Bảo vệ môi trường từ trong chính căn bếp của bạn

TỔ ẤM

Bảo vệ môi trường từ trong chính căn bếp của bạn

authorBy Phương Thảo
Share on
Share on
Bảo vệ môi trường từ trong chính căn bếp của bạn


Thoáng nghe "sống bền vững" có vẻ khá phức tạp, tuy nhiên thành tựu lớn lao được làm nên từ chính những hành động nhỏ nhất. Căn bếp - một trong những nơi có tác động đến môi trường đáng kể nhưng thường dễ bị bỏ qua nhất, hãy cùng điểm qua các mẹo nhỏ thú vị dưới đây nhé.


Tăng Tần Suất Nấu Ăn Tại Nhà


Trong xu thế xã hội ngày càng phát triển, guồng công việc ngày một chồng chất hơn thì nhu cầu sử dụng dịch vụ đồ ăn tiện lợi cũng vì thế mà tăng cao. Mỗi lần chúng ta gọi đồ ăn ngoài giao về tận nơi là một lần chúng ta vô tình góp phần thêm số lượng rác thải ra môi trường. Những túi nhựa, chai nhựa, ống hút nhựa,... liên tục được sử dụng trong thời gian ngắn nhưng lại mất tới hàng ngàn năm mới có thể phân hủy hoàn toàn.


Cứ mỗi phút trôi qua, toàn cầu lại tiêu thụ tới hơn 1 triệu chai nhựa, đóng góp khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa thải ra mỗi năm, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu. Chính vì vậy, đã đến lúc căn bếp của chúng ta được tận dụng tối ưu, hợp lý. Nấu ăn tại nhà được coi là một trong những giải pháp lâu dài và thiết thực nhằm ngăn chặn nguy cơ sống trên “đảo rác” do chính con người tạo ra. Một bữa ăn đủ chất không hề phức tạp, mất thời gian như chúng ta thường nghĩ đến việc “bày vẽ”. Chuẩn bị sẵn nguyên liệu cần thiết từ ngày hôm trước, sơ chế sạch sẽ và tối giản hóa mỗi bữa ăn chính là giải pháp cho môi trường xung quanh cũng như tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng cuộc sống của bạn, của chúng ta. 



Bên cạnh đó, nấu ăn vừa đủ và bổ sung nhiều rau xanh cũng có tác động vô cùng tích cực đến môi trường. Thực phẩm khi mua về cất tủ lạnh quá lâu sẽ không còn giữ chất dinh dưỡng, chất lượng ban đầu. Việc mua quá nhiều thực phẩm khi đi chợ dễ dẫn tới tình trạng ăn không hết và phải vứt đi vì chúng đã hỏng. Vừa cân đối đủ lượng thức ăn có thể tiêu thụ, đồng thời tăng cường chế độ ăn “xanh” hơn, giảm bớt lượng thịt được coi là một cách khá hữu hiệu nhằm góp phần bảo vệ môi trường.


Số liệu từ các chuyên gia cho biết 80% nguyên nhân của nạn phá rừng xuất phát từ nguyên nhân nông nghiệp chăn nuôi - đồng nghĩa rằng rất nhiều chất thải được thải ra gấp nhiều lần so với sản xuất, trồng trọt rau xanh. Chính vì thế tăng rau xanh, giảm thịt trong mỗi bữa ăn là sự kết hợp phù hợp cho cả sức khỏe của gia đình mà còn tạo ra ảnh hưởng tích cực hơn cho môi trường sống. 


Bên cạnh đó, hãy lựa chọn sử dụng bếp từ, bếp điện thay vì bếp ga, bếp than.. Vừa an toàn loại giảm thiểu phát sinh các khí độc hại cho sức khỏe và môi trường.


Giảm Thiểu Lượng Rác Thải Tối Đa


Nếu điều này không được thực hiện đúng cách vô hình trung lại tác động tiêu cực ngược trở lại môi trường từ việc chúng ta nấu ăn trong căn bếp gia đình. Dưới đây là một số phương pháp giảm thiểu rác thải hữu ích mà ai cũng nên biết:


- Đối với thùng rác: Ưu tiên sử dụng các loại túi nilon dễ dàng tự phân hủy, chất liệu sản xuất thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, các loại bao bì thực phẩm, bánh kẹo hay kể cả những tờ báo cũ hoàn toàn có thể được tận dụng để lót thùng rác hoặc làm túi rác. Điều này sẽ giúp mỗi gia đình hạn chế việc thải ra thêm nhiều rác thải gây ảnh hưởng xấu cho môi trường. Và đừng quên phân loại rác đúng quy định nhé!



- Đối với giấy ăn: Thay vì liên tục sử dụng các loại khăn giấy một lần rồi bỏ đi để lau chùi khu vực bếp, bàn ăn khá với số lượng lớn, hãy dùng khăn vải để lau vết bẩn và sau đó giặt sạch, phơi khô cho lần tiếp theo. Có như vậy, lượng rác thải từ khăn giấy lau đã được giảm thiểu đáng kể.


- Đối với màng bọc thực phẩm: Các loại màng bọc thực phẩm nilon bày bán trên thị trường rất được khách tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, với độ “dai” cũng như tần suất sử dụng liên tục trong nhà bếp, sản phẩm này vô tình trở thành tác nhân có ảnh hưởng tiêu cực lớn đến môi trường xanh. Một giải pháp khá hữu hiệu được nhiều chuyên gia khuyên dùng chính là dùng hộp đựng hoặc túi zip/túi silicone có thể tái sử dụng nhiều lần. Đây là 2 loại túi bảo quản thực phẩm có thể sử dụng nhiều lần, có sức chứa lớn nhưng so với các loại hộp, nó lại không chiếm nhiều không gian khi đặt trong tủ lạnh, tủ đông. Với tác dụng chống rò rỉ chất lỏng ra bên ngoài, an toàn khi sử dụng lò vi sóng trong sức chịu nhiệt độ tới 200 độ C. 



Ngoài ra, chúng ta đôi khi đơn giản chỉ cần đặt 1 chiếc đĩa lên bát đựng đồ ăn thừa cũng hoàn toàn có thể bảo quản thức ăn trong ngày, vì vậy đừng quá cầu kỳ trong cách sử dụng phương pháp bảo quản thực phẩm mà hãy đưa ra lựa chọn tối ưu, phù hợp nhưng vẫn thân thiện với môi trường.


Vệ Sinh Nhà Bếp Đúng Cách


Nhà bếp là nơi chúng ta chế biến các món ăn mỗi ngày, các loại vị khuẩn, nấm mốc sinh sôi trong quá trình sơ chế, nấu nướng cùng nhiều vật dụng dính dầu mỡ, khói, bụi bẩn,... là điều khó tránh khỏi. Mặt khác, đúng như câu nói dân gian “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”, một căn bếp sạch sẽ, thoáng đãng chắc chắn có ảnh hưởng tốt đến chính người nội trợ.


Bên cạnh đó, các sản phẩm tẩy rửa từ thiên nhiên như: chanh, muối, giấm, baking soda,... luôn có sẵn trong bất kỳ căn bếp của mọi gia đình, vậy tại sao chúng ta không tận dụng triệt để công dụng của chúng? Bên cạnh đó, trong xu thế “xanh hóa” cuộc sống nhằm thúc đẩy thói quen sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường hiện nay, các sản phẩm tẩy rửa, vệ sinh được sản xuất từ chất liệu, thành phần “xanh” cũng đang nhận được sự ủng hộ lớn từ những người yêu môi trường. Chính vì vậy hãy lưu ý điều này và thay thế ngay các sản phẩm tẩy rửa hóa học hiện có bằng những loại dung dịch thân thiện, phù hợp cho chính căn bếp của bạn cũng như môi trường xung quanh. Tham khảo cách sử dụng các sản phẩm tẩy rửa từ thiên nhiên tại đây.



- Lau chùi vật chứa đựng và các bề mặt bếp. Khói bụi từ bên ngoài, dầu mỡ, vi khuẩn luôn xuất hiện, bám dính trên các bề mặt kệ, bếp, tường nhà, sàn nhà,... Các bề mặt bếp luôn cần được vệ sinh đầy đủ, đúng cách sẽ đảm bảo chất lượng của đồ ăn trong quá trình sơ chế, nấu ăn cho bữa ăn ngon lành. 


- Lau chùi vật dụng sơ chế, nấu nướng. Các dụng cụ như: dao, thớt, xoong, nồi, chảo, lò vi sóng,... luôn tiếp xúc trực tiếp với đồ ăn trong quá trình nấu nướng, chính vì vậy chúng bị ám nhiều dầu mỡ, vụn thức ăn nên việc lau chùi bộ vật dụng này cẩn thận là điều không thể bỏ qua.


- Vệ sinh, thông tắc chậu rửa. Chậu rửa - Một trong những nơi cần được vệ sinh nhiều nhất nhưng thường xuyên bị bỏ qua. Sự dồn ứ của các loại vụn thừa từ thực phẩm đọng lâu ngày gây ra tình trạng khó thoát nước, bốc mùi hôi khó chịu ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình. Chính vì vậy, bên cạnh việc lau chùi các vật chứa, bề mặt bếp và dụng cụ nấu ăn, hãy đừng quên thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh chậu rửa của khu vực bếp nhé.

About the author

Phương Thảo đến với Her cùng niềm mong muốn lan tỏa tinh thần tích cực, niềm vui đến cộng đồng trên hành trình trưởng thành của cô ấy. "Be brave, have courage".


Chia sẻ niềm vui cùng Thảo tại: 

Facebook: Phương Thảo

Instgram: @npth__

author

Phương Thảo

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!