Nếu các bạn đã quen thuộc với 3R trong việc phân loại, xử lý rác thải, thì tương tự, thời trang cũng có 5R để giúp bạn trở thành người tiêu dùng thân thiện với môi trường hơn: Reduce, Rewear, Recycle, Repair, Resell.
Reduce - Giảm Thói Quen Mua Quần Áo
Bạn có biết đến 85% lượng quần áo được mua về chỉ được sử dụng 1-3 lần? Điều này tạo lượng rác thải thời trang khổng lồ, gây quá tải cho hệ thống xử lý của bất cứ quốc gia nào. Tệ hơn, những quốc gia phát triển còn đóng gói rác của họ lại và gửi đến những nước như Trung Quốc, Malaysia hoặc Việt Nam để xử lý.
May mắn là những năm gần đây, xu hướng dọn tủ quần áo và giảm thói quen mua sắm đã trở nên phổ biến hơn. Những chuyên gia như Marie Kondo đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới. Bước đầu tiên của việc giảm thói quen mua sắm quần áo chính là dọn tủ đồ của bạn để nhìn thấy bạn có nhiều quần áo, phụ kiện đến chừng nào, và bớt hưng phấn khi mua đồ mới.
Khi đã có một tủ đồ gọn gàng, và giảm thói quen shopping, bạn sẽ cảm thấy đầu óc thư thái hơn, tiết kiệm tiền mua sắm hơn, và tiết kiệm thời gian quyết định nên mặc gì mỗi ngày.
Reuse - Sử Dụng Lại Quần Áo
Với sự phổ biến của mạng xã hội, người tiêu dùng bị cuốn vào vòng quay luôn phải mua quần áo, phụ kiện mới để post ảnh. Hãy thành thật với bản thân: đã có bao nhiêu bộ váy, áo bạn chỉ mặc một lần khi du lịch, chụp ảnh post Facebook, rồi để vào xó tủ? Để rồi lần sau đi du lịch vòng quay này lại lặp lại?
Chúng ta phải chấp nhận một vòng đời quần áo dài hơn thế. Hãy nghĩ mà xem, liệu bạn có nhớ hết những gì bạn bè mặc mỗi lần gặp nhau? Và họ có ý kiến gì khi bạn mặc lại một bộ váy mà bạn thích một vài lần? Sự thực là chẳng ai quan tâm nhiều đến vậy, trừ chính bản thân chúng ta. Vì vậy, tạo thói quen sử dụng lại quần áo đã có sẵn trong tủ cũng giúp bạn giảm lượng quần áo thải đi mỗi năm. Và bạn cũng sẽ chú ý chọn lựa những item dày dặn, bền hơn để mặc được lâu hơn nữa.
Bên cạnh đó, mặc lại quần áo cũng khiến chúng ta suy nghĩ sáng tạo hơn về cách mix match đồ mỗi khi ra được. Hiện nay là thứ thách tủ quần áo 33 món đồ đang được nhiều người áp dụng. Bạn chỉ chọn 33 món đồ trong tủ quần áo hiện có để mặc trong 3 tháng (bao gồm cả quần áo, giày, phụ kiện) và không mua đồ mới. Thử thách này thật thân thiện với môi trường và giúp bạn tìm lại được những “báu vật" bị lãng quên trong tủ đồ của mình đấy!
Recycle - Tái Chế
Quần áo cũ có thể được tái chế thành quần áo mới, thành túi vải, thành đồ dùng trong gia đình. Chỉ cần gõ “recycle your clothes DIY" trong Youtube thì bạn sẽ tìm được vô vàn các video hướng dẫn tái chế quần áo, ví dụ áo phông cũ có thể biến thành miếng vải tẩy trang, khẩu trang, vỏ gối, túi tote bag... Đây là những ý tưởng tuyệt vời để làm cùng con nếu nhà bạn có con nhỏ, vừa là trò chơi cùng bé, vừa dạy bé tiết kiệm, trân trọng và bảo vệ môi trường!
Bên cạnh đó, các hãng thời trang như Zara và H&M hiện đều có chương trình thu thập quần áo để tái chế ở cửa hàng của họ. Bạn có thể nhận được giảm giá trong những hoá đơn tiếp theo nếu mang quần áo cũ đến để tái chế.
Ảnh: Bright Eco
Repair - Sửa Quần Áo
Thời trang nhanh (fast fashion) và sự tiện lợi của online shopping đã khiến chúng ta quên mất việc sửa quần áo. Tất rách ư? Bỏ. Váy mua về mà bị chật? Bỏ. Áo sơ mi rơi mất khuy áo? Bỏ đi thôi. Có quá nhiều chương trình giảm giá và quần áo mới ngoài kia đang vẫy gọi.
Tất nhiên, thói quen này chẳng có lợi cho môi trường tẹo nào. Nhưng bạn có biết rằng, chỉ một việc đơn giản như khâu lại tất khi bị rách, hay sửa chiếc dép bị đứt quai, có thể nâng vòng đời của mỗi item lên đến từ 1-2 năm và giảm lượng carbon bạn thải ra đến 24% không? Mỗi hành động nhỏ của chúng ta khi dồn cộng lại thì đem đến ảnh hưởng cực kỳ lớn cho môi trường, dù tích cực hay tiêu cực.
Resell - Bán Lại Quần Áo
Một tín hiệu đáng mừng nữa là thị trường thời trang secondhand hiện nay đang trở nên rất sôi động. Người tiêu dùng, nhất là thế hệ trẻ, coi việc mua secondhand là thói quen, vừa tiết kiệm tiền mua sắm, vừa tìm được các món đồ độc, lạ. Mua sắm secondhand trở thành một cuộc phiêu lưu để tìm ra món đồ ưng ý mà lại rẻ, tạo hưng phấn không kém gì mua đồ mới.
Điều này có nghĩa là bạn cũng có thể bán lại những quần áo lâu không dùng đến cho các shop hoặc các dịch vụ ký gửi đồ cũ. Những dịch vụ này sẽ lọc quần áo bạn gửi đến và đăng tải bán đồ cho bạn, đổi lại một số phần trăm tiền bán được. Bạn không cần tốn công post đồ lên Facebook, đăng bán, ship đồ cho người mua nữa. Chính vì sự tiện lợi này mà các nền tảng bán đồ cũ như ThreadUp ở Anh hay The RealReal ở Mỹ đã vượt qua con số hàng tỉ đô la tiền lợi nhuận mỗi năm. Người tiêu dùng thực sự đang thay đổi thói quen mua sắm của họ và đem lại cho quần áo, phụ kiện thời trang một vòng đời dài hơn.
Tạo thói quen mua đồ second hand - Ảnh: Stylist
Bạn sẽ thử chữ R nào trước? Luôn nhớ rằng mỗi thay đổi nhỏ trong thói quen mua sắm, tiêu dùng hàng ngày cũng có thể mang đến thay đổi lớn cho môi trường. Cùng nhau trở thành người tiêu dùng có trách nhiệm, bạn nhé!
About the author
Diệu Anh