Đừng lơ là chăm sóc răng miệng khi mang thai

MẸ & BÉ

Đừng lơ là chăm sóc răng miệng khi mang thai

authorBy Đỗ Hạnh Trang
Share on
Share on
Đừng lơ là chăm sóc răng miệng khi mang thai


Mang thai là niềm hạnh phúc lớn lao của phụ nữ. Nhưng hành trình 9 tháng 10 ngày ấy có vô vàn nỗi băn khoăn. Loại vacxin nào cần tiêm, chế độ dinh dưỡng thế nào thì hợp lý, cần tập luyện những gì, nên chuẩn bị tâm lý ra sao… là những điều mẹ bầu thường lo lắng. Nhưng có một vấn đề quan trọng không kém mà hay bị lãng quên trong thai kỳ. Đó chính là chăm sóc răng miệng.


60 – 75% phụ nữ mang thai bị viêm lợi. Chảy máu chân răng, đau răng tưởng như rất bình thường nhưng hàm chứa nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé. Mẹ bầu có thể bị áp xe răng miệng, tiền sản giật, đẻ non hoặc nặng nề hơn là sảy thai, đình chỉ thai nghén. Em bé sinh non, cân nặng lúc sinh thấp sẽ phải đối mặt với nhiều bệnh lý hô hấp, tim mạch, thần kinh, mắt… nặng nề.


Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra: Bệnh lý nha chu làm tăng 1,76 lần nguy cơ tiền sản giật trong thai kỳ. Điều trị ổn định nha chu sẽ giảm 57% tỉ lệ trẻ nhẹ cân và 50% tỉ lệ trẻ sinh non. Vì thế, bên cạnh chế độ dinh dưỡng và tập luyện, mẹ bầu đừng lơ là chăm sóc răng miệng.


Vì Sao Phụ Nữ Mang Thai Thường Gặp Các Vấn Đề Về Răng Miệng?


Trong thai kỳ, nồng độ estrogen tăng gấp 10 lần và nồng độ progesteron tăng gấp 30 lần. Sự gia tăng hormone sinh dục đã biến đổi cơ thể người phụ nữ từ đầu tới chân, trong đó có răng miệng. Nồng độ hormone tăng cao khiến lợi sung huyết, dễ chảy máu đồng thời giảm tiết nước bọt, tăng nguy cơ sâu răng.


Bên cạnh đó, nôn nghén trong những tháng đầu của thai kỳ làm tăng môi trường acid khoang miệng. Nồng độ acid cao sẽ làm hỏng men răng, sâu răng càng dễ tiến triển.


Hơn nữa, tình trạng ốm nghén, mệt mỏi khiến phụ nữ mang thai thường bỏ qua vấn đề vệ sinh răng miệng. Chính thói quen không tốt này cộng với tình trạng thèm ăn đồ ngọt là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây ra bệnh lý viêm lợi, nha chu, sâu răng, áp xe… Mang thai là thời kỳ hệ miễn dịch của người mẹ suy giảm để chấp nhận bào thai – một vật thể lạ với cơ thể của mẹ. Các bệnh lý nhiễm trùng sẽ nhân cơ hội này tiến triển nặng nề hơn. Đó là lý do các vấn đề răng miệng ở phụ nữ có thai có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng cho cả mẹ và em bé.



Các Vấn Đề Răng Miệng Phổ Biến Trong Thai Kỳ


Phụ nữ mang thai thường gặp phải các vấn đề răng miệng như:


  1. Viêm lợi: với biểu hiện dễ chảy máu khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa, nhú lợi sưng đỏ, miệng có mùi hôi.
  2. Nha chu: là tình trạng nặng của viêm lợi và có tổn thương xương kèm theo. Triệu chứng ban đầu giống như viêm lợi. Sau đó tiến triển nặng nề hơn với biểu hiện đau khi nhai, răng lung lay, rụng răng…
  3. Sâu răng: bạn cảm thấy đau buốt hoặc ê răng. Trên răng có lỗ hổng hoặc chấm đen bất thường.
  4. Răng khôn: nếu bạn chưa nhổ hết răng khôn thì trong thai kỳ, triệu chứng mọc răng khôn sẽ nặng nề và nhiều biến chứng hơn. Bạn sẽ cảm thấy đau nhức vùng góc hàm. Lợi vùng góc hàm sưng đỏ và gồ cao. Thức ăn hay mắc vào vùng này.


Khám Răng Trước Khi Mang Thai


Bạn nên khám răng trước khi mang bầu. Nha sĩ sẽ đánh giá các vấn đề răng miệng và xử trí chúng trước khi bạn mang thai để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Nếu bạn vẫn còn răng khôn, bạn cần nhổ trước khi mang thai. Việc này sẽ giảm thiểu nguy cơ viêm lợi, sâu răng, áp xe và đình chỉ thai nghén. Lấy cao răng và mảng bám trước khi mang bầu cũng rất có ích để đảm bảo vệ sinh răng miệng trong thai kỳ.


Khi Mang Thai


Trong thai kỳ, bạn cần lưu ý chế độ dinh dưỡng tốt cho răng miệng cũng như chăm sóc răng miệng đúng cách.


Chế độ dinh dưỡng


Chế độ dinh dưỡng hợp lý không những giúp bạn tăng cường sức khỏe mà còn hỗ trợ em bé phát triển toàn diện. Bạn nên ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc, các thực phẩm từ sữa, cá. Đây là nguồn thực phẩm giàu canxi, vitamin A, C và khoáng chất.


Mẹ bầu nên hạn chế các thực phẩm chứa nhiều đường. Thay vì ăn bánh ngọt, kẹo, kem, bạn có thể ăn hoa quả hoặc các loại ngũ cốc để giảm cảm giác thèm đồ ngọt. Hạn chế uống cà phê, rượu bia và hút thuốc lá. Những thực phẩm này làm tăng nguy cơ mắc viêm lợi, nha chu và ảnh hưởng tới men răng của trẻ.


Chăm sóc răng miệng đúng cách


Súc miệng: Bạn nên súc miệng ngay sau khi ăn và nôn nghén để loại bỏ thức ăn và môi trường acid. Súc mạnh vào hai góc má và vùng môi trên, môi dưới. Có thể dùng nước sạch, nước muối loãng hoặc nước súc miệng. Điều quan trọng là súc miệng và chải răng đúng cách chứ không phải là loại nước súc miệng hay kem đánh răng đắt tiền.


Đánh răng: Nếu vị kem đánh răng khiến bạn buồn nôn, hãy đổi loại kem đánh răng khác. Lựa chọn bàn chải có lông mềm để giảm thiểu tình trạng chảy máu chân răng. Tuân thủ đúng kỹ thuật đánh răng: xoay vòng nhẹ nhàng, chải chậm, kỹ tất cả các mặt răng của hàm trên và hàm dưới. Đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày, sau ăn 30 phút.



Dùng chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn mắc trong kẽ răng. Không nên dùng tăm. Đầu nhọn của tăm dễ làm tổn thương lợi và không lấy hết được thức ăn sâu trong kẽ. 


Khám răng theo hẹn của bác sĩ để phát hiện sớm các vấn đề răng miệng và có hướng xử trí phù hợp. Luôn thông báo với nha sĩ là bạn đang có thai. Bạn có thể lấy cao răng và mảng bám trong thai kỳ. Kỹ thuật này an toàn với em bé và giảm nguy cơ viêm lợi, sâu răng.


Xử Lý Các Vấn Đề Răng Miệng Trong Thời Gian Hậu Sản


Trong thời kỳ này, bạn thường bận bịu chăm sóc con nhỏ mà lơ là việc chăm sóc răng miệng. Nhưng bạn biết không, vi khuẩn trong miệng người lớn có thể truyền qua em bé thông qua hành động hôn, bón thức ăn… Đây là một trong những nguyên nhân gây sâu răng ở trẻ 6 – 36 tháng tuổi. Bên cạnh đó, khi bệnh lý răng miệng trở nên nghiêm trọng, bạn phải dùng kháng sinh và ngừng cho con bú. Đó là sự thiệt thòi rất lớn cho em bé. 


Vì vậy, bạn hãy dành thời gian chăm sóc răng miệng và gặp nha sĩ khi phát hiện bất thường. Nếu bạn có vấn đề răng miệng trong thai kỳ và được bác sĩ trì hoãn tới khi sinh xong thì sau 6 tuần hậu sản, bạn nên đi khám để được điều trị kịp thời.


Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, luyện tập và chuẩn bị tâm lý, phụ nữ có thai cần quan tâm tới sức khỏe răng miệng. Đừng lơ là một vài phút chải răng, đừng bỏ qua cuộc hẹn với nha sĩ, vì sức khỏe của bạn và em bé. Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh và hạnh phúc!

About the author

Hạnh Trang là bác sĩ nhưng không theo đuổi màu áo blouse trắng. Cô quyết định trở thành cây viết tự do về sức khỏe. Thay vì kê đơn chữa bệnh, cô muốn dùng kiến thức y học và con chữ để giúp mọi người sống khỏe mạnh theo đúng định nghĩa của nó: đủ đầy về thể chất, tinh thần và xã hội.

Theo dõi Hạnh Trang tại: https://hanhtrang.co/

author

Đỗ Hạnh Trang

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!