16 – 30/07/2022
The Muse Artspace
47 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Thông tin từ ban tổ chức:
Hội họa dùng ngôn ngữ tạo hình để thể hiện ý đồ nghệ thuật của người họa sỹ. Tuy vậy, không phải mỗi tác phẩm hội họa đều diễn tả một câu chuyện. Nhiều khi đó chỉ là một khoảnh khắc/ một trạng thái. Điều đặc biệt trong tranh lụa của Tống Ngọc phải kể đến những nội dung lạ trong tác phẩm, phản ánh những tưởng tượng phong phú mà không phải người họa sĩ nào cũng có được.
Không gian trong tranh Tống Ngọc thường mang tính kỳ ảo, đồng hiện và ước lệ, phản ánh sự lãng mạn hóa đời sống con người trong các tác phẩm của chị. Có khi không gian trong tranh chỉ gợi tả thiên nhiên, có khi được chia nhỏ phức tạp, mang tính trang trí đến từng chi tiết rất nhỏ khiến tranh Ngọc đa dạng và khó đoán định.
Tống Ngọc không tập trung vào diễn tả ánh sáng, khối của hình. Màu sắc trong tranh lụa của chị cũng khác biệt, các tác phẩm thường hiện lên với tone màu nhẹ như lớp phấn phủ trong một không gian mờ ảo. Thứ được chú ý ở đây là các nhân vật của chị luôn được đặt trong một trạng thái rất động. Đặc biệt trong chủ đề trẻ thơ và thiên nhiên, tranh của chị trong trẻo, hồn nhiên, bắt từng khoảnh khắc và hóa thân vào trẻ nhỏ. Đó cũng chính là điều họa sĩ chia sẻ: “Trẻ con theo bản năng chúng tự thấy mình ở trong thiên nhiên và là của thiên nhiên chứ không giống người lớn, phải làm chủ mọi vấn đề, làm chủ thiên nhiên”. Một khát khao của chị là vẽ để “cảm nhận cuộc sống này như bản năng vốn có của trẻ thơ”.
Ở độ tuổi của người phụ nữ đã trưởng thành, không khó hiểu khi những chủ đề trong tranh của Tống Ngọc hướng đến gia đình, trẻ em, phụ nữ, thiên nhiên và sự tự do. Tranh của chị giàu tình cảm, nhẹ nhàng nhưng cũng có điều gì đó trăn trở, khát khao cháy bỏng. Dang dở, kỳ bí, lôi cuốn, khát khao – có thể dùng những từ này để diễn tả cảm xúc về series tranh này của Tống Ngọc? Mỗi tác phẩm là một trạng thái cảm xúc quý giá mà chị đang có được trên hành trình nghệ thuật.
Cập nhật thêm thông tin tại đây.
About the author
Chi