10 mốc khám thai và các xét nghiệm quan trọng mẹ bầu cần nhớ

MẸ & BÉ

10 mốc khám thai và các xét nghiệm quan trọng mẹ bầu cần nhớ

authorBy Hương Hoa
Share on
Share on
10 mốc khám thai và các xét nghiệm quan trọng mẹ bầu cần nhớ

Khám thai định kỳ và thực hiện các xét nghiệm đúng mốc rất quan trọng cho mẹ và bé. Điều này không những tốt cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bào thai mà còn giúp ngăn chặn, cũng như có biện pháp xử lý kịp thời với những bất thường có thể xảy ra trong suốt thai kỳ.


Những mốc sau đây mẹ bầu tuyệt đối không được quên, bởi có những xét nghiệm chỉ đúng khi thực hiện ở những giai đoạn nhất định và nếu mẹ bầu bỏ lỡ khoảng thời gian đó sẽ không thực hiện được những kiểm tra quan trọng ấy nữa.


Mốc Đầu Tiên: Tuần Thứ 5 – 8 Của Thai Kỳ


Đây là giai đoạn đầu khi bạn mới phát hiện mình mang thai. Sau khi trễ kinh 1 tuần, bạn nên thử que và đến ngay bệnh viện để được kiểm tra mình có mang thai hay không. Khám thai giai đoạn này vô cùng quan trọng, bác sĩ sẽ chỉ định một số đánh giá cần thiết sau:


Kiểm tra cân nặng


Mẹ được kiểm tra cân nặng, đo chiều cao để tính chỉ số BMI của cơ thể, qua đó biết được có bị thừa cân, béo phì hay không. Nếu có, bác sĩ sẽ tư vấn về chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp để bạn không bị tăng cân quá mức nhằm hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra.


Kiểm tra huyết áp


Bác sĩ sẽ kiểm tra xem mẹ bầu có bị cao huyết áp hay không. Bởi vì cao huyết áp trong thai kỳ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tiền sản giật, vậy nên nếu bạn rơi vào trường hợp này, bác sĩ sẽ có những biện pháp để theo dõi và ngăn chặn điều đó. Việc kiểm tra cân nặng và huyết áp sẽ được các bác sĩ thực hiện trong suốt các lần khám thai.



Siêu âm


- Để biết thai đã vào tử cung hay chưa, nếu thai ngoài tử cung có thể gây vỡ tử cung và nguy hiểm đến tính mạng của mẹ bầu, nên bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp xử lý.

- Xác định tuổi thai và ngày dự sinh.

- Thời điểm siêu âm tim thai lần đầu thường được thực hiện ở tuần thứ 6 – 8 của thai kỳ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, phải vào khoảng tuần thứ 8 – 10 của thai kỳ mới có thể nghe thấy tim thai, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có sự phát triển của phôi thai. Vì thế nếu siêu âm sớm chưa thấy tim thai mẹ cũng đừng lo lắng. Hãy lắng nghe và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để nghe nhịp đập đầu tiên từ con yêu.


Xét nghiệm máu


- Để biết nhóm máu, phóng trường hợp mẹ bầu phải truyền máu hoặc trong thai kỳ hoặc lúc sinh.

- Kiểm tra hormone Hcg nếu siêu âm chưa rõ túi thai hoặc thấy thai có dấu hiệu bất thường.

- Để biết mẹ bầu có mắc các căn bệnh nền như bệnh giang mai, HIV, tiểu đường, viêm gan B, yếu tố Rh…


Tư vấn


Đợt khám thai đầu tiên này, bác sĩ sẽ tư vấn kỹ càng cho mẹ bầu về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt cũng như việc bổ sung các vitamin cần thiết như thế nào, những loại thức ăn cần tránh và những thứ cần tăng cường bổ sung…


Mốc Thứ 2: Tuần Thứ 12


Lúc này, mẹ bầu đã vượt qua được chặng đường đầu tiên thế nhưng vẫn cần phải cẩn thận. Mốc khám thai thứ 2 này một số việc quan trọng sau sẽ được thực hiện:


Siêu âm


Mốc thứ 2 này rất quan trọng, bởi đây là lúc các bác sĩ có thể đo độ mờ da gáy, đánh giá xem thai nhi có nguy cơ bị down hoặc một số bệnh do bất thường về nhiễm sắc thể gây ra hay không.


Xét nghiệm máu


- Xét nghiệm Double test: Bác sĩ sẽ chỉ định mẹ bầu làm xét nghiệm Double test để phát hiện những bất thường có thể xảy ra ở giai đoạn này như thoát vị rốn, thai vô sọ…


Hoặc


- Xét nghiệm NIPT hoặc sinh thiết gai nhau: Trong trường hợp siêu âm đo độ mờ da gáy xác định có những bất thường về di truyền, mẹ bầu sẽ được chỉ định làm những xét nghiệm này. Đây là những xét nghiệm sàng lọc sơ sinh hiệu quả ở quý I thai kỳ.




Mốc Thứ 3: Tuần 16 – 22



Việc đầu tiên, như những lần khám thai trước mẹ bầu được kiểm tra cân nặng, đo chiều cao và huyết áp. Sau đó, mẹ sẽ được chỉ định thực hiện những việc sau:


Xét nghiệm Triple test


Với những mẹ bầu chưa làm xét nghiệm Double test ở mốc khám thai thứ 2 thì sẽ được chỉ định làm xét nghiệm triple test (xét nghiệm này có độ nhạy thấp hơn Double test).


Mẹ lưu ý, xét nghiệm này chỉ được thực hiện khi mẹ mang thai từ tuần thứ 16-18, vậy nên mẹ đừng bỏ qua. Xét nghiệm triple test giúp các bác sĩ tầm soát để tìm hiểu các nguy cơ rối loạn bẩm sinh thai nhi.


Chọc ối


Nếu kết quả của các xét nghiệm cho thấy rằng thai nhi có nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh, mẹ bầu có thể được chỉ định chọc ối. Phương pháp này được thực hiện trong giai đoạn từ tuần 15 – 18 của thai kỳ. Thủ thuật y khoa này có thể gây sảy thai với tỷ lệ thấp.


Mốc Thứ 4: Tuần 24 – 28


Lúc này mẹ đã đi được hơn nửa chặng đường, em bé trong bụng cũng đã ổn định và đang trên đà phát triển. Ngoài khám, tư vấn và siêu âm để kiểm tra tim thai và sự phát triển của thai nhi, mẹ bầu sẽ được:


Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ


Xét nghiệm này giúp bác sĩ có thể nhận biết mẹ bầu có bị tiểu đường thai kỳ hay không. Bởi căn bệnh này trong quá trình mang thai gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như sinh non, sảy thai,… Vậy nên phát hiện giúp mẹ bầu có những biện pháp đúng cách trong ăn uống, sinh hoạt để bệnh không tiến triển nặng. Thậm chí, nếu bị nặng, mẹ bầu sẽ được chỉ định dùng thêm insulin bổ sung bằng đường uống.


Siêu âm tầm soát dị tật thai nhi


Ở mốc này, mẹ được chỉ định siêu âm 4D để xem các bộ phận như não, tim, tay chân, xương,… cùng lượng nước ối và vị trí của nhau thai có vấn đề bất thường gì không.


Tiêm


Mẹ bầu được tiêm mũi tiêm đầu tiên - vắc xin phòng chống uốn ván VAT.



Mốc Thứ 5: Tuần 28 - 32


Đây là mốc khám thai quan trọng của quý 3 để có thể phát hiện các bất thường khởi phát muộn của thai nhi.

Bác sĩ sẽ siêu âm tầm soát dị quý 3 của thai kỳ để phát hiện các bất thường khởi phát muộn của thai nhi như: Tắc ruột, giãn não thất, nhiễm trùng bào thai, kiểm tra tim thai, ước tính kích thước thai nhi, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Trong lần khám thai này, thai phụ sẽ được tiêm vắc xin uốn ván VAT mũi thứ 2.


Mốc Thứ 6: Tuần Thứ 32


Trong suốt thai kỳ thì khám thai tuần 32 cũng là một mốc quan trọng mà mẹ bầu không được bỏ qua. Ở tuần thai này, bé đã phát triển gần như hoàn thiện so với lúc được sinh ra. Bác sĩ sẽ khám và tư vấn cho mẹ như bình thường, ngoài ra:


Siêu âm


- Mẹ được chỉ định siêu âm 4D – đây là lần siêu âm tầm soát dị tật cuối cùng trong thai kỳ (nếu mẹ chưa thực hiện ở tuần 28).

- Siêu âm kiểm tra tình trạng nước ối xem mẹ bầu có bị thiếu ối hay không, ngoài ra còn kiểm tra việc lưu thông máu từ dây rốn đến thai nhi có đảm bảo không để có biện pháp can thiệp kịp thời.


Xét nghiệm

- Xét nghiệm nước tiểu và phân tích 10 thông số để biết tình hình sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.

- Xét nghiệm Non-stress test (NST) để theo dõi nhịp tim thai. Xét nghiệm này chỉ được thực hiện 1- 2 tháng trước khi sinh và biết được em bé khỏe mạnh hay bị suy thai.


Mốc khám thai tuần 32 này mẹ sẽ biết được em bé đã quay đầu và có ngôi thuận hay chưa để quyết định việc sinh thường hay sinh mổ.



Mốc Thứ 7: Tuần 35 - 36


Tuần thứ 35 của thai kỳ, thai nhi đã phát triển lớn nên khá chật chội trong bụng mẹ. Mẹ bầu lúc này đã nặng nề, thế nhưng vẫn cần chú ý đến việc thăm khám đầy đủ.


Lúc này mẹ được bác sĩ chỉ định siêu âm màu theo dõi doppler động mạch tử cung, động mạch rốn, động mạch não, kiểm tra nước ối, ngôi thai, dây rốn và những biến chứng thai nghén có thể xảy ra ở tam cá nguyệt cuối cùng.


Mốc Thứ 8, 9, 10: Tuần 36 - 39


Đến những tuần thai này, mẹ bầu đã sắp hoàn thành quá trình bầu bí nặng nề của mình, chuẩn bị bước vào quá trình chuyển dạ. Mẹ lưu ý rằng từ tuần 36 – 39, mẹ cần phải mỗi tuần đi khám thai 1 lần. Ngoài việc thăm khám và siêu âm thai như các tuần trước, thì mẹ sẽ được chỉ định:


Xét nghiệm


- Xét nghiệm Non stress test: Để kiểm tra xem thai nhi có nhận đủ oxy hay không và kiểm tra cổ tử cung.

- Xét nghiệm máu, nước tiểu: Để chuẩn bị cho cuộc sinh.

- Xét nghiệm đánh giá khung xương chậu: Để biết mẹ bầu có khả năng sinh thường được không.


Tư vấn


Tư vấn về các dấu hiệu chuyển dạ để mẹ bầu nắm được và đến viện kịp thời.



Những Lưu Ý Khi Đi Khám Và Xét Nghiệm Thai Kỳ


- Lựa chọn trang phục thoải mái và phù hợp: Trong tam cá nguyệt đầu mẹ thường được chỉ định siêu âm đầu dò, lúc này mẹ bầu nên mặc váy thoải mái. Với những đợt siêu âm sau - ở vùng bụng, những chiếc quần cạp chun rộng là lựa chọn thích hợp.

- Uống nước: Siêu âm đầu dò yêu cầu mẹ bầu uống nhiều nước và nhịn tiểu, trong khi đó siêu âm ổ bụng cần đi vệ sinh trước khi siêu âm.

- Ăn uống: Trước khi đi khám và xét nghiệm, mẹ bầu nên ăn uống đầy đủ, thế nhưng tuyệt đối tránh các chất kích thích như cà phê trong vòng 12 giờ trước khi đi khám thai.

Với hầu hết các xét nghiệm máu như Double test, Trips test, nhóm máu, yếu tố Rh,… mẹ bầu không cần nhịn ăn. Thế nhưng, riêng xét nghiệm tiểu đường thai kỳ thường được thực hiện ở tuần thai 24 – 28 mẹ bầu cần nhịn ăn và uống qua đêm để kết quả xét nghiệm chính xác.

- Giấy tờ: Mẹ bầu cần lưu lại tất cả những giấy tờ trong hồ sơ khám thai và mang đến bệnh viện trong mỗi lần đi khám hoặc xét nghiệm. Nếu mẹ bầu đang sử dụng bảo hiểm y tế cũng đừng quên xin xác nhận của cơ sở y tế nơi khám thai để được tính lương ngày phép.

About the author

Hương Hoa là thạc sĩ Văn học. Cô vốn là giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn, rất yêu học trò. Thế nhưng, vì say mê với việc sáng tạo cùng con chữ, Hoa đã chuyển sang gắn bó với nghề viết.

Qua những bài viết của mình, cô muốn mang đến cho bạn đọc những kiến thức hữu ích về sức khỏe, phương pháp nuôi dạy con và cách giữ lửa hạnh phúc gia đình.

author

Hương Hoa

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!