Máu kinh nguyệt không phải lúc nào cũng có màu đỏ

SỐNG KHỎE

Máu kinh nguyệt không phải lúc nào cũng có màu đỏ

authorBy S. Reen
Share on
Share on
Máu kinh nguyệt không phải lúc nào cũng có màu đỏ

Màu đỏ tươi không phải là màu duy nhất, bạn có thể nhận thấy máu đỏ sẫm hoặc hồng ở những thời điểm khác nhau trong kỳ kinh nguyệt. Màu máu kinh nguyệt thậm chí có thể là đen, cam, xanh lá cây, xám hoặc nâu vì nhiều lý do khác nhau.


Màu máu kinh nguyệt của bạn có thể không giống với người khác. Và thậm chí màu máu kinh nguyệt của chính bạn có thể thay đổi từ ngày này sang ngày khác hoặc từ thời kỳ này sang thời kỳ khác.


Màu cũng như độ đặc khác nhau của máu kinh nguyệt có thể chỉ ra các tình trạng sức khỏe khác nhau. Hầu hết không phải là nguyên nhân đáng lo ngại, nhưng đôi khi, chúng có thể là dấu hiệu cần phải đến gặp chuyên gia chăm sóc sức khỏe.


Màu máu kinh nguyệt


Những thay đổi về nội tiết tố, cũng như chế độ ăn uống, lối sống, tuổi tác và môi trường của một người đều có thể gây ra những thay đổi trong máu kinh nguyệt.


Đỏ tươi


Theo Cleveland Clinic, khi tử cung của bạn tích cực co bóp, lớp niêm mạc bong ra và máu chảy qua hệ thống sinh dục nhanh chóng. Vì máu không có thời gian để oxy hóa nên nó vẫn có màu đỏ tươi. Đây là màu sắc thường thấy nhất trong kỳ kinh và dấu hiệu này cho biết sức khỏe của bạn đang ổn định. Tuy nhiên nếu máu thường có màu đỏ sẫm hay cam mà đột ngột chuyển sang đỏ tươi trong vòng 2 – 3 tháng, đó lại là dấu hiệu bất thường và bạn cần đi khám ngay.


Màu hồng


Máu màu hồng thường xuất hiện khi bắt đầu có kinh. Ở giai đoạn này, máu đỏ tươi có thể trộn lẫn với dịch tiết âm đạo khiến màu nhạt dần và có màu hồng. Dịch tiết âm đạo là hỗn hợp chất lỏng và tế bào do âm đạo tiết ra để giữ cho các mô âm đạo khỏe mạnh, ẩm ướt và không bị nhiễm trùng hoặc kích ứng. Nếu kinh nguyệt ra ít, máu cũng có thể có màu hồng.


Đôi khi máu kinh màu hồng là dấu hiệu của nồng độ estrogen trong cơ thể thấp. Estrogen giúp ổn định niêm mạc tử cung. Tiền mãn kinh, mãn kinh và sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố có thể làm giảm nồng độ estrogen trong cơ thể, dẫn đến lượng máu kinh ra ít hơn và có màu hồng nhạt.


Máu kinh nguyệt màu đen


Máu đen có thể xuất hiện vào đầu hoặc cuối kỳ kinh nguyệt. Màu này thường là dấu hiệu của máu cũ, bị oxy hóa, có thể do còn sót lại trong tử cung quá lâu (từ kỳ kinh trước).


Tuy nhiên, khi máu kinh màu đen kéo dài suốt chu kỳ, kèm theo mùi hôi khó chịu, tiểu khó, ngứa hoặc sưng trong/xung quanh âm đạo thì đây là hiện tượng bất thường. Một số nguyên nhân khác dẫn đến kinh nguyệt màu đen như vấn đề tắc nghẽn bên trong âm đạo, nhiễm trùng âm đạo...


Nâu hoặc đỏ sẫm


Giống như máu đen, màu nâu hoặc đỏ sẫm là dấu hiệu của máu cũ và có thể xuất hiện vào đầu hoặc cuối kỳ kinh. Máu màu nâu hoặc đỏ sẫm không bị oxy hóa lâu như máu đen, có thể có nhiều sắc thái khác nhau và thường không phải là nguyên nhân đáng lo ngại.


Màu cam


Máu trộn với dịch cổ tử cung cũng có thể có màu cam.


Máu hoặc khí hư màu cam đi cùng ngứa âm đạo, khó chịu và tiết dịch có mùi hôi thường chỉ ra tình trạng nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm âm đạo do vi khuẩn hoặc nhiễm trichomonas.


Mặc dù máu hoặc dịch tiết màu da cam không phải lúc nào cũng do nhiễm trùng, nhưng tốt nhất là bạn nên đến gặp bác sĩ để xét nghiệm và chẩn đoán.


Màu xám đỏ lẫn lộn


Nếu xuất hiện kinh nguyệt có màu hỗn hợp này có thể là do dấu hiệu đang mang thai, hoặc có thai mà ra máu bất thường với màu sắc như trên là dấu hiệu nguy cơ bị sảy thai sớm. 


Ngoài ra, máu kinh màu xám và đỏ cũng là tín hiệu cho thấy bạn bị nhiễm trùng âm đạo. Các triệu chứng khác bao gồm bao gồm ngứa trong và xung quanh âm đạo, âm đạo có mùi hôi và thường được mô tả là “tanh”, đi tiểu nóng rát hoặc gây đau..


Trong như nước 


Kinh nguyệt hầu như không có màu như màu đỏ thông thường, thậm chí trong như nước là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị thiếu hụt dinh dưỡng.


Nghiêm trọng hơn có thể là biểu hiện của ung thư ống dẫn trứng. Tuy nhiên cũng không nên quá lo lắng bởi bệnh ung thư này rất hiếm gặp; chỉ chiếm 1 – 2% của tất cả các loại ung thư phụ khoa.


Cục máu đông


Tình trạng này không có gì lo lắng nếu cục máu đông xuất hiện ít với một lượng vừa phải. Tuy nhiên, nếu cục máu đông có kích thước lớn và lượng máu đông ra nhiều thì cơ thể đang bị mất cân bằng nội tiết tố, có thể cảnh báo u xơ tử cung…


Khi nào nên đi khám bác sĩ?


Màu sắc và kết cấu của máu trong kỳ kinh nguyệt của bạn có thể thay đổi theo từng chu kỳ hoặc thậm chí theo ngày, đặc biệt là trong các giai đoạn nhất định của cuộc đời, chẳng hạn như khi bạn mới bắt đầu hành kinh hoặc sắp mãn kinh. Hầu hết các thay đổi về màu sắc của chu kỳ không phải là vấn đề lớn, nhưng bạn nên ghi chú lại điều đó cùng với bất kỳ triệu chứng nào khác. Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào về sự thay đổi màu sắc của máu trong kỳ kinh nguyệt hoặc nếu bạn gặp phải những thay đổi bất thường trong chu kỳ của mình.


Ngoài ra, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ nếu bạn gặp bất kỳ trường hợp nào sau đây:


• Kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày hoặc nếu bạn cần thay băng vệ sinh sau mỗi 1-2 giờ.

• Đau dữ dội trong kỳ kinh nguyệt.

• ‌Bạn bị chóng mặt hoặc cảm thấy lâng lâng, yếu ớt hoặc mệt mỏi.

• ‌Bạn bị đau ngực hoặc khó thở trong hoặc sau kỳ kinh nguyệt.

• Mất kinh hơn 3 chu kì kinh liên tục

• ‌Máu kinh nguyệt của bạn chứa những cục máu đông có kích thước lớn.

• Âm đạo có mùi hôi

• Dịch âm đạo đặc, màu xám hoặc trắng

• Ngứa trong hoặc xung quanh âm đạo

• Sốt

About the author

Một cô gái yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp

author

S. Reen

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!