Việc tự khám vú hàng tháng sẽ giúp bạn duy trì sức khỏe và phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh ung thư vú. Bạn có thể kết hợp các bước khám vú vào thói quen thường ngày của mình, chẳng hạn như khi bạn chuẩn bị đi ngủ hoặc đi tắm.
Mặc dù không thể thay thế hoàn toàn các phương pháp thăm khám, chẩn đoán y tế nhưng với mỗi lần tự kiểm tra vú, bạn sẽ thấy quen thuộc và hiểu cơ thể mình hơn. Khi bạn biết điều gì là bình thường đối với mình, bạn sẽ nhận thức rõ hơn khi/nếu có thay đổi xảy ra.
Nên tự khám vú vào thời điểm nào?
Các tổ chức và chuyên gia y tế khuyên bạn nên tự kiểm tra vú hàng tháng.
Những người vẫn đang có kinh nguyệt (có kinh đều đặn) nên tự khám vú sau khi hết kinh (khoảng 1 tuần sau khi sạch kinh). Lúc này, ngực bạn không bị sưng, đau, nên dễ dàng sờ và phát hiện các thay đổi bất thường.
Những người đã đến tuổi mãn kinh và những người có chu kỳ kinh nguyệt không đều có thể kiểm tra bất kỳ ngày nào của tháng, nhưng tốt nhất nên chọn vào 1 ngày cố định mỗi tháng. Chọn một ngày nhất quán và dễ nhớ, như ngày đầu tiên của tháng, ngày cuối cùng của tháng hoặc con số yêu thích của bạn. Viết nhật ký hoặc ghi chú vào điện thoại thông minh về những gì bạn nhìn thấy và cảm nhận.
Hướng dẫn 3 bước tự kiểm tra vú tại nhà
Khi tự kiểm tra vú, bạn cần chú ý đến các vùng:
• Bộ ngực
• Vùng nách
• Vùng xung quanh ngực từ phần trên của bụng đến tận xương đòn
Kiểm tra trực quan
Đầu tiên, hãy cởi bỏ hết các lớp áo. Đứng trước gương, đứng thẳng, hạ cánh tay xuống, quan sát xem có sự thay đổi bất thường về:
• Hình dạng hoặc kích thước ngực
• Màu da và kết cấu bộ ngực
• Màu sắc, kết cấu và hình dạng núm vú
• Kích thước hoặc số lượng tĩnh mạch dưới da
Sau đó bạn đứng khom người và kiểm tra các bước tương tự để quan sát hình thái của vú ở 2 trạng thái, khi thả lỏng và khi căng các cơ ngực.
Tiếp theo, giơ hai tay lên cao qua đầu và quan sát tương tự.
Cuối cùng, bạn đặt tay lên hông và căng cơ ngực, quan sát một lần nữa. Và hãy chắc chắn bạn đã quan sát kỹ cả hai bên ngực.
Kiểm tra ở tư thế đứng
• Dùng tay phải khám ngực trái.
• Dùng ba ngón tay giữa ấn vào từng phần của một bên vú bằng chuyển động tròn, chuyển động lên xuống và chuyển động từ bên ngoài vú đến núm vú và ngược lại.
• Sử dụng áp lực nhẹ, sau đó tăng dần.
• Cảm nhận xem có cục u, vết dày hoặc những thay đổi khác không.
• Hãy nhớ kiểm tra bên dưới quầng vú (khu vực xung quanh núm vú). Và sau đó bóp núm vú để kiểm tra xem có thay đổi bất thường không, có dịch/máu tiết ra không.
• Lặp lại cho toàn bộ vùng ngực ở cả hai bên.
Luôn nhớ trình tự khám này và áp dụng thống nhất mỗi lần thực hiện để chắc chắn rằng bạn đã sờ nắn toàn bộ nhu mô vú.
Trong quá trình kiểm tra, hãy lưu ý về áp lực lên các mô của vú, từ các mô ở phía trước cho đến mô sâu hơn ở ngực. Theo đó, đối với da và mô ngay bên dưới da, sử dụng áp lực nhẹ; kế tiếp, sử dụng áp lực trung bình cho mô ở giữa ngực và sử dụng áp lực lớn hơn cho các mô ở sâu. Dấu hiệu báo cho bạn biết đã sờ nắn đến mô sâu là bạn sẽ có thể cảm thấy các xương lồng ngực của mình.
Kiểm tra ở tư thế nằm
Tư thế nằm giúp các mô vú trải đều dọc theo thành ngực. Ở vị trí này, chúng ta có thể kiểm tra toàn bộ cả hai vú và vùng ngực rộng hơn.
Để kiểm tra vú khi nằm, hãy làm theo các bước sau:
• Để kiểm tra phía bên phải, đặt một chiếc gối dưới vai phải và đặt cánh tay phải của bạn phía sau đầu.
• Dùng tay trái áp dụng kỹ thuật tương tự như khi kiểm tra tư thế đứng, dùng đầu ngón tay giữa ấn vào tất cả các phần của mô vú và dưới nách.
• Lặp lại với áp lực nhẹ, trung bình và mạnh.
• Hãy nhớ kiểm tra bên dưới quầng vú của bạn và sau đó bóp núm vú để kiểm tra xem có dịch tiết ra không.
• Lặp lại tất cả các bước này cho ngực trái.
Những điều cần chú ý
Không phải tất cả các khối u ở vú đều là ung thư vú và không phải mọi trường hợp ung thư vú đều liên quan đến khối u. Kết cấu và hình dáng bình thường của ngực có thể khác nhau tùy theo từng cá nhân. Nhiều phụ nữ có những thay đổi ở ngực vì một số trong số đó là những thay đổi bình thường xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau trong chu kỳ kinh nguyệt. Hình dáng và cảm nhận về bộ ngực của bạn sẽ thay đổi theo tuổi tác. Vì vậy đừng quá căng thẳng nếu bạn thấy một vài thay đổi nhỏ.
Tuy nhiên, cũng nên lưu ý là, một số người bị ung thư vú không có triệu chứng và ngược lại, trong một số trường hợp, những thay đổi có thể bắt đầu xảy ra ngay từ giai đoạn đầu. Vì những lý do này, mọi người nên tham gia khám sàng lọc thường xuyên như khuyến cáo và nói chuyện với bác sĩ nếu có bất kỳ lo ngại nào.
Hãy liên hệ ngay với bác sĩ khi có những thay đổi bất thường như:
• Có khối u, cục cứng ở vùng ngực hoặc nách
• Kích thước và hình dạng vú thay đổi bất thường
• Thay đổi kết cấu da, màu da
• Vùng da ngực lõm hoặc nhăn nheo
• Ngứa, lở loét hoặc phát ban
• Cảm giác đau ở bất kỳ phần nào của ngực
• Tiết dịch bất thường ở núm vú
• Thay đổi ở núm vú (như đột nhiên bị tụt vào trong)
Cần nhớ rằng việc tự khám vú không thay thế được phương pháp thăm khám, chẩn đoán hay chụp quang tuyến vú từ nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
About the author
S. Reen