Bệnh tiền sản giật

MẸ & BÉ

Bệnh tiền sản giật

authorBy S. Reen
Share on
Share on
Bệnh tiền sản giật

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, tiền sản giật và sản giật là biến chứng nội khoa thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai, với tỷ lệ từ 2-8% và là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong cho mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, đừng quá hoang mang, bởi bạn có thể phòng tránh nếu được kiểm soát chặt chẽ kết hợp cùng lối sống lành mạnh.


Sản giật là cơn co giật, xảy ra ở trước, trong cơn chuyển dạ hoặc trong thời kỳ sau sinh. Nếu không được điều trị, sản giật có thể gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi. Tiền sản giật là hội chứng bệnh lý xảy ra trước khi thai phụ lên cơn sản giật, là tiền đề gây nên cơn sản giật. Cứ 200 thai phụ mắc hội chứng tiền sản giật sẽ có 1 thai phụ tiến triển thành sản giật.


Tiền sản giật có đặc trưng là huyết áp cao và dễ gây tổn thương đến các cơ quan khác, thường là gan và thận. Hiện tượng này có thể xảy ra sớm sau tuần thai thứ 20, nhưng rất hiếm khi gặp trường hợp này. Đa phần các triệu chứng chỉ xuất hiện sau tuần thai thứ 34 (khoảng 3 tháng cuối thai kỳ). Ở một vài thai phụ, triệu chứng lại xuất hiện sau khi lâm bồn, thường là trong vòng 48 giờ sau sinh.


Nguyên Nhân Gây Tiền Sản Giật


Hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra tiền sản giật. Tuy nhiên các chuyên gia tin rằng nó bắt đầu từ nhau thai - cơ quan nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thai kỳ. Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, các mạch máu mới phát triển và phát triển để cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho nhau thai. Ở phụ nữ bị tiền sản giật, các mạch máu này dường như không phát triển hoặc hoạt động bình thường. Các vấn đề về cách thức lưu thông máu trong nhau thai có thể dẫn đến việc điều hòa huyết áp không đều ở mẹ.


Ngoài ra còn có một số yêu tố làm tăng nguy cơ mắc tiền sản giật:


- Có tiền sử mắc tiền sản giật


- Thai phụ bị một số chứng rối loạn như máu khó đông, có tiền sử mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận, hoặc bệnh tự miễn như lupus (lở ngoài da)


- Di truyền


- Bị thừa cân, béo phì trong thai kỳ


- Phản xạ trong căng tử cung trong đa thai, thai to


Mặc dù vậy, theo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: "May mắn rằng, tiền sản giật có thể được chẩn đoán và kiểm soát từ sớm bằng các xét nghiệm đơn giản. Đây là các xét nghiệm thường quy khi mẹ bầu đi khám thai. Bao gồm: đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, đo yếu tố tăng trưởng nhau thai PLGF...".


tien-san-giat-3.jpg


Các Triệu Chứng Tiền Sản Giật Cần Lưu Ý


Một số triệu chứng thường thấy ở bệnh lý tiền sản giật:


- Cao huyết áp (huyết áp ≥140 / 90 mmHg được coi là bất thường)


- Dư thừa protein trong nước tiểu: > 0,3g/l


- Suy giảm thị lực, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng


- Sưng (phù) tay chân, mặt (mặc dù hiện tượng này cũng thường xảy ra ở nhiều mẹ bầu dù không mắc tiền sản giật)


- Đau bụng trên, hay đau ở dưới xương sườn phía bên phải


- Tăng cân đột ngột không rõ nguyên nhân, có thể tăng tới 1,5 - 2kg/tuần


- Cảm giác đau đầu, chóng mặt, buồn nôn thường xuyên xuất hiện


- Lượng nước tiểu giảm sút


Những dấu hiệu trên đây cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý khác hoặc chỉ là thay đổi thông thường trong thai kỳ. Để chắc chắn nhất, bạn cần đến thăm khám ở những cơ sở y tế uy tín.


tien-san-giat-1.jpg


Biến Chứng Của Tiền Sản Giật


Tiền sản giật là một bệnh lý nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng cho cả mẹ và bé nếu không được điều trị:


Hạn chế sự phát triển của bào thai: Tiền sản giật ảnh hưởng đến các động mạch mang máu đến nhau thai. Nếu nhau thai không nhận đủ máu, em bé có thể nhận được máu và oxy không đầy đủ và ít chất dinh dưỡng hơn. Điều này có thể dẫn đến tăng trưởng chậm được gọi là hạn chế tăng trưởng của thai nhi.


Sinh non: Tiền sản giật có thể dẫn đến sinh non ngoài kế hoạch - sinh trước 37 tuần. Trẻ sinh non tăng nguy cơ khó thở và khó bú, các vấn đề về thị giác hoặc thính giác, chậm phát triển và bại não.


Nhau bong non: Tiền sản giật làm tăng nguy cơ nhau bong non. Nhau thai sẽ tách khỏi thành trong của tử cung trước khi sinh. Nếu bị nặng có thể ra máu nhiều, nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và bé.


Hội chứng HELLP: Hiện tượng tan máu (sự phá hủy các tế bào hồng cầu), men gan cao và số lượng tiểu cầu thấp. Hội chứng HELLP đe dọa tính mạng của mẹ và em bé, và nó có thể gây ra các vấn đề sức khỏe suốt đời cho người mẹ.


Sản giật: Sản giật là sự khởi đầu của các cơn co giật hoặc hôn mê với các dấu hiệu hoặc triệu chứng của tiền sản giật. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể xuất hiện trước khi co giật bao gồm đau đầu dữ dội, các vấn đề về thị lực, rối loạn tâm thần hoặc thay đổi hành vi. Sản giật có thể xảy ra trước, trong hoặc sau khi sinh.


Tổn thương cơ quan khác trong cơ thể: Tiền sản giật có thể dẫn đến tổn thương thận, gan, phổi, tim hoặc mắt và có thể gây ra đột quỵ hoặc chấn thương não khác. Mức độ tổn thương các cơ quan khác phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tiền sản giật.


Bệnh tim mạch: Bị tiền sản giật có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong tương lai. Nguy cơ thậm chí còn lớn hơn nếu bạn đã bị tiền sản giật nhiều lần hoặc sinh non.


tien-san-giat-2.jpg


Điều Trị Tiền Sản Giật Như Thế Nào?


Điều trị tiền sản giật phụ thuộc vào các giai đoạn của thai kỳ và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.


Nếu tiền sản giật nhẹ đến trung bình và ít hơn 36 tuần mang thai, bạn có thể được khuyên nghỉ ngơi tại nhà kết hợp theo dõi chặt chẽ, uống thuốc hạ huyết áp...


Nếu tiền sản giật nặng, thai phụ sẽ phải theo dõi tại bệnh viện và có chế độ nghỉ ngơi cũng như điều trị đặc biệt.


Trong trường hợp tiền sản giật nặng không đáp ứng với điều trị hoặc xảy ra sản giật thì chấm dứt thai kỳ với mọi tuổi thai.


Phòng Tránh Nguy Cơ Tiền Sản Giật


Vì chưa có một nghiên cứu nào chỉ rõ được nguyên nhân gây tiền sản giật nên cũng chưa có một biện pháp nào có khả năng phòng ngừa triệt để biến chứng nguy hiểm nhưng có thể phòng tránh nếu được theo dõi sức khỏe chặt chẽ, kết hợp với chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh.


Để hạn chế biến chứng của tiền sản giật, bạn nên:


- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng, hạn chế ăn mặn và duy trì chỉ số BMI ở dưới ngưỡng 25


- Tránh xa thuốc lá, chất kích thích


- Tập thể dục thường xuyên


- Kiểm soát huyết áp và lương đường trong máu


- Theo nghiên cứu của Đại học Cornell (Mỹ) năm 2016, bổ sung canxi trước và trong khi mang thai giúp giảm nguy cơ mắc tiền sản giật. Mẹ bầu cần bổ sung đủ 1000 - 1500mg canxi mỗi ngày thông qua viên uống và thực phẩm. Các thực phẩm giàu canxi bảo gồm: sản phẩm từ sữa, rau lá xanh, các loại hạt, cá mòi…


Theo số liệu châu Âu báo cáo, với việc điều trị dự phòng sẽ giảm hơn 60% nguy cơ mắc tiền sản giật, đặc biệt với tiền sản giật non tháng trước 32- 34 tuần, tỷ lệ giảm đạt hơn 80%. Các bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không được chủ quan với bệnh lý tiền sản giật, chú ý từ thời điểm tuần thai thứ 11 - tuần 14 của thai kỳ có thể thực hiện sàng lọc tiền sản giật để phát hiện bệnh kịp thời.

About the author

Một cô gái yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp

author

S. Reen

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!