thấp


Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phụ nữ càng ở trong mối quan hệ với kẻ bạo hành (bằng lời nói hoặc cách khác) càng lâu thì lòng tự trọng của cô ấy càng trở nên thấp hơn. Và lòng tự trọng càng thấp thì khả năng mọi thứ sẽ thay đổi càng thấp. Điều này là do kẻ bạo hành đã tinh vi “thuyết phục” rằng mình đáng bị bạo hành, rằng đó là lỗi của họ hoặc không xứng đáng hay tốt hơn người đàn ông mà cô ấy đang có lúc này. Và có lẽ anh ta đã thuyết phục cô ấy rằng dù sao đi nữa cũng sẽ không có ai khác muốn cô ấy. Cô sớm nhận ra mình đồng ý với anh ta; về điều này, về mọi thứ. Cô đã cạn kiệt mọi khả năng trốn thoát từ lâu.


Hy vọng thay đổi


Một trong những lý do chính khiến phụ nữ không rời bỏ kẻ bạo hành mình là vì họ yêu kẻ đã hành hạ mình. Rất nhiều nạn nhân của bạo hành, đặc biệt là những người trẻ tuổi, họ nói rằng một trong những lý do khiến họ không rời đi là vì hy vọng có sự thay đổi. Đặc biệt là trong giai đoạn đầu của các mối quan hệ hoặc hôn nhân, nạn nhân luôn tin rằng kẻ bạo hành đang trải qua một giai đoạn khó khăn, hoặc 'đó không phải là con người thật của anh ta'. Họ cũng tự thuyết phục bản thân và những người xung quanh rằng tình yêu cùng lòng tốt của họ sẽ thay đổi được bản chất của người kia.


Phụ thuộc tài chính


Trong nhiều tình huống, kẻ bạo hành là người chịu trách nhiệm về tài chính, hoặc là người duy nhất kiếm được tiền trong gia đình. Khi nạn nhân có ít khả năng tiếp cận tài chính, ý nghĩ rời đi có thể khiến họ cảm thấy rất choáng ngợp. Mình sẽ sống tiếp như thế nào? Liệu có đủ tài chính lo cho chính mình hay con cái hay không? Bây giờ thêm vào việc bị kiểm soát và lạm dụng về tinh thần và thể chất, bạn có thể thấy điều này có vẻ giống như một trở ngại không thể vượt qua đối với nạn nhân.


Lo lắng cho con cái


Giảng viên Công tác xã hội Michaela Rogers, Đại học Sheffield (Anh) cho biết, đối với nạn nhân có con cái, các rào cản thực tế và tâm lý để chấm dứt một mối quan hệ bạo hành có thể chồng chéo lên nhau. Nạn nhân bị thiếu tự tin và không có kiến ​​thức cần thiết để quản lý tài chính và nuôi sống bản thân cũng như con cái. Họ cảm thấy tội lỗi vì đã đưa con cái ra khỏi cha mẹ, nhà cửa, vật nuôi và trường học. Họ lo lắng về việc phải rời xa gia đình và bạn bè hay thậm chí mất quyền nuôi con. Niềm tin rằng gia đình có cả cha lẫn mẹ sẽ tốt hơn cho con cái, bất chấp sự lạm dụng.


Không có nơi nào để đi


Nạn nhân thiếu kiến ​​thức hoặc không tiếp cận được sự an toàn và hỗ trợ cần thiết.


Bị cô lập


Nhiều kẻ bạo hành cô lập bạn đời hoặc thành viên gia đình một cách có hệ thống khỏi bạn bè, thành viên gia đình và đôi khi họ có thể cản trở các cơ hội việc làm. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng kẻ bạo hành sẽ thực hiện quyền kiểm soát bằng cách hạn chế khả năng tiếp cận gia đình và bạn bè, tiền bạc và phương tiện đi lại, từ đó cô lập nạn nhân và khiến họ khó kháng cự hơn.


Không được tin tưởng


Nhiều nạn nhân cho biết họ không nghĩ có ai sẽ tin câu chuyện của họ. Người thân và bạn bè của họ thích kẻ bạo hành vì họ cho rằng mình biết anh ta như thế nào nên họ sẽ không bao giờ tin vào điều đó. Trong nhiều tình huống, đặc biệt là những tình huống có địa vị cao, khi kẻ bạo hành được yêu mến và tôn trọng trong cộng đồng, khả năng mọi người tin vào nạn nhân dường như càng ít hơn. 


Bị đe dọa đến sự an toàn và tính mạng


Nạn nhân có thể phải tiếp tục duy trì mối quan hệ bởi những lời đe dọa. Chúng có thể bằng lời nói, hành động hoặc đe dọa lan truyền những bí mật của nạn nhân. Đối với những người LGBTQ+ chưa công khai, việc đe dọa công khai có thể là cơ hội để những đối tác bạo hành kiểm soát.


Nạn nhân phải luôn sống trong nỗi sợ bị trả thù. Và mức độ sợ hãi cao nhất của nạn nhân là khi việc “ra đi” đôi khi là một quyết định sống còn. Vì vậy họ thường sống và hành động chính xác theo cách mà kẻ bạo hành mong muốn.


Sợ bị phán xét


Theo nghiên cứu viên Alison Gregory tại Đại học Bristol (Anh), các khuôn mẫu xã hội dạy phụ nữ tin vào danh tính và cảm giác về giá trị bản thân của họ phụ thuộc vào việc có được và giữ được một người đàn ông. Ở một số nền văn hóa, việc ly hôn là một hành động đáng hổ thẹn và đáng trách, thậm chí họ bị đổ lỗi và khuyên nên chịu đựng để có gia đình đầy đủ. Nhiều nạn nhân lo sợ rằng khi quyết định chấm dứt một mối quan hệ lạm dụng, những trải nghiệm của họ sẽ bị người khác biết đến và họ sẽ có nguy cơ phải hứng chịu những ý kiến ​​và phán xét từ bên ngoài - kết quả là họ sẽ bị đối xử khác biệt. 


Nghiên cứu cho thấy nhiều nạn nhân đặc biệt lo ngại về việc khiến cha mẹ họ thất vọng.


Chu kỳ bạo lực trong lạm dụng gia đình


Bạo lực gia đình thường rơi vào một chu kỳ bạo lực phổ biến:


Lạm dụng/Bạo hành – Nạn nhân bị đả kích bằng hành vi hung hăng, coi thường hoặc bạo lực. Cách đối xử này là một trò chơi quyền lực được thiết kế để cho nạn nhân thấy “ai là người nắm quyền kiểm soát ở đây”.


Cảm giác tội lỗi – Kẻ bạo hành cảm thấy tội lỗi sau khi lạm dụng/bạo hành, nhưng không phải vì hành động của họ. Họ lo lắng hơn về khả năng bị tố cáo, bị bắt bắt và phải đối mặt với hậu quả do hành vi lạm dụng của mình.


Những lời bào chữa – Kẻ ngược đãi hợp lý hóa những gì họ đã làm. Người đó có thể đưa ra hàng loạt lời bào chữa hoặc đổ lỗi cho nạn nhân vì đã khiêu khích họ - bất cứ điều gì để trốn tránh trách nhiệm.


Hành vi “bình thường hóa” – Đối tác của bạn làm mọi thứ trong khả năng của họ để lấy lại quyền kiểm soát và đảm bảo rằng bạn sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ. Thủ phạm có thể xin lỗi, tặng quà, tạo ra sự cố gắng đặc biệt để tăng không khí yêu thương và bình yên trong gia đình. Và nạn nhân lại dâng lên niềm hy vọng rằng lần này kẻ bạo hành đã thực sự thay đổi.


Tưởng tượng và lập kế hoạch – Kẻ bạo hành bắt đầu tưởng tượng hoặc hình dung trong đầu về việc lặp lại hành vi bạo hành. Họ dành nhiều thời gian để suy nghĩ về những gì nạn nhân đã làm sai và cách họ sẽ khiến nạn nhân phải trả giá cho điều đó. Sau đó, họ lập một kế hoạch để biến tưởng tượng thành hiện thực.


Sắp đặt – Kẻ bạo hành đã gài bẫy bạn và thực hiện kế hoạch của họ, tạo ra tình huống mà họ có thể biện minh cho việc lạm dụng/ bạo hành.


Những lời xin lỗi và cử chỉ yêu thương của kẻ bạo hành giữa các lần bạo hành có thể khiến nạn nhân khó rời bỏ. Họ có thể khiến nạn nhân tin rằng mình là người duy nhất có thể giúp họ, rằng họ sẽ thay đổi hành vi và rằng họ thực sự yêu bạn. Hãy nhớ rằng, những kẻ bạo hành rất giỏi trong việc kiểm soát và thao túng nạn nhân. Những người bị bạo hành về mặt tinh thần hoặc thể chất thường bị trầm cảm, kiệt sức, sợ hãi, xấu hổ và bối rối. Họ cần sự giúp đỡ để thoát khỏi tình huống này, tuy nhiên họ thường bị cô lập họ với gia đình và bạn bè.


Hầu hết tất cả các trường hợp trên đều bị dính mắc vào vòng luẩn quẩn của chu kỳ bạo hành, mặc cho tính mạng bị đe dọa nhưng họ vẫn cam chịu và không đứng dậy lên tiếng cho bản thân.


Hãy lên tiếng nếu bạn nghi ngờ ai đó đang chịu bạo lực gia đình hoặc lạm dụng


Nếu bạn nghi ngờ ai đó bạn biết đang bị lạm dụng, hãy lên tiếng! Nếu bạn đang do dự, nói với bản thân rằng đó không phải việc của bạn, có thể bạn đã sai hoặc người đó có thể không muốn nói về điều đó thì hãy nhớ rằng việc bày tỏ mối quan tâm của bạn sẽ cho người đó biết rằng bạn quan tâm và thậm chí có thể cứu mạng họ.


Nói chuyện riêng với người đó và cho họ biết rằng bạn quan tâm. Chỉ ra những dấu hiệu bạn nhận thấy khiến bạn lo lắng. Nói với người đó rằng bạn luôn ở bên họ bất cứ khi nào họ cảm thấy sẵn sàng trò chuyện. Hãy trấn an họ rằng bạn sẽ giữ kín những gì đã nói. Qua phân tích câu chuyện của nạn nhân, chúng ta sẽ hiểu được khúc mắc của họ là gì, lý do vì sao họ chọn ở lại, và tìm ra được lời khuyên đúng đắn nhất cho họ.


Mặt khác, hãy cho nạn nhân thấy rằng xã hội luôn có những người tốt và sẵn sàng ở bên cạnh họ lúc khó khăn. Sau đó, hãy giúp nạn nhân vượt qua những mặc cảm, những tổn thương tâm lý mà họ phải trải qua, để họ dần dần tự nhận ra vấn đề của chính bản thân và quyết định muốn chấm dứt tình trạng này.


Hãy nhớ rằng, rời đi là một quá trình. Nhiều nạn nhân có thể rời đi và quay trở lại nhiều lần trước khi vĩnh viễn tách khỏi người bạn đời bạo hành của họ.


Và nếu bạn là nạn nhân của bạo lực gia đình


Luôn luôn ghi nhớ: Việc bị bạo hành không phải là lỗi của bạn. Bạn không cô đơn. Hành vi bạo lực/lạm dụng không bao giờ được chấp nhận, dù là từ đàn ông, phụ nữ, thiếu niên hay người lớn tuổi. Bạn xứng đáng được cảm thấy có giá trị, được tôn trọng và an toàn.


Hãy liên hệ với các cơ quan chức năng, các cơ sở bảo vệ an toàn cho nạn nhân bạo hành nếu bạn lo ngại cho sự an toàn của bản thân hoặc con cái mình.


Đừng im lặng nữa!


Theo báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam công bố, cứ 3 phụ nữ thì có khoảng 2 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần, bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong cuộc đời. 


Đồng thời, báo cáo cũng cho biết bạo lực đối với phụ nữ vẫn bị che giấu. Một nửa phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác hoặc/và tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền, chủ yếu là do sợ bị tai tiếng, kỳ thị và phiền hà.


Báo cáo nhận định, bạo lực đối với phụ nữ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho phát triển kinh tế và sức khỏe thể chất, tinh thần phụ nữ. Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gây ra cho nền kinh tế Việt Nam tương đương với 1,8% GDP.

About the author

Một cô gái yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp

author

S. Reen

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!