Sự nghiệp & Tài chính
Tìm lại hứng khởi sau kỳ nghỉ Tết
Cùng chia sẻ quan điểm với chị Đào Chi Anh - Founder của Her.vn. Biết đâu, bạn sẽ thay đổi suy nghĩ về câu chuyện thất nghiệp.
Trong cuộc sống đi làm, chúng ta thường dành nhiều sự chú ý đến những tin về ai đó vừa được nhận vào làm và coi đó là một tin vui, một thành tựu. Tuy nhiên, khi biết ai đó vừa nghỉ việc, phản ứng đầu tiên của chúng ta sẽ là: “Oh, chuyện gì đã xảy ra? Vì sao họ nghỉ việc? Có phải vì họ bị sa thải? Hay chế độ không tốt?”.
Và câu hỏi nối tiếp ngay sau đó sẽ luôn là “Công việc sau đây là gì?”. Nếu bạn không có câu trả lời thì sẽ ngay lập tức nhận được một ánh mắt thương tình hoặc lo ngại vì bạn đã chính thức “thất nghiệp”. Chính những suy nghĩ thế này trong xã hội, đã khiến chúng ta có một định kiến xấu về việc nghỉ việc, dẫn đến “nỗi sợ nghỉ việc và thất nghiệp” mà nhiều người trong chúng ta có. Nhưng chính nỗi sợ đó là dây xích giữ chân chúng ta ở một nơi khi nhẽ ra chúng ta có thể tỏa sáng và hạnh phúc hơn nhiều ở một nơi khác phù hợp hơn. Tất cả những câu chuyện thành công, những người mà ngày hôm nay coi công việc của mình là nguồn cảm hứng vô tận và giấc mơ thành hiện thực, đều đã từng phải nghỉ việc hay thất nghiệp để đến được nơi họ cần đến.
Hãy thử nghĩ xem, những người thành công nổi tiếng mà chúng ta biết đến ngày nay, những người chủ doanh nghiệp hay nghệ sĩ nổi tiếng, nếu như không có ngày họ đã nghỉ công việc cũ của mình, để thử sức mình ở một lĩnh vực hoàn toàn mới hay theo đuổi đam mê của mình, thì làm sao có được ngày hôm nay? Và để khám phá được ra con đường của mình, họ đã phải trải qua không ít ngày thất nghiệp và khó khăn, nghèo khó.
Chính tôi cũng vậy. Tôi đã có một công việc làm thuê ổn định, thu nhập tốt, đồng nghiệp tuyệt vời, nhưng đâu đó trong tôi vẫn cảm thấy trống trải, khiến tôi cứ cảm thấy muốn thôi thúc tìm cái gì đó khác cho riêng mình. Tôi đã nghỉ việc và “thất nghiệp” 6 tháng trước khi tôi bắt đầu có thể tự trả mình một đồng lương khiêm tốn, chỉ vừa đủ sống từ doanh nghiệp đầu tiên của tôi (kitchenart.vn). Và có lẽ việc tôi đã cho phép mình “thất nghiệp” trong lúc tìm con đường tiếp theo của mình là việc tốt nhất tôi đã làm cho sự nghiệp của tôi.
Lý do tôi muốn viết bài này ngày hôm nay, vì xung quanh tôi có quá nhiều người đang bất hạnh trong công việc của họ, nhưng không đủ can đảm để dừng chân, để cho mình một cơ hội mới ở một con đường khác, chỉ vì họ quá sợ phải bước vào một thế giới đầy ẩn số mà ai cũng né tránh - thế giới của những người thất nghiệp, của những người không có thu nhập. Năm vừa rồi khi COVID-19 khiến cho nhiều người mất việc, tâm lý chúng ta càng trở nên sợ thất nghiệp hơn và dù đang chán việc đến đâu, chúng ta cũng tự nhủ là “thế này vẫn còn hơn phải mất việc.” Tuy nhiên, bạn có biết, năm vừa rồi cũng đã sản sinh một “làn sóng khởi nghiệp” mới từ những người đã bị mất việc vì COVID? Có rất nhiều người cũng đã tạo nên sản phẩm và dịch vụ vô cùng sáng tạo của chính họ ngay trên Instagram hoặc Facebook trong những ngày thất nghiệp đó, và giờ chính những thứ đó lại nuôi sống được họ trong những tháng ngày bất ổn tiếp theo. Một ví dụ rất hay: thương hiệu Quick Wit (shopquickwit.com), là đứa con tinh thần của một cô gái làm Marketing “bị’ mất việc trong những ngày COVID ở Canada và giờ đây cô thiết kế những “gói quà yêu thương” để phụ nữ có thể gửi cho chính mình hoặc cho nhau. Trang Instagram của cô đã được kênh GIRLBOSS chia sẻ lại và giờ vô số khách đặt hàng hộp quà từ cô mỗi ngày, giúp cô tạo nên một cuộc sống độc lập trong mơ của mình khi mình được làm chủ chính mình!
Ai cũng biết, một ngày 8 tiếng đi làm mà không thấy vui, không thấy hào hứng, thì là một sự tra tấn làm cạn kiệt dần năng lượng chúng ta, chưa nói đến tác hại tâm lý và sức khỏe từ một lượng stress thường trực ở phía đằng sau suy nghĩ của mình vì mình đang phải làm những thứ mình không thích hoặc không muốn. Đó là một thứ có thể gặm nhấm dần sức sống trong chúng ta, khiến mình mất dần thứ ánh sáng trong đôi mắt của một người có tình yêu cho cuộc sống. Bạn thử nhìn quanh mình, xem có bao nhiêu người vẫn còn ngọn lửa đó trong mắt họ?
Nhiều người trong chúng ta giờ coi điều mình chán nản công việc là một hiện tượng “tất yếu” mà ai cũng phải chịu đựng, và nghĩ rằng nó vẫn là thứ mình có thể chịu đựng được so với việc phải thất nghiệp. Đây là một điều vô cùng sai lầm, mặc dù nhiều người sếp sẽ muốn bạn tin là vậy để có thể giữ chân bạn lâu hơn. Nhưng thực tế là thế giới “bên kia”, dù nó là bí ẩn, vẫn có thể đẹp hơn nhiều, sáng sủa hơn nhiều, nếu bạn thực sự tin vào sự tồn tại của nó và cho phép mình tiến tới nó.
Chúng ta hãy khám phá vì sao chúng ta sợ phải “nghỉ việc” đến thế. Tôi có một người bạn gái thân, đã mất 8 năm trong một công việc mà cô ta vô cùng chán ghét, mặc dù cô đã thăng tiến khá cao trong công ty đó. Nhưng trong suốt 8 năm, cô chỉ phàn nàn về công việc, về đồng nghiệp, về người sếp của mình thật quá đáng... nhưng không đủ can đảm từ bỏ nó. Đơn giản vì cô nghĩ sẽ không có chỗ nào khác trả mình lương cao như vậy. Cô tự nhủ rằng khi nào có một đâu đó mời cô về làm với mức lương cao hơn tối thiểu 20%, thì mới đáng để cô bỏ việc. Và cô đã mất 8 năm để cho cơ hội đó đến, trong khi thời gian đó cô đã có thể tiến xa hơn rất nhiều với vô số cơ hội khác. Tiêu chuẩn thu nhập chính là một cái bẫy rất nguy hiểm có thể khiến bạn giậm chân tại chỗ. Vì như vậy, chúng ta đang đánh đổi hạnh phúc và tài năng của mình với một số tiền nhất định. Cho dù con số này có lớn đến mấy, thì nó cũng không thể sánh ngang được việc bạn được chìm đắm trong niềm vui và tình yêu với công việc của mình mỗi ngày. Nhưng tại sao đa số con người không nghĩ được như thế? Bởi họ đã đặt quá nhiều giá trị vào tầm quan trọng của một “mức lương”, một lối sống, một vị trí trong xã hội họ đã có được nhờ mức thu nhập đó. Hay nói cách khác, họ đã đặt quá nhiều giá trị vào “sự ổn định” và “sự an toàn”. Tuy nhiên, một cuộc sống thực sự hạnh phúc và có nhiều cơ hội để thành công, phải là một cuộc sống cân bằng giữa hai thái cực là sự an toàn, ổn định và sự bất ổn, rủi ro. Ở lâu quá tại một thái cực nào cũng không tốt, nhưng mỗi giai đoạn trong cuộc sống, chúng ta đều nên tiến gần đến một thái cực nào đó hơn. Nếu bạn đã ở một công việc khá lâu và trải nghiệm sự ổn định và an toàn một thời gian dài, có lẽ giờ là lúc bạn có thể tiến gần tới phía bên kia để cảm nhận sự sống mãnh liệt trong sự “rủi ro” tiềm ẩn của việc từ bỏ cái cũ để thử cái mới, để bước vào một thế giới mình chưa biết nhưng hàm chứa rất nhiều khả năng mới.
Với kinh nghiệm cá nhân, tôi có thể nói một cách chắc chắn rằng, một khi bạn trải qua một thời gian không có thu nhập, vị trí, hay chức trách gì cả (đương nhiên cần có một khoản tiền tiết kiệm nhất định để nuôi mình qua thời gian đó), thì bạn sẽ thực sự tự do và không còn nỗi sợ mất mát hay phải cố giữ một quan điểm là mình phải kiếm bao nhiêu tiền mới hạnh phúc. Sự tự do đấy sẽ cho phép bạn đến được nhiều nơi bạn chưa từng dám mơ là mình có thể đến. Vì vậy, nếu bạn chưa bao giờ “thất nghiệp”, thì đây chính ra lại là một món quà tốt nhất bạn có thể tặng cho mình để được khám phá chính mình, để hái quả mới, để có cơ hội tiến tới làm con người tốt nhất mà bạn đã được sinh ra để làm, với tất cả tiềm năng, tài năng và cá tính mà bạn có thể đem lại cho thế giới này.
Hẹn gặp bạn ở “phía bên kia đường”!
Dao Chi Anh
Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội
Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882
Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn
Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.