Đối mặt với cuộc sống sau khi sảy thai

MẸ & BÉ

Đối mặt với cuộc sống sau khi sảy thai

authorBy S. Reen
Share on
Share on
Đối mặt với cuộc sống sau khi sảy thai

Sảy thai là nỗi đau không ai mong muốn. Mặc dù không gì có thể xóa được mất mát, nhưng có những bước bạn có thể thực hiện trong ngắn hạn và dài hạn để chữa lành và phục hồi.


Theo định nghĩa của tổ chức Y tế thế giới, sảy thai là hiện tượng thai bị tống xuất ra khỏi tử cung trước tuần 22 của thai kỳ hoặc khi thai có trọng lượng nhỏ hơn 500g, chấm dứt thai kỳ trước khi thai có thể sống độc lập bên ngoài tử cung.


Có rất nhiều nguyên nhân gây sảy thai, nguyên nhân có thể do gen, nhiễm sắc thể, do tình trạng sức khỏe của mẹ hoặc tác động từ môi trường bên ngoài….


Bạn Không Cô Đơn


Khi mất một đứa con, bạn có thể cảm thấy mình là người duy nhất mà bạn biết đang phải trải qua một thảm kịch như vậy. Nhưng theo Giáo sư sản phụ khoa và sức khỏe phụ nữ Siobhan Dolan tại Đại học Y Albert Einstein và Trung tâm Y tế Montefiore ở Bronx, New York: “Nó phổ biến hơn bạn nghĩ rất nhiều”. Ước tính rằng 10% các trường hợp mang thai sẽ bị sảy thai.


Hơn thế, bà Sarah Prager - phó Giáo sư sản phụ khoa và giám đốc bộ phận kế hoạch hóa gia đình tại Đại học Y khoa Washington ở Seattle cho biết: “Rất khó đánh giá được tỷ lệ sảy thai trong thực tế, vì nhiều phụ nữ sảy thai trước khi biết mình có thai”.


doi-mat-voi-cuoc-song-sau-khi-say-thai-1.jpg


Ban đầu, những tác động về mặt tinh thần của việc sảy thai có thể rất tàn khốc. Mặc dù mỗi người sẽ trải qua sự mất mát khác nhau, nhưng phạm vi cảm xúc của bạn có thể bao gồm:


Từ chối hiện thực: Bạn có thể thấy mình bị sốc hoặc không tin nổi vào nỗi đau này.


Cảm giác tội lỗi: Bạn có thể sẽ tự trách mình, dằn vặt với những câu hỏi và “giá như”. Nhưng bạn nên biết rằng đó không phải là lỗi của bạn, điều này có thể xảy ra với bất kỳ ai và gần như không có bất cứ điều gì có thể ngăn cản nó xảy ra. 


Sự tức giận: Bất kể điều gì gây ra mất mát này, bạn vẫn có thể tức giận với chính mình, chồng/đối tác của bạn hoặc với bất cứ ai. Bạn cũng có thể cảm thấy tức giận vì sự mất mát này không công bằng với mình.


Phiền muộn: Nỗi buồn dữ dội và dai dẳng có thể sẽ phát triển thành các triệu chứng của bệnh trầm cảm - mất hứng thú hoặc niềm vui trong các hoạt động bình thường, thay đổi thói quen ăn uống hoặc ngủ, khó tập trung và đưa ra quyết định. Thậm chí nhiều người còn có xu hướng làm tổn hại bản thân.


Ghen tỵ: Bạn đột nhiên sẽ thấy trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai ở khắp mọi nơi. Bạn có thể cảm thấy ghen tị với những phụ nữ mang thai và những bà mẹ có con mới sinh với suy nghĩ "sao mọi chuyện đến với họ suôn sẻ đến thế".


Khao khát: Đây là điều tất yếu, bạn sẽ khao khát và mong muốn được ở bên con. Bạn sẽ tưởng tượng ra rất nhiều hoạt động sẽ thực hiện cùng em bé.


Đối Mặt Với Cuộc Sống Sau Khi Sảy Thai


Hành trình vượt qua đau buồn của mỗi người đều khác nhau. Một số người cần chia sẻ bằng cách trò chuyện với bạn bè và gia đình, tổ chức lễ tưởng niệm. Một số khác lại có xu hướng riêng tư, chỉ tâm sự với một số người đáng tin cậy.


Một số người sẽ vượt qua đau buồn nhanh chóng, trong khi có những người mất nhiều năm. Tất cả đều bình thường. Không có thời hạn hoặc cột mốc cụ thể nào cho vấn đề này.


Nhưng có những bước bạn có thể thực hiện trong cả ngắn hạn và dài hạn để giúp bạn tiến tới việc chữa lành và phục hồi.


doi-mat-voi-cuoc-song-sau-khi-say-thai-2.jpg


Cho phép bản thân thể hiện cảm xúc


Sảy thai là mất đi một người thân yêu, là một chuỗi cung bậc cảm xúc từ buồn bã đến tuyệt vọng. Đó là một phần tự nhiên của quá trình đau buồn


Điều quan trọng là bạn phải thể hiện tất cả cảm xúc của mình. Cố gắng kiềm chế cảm xúc có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ và thậm chí là bệnh tật.


Chậm lại 


Không có thời hạn cho sự đau buồn. Mặc dù thời gian trôi qua mọi thứ sẽ dần nguôi ngoai, nhưng con đường vượt qua đau buồn không hề bằng phẳng và dễ đi. Bạn chỉ có thể vượt qua nỗi đau từng ngày.


Sẽ có ngày bạn cảm thấy tốt hơn những ngày khác và đôi khi tưởng như mọi thứ bắt đầu "bình thường" trở lại thì mọi cảm xúc chợt vỡ òa.


Đừng thất vọng với bản thân. Chỉ cần tiếp tục tiến về phía trước và biết rằng những điều tốt đẹp hơn sẽ đến với bạn. 


Chăm sóc bản thân 


Nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống lành mạnh và tập thể dục để giữ cho cơ thể khỏe mạnh, bạn sẽ cảm thấy có khả năng đối phó với cảm xúc của mình hơn. Tập thể dục cũng có thể làm tăng mức endorphin, giúp cải thiện tâm trạng của bạn. Đừng tìm đến thuốc lá, rượu hoặc bấy kỳ chất kích thích nào để xoa dịu cơn đau. Và chỉ dùng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.


Nói chuyện với đối tác của bạn


Sảy thai sẽ đưa các bạn đến gần nhau hơn hoặc có thể gây căng thẳng nghiêm trọng cho mối quan hệ. Đàn ông và phụ nữ thường phản ứng khác nhau trước sự mất mát, đừng mong đợi đối tác/người bạn đời đối phó với đau buồn giống như bạn. 


Các cặp đôi cần cởi mở và trung thực để chia sẻ cảm xúc và dựa vào nhau. Đàn ông đôi khi không thể hiểu bạn có thể cần nhiều thời gian hơn và trò chuyện nhiều hơn để vượt qua nỗi đau. Phụ nữ cũng cần hiểu rằng ngay cả khi đàn ông không không thể hiện hoặc nói ra thì họ vẫn đau buồn và quan tâm tới bạn.


Viết nhật ký 


Viết ra những suy nghĩ và cảm xúc có thể là cách giải thoát hiệu quả cho nỗi đau không thể nói nên lời của bạn.


doi-mat-voi-cuoc-song-sau-khi-say-thai-3.jpg


Dựa vào bạn bè và những người thân yêu 


Bạn bè và những người thân yêu có thể không biết phải nói gì hoặc làm thế nào để giúp đỡ. Hãy nói với họ khi bạn cần sự hỗ trợ của họ. Nếu bạn muốn nói về em bé hoặc nếu bạn muốn giúp giữ cho ký ức của em bé tồn tại, hãy cho bạn bè và những người thân yêu biết để đồng hành cùng bạn.


Tìm một nhóm hỗ trợ


Sảy thai không phải là hiếm, vì vậy có rất nhiều nhóm hỗ trợ trực tiếp và trực tuyến có liên quan tới vấn đề này. Kết nối với những người khác đã trải qua cùng nỗi mất mát có thể giúp bạn được đồng cảm, thấu hiểu và mạnh mẽ để vượt qua nỗi đau.


Nói chuyện với một nhà trị liệu


Bạn đã dành cho mình thời gian và sự kiên nhẫn. Nhưng có thể tới một lúc nào đó, bạn sẽ không muốn ăn, không thể ngủ và luôn cố gắng trốn tránh người khác. Có thể bạn thậm chí đã nghĩ đến việc tự làm tổn thương bản thân hoặc kết thúc cuộc đời mình.


Nếu cảm giác trầm cảm kéo dài hoặc gặp khó khăn trongcuộc sống hàng ngày, hãy tìm tới các bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ chuyên môn.


Phục Hồi Lâu Dài


Mặc dù cơ thể bạn sẽ hồi phục sau các triệu chứng thực thể của sảy thai, nhưng nỗi đau sẽ vẫn in hằn dài lâu. Thời gian phục hồi lâu dài sau sảy thai phụ thuộc rất nhiều vào sức khỏe tinh thần và tình cảm tổng thể của bạn.


Dành đủ thời gian để đau buồn là điều quan trọng, nhưng cũng quan trọng không kém đó là biết khi nào và làm thế nào để tiếp tục. Cuộc sống luôn tiếp diễn, những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn. Từ nay về sau, hãy luôn tự chăm sóc bản thân thật tốt để chữa lành và nuôi dưỡng cơ thể và tâm trí.


Nếu có thể, hãy duy trì hoạt động tại các nhóm hỗ trợ cộng đồng. Sẽ có lúc bạn sẽ giúp được rất nhiều người trải qua hoàn cảnh giống bạn.


doi-mat-voi-cuoc-song-sau-khi-say-thai-4.jpg


Hy Vọng Cho Tương Lai


Một câu hỏi phổ biến của nhiều phụ nữ sau khi sảy thai là khi nào họ có thể mang thai lại. Bạn nên hỏi bác sĩ theo dõi sức khỏe để có được đáp án cụ thể bởi việc này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong đó có sức khỏe của bạn. Ngoài ra, cảm xúc của bạn có thể cần thời gian chữa lành nhiều hơn một chút so với cơ thể. Tốt nhất bạn nên đợi cho đến khi bạn đã sẵn sàng về mặt thể chất và tinh thần trước khi mang thai lần nữa.


Với một số người, sau khi sảy thai sẽ lo sợ về việc phải chịu thêm một lần sảy thai nữa. Thực tế là hầu hết những phụ nữ bị sảy thai đều có thai kỳ kế tiếp khỏe mạnh.


Một lần mang thai nữa có thể khơi dậy hy vọng cho tương lai.


------------------------------------------------------


Bạn đang lập kế hoạch mang thai và muốn chuẩn bị kiến thức và thiết lập thói quen tập luyện để có thể duy trì khi mang thai?


Bạn đang mang thai và mong muốn được chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho cả mình và em bé, nhưng không muốn bị tăng cân quá mức để hồi phục và về vóc dáng cũ nhanh chóng sau sinh?


Bạn muốn tận hưởng một thai kỳ lành mạnh và hạnh phúc, giảm thiểu các triệu chứng khó chịu cả về thể chất và tinh thần?


Bạn là người thân và muốn chăm sóc, chia sẻ kiến thức với người mẹ tương lai để đồng hành trong khoảng thời gian kỳ diệu này?


Bạn là bác sĩ phụ sản muốn cập nhật kiến thức về dinh dưỡng, tập luyện lành mạnh trong thai kỳ để tư vấn các thai phụ, bệnh nhân của mình tốt hơn và đầy đủ hơn?


Hãy đăng ký ngay chương trình tập luyện mới nhất của Her Academy: FIT & STRONG PREGNANCY cùng HLV Đào Chi Anh - là một HLV Fitness Cá Nhân có chứng chỉ quốc tế hàng đầu thế giới ISSA (Hoa Kỳ) và đã tốt nghiệp bằng Diploma về Sức khỏe Dinh Dưỡng của Royal Institute of Public Health (Vương Quốc Anh).


Link chương trình tập luyện tại đây!


FIT & STRONG PREGNANCY-Dao-Chi-Anh.jpg

About the author

Một cô gái yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp

author

S. Reen

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!