Phụ gia thực phẩm được sử dụng để tăng hương vị, hình thức hoặc kết cấu của sản phẩm hoặc để kéo dài thời hạn sử dụng. Các chất phụ gia có thể có nguồn gốc thiên nhiên, hoặc nhân tạo.
Có nhiều chất phụ gia an toàn hay có thể được tiêu thụ với rủi ro thấp, tuy nhiên cũng có một số chất ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và nên tránh.
Dưới đây là những loại phụ gia thực phẩm phổ biến nhất, cùng với các khuyến nghị về những loại phụ gia nên hạn chế trong chế độ ăn uống của bạn.
Bột ngọt (MSG)
Monosodium glutamate, hay MSG, là một loại phụ gia thực phẩm phổ biến được sử dụng để tăng hương vị cho các món mặn. Nó được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn. Nó cũng thường được thêm vào thức ăn tại các nhà hàng và nơi bán thức ăn nhanh. Bột ngọt đã trở thành chủ đề gây tranh cãi gay gắt kể từ một nghiên cứu năm 1969 trên chuột cho thấy rằng một lượng lớn bột ngọt gây ra những tác động có hại cho thần kinh và làm suy giảm sự tăng trưởng và phát triển của trí não. Tuy nhiên, chất phụ gia này có thể ít hoặc không ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ của con người vì nó không thể vượt qua hàng rào máu não.
Bột ngọt cũng có liên quan đến tăng cân và hội chứng chuyển hóa. Một số người nhạy cảm với bột ngọt có thể gặp các triệu chứng như đau đầu, đổ mồ hôi và tê liệt sau khi ăn một lượng lớn. Trong một nghiên cứu, 61 người được cho là nhạy cảm bột ngọt, đã được cho dùng 5 gam bột ngọt hoặc giả dược. Điều thú vị là 36% có phản ứng bất lợi với bột ngọt trong khi chỉ 25% báo cáo có phản ứng với giả dược, vì vậy độ nhạy cảm với bột ngọt có thể là mối quan tâm chính đáng đối với một số người. Nếu bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ tiêu cực nào sau khi tiêu thụ bột ngọt, tốt nhất bạn nên loại bỏ nó khỏi chế độ ăn uống của mình.
Nhóm Nitrit và Nitrat
Thường được tìm thấy trong các loại thịt đã qua chế biến, nhóm chất này hoạt động như một chất bảo quản để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn đồng thời tạo thêm hương vị mặn và màu đỏ hồng. Khi tiếp xúc với nhiệt độ cao và với sự có mặt của các axit amin, chúng có thể biến thành nitrosamine, một hợp chất có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe. Một đánh giá cho thấy rằng hấp thụ lượng lớn nitrosamine có liên quan đến nguy cơ ung thư dạ dày.
Nhiều nghiên cứu khác đã tìm thấy mối liên hệ tương tự, báo cáo rằng ăn nhiều thịt chế biến sẵn có thể liên quan đến nguy cơ ung thư đại trực tràng, vú và bàng quang.
Các nghiên cứu khác cho thấy rằng việc tiếp xúc với nitrosamine cũng có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 1 cao hơn, mặc dù còn cần nhiều nghiên cứu hơn.
Dù cho kết quả như nào thì tốt nhất nên giữ lượng chất này và thịt chế biến ở mức tối thiểu. Hãy thử đổi các loại thịt đã qua chế biến như thịt xông khói, xúc xích và giăm bông sang thịt tươi và các nguồn protein lành mạnh.
Guar gum
Guar gum là một loại carbohydrate chuỗi dài được sử dụng để làm đặc và kết dính thực phẩm. Nó được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp thực phẩm và có thể được tìm thấy trong kem, nước sốt salad và súp. Guar Gum có nhiều chất xơ và mang lại vô số lợi ích cho sức khỏe. Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy nó làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích như đầy hơi và táo bón.
Một đánh giá của ba nghiên cứu cũng cho thấy rằng những người dùng guar gum cùng với bữa ăn đã tăng cảm giác no và ăn ít calo hơn khi ăn vặt suốt cả ngày. Một nghiên cứu khác cho thấy rằng guar gum cũng giúp giảm lượng đường và cholesterol trong máu. Tuy nhiên, một lượng lớn guar gum có tác dụng phụ đối với sức khỏe. Điều này là do nó có thể phình to gấp 10 đến 20 lần kích thước của nó, có khả năng gây ra các vấn đề như tắc nghẽn thực quản hoặc ruột non. Guar gum cũng gây ra các triệu chứng nhẹ như đầy hơi, chướng bụng hoặc chuột rút ở một số người.
Màu thực phẩm
Màu thực phẩm nhân tạo được sử dụng để tạo màu của món ăn, đặc biệt là các loại bánh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đã có nhiều lo ngại về những ảnh hưởng sức khỏe liên quan đến dùng màu thực phẩm. Các loại thuốc nhuộm thực phẩm cụ thể như Xanh, Đỏ, Vàng có liên quan đến phản ứng dị ứng ở một số người. Ngoài ra, một bài đánh giá đã báo cáo rằng màu thực phẩm nhân tạo có khả năng làm thúc đẩy chứng hiếu động thái quá ở trẻ em.
Người ta cũng lo ngại về tác dụng gây ung thư tiềm ẩn của một số loại thuốc nhuộm thực phẩm. Erythrosine có trong màu đỏ, đã được chứng minh có khả năng làm tăng nguy cơ khối u tuyến giáp trong một số nghiên cứu trên động vật. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trên động vật đã phát hiện ra rằng các loại thuốc nhuộm thực phẩm khác không liên quan đến bất kỳ tác động gây ung thư nào.
Siro ngô với hàm lượng đường fructose cao
Siro ngô có hàm lượng đường fructose cao là chất làm ngọt được làm từ ngô. Nó thường được tìm thấy trong soda, nước trái cây, kẹo, ngũ cốc ăn sáng và đồ ăn nhẹ. Nó rất giàu một loại đường đơn gọi là fructose, có khả năng gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khi tiêu thụ với số lượng lớn. Đặc biệt, siro ngô có hàm lượng đường fructose cao có khả năng gây tăng cân và tiểu đường. Trong một nghiên cứu, 32 người đã uống đồ uống được làm ngọt bằng glucose hoặc fructose trong 10 tuần. Vào cuối cuộc nghiên cứu, đồ uống có đường fructose đã làm tăng đáng kể lượng mỡ bụng và lượng đường trong máu, cộng với việc giảm độ nhạy insulin so với đồ uống có đường glucose. Các nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm cũng phát hiện ra rằng fructose có thể gây viêm trong tế bào. Tình trạng viêm được cho là đóng vai trò trung tâm trong nhiều bệnh mãn tính, bao gồm bệnh tim, ung thư và tiểu đường. Ngoài ra, siro ngô có hàm lượng đường fructose cao đóng góp lượng calo rỗng và thêm đường vào thực phẩm mà không có bất kỳ loại vitamin và khoáng chất quan trọng nào mà cơ thể bạn cần. Tốt nhất là bỏ qua đồ ăn nhẹ có đường và thực phẩm có chứa siro ngô có hàm lượng fructose cao. Thay vào đó, hãy chọn thực phẩm nguyên chất, chưa qua chế biến, không thêm đường và làm ngọt chúng bằng stevia, siro yacon hoặc trái cây tươi.
Chất tạo ngọt nhân tạo
Chất tạo ngọt nhân tạo được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm và đồ uống dành cho người ăn kiêng để tăng vị ngọt đồng thời giảm hàm lượng calo. Các loại chất làm ngọt nhân tạo phổ biến bao gồm aspartame, sucralose, saccharin và acesulfame kali. Các nghiên cứu cho thấy chất làm ngọt nhân tạo có thể hỗ trợ giảm cân và giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Một nghiên cứu khác cho thấy những người tiêu thụ thực phẩm bổ sung có chứa chất làm ngọt nhân tạo trong 10 tuần có lượng calo hấp thụ thấp hơn, đồng thời ít tăng mỡ và cân nặng hơn so với những người tiêu thụ đường thông thường. Một nghiên cứu khác cho thấy rằng tiêu thụ sucralose trong 3 tháng không ảnh hưởng đến việc kiểm soát lượng đường trong máu ở 128 người mắc bệnh tiểu đường. Lưu ý rằng một số loại chất làm ngọt nhân tạo như aspartame có thể gây đau đầu ở một số người và các nghiên cứu cho thấy một số người có thể nhạy cảm hơn với tác dụng của nó.
Tuy nhiên, chất làm ngọt nhân tạo thường được coi là an toàn cho hầu hết mọi người khi tiêu thụ ở mức độ vừa phải. Nếu bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ tiêu cực nào sau khi sử dụng chất tạo ngọt, hãy kiểm tra nhãn thành phần cẩn thận và hạn chế thực phẩm đó.
Natri benzoate
Natri benzoate là chất bảo quản thường được thêm vào đồ uống có ga và thực phẩm có tính axit như nước xốt salad, dưa chua, nước ép trái cây và gia vị. Nó thường được FDA công nhận là an toàn, nhưng một số nghiên cứu đã phát hiện ra các tác dụng phụ tiềm ẩn đáng cân nhắc. Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy rằng việc kết hợp natri benzoate với màu thực phẩm nhân tạo sẽ làm tăng chứng hiếu động thái quá ở trẻ 3 tuổi. Một nghiên cứu khác cho thấy rằng uống nhiều đồ uống có chứa natri benzoate có liên quan đến nhiều triệu chứng ADHD hơn ở 475 sinh viên đại học. Khi kết hợp với vitamin C, natri benzoate cũng có thể được chuyển hóa thành benzen, một hợp chất liên quan đến sự phát triển ung thư. Đồ uống có ga chứa hàm lượng benzen cao nhất và đồ uống dành cho người ăn kiêng hoặc không đường thậm chí còn dễ hình thành benzen hơn. Một nghiên cứu phân tích nồng độ benzen trong nhiều loại thực phẩm đã tìm thấy các mẫu cola và cole slaw có hơn 100 ppb benzen, cao hơn 20 lần mức tối đa do EPA quy định đối với nước uống. Để giảm thiểu lượng natri benzoate tiêu thụ, hãy kiểm tra nhãn thực phẩm của bạn một cách cẩn thận. Tránh thực phẩm có chứa các thành phần như axit benzoic, benzen hoặc benzoate, đặc biệt nếu được kết hợp với nguồn vitamin C như axit citric hoặc axit ascorbic.
Chất béo chuyển hóa
Chất béo chuyển hóa là một loại chất béo không bão hòa đã trải qua quá trình hydro hóa, giúp tăng thời hạn sử dụng và cải thiện tính nhất quán của sản phẩm. Nó có thể tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm chế biến như bánh quy, bơ thực vật, bỏng ngô... Một số rủi ro sức khỏe tiềm ẩn có liên quan đến việc hấp thụ chất béo chuyển hóa và FDA thậm chí gần đây đã quyết định thu hồi trạng thái GRAS (thường được công nhận là an toàn) của chúng. Đặc biệt, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc hấp thụ nhiều chất béo chuyển hóa với nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn. Một nghiên cứu cho thấy rằng ăn thực phẩm giàu chất béo chuyển hóa làm tăng một số dấu hiệu viêm nhiễm, nguy cơ chính gây ra bệnh tim. Nghiên cứu cũng cho thấy có thể có mối liên hệ giữa chất béo chuyển hóa và bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu lớn với 84.941 phụ nữ thậm chí còn chỉ ra rằng hấp thụ nhiều chất béo chuyển hóa có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn 40%. Bạn cũng có thể thực hiện một số thay đổi đơn giản trong chế độ ăn uống của mình, chẳng hạn như sử dụng bơ thay vì bơ thực vật và thay thế dầu thực vật bằng dầu ô liu hoặc dầu dừa.
Hương liệu
Hương liệu là hóa chất được làm để bắt chước hương vị của các nguyên liệu khác. Chúng có thể được sử dụng để bắt chước nhiều hương vị khác nhau, từ bỏng ngô và caramel đến trái cây và hơn thế nữa. Các nghiên cứu trên động vật đã phát hiện ra rằng những hương vị tổng hợp này có một số tác động đáng lo ngại đối với sức khỏe. Nghiên cứu cho thấy việc sản xuất hồng cầu ở chuột giảm đáng kể sau khi chúng được cho ăn hương liệu trong bảy ngày. Không chỉ vậy, một số hương liệu sô cô la, bánh quy và dâu tây cũng được phát hiện là có tác dụng độc hại đối với tế bào tủy xương của chúng. Tương tự, một nghiên cứu khác trên động vật cho thấy hương liệu tổng hợp nho, mận và cam ức chế sự phân chia tế bào và gây độc cho tế bào tủy xương ở chuột.
About the author
Ngọc Anh