Hành trình đến “thân hình hoàn hảo” mà không cần bước lên cân hay đếm calo

SỐNG KHỎE

Hành trình đến “thân hình hoàn hảo” mà không cần bước lên cân hay đếm calo

authorBy Dao Chi Anh
Share on
Share on
Hành trình đến “thân hình hoàn hảo” mà không cần bước lên cân hay đếm calo


Chúng ta luôn bị ám ảnh với những ý tưởng về "cơ thể hoàn hảo". Mặc dù biết ngay cả những siêu mẫu cũng có những nhược điểm trên cơ thể và kể cả những hình ảnh long lanh trên các trang báo đã được photoshop vượt quá bình thường thì bạn cũng khó vượt qua cảm giác chúng ta cần phải hướng tới sự hoàn hảo đó.


Điểm Khởi Đầu Khiêm Tốn


Từ bé đến lớn, tôi luôn là một cô gái “đậm đà”. Không đến mức thừa cân, nhưng cũng không gầy. Mẹ tôi khi trước hay trêu là tôi không có eo, không có mông. Nhưng mẹ cũng hay an ủi tôi rằng khi nào có con, cơ thể tôi sẽ đẹp lên vì có thêm đường cong đặc biệt là “nở ra” ở vòng 3. Tôi cũng miễn cưỡng tin vào điều đó, cho đến khi tôi đã sinh con mà vòng 2 và vòng 3 của tôi vẫn hoà vào thành một.


Dù khi đến tuổi trưởng thành tôi đã bắt đầu quan tâm đến ngoại hình, nhưng khoảng thời gian tôi cho rằng mình “không có một cơ thể hoàn hảo” đã chiếm phần lớn cuộc đời tôi, đặc biệt ở những năm tuổi 20. Nghĩ lại, tôi thấy mình thật may mắn bởi lúc đó chưa có mạng xã hội chia sẻ tràn lan hình ảnh những thân hình hoàn hảo của những ngôi sao, người mẫu, KOL hay những cô gái điệu đà xung quanh mình như bây giờ. Nên tôi đã sống tuổi trẻ tương đối tự tin với vẻ đẹp riêng của mình. Chỉ duy nhất có một điều vẫn hay khiến tôi tò mò và thắc mắc bên trong suốt những năm ấy "Tại sao ai cũng có eo bé hơn và bụng phẳng hơn mình?", "Mình có ăn nhiều quá đâu? Mình cũng vận động thể thao, đi Gym đều đặn cơ mà?". Nhưng thân hình săn chắc, hiện được “múi cơ” ở bụng dường như không bao giờ đến được với tôi. Tôi đành chỉ kết luận rằng, mình không đủ hiểu biết, thời gian hoặc kỹ năng để làm được điều đó. 


Tôi đã vui vẻ sống tiếp với thân hình “đậm đà” của mình cho đến khi lấy chồng, sinh con. Có lẽ sau sinh phụ nữ chúng ta ai cũng cảm thấy sức ép lớn phải “quay về” thân hình cũ, nên sẽ tìm nhiều cách và dành nhiều nỗ lực để giảm cân hơn bình thường. Đó cũng là lúc tôi bắt đầu tìm hiểu và học về dinh dưỡng, một phần để ăn lành mạnh cho cơ thể giảm bớt phần mỡ thừa, một phần để ăn đủ chất để vẫn có sữa cho con bú. Sau khoảng 2 năm theo học các chứng chỉ về tư vấn dinh dưỡng và bằng Diploma về Sức Khỏe Dinh Dưỡng, tôi đã nghĩ mình hiểu tất cả về cách ăn uống để kiểm soát cân nặng. Tôi đã áp dụng các quy luật ăn uống cho mình thật nghiêm khắc, thậm chí còn không ăn cơm vào bát đĩa bình thường, mà cho từng loại thức ăn vào các loại “hộp” kích cỡ khác nhau để đảm bảo mình chỉ mỗi loại thức ăn trong suất ăn cho phép.


Tuy nhiên, kể cả lúc đó, tôi vẫn không hài lòng với cơ thể mình. Dù ăn uống đúng như lý thuyết, đếm calo và “macro” cẩn thận, tập tành và kiểm tra cân nặng đều đặn (tôi cũng có giảm cân, nhất là giai đoạn đầu), nhưng tôi vẫn không có eo, vẫn có mỡ bụng, và vòng 3 vẫn chưa hề có đường cong - những tiêu chí cho một thân hình “hoàn hảo” trong mắt tôi. Thậm chí tôi đã nghĩ là cơ thể mình có vấn đề khi áp dụng bao nhiêu nguyên lý về dinh dưỡng, Fitness, mà vẫn không thấy kết quả như mong muốn?


Nhưng rồi cuộc sống thách thức và bận rộn của tôi với tư cách là một “người mẹ doanh nhân”, đã bắt buộc tôi phải tập trung vào những mối quan tâm khác ngoài cơ thể của mình. Và điều lớn nhất tôi đã rút ra 2 năm trở lại đây, sau khi đã trải qua một thời gian suy sụp về tinh thần vì làm việc quá sức, là việc chăm sóc sức khỏe tinh thần mình mới là quan trọng nhất, thậm chí quan trọng hơn cả cơ thể mình. Nếu không có một tinh thần tốt, thì cơ thể có “hoàn hảo” đến mấy, chúng ta cũng sẽ không biết yêu nó và không thể thưởng thức nó. Đó chính là lý do tôi đã không hài lòng với thân hình mình bao lâu nay, ngay cả khi trông tôi khỏe mạnh, vì tôi đã không có một tinh thần đủ ổn định và đủ lành mạnh để nhìn thấy vẻ đẹp và sức mạnh kì diệu của cơ thể mình từ bên trong. 



Từ Việc “Ám Ảnh” Đếm Calo, Tôi Học Cách Ăn Thực Sự


Sau gần một năm đếm calo, macro nghiêm khắc mỗi ngày mà vẫn không thấy mình đi đến đâu, thay vào đó là chỉ thấy tác hại “tinh thần” của việc theo dõi calo khiến mình trở nên ám ảnh bởi thức ăn, tôi đã quyết định từ bỏ phương pháp này để lấy lại sự yên bình khi ăn. Đó là lúc tôi phát hiện ra cái gọi là “ăn trong tỉnh thức” (Mindful Eating), tức là hoàn toàn hiện diện và tập trung tất cả giác quan vào bữa ăn, ăn chậm nhai kỹ để nhận thức rõ từng miếng thức ăn trong miệng.


Tôi vẫn ăn uống lành mạnh theo mức độ vừa phải, nhưng thay vì tập trung vào hàm lượng và thành phần từng loại thức ăn, tôi tập trung vào trải nghiệm khi ăn. Tôi nhìn mỗi bữa ăn là một cơ hội để thưởng thức, được trân trọng từng miếng thức ăn, và được chăm sóc chính mình. Đa số những bữa ăn đều có đầy đủ dinh dưỡng chính như rau, tinh bột, đạm... nhưng tôi không đong đếm, không quá quan trọng là hôm nay ăn nhiều hay ăn ít. Khi coi việc ăn uống là một hoạt động thiêng liêng để nuôi dưỡng, chăm sóc cả tinh thần và thể chất, thì tự nhiên tôi mới thực sự “biết” ăn theo đúng nghĩa, để nhạy cảm hơn với tín hiệu từ cơ thể mình, để biết mình cần ăn gì, ăn lúc nào, và ăn bao nhiêu để đáp ứng đúng nhu cầu cơ thể một cách tự nhiên.


Có thể giờ bạn còn thấy khó tin, nhưng cơ thể chúng ta thông minh và hiểu biết hơn chúng ta rất nhiều. Với tất cả những kiến thức khoa học ngày nay đã tìm ra về cơ thể con người, vẫn chỉ là một góc nhỏ so với những gì chúng ta còn chưa biết về nó và khả năng nó có thể tự “cân chỉnh” và “chữa lành” chính nó. Tôi vẫn áp dụng những kiến thức về khoa học dinh dưỡng mình đã học khi cần thiết, nhưng nó không còn kiểm soát tôi, mà tôi lắng nghe cơ thể mình nhiều hơn. Có hôm tôi thực sự muốn ăn nhiều cơm hơn (đặc biệt là những hôm tôi tập cường độ cao hơn), và có những hôm tôi muốn ăn nhiều rau quả hơn. Tôi nghĩ cơ thể mình hiểu nhất nó cần gì nếu chúng ta thực sự cho phép mình lắng nghe và để nó dẫn đường, thay vì cố gắng “bắt” nó phải theo ý mình. 


Từ Bỏ Việc Bước Lên Cân 


Việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng đồng nghĩa với việc từ bỏ những việc “hại não” khiến mình dễ bị stress hay tự trách móc, phán xét bản thân. Trong đó có một việc tôi đã từng làm hàng sáng mặc dù nó luôn mang lại cho tôi cảm xúc tiêu cực - đó là bước lên cân sức khỏe. Bỗng chốc bạn nhận ra niềm vui, sự tự tin của mình phụ thuộc vào việc con số trên cân sẽ nhảy lên số mấy. Ngày nào con số đấy đi xuống, thì mọi thứ trong cuộc sống trở nên vui vẻ hơn, còn nếu con số đó đi lên (nhất là sau một ngày ăn uống thoải mái hơn) thì tôi lại không ngừng trách móc bản thân, lo lắng là bao nỗ lực của mình đã “đổ bể”. Khi tôi tìm hiểu kĩ hơn về cách thanh lọc cuộc sống tinh thần của mình, để chị giữ lại những đồ vật hay hoạt động khiến mình cảm thấy vui và tự tin, thì ngay lập tức tôi cảm thấy chiếc cân không nên chiếm diện tích trong phòng nữa.


Mặc dù đôi lúc nỗi sợ không theo dõi cân nặng có thể khiến nó “vượt tầm kiểm soát” cũng xuất hiện trong đầu, nhưng rốt cuộc thì con số trên bàn cân không có ý nghĩa gì với ai ngoài “cái tôi” luôn muốn đạt thành tích của tôi. Hàng ngày chúng ta đã tự phán xét mình trên nhiều con số (số like, số comment, số thu nhập…), nên việc bỏ bớt đi một con số mình phải quan tâm sẽ chỉ giúp mình nhẹ nhõm hơn thôi. Và đúng thật, tôi chưa bao giờ cảm thấy mình tự do hơn khi không còn lo lắng là ngày mai bàn cân sẽ nói gì về mình, nhất là sau một bữa ăn liên hoan. 



Quay Về Với Những Chuyển Động Cơ Thể Mình Khao Khát


Sau cùng, tôi đã quyết định chỉ tập những môn thể thao khiến tôi thấy vui và hứng thú. Ngay lập tức tôi bỏ thẻ hội viên gym của mình, vì hầu như chẳng có máy móc tập thể hình hay lớp gì khiến tôi thấy hứng thú cả. Tất cả chỉ được thiết kế để chúng ta phải “cố gắng” đốt cháy cơ thể, và đặc biệt là sự cạnh tranh ngầm giữa phụ nữ với nhau tại phòng tập cũng là một vấn đề khiến tôi cảm thấy đây không còn là môi trường tích cực cho mình nữa. Tôi đã tìm tòi lại về những gì đã mang lại nhiều niềm vui cho tôi từ bé, và đó chính là nhảy múa và âm nhạc. Từ đó tôi đã tìm đến những môn múa thể thao, môn barre, môn nhảy trên bạt nhún, và đặc biệt là Pilates - vì đây là một môn tập được thiết kế riêng cho những vũ công ballet ngày xưa, trước khi nó trở thành một hiện tượng Fitness thế giới. Từ đó muỗi buổi tập tại nhà, là một buổi khám phá nhiều chuyển động mới cho cơ thể mình, kết nối sâu với tâm trí khi tập trung để chuyển động theo âm nhạc, theo nhịp, và để giữ cơ thể thăng bằng không bị ngã. 


Có thể đối với bạn, chuyển động mà cơ thể bạn sinh ra để làm lại không phải là nhảy, mà là tập thể hình, hay chạy bộ, hoặc chơi tennis... cho là gì đi nữa, hãy khám phá và theo đuổi tiếng gọi từ chính cơ thể mình khi bạn nhìn thấy một ai đó đang tập hay chơi môn thể thao bạn quan tâm. Nhiều khả năng cơ thể bạn sẽ nhận ra cái nó muốn trước cả bạn. 


Giải Mã Lầm Tưởng Lớn Nhất Của Mình Về “Carb”


Càng tập càng hăng. Và đến giờ, tôi cảm thấy không thể bỏ một ngày tập nào, không phải vì sợ không tập sẽ lên cân, mà vì cơ thể tôi sẽ khao khát được chuyển động, vì tâm trí sẽ khao khát được trở về với chính mình và thả mình trong chuyển động, trong âm nhạc… Dần dần những thứ đó đã trở nên thiết yếu với tôi như việc ăn uống và ngủ nghỉ. Khi dành hết tâm trí vào việc chuyển động một cách “chất lượng” nhất có thể, tôi cũng đốt nhiều năng lượng hơn mỗi giờ tập, và từ đó tôi ăn nhiều hơn, đơn giản vì thấy đói và cần ăn để nạp đủ năng lượng cơ thể cần để hồi phục sau tập.


Nếu như trước đây tôi không bao giờ ăn trước khi tập với hi vọng là sẽ đốt được nhiều mỡ hơn, thì giờ tôi ăn một bữa nhẹ cả trước và sau giờ tập. Nếu như trước đây tôi tránh ăn tinh bột (carb) sau khi tập để ưu tiên cho cơ thể nạp protein để tạo cơ mà không tạo mỡ, thì giờ tôi ăn carb cả trước cả sau tập. Điều quan trọng (và khoa học) về carb mà tôi đã cố tình không tin trước đây, là carb là chất thiết yếu để giúp cơ bắp khỏe và làm việc tốt. Đúng, chúng ta cần protein để tạo sợi cơ bắp mới, nhưng muốn cơ hoạt động khoẻ và có “sức mạnh” khi chuyển động, có sức bật nhanh... thì cơ phải được nạp đủ carb cả trước và sau giờ tập. Vì vậy, giờ tôi có thể tập mạnh hơn, lâu hơn, với năng suất cao hơn mỗi phút.


Chính nhờ vậy, cơ mới đốt nhiều năng lượng hơn cả trong lúc tập và sau khi tập, qua đó đốt mỡ với hiệu suất cao hơn. Nếu cơ yếu, thì có tập y như hướng dẫn, cũng không thể đốt nhiều calo như một người có cơ khoẻ. Đây là điều quan trọng nhất tôi đã rút ra. Bởi sau một thời gian chú ý ăn uống đủ carb trong ngày và đặc biệt là trước, sau tập, tôi không những không tăng cân, mà còn trở nên “Lean” (săn) hơn rất nhiều trước đây.  


Giấc Ngủ - Yếu Tố Dễ Bị Bỏ Quên Nhưng Lại Quan Trọng Nhất


Cuối cùng, tôi không thể không nhấn mạnh tầm quan trọng của giấc ngủ. Khi còn trẻ, tôi luôn thức khuya đến 1, 2 giờ sáng kể cả những ngày phải đi làm, và con nghĩ mình giỏi khi hôm sau vẫn dậy sớm đi làm được, và đi làm về vẫn đi tập gym được. Nhưng việc ngủ thiếu chính là lý do lớn nhất có thể khiến chúng ta tích mỡ (đặc biệt ở vùng bụng), khiến chúng ta thèm ăn ngọt, khiến chúng ta dễ stress hơn, và oái oăm thay, chính các hormone stress cũng là một yếu tố kích thích việc tích mỡ và thèm ăn. Bao lâu nay tôi vẫn không tin vào điều này cho đến khi tôi tạo được thói quen ngủ tốt sau khi đã sinh con.


Con trai tôi luôn dậy sớm (và lúc bé thì hay khóc đêm) nên việc ngủ sớm là việc sống còn nếu như tôi muốn đủ “minh mẫn” cho ngày hôm sau. Nhờ đó mà tôi đã tạo được thói quen đi ngủ trước 11 giờ. Giờ bé đã 5 tuổi và không còn khóc đêm cũng như dậy sớm tinh mơ nữa, nên thói quen đi ngủ sớm đã cho phép tôi ngủ tối tiểu 7-8 tiếng một ngày. Nhờ việc ngủ đủ, buổi sáng tôi có nhiều năng lượng hơn, cộng với việc ăn uống đầy đủ, lại càng có năng lượng để tập tành và chuyển động tối ưu hơn, dẫn đến việc kích hoạt nhiều cơ bắp, đốt nhiều năng lượng hơn. 


Và đây chính là một “vòng luẩn quẩn” có lợi khi chúng ta ăn, ngủ và tập một cách đầy đủ và cân bằng. Bất cứ cái gì nhiều quá hay ít quá trong phương trình này cũng sẽ dẫn đến sự mất cân bằng và những biểu hiện không ổn trên người mình. 



Tập Yêu Và Thực Sự TIN Vào Khả Năng Kỳ Diệu Của Cơ Thể


Tất cả những điều trên, cộng với một tinh thần khỏe mạnh, tích cực, không còn phán xét hay so sánh bản thân mình với người khác, đã giúp tôi ngày một yêu cơ thể mình hơn, bớt kiểm soát nó hơn, và thực sự thưởng thức nó theo đúng nghĩa: thưởng thức khả năng chuyển động, làm việc, cảm thụ qua mọi giác quan của cơ thể của mình - để hiểu ra rằng cơ thể mình thật sự là một thứ diệu kỳ không khác gì vũ trụ của chúng ta. Khi tự tin vào sức mạnh và sự diệu kỳ của cơ thể mình, tôi mới tin là nó “thông minh” hơn cái đầu tôi rất nhiều. Và từ đó tôi “nghe lời” nó nhiều hơn, thay vì nghĩ mình phải “bảo” nó phải ăn hay tập theo cách của mình, để nó “trông” như thế nào mình muốn. Khi đã hoàn toàn từ bỏ sự kiểm soát với ngoại hình hay vóc dáng của mình, tự nhiên tôi mới bắt đầu nhận được những lời khen như “chị ngày càng đẹp ra” hay “trông chị như ngày một trẻ ra”. Tôi chỉ biết cười, vì thực sự tôi không làm gì để “đạt” những điều đó. Tôi chỉ đơn giản đã hoàn toàn “phó thác” việc đó cho chính cơ thể mình bằng cách tạo một môi trường tối ưu (ngủ đủ, ăn đủ) để nó có thể hoạt động tối ưu (tập, làm việc). Và từ đó, mọi thứ sẽ rơi vào quỹ đạo cân bằng nhất và cơ thể sẽ dịch chuyển dần về trạng thái tối ưu nhất của nó - bao gồm cả tỉ lệ cơ, mỡ tối ưu cho một sức khỏe tốt và thân hình tối ưu.


Sáng nay, tôi nhìn vào gương và chợt nhận ra một cách ngạc nhiên là tôi đã có “múi bụng” rõ đến mức tôi không phải “gồng bụng” mới thấy, và cơ mông cũng đã phát triển hơn rất nhiều. Đây chính là những điều tôi đã mong cả tuổi trẻ của mình và cố gắng đạt mà vẫn thất bại. Giờ đây, ở tuổi 37, một cơ thể tôi hằng mong muốn cho mình lại đến một cách dễ dàng như vậy khi tôi chỉ tập trung vào việc chăm sóc và yêu chính mình, bằng cách chỉ làm những gì mang lại niềm vui cho mình (nhảy, múa, tập Pilates, thưởng thức bữa ăn), tránh những gì khiến mình căng thẳng hoặc phải phán xét bản thân (bước lên cân, đi gym hay nhìn mạng xã hội), và đáp ứng những gì cơ thể mình cần cho quá trình đó (ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi và ngủ đủ). Hay nói cách khác, tôi đã cho phép cơ thể mình chỉ đường cho mình, thay vì ép buộc nó theo mình. Đây mới là cách duy trì “cơ thể hoàn hảo” của mình một cách trường tồn nhất. 


Hi vọng bạn cũng sẽ tìm được “điểm cân bằng” hoàn hảo của chính mình giữa ăn, nghỉ, tập và đặc biệt là nuôi dưỡng một sức khỏe tinh thần bền bỉ, tích cực để yêu cơ thể mình cho dù nó đang “hoàn hảo” hay không. Đừng quên là cơ thể hay vóc dáng chúng ta vẫn chỉ là phần ít “thú vị” nhất của con người mình, và chúng ta là nhiều hơn thế nữa rất nhiều. Một khi bạn bớt tập trung vào thân hình mình hơn, để tập trung nhiều hơn vào con người và tinh thần của mình, thì thân hình mình chắc chắn sẽ “đi theo”. 

About the author

Đào Chi Anh là Founder của HER, ngoài việc kinh doanh, cô còn là một HLV Fitness, Pilates và Dinh Dưỡng cá nhân. Cô đã được nhận chứng chỉ quốc tế về Tư vấn Dinh dưỡng, Tư vấn Thể hình và Pilates từ những chương trình đào tạo uy tín tại Mỹ và Canada. Cô cũng đã tốt nghiệp bằng Diploma (Cao Đẳng) về Sức khỏe Dinh Dưỡng của Anh Quốc và là một HLV Fitness cá nhân được cấp chứng chỉ bởi ISSA (Hoa Kỳ).


Hãy theo dõi Chi Anh trên mạng xã hội tại:

IG: @daochianh,

LinkedIn: @chianhdao,

FB: @daochianh

author

Dao Chi Anh

Founder

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!