Nha đam từ lâu đã nức tiếng vì những tính năng chăm sóc sức khỏe và chăm sóc da. Nha đam rất giàu dưỡng chất, enzyme và các chất chống oxy hóa giúp khóa ẩm, tăng cường trao đổi chất, tái tạo tế bào, chữa lành vết thương và rất nhiều công dụng khác. Bạn có biết rằng chúng ta thậm chí còn có thể sử dụng loài “cây bất tử” này (theo như cách gọi của người Ai Cập cổ đại) để phục vụ cho sức khỏe cây trồng không? Thật vậy đó! Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Những Công Dụng Của Phân Bón Từ Nha Đam
Tăng cường khả năng sinh trưởng
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng Nha đam (A. barbadensis) có chứa trên 75 loại dưỡng chất có lợi bao gồm các amino acids, chất chống oxy hóa, các phức hợp carbohydrates, canxi, magie, kẽm, vitamin A, C, E, các loại vitamin B và nhiều hơn thế nữa. Khi được nghiền thành phân bón hữu cơ, cây trồng của bạn có thể tiếp nhận phần lớn trong số những chất dinh dưỡng này. Dung dịch bón từ nha đam thúc đẩy sự nảy mầm của hạt và kích thích rễ phát triển, củng cố thành tế bào và góp phần làm nên một cá thể cây khỏe mạnh và vững chắc.
Trên thực tế, nha đam có giá trị lớn trong việc tăng khả năng sinh trưởng của cây trồng tới độ người ta còn dùng nó làm hormone kích thích mọc rễ khi tiến hành giâm cành. Để làm được vậy, bạn có thể chấm phần cành mới cắt vào nhớt nha đam trước khi trồng hoặc cắm cành mới cắt ấy vào dung dịch nước nha đam từ 6 tới 12 tiếng trước khi trồng. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tưới đẫm đất nơi giâm cành bằng nước nha đam để có hiệu quả tương tự.
Tăng cường khả năng chống chọi của cây
Nha đam có chứa enzyme và các hormone thực vật giúp giảm thiểu những cú sốc như từ việc chuyển chậu chẳng hạn, và kích thích khả năng chống chọi của cây trong những điều kiện khắc nghiệt như hạn, căng thẳng hay khi gặp sâu bệnh hại. Ví dụ, nồng độ chất acemannan và saponin cao trong nha đam có thể cung cấp chất chống nấm, kháng khuẩn và kháng virus cho cây. Tính năng này bảo vệ cây cối khỏi những bệnh lây nhiễm liên quan đến nấm, vi khuẩn, virus và mốc.
Không chỉ vậy, trong nha đam còn có chất salicylic acid, là nhân tố chính mang tới khả năng chữa lành. Salicylic acid thường được nhắc tới trong bảng thành phần của các sản phẩm chăm sóc da để xóa mờ tì vết. Cũng như vậy, salicylic acid có trong nha đam tăng cường khả năng miễn dịch của cây để đánh đuổi những căn bệnh nguy hiểm.
Cây càng khỏe thì chúng càng tự chủ và ít cần được can thiệp bởi người làm vườn, do đó bạn sẽ vui và nhàn hơn. Tôi nghĩ lý do này đã đủ chính đáng để bắt đầu sử dụng nước nha đam rồi đó các bạn ạ. Chúng ta cùng đi tiếp nhé!
Cách Sử Dụng Nước Phân Bón Hữu Cơ Từ Nha Đam
Trong số rất nhiều loài nha đam khác nhau, duy nhất có loài Aloe barbadensis là có thể ăn được và có giá trị dinh dưỡng cao nhất.
A.Barbadensis (ăn được) lá màu xanh xám, dày, cuống lá bản rộng
Tuy nhiên, dù không ăn được, loài A. Chinensis cũng có khá nhiều đặc tính y dược được áp dụng trong việc điều trị các vết bỏng, vết côn trùng đốt. Bạn có thể tưới cây bằng nước A. Chinensis nhưng cần tránh để dung dịch tiếp xúc với những phần rau, quả đang chờ thu hoạch.
A. Chinensis (không ăn được), lá màu xanh sáng có đốm trắng, đầu lá nhọn, cuống lá hẹp và nhiều gai sắc
Có hai phương pháp thông dụng nhất để sử dụng dung dịch nha đam: tưới vào gốc hoặc phun lên lá. Cách đơn giản nhất để chuẩn bị dung dịch nha đam là xay nhuyễn phần lá nha đam với nước, pha loãng và tưới trực tiếp vào gốc cây. Cây trồng sau đó sẽ hút nước cùng các chất dinh dưỡng sẵn có trong nước nha đam qua hệ thống rễ. Ngược lại, phương pháp phun lá giúp cho cây có thể hấp thụ trực tiếp dưỡng chất qua các màng tế bào, do đó cần ít thời gian và công sức hơn cho cả người và cây.
Chuẩn bị nước nha đam để tưới gốc
Để thu được dung dịch phân bón nha đam để tưới gốc, các bước thao tác vô cùng đơn giản. Bạn chỉ cần bỏ lá nha đam vào cối xay nhuyễn cùng nước là xong! Nếu lá nha đam còn tươi, thậm chí bạn còn chẳng cần phải lột vỏ.
Bạn cần lưu ý tỉ lệ thể tích cuối cùng nha đam:nước trong khoảng 1:40 để cây không bị sốc khi được tới dung dịch giàu dưỡng chất này. Để dễ hiểu hơn, bạn có thể xay lá nha đam với một phần nước trong cối xay theo tỉ lệ khoảng 1:10 (100ml lá nha đam :1l nước), sau đó pha loãng dung dịch vừa xay vào 30 lít nước nữa rồi mới đem đi tưới cây. Các con số trong ví dụ này đều được chọn áng chừng để bạn dễ hiểu và làm theo, vì bản thân đây không phải là một môn khoa học chính xác.
Sau khi đã có trong tay dung dịch nha đam, các bạn cần lưu ý sử dụng hết trong vòng 20 phút để tránh trường hợp nha đam lên men và biến đổi chất nhanh chóng.
Nước nha đam có hiệu quả tốt nhất đối với những cây con đang trong quá trình ươm mầm nhằm giúp chúng phát triển bộ rễ khỏe mạnh. Tưới cách tuần hoặc cách 2 tuần xen kẽ với việc tưới nước thông thường. Bên cạnh đó, những cây con này sau khi được trồng trực tiếp ra vườn cũng có thể tiếp nhận nước nha đam để giảm căng thẳng, đồng thời tăng cường sức đề kháng và khả năng chống chọi với những điều kiện khắc nghiệt nếu có.
Chuẩn bị dung dịch tưới lá
Với phương pháp thứ hai này, bạn vẫn áp dụng tỉ lệ thể tích 1:40 như với dung dịch nha đam tưới gốc.
Như bạn có thể hình dung, bình xịt có thể dễ bị tắc ống nếu chúng ta sử dụng hỗn hợp nha đam và nước như trên. Vì vậy, trước khi xay nha đam, chúng ta cần phải loại bỏ phần vỏ lá và chỉ sử dụng phần thịt nha đam trong suốt ở phía trong. Bạn xay thật là nhuyễn thịt nha đam và pha loãng với nước trước khi phun lên lá cây nhé!
Thời điểm tốt nhất để phun lá bằng nha đam là vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn khi ánh nắng mặt trời không quá gay gắt. Tránh làm ướt lá khi cây đang đón nắng trực tiếp nhằm hạn chế nguy cơ gây cháy lá. Nếu bạn có thể phun cả hai mặt của lá cây thì thật tuyệt! Còn không thì chỉ cần mặt trên lá được phủ kín bởi nước nha đam cũng đã rất tốt rồi. Nước nha đam có thể được phun mỗi tháng một lần hoặc nhiều hơn tùy theo mức độ yêu thương chăm sóc của bạn đối với cây trồng.
Lời Nhắn
Tôi dám chắc rằng các em bé của bạn sẽ rất sung sướng khi được đối xử đặc biệt với dung dịch nha đam đầy dưỡng chất. Như bạn thấy đấy, đây là một công đoạn vô cùng đơn giản nhưng lại đem về hiệu quả cao. Cảm ơn các bạn đã theo dõi tới cuối bài viết này. Mong là những chia sẻ của tôi sẽ có thể giúp ích được cho bạn và vườn rau, hoa của bạn. Hẹn các bạn ở những bài viết tiếp theo trên Her.vn nhé!
About the author
Hoàng Hà