15 gợi ý tái sử dụng rác thải sinh hoạt cho khu vườn của bạn

TỔ ẤM

15 gợi ý tái sử dụng rác thải sinh hoạt cho khu vườn của bạn

authorBy Hoàng Hà
Share on
Share on
15 gợi ý tái sử dụng rác thải sinh hoạt cho khu vườn của bạn

Tận dụng rác thải nhựa vừa bảo vệ môi trường lại vừa khiến khu vườn của bạn xanh - sạch - đẹp nữa đấy!


Chậu Cây Từ Hộp Sữa Chua


Trong các bạn ai là fan của sữa chua, xin mời giơ tay. Các bạn làm gì với hộp sữa chua sau khi ăn xong? Các bạn có từng cảm thấy bứt rứt mỗi lần vứt vỏ hộp vào sọt rác vì biết rằng chúng sẽ nằm lại bãi rác ít nhất 500 năm trước khi vỡ thành các hạt vi nhựa không? Nhưng sữa chua quá ngon và bổ dưỡng để khước từ.


Tôi cũng rất yêu thích món ăn thanh mát này. Trước khi bắt đầu nghiên cứu và làm vườn một cách nghiêm túc, tôi cũng giống như các bạn, cũng thải vỏ hộp vào sọt rác. 


Bây giờ thì hộp sữa chua trở thành 1 phần quan trọng trong việc làm vườn của tôi. Mỗi lần ăn xong tôi đều giữ lại vỏ. Sau đó ngâm rửa chúng và đục vài lỗ dưới đáy rồi gieo hạt vào trong (các bạn cũng có thể làm 1 mẻ nhiều hộp cho đỡ mất thời gian). Thế là vừa đỡ thải rác lại cũng đỡ tốn tiền mua chậu cây! 


tái-chế-rác-thải-nhựa-vườn.jpg


Trồng Giá Đỗ Trong Vỏ Hộp Sữa 


Cách này tôi học được từ mẹ của một người bạn thân. Cô giữ lại vỏ hộp sữa 1 lít, rửa sạch rồi trút hạt đỗ xanh đã rửa sạch và ngâm sơ vào trong rồi đậy nắp lại. Tầm 1 tuần sau cô cắt vỏ hộp ra là đã có giá đỗ trắng ngần sẵn sàng lên đĩa. Tôi từng hỏi: “Ủa cô ơi đơn giản vậy thôi ấy ạ?”. Đúng là nó chỉ đơn giản thế thôi thật! Phương pháp trên cũng có thể dùng cho chai thủy tinh có nắp đậy nữa. Các bạn hãy cùng thử làm giá đỗ theo cách này nhé!


tái-chế-rác-thải-vườn.jpg


Cắt Chai Nhựa Làm Thẻ Tên 


Mỗi khi gieo vài loại hạt cùng một lúc, tôi thường hay tự tin mình sẽ nhớ được hạt gì, gieo ở đâu, vào ngày nào. Khi hạt nảy mầm, tôi có thể nhìn lá mầm và biết đó là cây gì. Nhưng ngày gieo, giống cây thì tôi quên luôn. Điều này khiến tôi không ít lần dở khóc dở cười trong quá trình lên kế hoạch và theo sát công việc làm vườn. 


Một cách nhanh chóng và hoàn toàn miễn phí để làm thẻ tên cho hạt cây chính là từ vỏ chai nhựa. Bạn cắt chai nhựa thành những miếng kích cỡ tùy ý dọc theo thân chai. Công việc còn lại là viết tên hạt cùng ngày gieo rồi cắm thẻ tên xuống đất là xong. Chú ý bạn nên viết bằng bút chết để tránh việc tưới nước làm trôi mất mực nhé! 


tái-chế-rác-thải-vườn-1.jpg


Tưới Nước Từ Gốc 


Nơi tôi sống có mùa đông lạnh tới -10 độ và hè thì nóng ran dễ tới 40 độ. Mùa hè nóng và khô, đất đai bị hun đến độ vỡ thành cát. Lúc này việc tưới cây thực sự rất mệt vì nước chưa kịp ngấm đã trực bốc hơi hết. 


Để khắc phục tình trạng này, tôi giữ lại chai nhựa, đục lỗ gần đáy rồi chôn chai cạnh các loại cây trong vườn. Kích cỡ của chai và của cây cần phải tương xứng với nhau. Ví dụ cây ăn quả cỡ lớn (táo, lê, anh đào...) thì dùng chai 1 lít, cây ăn quả nhỏ hơn (việt quất, kỳ tử, nho, dâu tây...) dùng chai 500ml cũng đã đủ. Khi tưới nước, bạn chỉ cần rót nước vào chai và đậy hờ nắp lại, nước sẽ ngấm trực tiếp vào ngay cạnh rễ cây và không bị thất thoát do bốc hơi nữa.


tái-chế-rác-thải-vườn-1.jpg

Chai nhựa đã đục lỗ chôn cạnh gốc anh đào


Nhà Kính Mini 


Với một chai nhựa trong suốt cắt ra làm đôi, bạn đã có trong tay 2 nhà kính mini bảo vệ cây con khỏi khí lạnh vào ban đêm khi nhiệt độ không khí không thuận lợi. Bạn đừng quên đục thêm vài lỗ nhỏ hai bên để cây có thể hô hấp nhé. 


tái-chế-rác-thải-vườn-2.jpg


Khay Tưới Nước Nhanh Dành Cho Người Làm Biếng 


Dù đã chia sẻ với các bạn về tầm quan trọng của chữ “tần” trong việc làm vườn, tôi không tránh khỏi có những lúc cảm thấy không muốn động tay vào việc gì hết. Nhưng vì trách nhiệm réo tên, không tưới cây thì chúng sẽ yếu và dễ chết, tôi phải tìm cách hoàn thành công việc sao cho nhanh và nhẹ nhàng nhất. Tôi lấy những khay thực phẩm đã rửa sạch ra, xếp cây vào trong, rồi đổ lưng nước vào khay (không đổ quá nhiều nước tránh gây úng rễ). Thế là xong! Những lần sau tôi để nguyên cây trong khay như vậy. Mỗi lần tưới cây thấy sao mà nhàn thế. Bảo sao Bill Gates hay chọn người làm biếng để giao những việc khó khăn. “Cái khó ló cái khôn” là như thế.


tái-chế-rác-thải-vườn-2.jpg

Chậu cây làm từ giấy báo cũ và thẻ tên cắt từ chai nhựa


Khay Gieo Hạt


Khi gieo những hạt nhỏ như hạt rau gia vị, rau xà lách, hạt hoa hay cà chua, tôi thường gieo chúng chung vào một khay để tiết kiệm diện tích và thuận tiện cho việc tưới nước. Khi hạt ra rễ và bắt đầu có lá, tôi sẽ cẩn thận cho cây con “ra ở riêng”. Đây chính là lúc chậu cây từ vỏ hộp sữa chua phát huy tác dụng. 


tái-chế-rác-thải-vườn-3.jpg


Rào Chắn Sâu Hại


Để tránh cho sâu, sên hay ốc sên tiếp cận và ăn lá cây, bạn có thể cắt ngang chai nhựa thành từng khoanh và lồng chúng ra bên ngoài cây con. Phần diềm mới cắt của khoanh nhựa rất sắc nên sẽ làm sâu hại bị đau, khiến chúng không dám bò qua để tấn công cây con của bạn nữa. 


tái-chế-rác-thải-vườn.jpg


"Hòn Gạch Hồng"


Các bạn hẳn đều nhớ câu chuyện Bác Hồ, bấy giờ hiệu là Nguyễn Ái Quốc, bọc hòn gạch nung dưới nệm cho đỡ rét những ngày Người “đi tìm hình của nước” trên đất Pháp. Với một chai nước đầy, bạn cũng có thể giúp cây trồng tránh rét vào ban đêm theo cách tương tự như vậy. Đặt chai nước đầy cạnh cây, ban ngày nước hấp thụ nhiệt lượng từ mặt trời, ban đêm nước tỏa nhiệt ra giữ cho cây đỡ buốt. 


tái-chế-rác-thải-vườn-4.jpg


Khay Hạt Cho Chim


Chim là một kẻ săn mồi đáng gờm có lợi cho mọi vườn rau, hoa. Chim giúp chúng ta tiêu diệt các loại sâu hại và xua đuổi các loại côn trùng tàn phá vườn rau của bạn. Muốn thu hút nhiều chim chóc, bạn có thể khoét vỏ chai nhựa lớn và thả vào trong một lượng hạt (hạt hướng dương, hạt bí, thông, vừng,...). Khay hạt cho chim thậm chí còn trở nên thiết yếu trong mùa đông lạnh giá khi lượng thức ăn tự nhiên của chim trở nên khan hiếm và khó tìm. 


tái-chế-rác-thải-vườn-5.jpg


Chậu Cây Lớn


Chai lớn hơn đồng nghĩa với việc chúng ta có thể sử dụng lượng đất nhiều hơn để trồng nhiều cây cùng một lúc. Bạn cũng có thể cắt chúng theo bề ngang để tăng diện tích bề mặt và tạo nên một khu “vườn treo” dễ thương như thế này nhé. 


tái-chế-rác-thải-vườn-6.jpg


Chậu Cây Tưới Nước Tự Động 


Đây là một cách khá lạ để trồng cây trong chai nhựa cũ. Bạn cắt đôi chai nhựa và khoét lỗ trên nắp đồng thời lồng qua lỗ một đoạn vải hoặc dây thấm hút tốt (tôi hay cắt tất, vớ không còn giá trị sử dụng). Khi bạn đổ nước vào phần chai nhựa bên dưới, nước sẽ được hút lên qua vải và ngấm vào đất tùy theo nhu cầu của cây. Mẹo này hữu dụng hơn cả đối với những bạn hay đi công tác xa nhà và không có điều kiện tưới nước cho cây thường xuyên. 


tái-chế-rác-thải-vườn-7.jpg 

 Bình Tưới Nước


Bằng cách đục một lỗ trên nắp bình nước, bạn đã có ngay một bình tưới nước đơn giản và tiện lợi.


tái-chế-rác-thải-vườn-8.jpg


Chậu Ủ Phân Bokashi 


Thay vì mua một loại chậu đắt tiền được thiết kế riêng cho Bokashi, bạn có thể tận dụng vật liệu có sẵn trong nhà để ủ phân hiệu quả và tiết kiệm. Để tạo chậu ủ phân Bokashi, bạn cần có hai xô nhựa lớn cùng loại có nắp đậy. Xô số 1 (như trên hình) dành để ủ phân, dưới đáy có đục những lỗ nhỏ để dung dịch Bokashi được thoát ra. Và tất nhiên là chúng ta sẽ không để dịch Bokashi chảy lênh láng ra sàn rồi phải không các bạn. Đây là lúc chúng ta lồng chiếc xô thứ 2 ra ngoài xô 1 để hứng. Vậy là sau vài tuần, bạn đã có thể tận dụng tối đa nguồn rác thải nhà bếp bằng phương pháp ủ phân này. Vừa bảo vệ môi trường lại vừa tiết kiệm chi phí vệ sinh bạn nhỉ! Để hiểu thêm về phương pháp ủ phân Bokashi, mời bạn đọc thêm tại đây.


tái-chế-rác-thải-vườn-9.jpg


Bọc Đầu Que - Đơn Giản Nhưng Ý Nghĩa 


Ai từng làm vườn chắc chẳng lạ gì việc sử dụng que, gậy để chống cây hoặc để đánh dấu vị trí gieo hạt, trồng cây. Vì que tre hay gỗ thường mảnh nên nếu chỉ đi thoáng qua thì chúng ta khó nhận ra chúng đang ở đâu. Khi ra vườn, tôi hay bị các thứ que này móc vào quần áo vì không kịp tránh. Thậm chí có những khi quay trái, quay phải, đứng lên hay ngồi xuống không để ý nên bị chúng đập vào người đau điếng. Dành cho những người bạn cũng hay “va đập” như tôi, các bạn có thể úp lên đầu que một chiếc cốc hay chai nhựa để có thể dễ dàng định vị và tránh những thương tích không đáng có. 


tái-chế-rác-thải-vườn (2).jpg

Chai nhựa bọc đầu que trong bụi cà chua


Chúc các bạn làm vườn vui vẻ!  

About the author

Một nhà khoa học yêu thiên nhiên và có niềm đam mê trồng vườn theo mô hình permaculture. 

Tác giả của chuyên mục hàng tuần “Saturday Science” - Her.vn với mục đích truyền tải kiến thức khoa học theo phong cách gần gũi và dễ hiểu để ai cũng có thể áp dụng. 

Tìm hiểu thêm về cô qua kênh Linkedin: Hà Hoàng

author

Hoàng Hà

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!