Tạm biệt nôn nghén trong thai kỳ

MẸ & BÉ

Tạm biệt nôn nghén trong thai kỳ

authorBy Đỗ Hạnh Trang
Share on
Share on
Tạm biệt nôn nghén trong thai kỳ


Nôn nghén thường là dấu hiệu thông báo bạn đang mang thai. Đây cũng là hiện tượng sinh lý phổ biến của các mẹ bầu. Tuy nhiên, nôn nghén nhiều sẽ khiến bạn mệt mỏi, lo lắng và ảnh hưởng tới công việc cũng như chất lượng cuộc sống.


Thế Nào Là Nôn Nghén Khi Mang Thai?


Nôn nghén trong thai kỳ xảy ra ở 70 – 80% phụ nữ có thai. Bạn thường bắt đầu cảm thấy buồn nôn và nôn sau khi thụ thai 2 – 4 tuần. Đó là lý do nôn nghén báo hiệu bạn đang mang bầu, bên cạnh dấu hiệu chậm kinh. Nôn nghén trong thai kỳ thường nặng nề nhất ở tuần 9 – 16 và kéo dài tới tuần 22. Tuy nhiên, khoảng 10% mẹ bầu có triệu chứng nôn nghén tới hết thai kỳ. Mặc dù trong tiếng anh, nôn nghén được gọi là “morning sickness” nhưng bạn có thể buồn nôn và nôn vào mọi thời điểm trong ngày. 


Vì Sao Mẹ Bầu Thường Nôn Nghén?


Cơ chế chính xác của hiện tượng nôn nghén khi mang thai chưa rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân của hiện tượng này do là biến đổi hormone sinh dục. Sự gia tăng nồng độ hormone hCG, estrogen và progesterone đã tạo nên nhiều thay đổi trên cơ thể phụ nữ mang thai, trong đó có hiện tượng nôn nghén. Bên cạnh đó, yếu tố tâm lý – xã hội và các vấn đề của hệ tiêu hóa cũng góp phần gây ra hiện tượng này.



Các Yếu Tố Làm Nặng Thêm Tình Trạng Ốm Nghén


Ốm nghén trong các lần mang thai có thể khác nhau. Tuy nhiên, nếu bạn nôn nghén nghiêm trọng trong lần mang thai đầu tiên thì khả năng cao là bạn cũng phải đối mặt với tình trạng này trong lần mang thai tiếp theo.


Song thai hoặc đa thai. Khi bạn mang thai đôi hoặc đa thai, lượng hormone hCG trong cơ thể bạn cao hơn khiến tình trạng ốm nghén nặng nề hơn.


Trước khi có thai, bạn thường bị say tàu xe, nhạy cảm với mùi vị lạ hoặc có bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản. Điều đó có nghĩa là cơ thể bạn nhạy cảm và có nguy cơ ốm nghén cao hơn. Nếu trước đây, bạn bị buồn nôn và nôn khi uống thuốc tránh thai thì khi có thai, bạn cũng ốm nghén nặng hơn. Trong thuốc tránh thai khẩn cấp và hàng ngày có chứa estrogen và progesteron. Khi mang thai, nồng độ hai hormone này tăng cao 10 lần, tình trạng buồn nôn và nôn sẽ càng nặng nề hơn. 


Bạn có mẹ và chị em gái ốm nghén nặng trong thai kỳ. Khi mẹ bạn buồn nôn và nôn nghiêm trọng thì bạn có nguy cơ đối diện với tình trạng này cao gấp 3 lần những phụ nữ khác.


Thai nhi mang giới tính nữ và các bất thường của thai nhi như dị tật bẩm sinh, hội chứng Down cũng làm tăng nguy cơ ốm nghén cho bà mẹ.



Ảnh Hưởng Của Nôn Nghén Tới Sức Khỏe Bạn Và Thai Nhi


Nôn nghén là biến đổi sinh lý bình thường và hiếm khi nghiêm trọng. Tuy nhiên, nôn nghén cũng có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ bầu. Buồn nôn và nôn trong thai kỳ khiến bạn chán ăn, mệt mỏi. Nguy cơ viêm lợi, sâu răng cũng tăng cùng mức độ nặng của nôn nghén. Môi trường acid từ dạ dày sẽ phá hủy men răng. Vị khó chịu của kem đánh răng khiến bạn lơ là chăm sóc răng miệng.Hơn nữa, nhiều nghiên cứu đã chứng minh nôn nghén có liên quan tới nguy cơ tăng huyết áp và tiền sản giật trong thai kỳ. 


Bên cạnh đó, nôn nghén còn ảnh hưởng tới tâm lý của mẹ bầu và cả gia đình. Bạn có thể lo lắng, cáu gắt, rối loạn giấc ngủ và trầm cảm. Nôn nghén khi mang thai cũng ảnh hưởng tới công việc của người phụ nữ. Tình trạng buồn nôn, nôn khiến bạn khó tập trung làm việc, thậm chí phải xin nghỉ phép dài ngày.


Mặc dù vậy, ốm nghén thông thường ít ảnh hưởng tới sức khỏe của thai nhi. Các nghiên cứu đã chứng minh tình trạng ốm nghén không ảnh hưởng tới cân nặng và tuổi thai của em bé. Trẻ không bị sinh non và nhẹ cân khi bạn ốm nghén mức độ ít.


Khi Nào Cần Gặp Bác Sĩ?


Nôn nghén mức độ nhẹ thường không phải đi khám và điều trị. Tuy nhiên, khoảng 0,3 – 2% phụ nữ có thai phải đối mặt với tình trạng ốm nghén nặng. Tình trạng này ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe của bạn và em bé. Bạn buồn nôn, nôn dữ dội dẫn đến sụt cân, rối loạn điện giải. Thai nhi cũng không có đủ chất dinh dưỡng để phát triển. Nặng nề hơn, bà mẹ có thể bị tổn thương gan, thận, phổi; thai nhi có thể nhẹ cân, sinh non và chết lưu. Vì vậy, bạn cần đến gặp bác sĩ khi:


  1. Nôn nghén kéo dài quá 4 tháng đầu của thai kỳ.
  2. Ăn ít, sụt cân quá nhiều vì nôn.
  3. Có các triệu chứng bất thường kèm theo như sốt, chóng mặt, đau đầu, tim đập nhanh, đau bụng, tiểu nhiều, nước tiểu sẫm màu. 


Các Biện Pháp Giảm Thiểu Nôn Nghén Trong Thai Kỳ


Hầu hết các trường hợp nôn nghén trong thai kỳ thường nhẹ và không cần điều trị. Các triệu chứng có thể được cải thiện khi bạn điều chỉnh chế độ ăn, giữ không gian sống sạch sẽ, thoáng đãng. Riêng đối với tình trạng nôn nghén nặng, bạn cần đi khám sớm và tuân thủ điều trị của bác sĩ.


Điều chỉnh chế độ ăn uống là biện pháp hữu ích nhất. Một chế độ ăn phù hợp sẽ giúp bạn hạn chế tình trạng nôn nghén, đồng thời cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho bạn và thai nhi. Bạn nên ăn ít một và ăn nhiều bữa trong ngày. Nên chế biến các món ăn nhạt, ít dầu mỡ và ít cay để hạn chế tình trạng đầy bụng, giảm gánh nặng cho thực quản, dạ dày. Tăng cường các món ăn dạng lỏng như cháo, súp, canh, sữa, sinh tố, nước ép nhằm bổ sung nước, chất dinh dưỡng và dễ tiêu hóa. Ăn nhiều các món ăn và đồ uống chứa gừng cũng là biện pháp hữu ích. Nếu mùi thức ăn khiến bạn buồn nôn, hãy đợi món ăn nguội bớt rồi hẵng ăn.




Nôn nghén khiến bạn mệt mỏi và mất nước. Nước lọc, sữa hoặc nước trái cây là lựa chọn phù hợp để lấy lại cân bằng cho cơ thể. Bạn nên hạn chế rượu bia, chè, cafe và nước ngọt.


Bổ sung vitamin B6 giúp cải thiện tình trạng ốm nghén. Tuy nhiên, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi uống. Hoặc bạn có thể bổ sung vitamin B6 một cách an toàn thông qua các loại thực phẩm như đậu cove, đậu đũa, chuối, cam, bánh mỳ nguyên cám, ngũ cốc, các loại hạt, gan…


Giữ không gian trong nhà thông thoáng, tránh đọng mùi thức ăn, ẩm mốc. Bạn có thể sử dụng hương tinh dầu yêu thích để giảm cảm giác buồn nôn, khó chịu. 


Chú ý luôn súc miệng sau nôn. Môi trường acid từ dạ dày khi lên khoang miệng sẽ phá hủy men răng, tăng nguy cơ sâu răng. Bạn nên súc miệng với nước sạch ngay sau khi nôn để loại bỏ môi trường acid. Bên cạnh đó, nếu vị kem đánh răng khiến bạn buồn nôn, hãy đổi loại kem đánh răng khác.


Sau cùng, bạn nên hiểu rằng nôn nghén là hiện tượng bình thường khi mang thai. Đừng quá lo lắng và bất an. Hãy áp dụng những bí quyết trên để tạm biệt nôn nghén và tận hưởng 9 tháng 10 ngày hạnh phúc nhé!

About the author

Hạnh Trang là bác sĩ nhưng không theo đuổi màu áo blouse trắng. Cô quyết định trở thành cây viết tự do về sức khỏe. Thay vì kê đơn chữa bệnh, cô muốn dùng kiến thức y học và con chữ để giúp mọi người sống khỏe mạnh theo đúng định nghĩa của nó: đủ đầy về thể chất, tinh thần và xã hội.

Theo dõi Hạnh Trang tại: https://hanhtrang.co/

author

Đỗ Hạnh Trang

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!