Vera Wang: “Tôi đã trưởng thành từ những thử thách”

SỰ NGHIỆP & TÀI CHÍNH

Vera Wang: “Tôi đã trưởng thành từ những thử thách”

authorBy S. Reen
Share on
Share on
Vera Wang: “Tôi đã trưởng thành từ những thử thách”

Sau nhiều năm làm biên tập viên tại tạp chí Vogue và nhà thiết kế phụ kiện cho Ralph Lauren, Vera Wang đã mở một cửa hàng áo cưới ở New York và ra mắt dòng váy cưới của riêng mình ở tuổi 40. Ba thập kỷ sau, thương hiệu mang tên bà hiện là một doanh nghiệp toàn cầu bao gồm thời trang, làm đẹp, trang sức và đồ gia dụng. Dù khởi đầu thuận lợi, đó không phải là hành trình dễ dàng với Vera Wang.


Khởi đầu thuận lợi


Vera Wang, tên đầy đủ là Vera Ellen Wang, sinh năm 1949 tại New York, Mỹ. 


Cha mẹ của Vera Wang di cư đến Hoa Kỳ từ Trung Quốc vào những năm 1940. Cha bà đứng đầu một công ty dược phẩm thành công và mẹ là phiên dịch viên của Liên Hợp Quốc. Mặc dù có cha là người đứng đầu một công ty trị giá hàng triệu đô la, nhưng gia đình họ không quá nuông chiều con cái. Cha mẹ của Wang đã luôn dạy dỗ con cái thấm nhuần những mục tiêu và giá trị cơ bản, họ khuyến khích con theo đuổi học tập và thể thao, đồng thời rèn luyện tính chính trực.


Mẹ của Vera Wang là một người phụ nữ xinh đẹp với gu thẩm mỹ tuyệt vời. Bà dạy con gái mình về phong cách và đưa con tới các buổi trình diễn thời trang ở Paris. Có lẽ vì thế, Vera yêu thích thời trang từ nhỏ.


Thử thách đầu tiên 


Sau khi nhận được một đôi giày trượt băng vào một dịp Giáng sinh, Vera Wang bắt đầu học trượt băng khi 8 tuổi. Và đã giành chức vô địch khu vực đầu tiên ở tuổi 12. Cô học trò nhỏ khi ấy thường có mặt trên băng lúc 6 giờ sáng để luyện tập trước khi đến trường. Vera Wang liên tục gặt hái thành công và tưởng chừng cuộc đời sẽ gắn bó với môn thể thao này.


Nhưng vất chấp niềm đam mê, sự cống hiến, chăm chỉ và tài năng, cuộc đời Vera đã rẽ sang một hướng khác. Bước ngoặt đến vào năm 19 tuổi, khi bà và đối tác của mình thi đấu trong nội dung đôi trẻ tại Giải vô địch quốc gia Hoa Kỳ không xếp thứ hạng cao. Họ không đủ điều kiện tham dự Thế vận hội Olympic. “Tôi sẽ không tham gia đội Olympic và có những vận động viên trượt băng trẻ tuổi hơn đang lên. Vì vậy, tôi bỏ cuộc”.


Bình luận về khoảng thời gian đó trong cuộc đời mình, Vera chia sẻ: “Đối với tôi, việc bỏ cuộc là một dấu hiệu cho thấy tôi đã thất bại. Tôi không biết liệu mình có bao giờ có thể tìm thấy thứ gì khác trong đời mình có ý nghĩa nhiều như vậy hay không. Tôi đã không biết đến một cuộc sống nào khác cho tới lúc đó. Không có thực tế nào khác cho tôi”. 


vera-wang-toi-da-truong-thanh-tu-nhung-thu-thach-1.jpg

Ảnh: Vera Wang


Nhưng sau đó, bà cũng cũng rút ra được bài học rằng, “để phục hồi từ đó, cần rất nhiều thứ khác nhau. Nó cần có thời gian. Cần phải chấp nhận rằng bạn phải tiếp tục. Và cần cởi mở với những trải nghiệm mới.”


Sự cởi mở trong tâm trí đã giúp Vera Wang khám phá ra điều tiếp theo, và cũng chính là con đường đưa bà đến thành công lớn nhất của mình sau này. Tất nhiên, bà không biết điều ấy vào thời điểm đó. 


Khi đang theo học chuyên ngành lịch sử nghệ thuật tại trường nghệ thuật Sarah Lawrence, Vera đã chọn dành một học kỳ ở Paris và nhận thấy mình bị thu hút bởi thời trang.


Tạp chí Vogue danh tiếng và thất bại thứ hai 


Sau khi tốt nghiệp và lấy bằng lịch sử nghệ thuật vào năm 1971, Vera Wang bắt đầu làm việc tại tạp chí Vogue, với vị trí trợ lý cho giám đốc thời trang. Bà đã tận dụng cơ hội để nghiên cứu và học hỏi tất cả những gì có thể về ngành công nghiệp thời trang. Sự chăm chỉ nhanh chóng được đền đáp, Vera Wang được bổ nhiệm làm biên tập viên thời trang tại Vogue ở tuổi 23. Là một trong những biên tập viên trẻ nhất từng làm việc cho tạp chí Vogue, Vera đã tạo ra chỗ đứng vững chắc trong hơn 15 năm cống hiến. Có vẻ như sự nghiệp của bà đã sẵn sàng cất cánh. 


Cho đến năm 1987, khi việc thăng chức tổng biên tập đang được cân nhắc, tưởng chừng Vera sẽ là sự lựa chọn hiển nhiên cho vị trí đó. Tuy nhiên, nỗi đau trong sự nghiệp lại ập đến lần thứ 2 - bà đã bị từ chối. Một lần nữa bà thấy mình phải đưa ra quyết định nghỉ việc khó khăn và đau đớn. 


vera-wang-toi-da-truong-thanh-tu-nhung-thu-thach-2.jpg

Ảnh: Vera Wang


“Sau 17 năm làm việc tại Vogue, tôi nhận ra rằng những gì tôi đang làm ở đó sẽ không bao giờ thay đổi. Sự nghiệp của tôi sẽ không tiến xa hơn ở đó. Tôi không xếp hàng để nhận được công việc tổng biên tập. Và tôi đã ở một điểm mà tôi cảm thấy phải có nhiều hơn nữa. Vì vậy, tôi đã rời đi. Dù thực sự tôi hơi nản lòng - tôi không thể nói dối”.


Hai sự kiện này có ảnh hưởng rất lớn đến cách nhìn của Vera Wang về cuộc sống.


Tuổi 40 và đế chế váy cưới nổi tiếng toàn cầu


Vera Wang cuối cùng đã rời Vogue vào năm 1987 để làm nhà thiết kế phụ kiện tại nhãn hiệu thời trang Ralph Lauren. 


Cuộc sống cứ thế cho đến năm tròn 39 tuổi, Vera Wang quyết định tiến tới hôn nhân. Bà bắt đầu lên kế hoạch cho đám cưới của mình. Nhưng dù cố gắng tìm kiếm chiếc váy cưới đặc biệt cho riêng mình đến đâu cũng chỉ thấy "mọi thứ đều giống nhau". Bà quyết định tự thiết kế trang phục trong mơ của mình và nhờ một người thợ may giỏi để hoàn thành. Chính lúc này, cha của Vera Wang đã nhìn ra tia sáng, "có lẽ có một cơ hội kinh doanh nghiêm túc ở đây". Ông khuyến khích con gái rời bỏ Ralph và thành lập công ty riêng.


vera-wang-toi-da-truong-thanh-tu-nhung-thu-thach-4.jpg

Ảnh: Vera Wang


Trong bài phỏng vấn với Harvard Business Review, Vera Wang đã nói về lý do tại sao lại quyết định trở thành một nhà thiết kế thời trang ở tuổi 40. “Có lẽ tôi muốn bắt đầu ở tuổi 20 hoặc 30 hơn, nhưng tôi không nghĩ rằng mình đã được trang bị đầy đủ để biết cần phải làm gì trong kinh doanh. Ngay cả ở tuổi 40, tôi vẫn không hoàn toàn chắc chắn mình nên làm điều đó. Đó không phải là thời đại dành cho các công ty khởi nghiệp. Tôi luôn cảm thấy mình nên học hỏi và kiếm tiền. Và cha tôi là lý do tôi làm điều đó. DNA trong cơ thể tôi luôn thôi thúc phải tìm ra thứ gì đó mà tôi cảm thấy đam mê, để tạo ra sự khác biệt và để làm việc, vì vậy đó là những gì tôi đã bắt tay thực hiện”.


Năm sau, Vera nghỉ việc tại Ralph Lauren và mở một cửa hàng váy cưới cao cấp, Vera Wang Bridal House, tại New York. Lúc đầu, cửa hàng chỉ bán váy của các nhà thiết kế khác. Bà chỉ thử đặt 1 chiếc váy của mình để xem nó có bán được không. Và sau đó là 2. Và rồi 3. Và sau đó là năm. Và cuối cùng cả cửa hàng chỉ trưng bày và bán các thiết kế của Vera Wang.


Trong khi các cô dâu yêu thích váy của Vera Wang thì báo chí thời trang lúc bấy giờ lại không mấy “tử tế”. Theo ghi nhận của A & E Biography, báo chí coi bà như một người trong ngành thời trang đang được đối xử đặc biệt chứ không phải tài năng nổi bật. Những người khác đặt câu hỏi về sự hỗ trợ tài chính của gia đình đối với công việc kinh doanh. Vera Wang vặn lại, "Không có gì thay thế được sự chăm chỉ."


Vera Wang đã thu hút được nhiều khách hàng hơn vào năm 1992 và 1994, khi vận động viên trượt băng nghệ thuật Nancy Kerrigan mặc các thiết kế của cô tại Thế vận hội mùa đông. Chẳng mấy chốc, những người nổi tiếng đã chọn váy của bà để xuất hiện tại các sự kiện. Vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, các thiết kế của Vera Wang cũng xuất hiện trên các chương trình truyền hình như Ugly Betty, Sex and the City, và Buffy the Vampire Slayer…


Hai mươi năm sau ngày khai trương cửa hàng áo cưới đầu tiên, Vera Wang được trao giải “Người tiên phong trong nghệ thuật” của Hiệp hội Harvard-Radcliffe Asian American. Cho đến nay, Vera Wang là một trong những thương hiệu thời trang nổi tiếng nhất thế giới.


vera-wang-toi-da-truong-thanh-tu-nhung-thu-thach-5.jpg

Ảnh: Vera Wang


Lời khuyên dành cho những người trẻ


Vera Wang cho rằng thật tuyệt vời khi có đam mê và có ước mơ riêng. Nhưng để thành công, hãy bắt đầu bằng cách làm việc cho ai đó mà bạn tôn trọng (hoặc thậm chí là bất kỳ ai) để được trả lương và để học hỏi. 


Bà cũng lưu ý rằng, hãy luôn khiêm tốn, hãy tôn trọng và biết ơn vì bạn có công việc, hãy chú tâm vào công việc của mình và hơn hết là luôn sẵn sàng. “Bạn muốn nói chuyện với tôi về việc bán lẻ vào chiều thứ Bảy khi tôi đi cùng bạn bè và gia đình? Tôi sẵn sàng, bởi tôi biết ơn vì bạn đang hỏi ý kiến của tôi và rằng tôi đang có thể học hỏi từ những người thông minh, thành đạt. Tôi là loại nhân viên đó. Tôi quan tâm đến công việc của mình. Tôi cảm thấy vinh dự khi được ở đó. Mục tiêu của tôi là chứng minh với các nhà tuyển dụng rằng tôi là người giỏi nhất có thể” - theo Harvard Business Review.


 “Tôi đã trưởng thành từ những thử thách và tôi không ngừng học hỏi. Ngày tôi ngừng học hỏi có lẽ là ngày tôi sẽ dừng lại”. Có lẽ học cách thất bại cũng có thể là bí quyết thành công của Vera Wang.


Câu chuyện của Vera là bài học truyền cảm hứng về cách phản ứng của chúng ta với những thử thách và thất bại. Không tránh khỏi cảm giác mất mát sâu sắc, buồn đau khi giấc mơ trượt băng bị chấm dứt hoặc khi những nỗ lực bị coi thường tại tạp chí Vogue. Nhưng dù đau đớn đến đâu, mỗi lần phải đối mặt với thất bại dường như lại tiếp thêm sức mạnh để Vera Wang từng bước trở thành đế chế thời trang nổi tiếng toàn cầu.


Chỉ cần bạn sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới, can đảm dấn thân vào điều gì đó mới mẻ và luôn tin rằng bạn có khả năng giải quyết những vấn đề gặp phải trong cuộc sống có thể giúp đưa tất cả chúng ta đến con đường thành công. 


Bài viết tham khảo các nguồn Biography.com, The Cut…

About the author

Một cô gái yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp

author

S. Reen

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!