Đâu mới đúng là thực phẩm cần tránh trong thai kỳ?

MẸ & BÉ

Đâu mới đúng là thực phẩm cần tránh trong thai kỳ?

authorBy Đỗ Hạnh Trang
Share on
Share on
Đâu mới đúng là thực phẩm cần tránh trong thai kỳ?

Ăn uống thế nào để mẹ khỏe mạnh, con phát triển tốt là thắc mắc và mối quan tâm của tất cả các bậc làm cha làm mẹ. Chính vì lý do đó, rất nhiều lời đồn không rõ thực hư về dinh dưỡng trong thai kỳ khiến mẹ bầu rối bời. Liệu kinh nghiệm dân gian truyền miệng có thực sự chính xác? Liệu đâu mới đúng là những món ăn có hại mà mẹ bầu cần tránh trong thai kỳ?


5 Quan Niệm Sai Lầm Về Dinh Dưỡng Cho Mẹ Bầu


Con bị chảy dãi và chậm nói vì mẹ bầu ăn ốc


Theo kinh nghiệm dân gian, ốc là món ăn bị cấm kị nhiều nhất khi mang thai. Sở dĩ như vậy vì ốc được đồn đoán là nguyên nhân khiến trẻ hay chảy dãi và chậm nói. Tuy nhiên, quan niệm này hoàn toàn sai lầm. 


Trong 3 tháng đầu sau sinh, trung tâm bài tiết nước bọt ở vỏ não của trẻ chưa phát triển nên số lượng nước bọt còn ít. Đến tháng thứ 4, tuyến nước bọt của trẻ đã hoàn thiện, trẻ bài tiết nước bọt nhiều hơn nhưng lại chưa biết nuốt nước bọt. Do đó, trẻ có hiện tượng hay chảy dãi. Dấu hiệu này hoàn toàn bình thường và sẽ dần biến mất khi trẻ hoàn thiện phản xạ nuốt chứ không liên quan đến việc ăn ốc trong thai kỳ.


Thời gian trẻ bắt đầu tập nói phụ thuộc vào tốc độ phát triển của não bộ, các giác quan nghe nhìn, cấu tạo lưỡi, họng cũng như yếu tố di truyền và sự hỗ trợ từ gia đình. Yếu tố dinh dưỡng trong thai kỳ chắc chắn không cản trở sự phát triển ngôn ngữ của trẻ.



Ăn dứa gây nóng và sảy thai 


Nhiều mẹ bầu lo sợ ăn dứa bị nóng, gây co thắt tử cung dẫn đến sảy thai hoặc sinh non. Lời đồn đoán này xuất phát từ việc dứa chứa bromelain - một loại enzym kích thích co cơ và gây chảy máu. Tuy nhiên, hàm lượng bromelain trong dứa rất thấp, không đủ để tác động tới sức khỏe của mẹ và bé. Không có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào trên thế giới chứng minh dứa gây hại cho thai kỳ. 


Tránh xa mực vì chứa nhiều thủy ngân


Các mẹ bầu thường truyền tai nhau không nên ăn mực vì hải sản chứa nhiều thủy ngân, gây nên dị tật thai nhi. Tuy nhiên, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chứng minh mực chứa rất ít thủy ngân. Trung bình thành phần của mực có 0,024 PPM, đây là mức rất thấp. Trong khi đó, hàm lượng thủy ngân của nhiều loài cá khác cao hơn mực rất nhiều. Ví dụ cá mập chứa 0,979 PPM, cá ngừ chứa 0,689 PPM. Vì vậy, mẹ bầu có thể yên tâm ăn mực và chả mực mà không phải lo ngại bị nhiễm độc thủy ngân.


Ăn trứng vịt lộn khiến trẻ bị hen


Chắc chắn trứng vịt lộn không đẩy con bạn tới gần bệnh lý hen phế quản. Hen phế quản là bệnh lý viêm mạn tính của đường hô hấp liên quan đến yếu tố di truyền, dị ứng và môi trường. Trong đó, yếu tố di truyền và dị ứng quyết định bệnh còn các tác nhân từ môi trường khởi phát cơn hen cấp tính sau khi trẻ ra đời. Ăn trứng vịt lộn trong thai kỳ chắc chắn không thể biến đổi bộ gene hay kích hoạt bệnh lý hen phế quản. Do đó, quan niệm này chỉ là lời đồn đoán chứ không có cơ sở khoa học chính xác.



Ăn măng vì dễ mất máu và có nhiều độc tố


Chảy máu trong thai kỳ và trong quá trình chuyển dạ liên quan đến sự co bóp của cơ tử cung và yếu tố đông máu của mẹ. Các món ăn từ măng không thể tác động đến 2 yếu tố này. Vì vậy, quan niệm phụ nữ mang thai ăn măng dễ bị chảy máu không chính xác.


Mặc dù măng có chứa cyanua, thành phần khiến măng có bị đắng và gây hại tới sức khỏe nhưng hợp chất này có thể dễ dàng được loại bỏ trong quá trình chế biến. Bạn chỉ cần cắt nhỏ, ngâm rửa măng nhiều lần với nước sạch, sau đó luộc kỹ là có thể an tâm ăn các món ngon từ măng. 


5 Loại Thực Phẩm Cần Hạn Chế Khi Mang Thai


Sữa không được thanh trùng/tiệt trùng


Sữa tươi (raw milk) chứa hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng lại là môi trường tuyệt vời để vi sinh vật phát triển, trong đó có Listeria. Với mẹ bầu, vi khuẩn này khiến bạn bị sốt, đau mỏi cơ, đau bụng, tiêu chảy, đau đầu, nặng nề hơn là rối loạn ý thức, thậm chí tử vong. Mẹ bầu cũng có thể truyền vi khuẩn nguy hiểm này sang cho con, dẫn đến sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, cân nặng lúc sinh thấp và tăng tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh. Nếu may mắn sống sót, trẻ có thể bị tổn thương tim, thận, chậm phát triển tinh thần vận động, mù lòa và động kinh. 


Thanh trùng là quá trình loại bỏ vi khuẩn có hại trong sữa bằng cách tăng nhiệt độ sau đó làm lạnh nhanh. Thanh trùng không làm ảnh hưởng tới chất lượng sữa mà giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh và tăng thời gian bảo quản. Do đó, bạn bắt buộc phải sử dụng sữa thanh trùng trong thời gian mang thai.



Trứng lòng đào 


Trứng sống chứa vi khuẩn thương hàn, hay còn gọi là Salmonella. Tuy vi sinh vật này không gây hại cho thai nhi nhưng bạn có thể bị ngộ độc thực phẩm với triệu chứng đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt. Khi mang thai, hệ miễn dịch của bạn tạm thời suy giảm nên nguy cơ nhiễm vi khuẩn này tăng cao hơn. Vì vậy, bạn nên rán hoặc luộc kỹ trứng, tránh ăn trứng lòng đào.


Thịt sống


Các loại thịt chưa được nấu chín chứa Toxoplasmosis, một loại kí sinh trùng nguy hiểm đối với sức khỏe của mẹ và bé. Toxoplasmosis gây sảy thai, thai chết lưu hoặc dị tật bẩm sinh. Do đó, các món ăn từ thịt cần được nấu chín trước khi sử dụng, tức là miếng thịt không còn đỏ và không bị chảy nước hồng. Bạn cũng nên hấp hoặc rán chín các loại xúc xích trước khi ăn.


Pate


Nguyên liệu chính của pate là gan, mà gan lại là thực phẩm chứa nhiều vitamin A. Mặc dù thai nhi cần vitamin A để phát triển thị giác nhưng nếu mẹ bầu bổ sung quá nhiều vitamin A thì sẽ có hại cho sức khỏe. Thừa vitamin A gây ra sảy thai hoặc các dị tật bẩm sinh về hệ thần kinh trung ương, tim mạch. Do vậy, bạn không nên ăn quá nhiều và thường xuyên pate cũng như các thực phẩm giàu vitamin A khác như cà rốt, đu đủ, bí đỏ, cà chua, súp lơ, ớt chuông… Đặc biệt, bạn hãy nói không với các thực phẩm chức năng chứa vitamin A trong thai kỳ.





Các loại cá và hải sản tươi sống


Bạn nên hạn chế ăn cá ngừ vì loài cá này chứa nhiều thủy ngân, gây hại tới thai nhi. Không nên ăn quá 2 phần cá hồi hoặc cá thu mỗi tuần. Các loài cá này chứa nguồn chất béo dồi dào nên có nguy cơ nhiễm dioxin và polychlorinated biphenyls từ môi trường nước. Những hóa chất này có thể gây sinh non và cân nặng lúc sinh thấp. Nếu polychlorinated biphenyls truyền qua thai nhi, trẻ có nguy cơ bị ung thư, tổn thương hệ miễn dịch, thần kinh và nội tiết. Bên cạnh đó, mẹ bầu tuyệt đối không được ăn cá sống và các loại hải sản chưa được nấu chín vì có thể nhiễm các vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh.


Trong thai kỳ, mẹ bầu cần ăn uống đủ chất và cân bằng, không nên kiêng khem quá nhiều. Hãy sáng suốt chọn lọc thông tin khoa học, uy tín để chăm sóc sức khỏe bản thân và thai nhi tốt nhất! Her chúc bạn một thai kỳ khỏe mạnh và hạnh phúc!

About the author

Hạnh Trang là bác sĩ nhưng không theo đuổi màu áo blouse trắng. Cô quyết định trở thành cây viết tự do về sức khỏe. Thay vì kê đơn chữa bệnh, cô muốn dùng kiến thức y học và con chữ để giúp mọi người sống khỏe mạnh theo đúng định nghĩa của nó: đủ đầy về thể chất, tinh thần và xã hội.

Theo dõi Hạnh Trang tại: https://hanhtrang.co/

author

Đỗ Hạnh Trang

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!