Giải đáp mọi điều xung quanh chảo chống dính

ẨM THỰC

Giải đáp mọi điều xung quanh chảo chống dính

authorBy Ngọc Anh
Share on
Share on
Giải đáp mọi điều xung quanh chảo chống dính

Ngày nay đa số chảo bán trên thị trường, từ rẻ đến cao cấp, đều là chảo chống dính. Dùng chảo chống dính vừa dễ rửa, vừa có thể giảm lượng dầu mỡ phải dùng để thức ăn không bị dính, nên đã trở thành một dụng cụ được ưa dùng trong mọi căn bếp.


Tuy nhiên, rất nhiều người tiêu dùng gần đây tỏ ra lo ngại về sự an toàn của lớp chống dính, nhất là khi lớp chống dính đó bị bong tróc, có thể lẫn vào thức ăn, hoặc khi chất hoá học trong lớp chống dính “bốc hơi” vào không khí.... Cùng tìm hiểu nhé!


PFOA – Hóa chất gây nhiều tranh cãi trong lớp chống dính


Mối lo ngại tập trung vào một hóa chất có tên là axit perfluorooctanoic (PFOA), trước đây được sử dụng để sản xuất dụng cụ nấu nướng chống dính. PFOA đã được sử dụng trong sản xuất chảo chống dính cho đến năm 2013.


Mặc dù hầu hết PFOA trên nồi thường bị đốt cháy ở nhiệt độ cao trong quá trình sản xuất, nhưng một lượng nhỏ vẫn còn trong sản phẩm cuối cùng.


Một số nghiên cứu cho rằng, chất PFOA có thể liên quan đến những bệnh như rối loạn tuyến giáp, bệnh gan thận, ung thư, vô sinh… Điều này đã gây hoang mang không ít đối với người tiêu dùng. Dẫn đến nhiều hãng sản xuất nồi chảo chống dính có tiếng đã từ bỏ chất PFOA khỏi công thức chống dính của họ.


*Mặc dù PFOA đã được loại bỏ khỏi các sản phẩm, nhưng vẫn còn những thành phần khác như PFAS vẫn đang được tiến hành nghiên cứu để hiểu đầy đủ hơn về bản chất của những thành phần đó và cách chúng tác động đến cơ thể con người.


giai-dap-moi-dieu-xung-quanh-chao-chong-dinh-2.jpg


Khi nấu nhiệt cao quá lớp chống dính sẽ bắt đầu phân hủy


Tuy nhiên dù có PFOA hay không, thì lớp chống dính vẫn có thể “bốc hơi” hoặc phân huỷ ở nhiệt độ cao, dẫn đến ít nhất 6 loại khí độc có thể giải phóng vào không gian sống của gia đình.


Vì vậy điều then chốt trong việc sử dụng nồi chảo chống dính an toàn nằm chính ở nhiệt độ: chừng nào nồi chảo không bị nóng trên 300 độ C, thì lớp chống dính vẫn an toàn và chưa bị phân huỷ/bốc hơi khí độc lên không khí.


Nói đến đây có thể bạn nghĩ, bạn không bao giờ nấu trên 300 độ C nên không lo. Tuy nhiên hãy xem những tình huống dưới đây, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng chảo của bạn có thể lên 300 độ C rất nhanh nếu không chú ý:


Đối với chảo chống dính đế mỏng, trọng lượng chảo nhẹ (tầm 450g): nếu đặt chảo không lên bếp (không dầu) ở mức nhiệt cao, chảo sẽ đạt 300C chỉ sau 1 phút 45 giây. Nếu chảo có sẵn 2 thìa canh dầu đặt lên bếp ở mức nhiệt cao, chảo sẽ đạt 300C trong 2 phút 30 giây.


Đối với chảo chống dính đế dày vừa, trọng lượng chảo nặng vừa (tầm 900g): khi dùng để rán thịt ở mức nhiệt cao, sau 5.5 phút, chảo vẫn chưa đạt 300 độ C (chảo sẽ nóng tầm 240C). Sau đó, nhiệt chảo sẽ lên dần và có thể đạt 300C.


Đối với chảo chống dính đế dày, trọng lượng chảo nặng (> 1kg): khi dùng để chiên thịt ở mức nhiệt cao, chảo sẽ đạt 300 độ C trong 8.5 phút.


Điều cần lưu ý là khi chảo chống dính lên nhiệt độ cao đến 350C trở lên, lớp chống dính sẽ phân huỷ nhiều và ra khói đủ đậm đặc (gồm ít nhất 6 loại khí độc) để có thể gây ra triệu chứng “cảm polymer” – một triệu chứng giống cảm cúm, gồm đau đầu, run lạnh và sốt. Khói này có thể làm chết những động vật bé hơn như chim nuôi, vì chúng có hệ hô hấp yếu hơn. Tuy nhiên để bị ngộ độc mức này phải hít rất nhiều khói và trong môi trường rất kín.


giai-dap-moi-dieu-xung-quanh-chao-chong-dinh-4.jpg


Cách sử dụng nồi chảo chống dính an toàn


Điều then chốt để sử dụng nồi chảo chống dính an toàn là luôn để thức ăn phủ kín mặt chảo, dùng cho thức ăn nhanh chín, và chiên ở mức nhiệt thấp đến trung bình nếu phải chiên lâu. Hãy đọc và lưu ý những quy tắc quan trọng sau đây để giữ cho nồi chảo chống dính bạn vừa bền lâu, vừa an toàn cho sức khoẻ nhé!


Không bao giờ làm nóng chảo rỗng trên bếp: Chảo rỗng có thể đạt đến nhiệt độ cao trong vòng vài phút, có khả năng gây ra khói độc. Đảm bảo rằng bạn có một ít thức ăn hoặc chất lỏng trong nồi và chảo trước khi làm nóng sơ bộ.


Không nấu trên bếp ở mức nhiệt cao: Đa số hãng sản xuất nồi chảo chống dính đều khuyến cáo người sử dụng chỉ nên dùng chảo ở mức nhiệt từ thấp đến vừa. Tuyệt đối tránh để chảo lên bếp từ ở mức “siêu tốc” (>2400W) nhé! Cho dù bạn muốn thức ăn nhanh vàng giòn đến mấy, bạn cũng nên kiên nhẫn để thức ăn nấu lâu hơn, ở mức nhiệt thấp hơn.


Thông khí bếp: Khi chiên/nấu với nồi chảo chống dính, hãy luôn bật máy hút mùi và mở cửa sổ bếp để thông thoáng và hút khói bốc ra khỏi chảo, phòng khi có tàn dư chất chống dính trong khói.


Tránh “áp chảo giòn” hoặc “xém” thịt trên chảo: Để đạt mức xém và lớp vàng giòn trên thịt trên chảo chống dính, thường bạn sẽ cần phải để chảo nóng hơn mức cho phép (mức vừa), và do đó sẽ dẫn đến phân huỷ chất chống dính trong lúc nấu. Hãy dành phương pháp nấu này cho những thiết bị khác như lò nướng, nồi chiên không dầu, hoặc chảo gang, chảo inox thép không gỉ… thì sẽ an toàn hơn.


Tránh làm sứt/mẻ lớp chống dính: Hãy luôn dùng thìa hoặc xẻng gỗ/silicon/nhựa chống dính để dùng với chảo chống dính để tránh làm sứt mẻ lớp chống dính, sẽ tăng khả năng phân huỷ chất chống dính vào thức ăn hơn.


Cọ rửa nhẹ nhàng: Tránh dùng miếng rửa kim loại gây bong tróc lớp chống dính.


Thay chảo cũ: Khi lớp phủ bắt đầu xuống cấp rõ rệt với các vết trầy xước, bong tróc và sứt mẻ quá mức, chúng đã sẵn sàng để được thay thế. Trung bình sau 3-5 năm, bạn cũng nên thay chảo chống dính một lần vì khi đó nhiều khả năng là lớp chống dính không còn hiệu quả và đã có nhiều vết xước.


giai-dap-moi-dieu-xung-quanh-chao-chong-dinh-3.jpg


Phương pháp thay thế nồi chảo chống dính


Có thể bạn thấy dùng đồ chống dính không đủ an toàn cho bạn nữa, và bạn cảm thấy muốn thay thế dòng nồi chảo chống dính trong nhà bạn. Bạn có thể cân nhắc những phương án sau:


Chảo inox (thép không gỉ)


Chảo inox là dụng cụ rất bền và hiệu quả cho việc chiên rán nhiệt độ cao, hoặc để làm vàng/giòn thức ăn. Thậm chí chảo có thể cho được vào lò nướng (nếu 100% từ chất thép không gỉ và không có tay cầm bằng nhựa). Chảo này cũng có thể rửa trong máy rửa bát an toàn.


Chảo gang


Nếu chảo gang được tôi dầu đều và giữ cho không gỉ, thì chảo có khả năng chống dính tự nhiên suốt đời. Chảo gang có thể chịu nhiệt rất cao, dẫn nhiệt đều, và chịu được nhiệt cao hơn nhiều mức nhiệt mà chảo chống dính có thể chịu được, và có thể cho cả chảo và thức ăn thẳng vào lò nướng. 


Chảo đá


Nồi chảo làm từ đá đã được con người sử dụng từ hàng nghìn năm nay. Lớp đá có thể dẫn nhiệt đều và nếu tôi dầu đều cũng có thể chống dính tự nhiên. Lớp đá chống xước và có thể chịu nhiệt rất cao.


Chảo sứ (ceramic)


Tuy chống dính và hoàn toàn không có hoá chất độc hại, nhưng lớp sứ có thể dễ dàng bị xước nếu không giữ cẩn thận.


Nồi chiên không dầu


Gần đây rất nhiều người đã bỏ hẳn việc chiên rán trên chảo để dùng nồi chiên không dầu. Vừa giải thoát sức lao động, vừa an toàn hơn, khi nồi luôn đảm bảo ở mức nhiệt an toàn là 200 độ trở xuống. Một số nồi có lớp chống dính như Cosori cũng bảo đảm không có hợp chất PFOA độc hại và được cục vệ sinh an toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chứng nhận là an toàn.


Vậy bạn đã biết những thông tin cơ bản và cần thiết về cách sử dụng đồ chống dính một cách an toàn, và có thể lựa chọn cho mình những nồi chảo bếp phù hợp từ nay về sau nhé!

About the author

Một tâm hồn yêu ẩm thực, một đôi chân thích đi du lịch, một trái tim thích tận hưởng.

author

Ngọc Anh

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!