Tháng Pride, tháng của một cuộc đấu tranh xứng đáng

ĐỜI SỐNG

Tháng Pride, tháng của một cuộc đấu tranh xứng đáng

authorBy Vân Anh Nguyễn
Share on
Share on
Tháng Pride, tháng của một cuộc đấu tranh xứng đáng

Tháng 6 hàng năm có lẽ chỉ là một tháng mùa hè với nhiều người, nhưng với cộng đồng LGBTQ, tháng 6 có ý nghĩa đặc biệt hơn hẳn, bởi đó là thời điểm của những cuộc đấu tranh, những sự ghi nhận, những sự ủng hộ dành cho cộng đồng LGBTQ.


Khoảnh khắc đặc biệt trong năm với những thành viên của cộng đồng LGBT đã được kích hoạt, nhưng năm nay, do tác động của đại dịch COVID-19, #PrideMonth sẽ mang một sắc thái thời cuộc hơn. Chẳng vì thế cơn sục sôi của một cộng đồng đầy nhiệt huyết và dũng cảm này không tiếp tục sứ mệnh tranh đấu của mình, cũng chẳng vì thế, những người ủng hộ cộng đồng này không tìm thấy một tiếng nói và tinh thần chung, bởi trên hết, đây không chỉ là một phong trào tức thời, đây là diễn ngôn hướng đến một thế giới bình quyền, đa dạng và nhân văn hơn.


#Pridemonth, một cuộc đấu tranh chưa có hồi kết


Một tối tháng 6 năm 1969 đánh dấu sự kiện mang tính lịch sử với cộng đồng LGBT khi cảnh sát tràn vào quán bar có tên Stonewall Inn ở Greenwich Village (New York) của cộng đồng người đồng tính cũng như chuyển giới. Vào thời điểm đó, LGBT chưa phải là một khái niệm, cộng đồng này được coi là bất hợp pháp ở mọi bang nước Mỹ trừ bang Illinois, và nếu nhà hàng hay quán bar có nhân viên là người đồng tính hay phục vụ người đồng tính công khai, họ sẽ phải đóng cửa. Hầu hết mọi quán bar và câu lạc bộ dành cho cộng đồng này đều do mafia điều hành, chỉ riêng Stonewall là ngoại lệ. Việc cảnh sát tràn vào những quán gay bar đã không còn xa lạ, nhưng đêm đó, những thành viên cộng đồng LGBT của thành phố New York đã quyết định chống trả, họ chỉ không biết đây sẽ là sự kiện tiên quyết cho một cuộc đấu tranh kéo dài hàng thập kỷ sau đó.


Ảnh: Quán bar Stonewall - Larry Morris/The New York Times


Theo nhà sử học và tác giả cuốn sách Stonewall: The Riot That Sparked the Gay Revolution – David Carter, cuộc chống trả này đến từ những người vô gia cư hay người trẻ xuất thân từ đường phố, họ coi Stonewall là nơi trú chân an toàn duy nhất của mình, vì thế việc “ngôi nhà” bị tấn công đã kích động tinh thần nổi dậy của họ. Chỉ sau đó một ngày, ngày 29/8 và 1/7/1969 chính thức đánh dấu Stonewall là địa điểm quần tụ những nhà hoạt động LGBT, họ tiếp tục đến gần quán bar này, lợi dụng tiếng vang sẵn có để truyền đi thông điệp, trực tiếp nhân rộng tinh thần phong trào đòi quyền lợi cho người đồng tính. Những tờ báo lớn bắt đầu đưa tin, sự kiện Stonewall được coi là “tinh thần nổi loạn của những năm 60” với cộng đồng LGBT ở New York.


Dù “gay rights movement” không thực sự bắt đầu ở Stonewall, cuộc nổi dậy vẫn là sự kiện quan trọng kích hoạt những tổ chức đấu tranh quyền lợi cho LGBT như Gay Liberation Front hay Gay Activist Alliance.


Ảnh: NY Daily News Archive/ Getty Images


Để kỉ niệm 1 năm sự kiện Stonewall Inn, những nhà đấu tranh ở New York tổ chức cuộc diễu hành Christopher Street Liberation và khởi động tuần lễ Gay Pride đầu tiên trong lịch sử, hàng trăm người tham gia vào cuộc diễu hành này trên những con phố trung tâm New York. Được truyền cảm hứng, những người đấu tranh ở nhiều thành phố khác như Los Angeles, San Francisco, Boston và Chicago cũng tổ chức hoạt động tương tự, làn sóng này lan tỏa đến những phong trào đấu tranh rộng khắp ở nhiều quốc gia phương tây như Canada, Anh, Pháp, Đức, Úc và New Zealand. Sau năm 1970, những cuộc diễu hành cổ vũ tinh thần đấu tranh đòi bình quyền cho cộng đồng LGBT trở thành thông lệ trong suốt những thập kỉ về sau cho đến nay, đây cũng chính là khởi đầu của tháng Pride (tháng 6 hàng năm). Stonewall thậm chí được Tổng thống Barack Obama công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào năm 2016.


Những lá cờ cầu vồng trên phố


Nhiều người lầm tưởng những sự kiện trong tháng Pride sẽ chỉ dành cho cộng đồng LGBTG, gồm L (Lesbian - đồng tính nữ), G (Gay - đồng tính nam), B (Bisexual - song tính), T (Transgender - chuyển giới), Q (Queer- có xu hướng tính dục và bản dạng giới khác biệt, hoặc không nhận định mình theo bất kỳ nhãn nào), hay thậm chí những người chưa xác định giới tính của mình, nhưng trên thực tế, đây là tháng được rất nhiều người không thuộc cộng đồng này tham gia, một khi họ cũng có tinh thần ủng hộ quyền lợi và văn hóa cộng đồng LGBT. Đó có thể là những người bạn, người thân trong gia đình, những nhà hoạt động xã hội và những người trí thức quan tâm đến vấn đề đòi hỏi quyền lợi cho cộng đồng LGBT, và sẵn sàng thể hiện quan điểm cũng như đấu tranh vì niềm tin của họ với sự đa dạng giới.


Cái tên “Pride” ra đời nhằm tưởng nhớ Brenda Howard, một nhà đấu tranh người New York do bà có biệt danh “Mother of Pride”, bà cũng là người tổ chức buổi diễu hành đầu tiên ở New York 1 năm sau sự kiện Stonewall Inn. Cứ nói đến Pride, người dân toàn cầu sẽ liên tưởng ngay lập tức đến những lá cờ cầu vồng như một biểu tượng bất di bất dịch.


Ảnh: Brenda Howard - Efrain John Gonzalez


Vào năm 1978, chính trị gia Harvey Milk – một trong những người đồng tính công khai đầu tiên được bầu cử vào cơ quan chính quyền nước Mỹ ở San Francisco – đã đề nghị nghệ sĩ Gilbert Baker thiết kế một lá cờ cho tháng Pride năm đó ở thành phố này. Baker cũng là một nhà đấu tranh có tầm ảnh hưởng cho quyền lợi của người đồng tính, đã lấy cảm hứng từ những đường kẻ trên lá cờ Mỹ, nhưng thay vào đó là 8 màu sắc đa dạng. Theo Baker, mỗi màu sắc tượng trưng cho những tinh thần riêng: màu đỏ là cuộc sống, màu cam là sự hàn gắn, màu vàng là ánh mặt trời, màu xanh lá là sự tự nhiên, xanh dương là sự hòa hợp và tím là tinh thần, hồng là tình dục và ngọc lam là phép màu. Tuy nhiên sau này để tiết kiệm chi phí sản xuất hàng loạt cờ phục vụ cho nhu cầu lớn của ngày càng nhiều người trong cộng đồng LGBT, lượng màu rút xuống chỉ còn 6 và bỏ đi màu hồng và ngọc lam. Đây là 6 màu sắc chính thức trên cờ cho đến tận ngày nay.


Cuộc đấu tranh không bạo lực


Những màu sắc ngập tràn trên phố, những màn trình diễn, phát biểu, những cái ôm và những khuôn mặt hào hứng, đó chính là tinh thần của tháng Pride, và đây cũng là cách cộng đồng LGBTQ nói riêng cũng như những người ủng hộ cộng đồng này nói chung tiếp tục cuộc đấu tranh mềm mỏng nhưng trường kì của mình. Không có bạo lực, họ dùng năng lượng để ăn mừng khi mình được là chính mình, bất kể họ là ai và giới tính thế nào, họ dùng năng lượng để nhảy múa, biểu diễn và ca hát để tôn vinh văn hóa riêng biệt của cộng đồng, họ dùng năng lượng để mỗi năm ăn mừng một hay một vài quốc gia khác dần công nhận các quyền lợi của cộng đồng LGBT, bao gồm những quyền cơ bản như không bị phân biệt đối xử, được phép kết hôn đồng giới hay nhận con nuôi…


Ảnh: Lễ hội Pride tại Ohio, Mỹ 2017


Ngày càng có nhiều hơn những thành viên cộng đồng này đóng góp tiếng nói của mình trong bộ máy nhà nước, hay đạt những thành tựu lớn. Họ là Sally Ride, phi hành gia nữ giới đầu tiên người Mỹ, chính trị gia như Tammy Baldwin, nữ MC nhà sản xuất chương trình truyền hình danh tiếng Ellen DeGeneres, nhà văn lớn như James Baldwin, thậm chí những chính trị gia đứng đầu nhà nước như thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, thủ tướng Serbia Ana Brnabic, bộ trưởng bộ Y Tế Đức Jens Spahn, phó thủ tướng New Zealand Grant Robertson, và rất nhiều những nghệ sĩ tên tuổi ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Tất cả tạo nên tiếng nói mạnh mẽ nhất cho thấy cộng đồng LGBTQ đang ngày càng có cơ hội đóng góp nhiều hơn tài năng và trí tuệ của mình tới xã hội, cùng lúc vẫn có thể sống đúng với chính giới tính của mình và tự hào về điều đó.


Tuy nhiên, những cơ hội này không phải trên trời rơi xuống, và chính những Pride Month hàng năm là tuyên ngôn và lời nhắc không thể “ồn ào” và “náo nhiệt” hơn cho những tranh đấu bền bỉ để những thành viên cộng đồng LGBTQ ở khắp nơi trên thế giới có những quyền lợi cơ bản. Sau nửa thế kỷ đấu tranh kể từ Stonewall, vẫn còn nhiều việc cần phải làm, vẫn còn nhiều quốc gia đứng rất thấp trên bảng xếp hạng các quốc gia ủng hộ LGBT (hiện nay Canada đang đứng đầu danh sách này, theo đó đến Malta, Thụy Điển, Áo và Argentina), Việt Nam đứng thứ 78/202 quốc gia trong danh sách này, một vị trí nói lên nhiều điều và đáng để chúng ta ngẫm nghĩ.



Hiểu về tháng Pride không đơn thuần là một gạch đầu dòng trong sách lịch sử, mà là khởi đầu của sự thấu hiểu tới thế giới hiện đại, rằng không có sự khác biệt nào đáng bận tâm, bởi ai cũng là con người. Càng hiểu về cộng đồng LGBT, khoảng cách sẽ càng thu hẹp, suy cho cùng, thế giới chỉ có thể nhân văn hơn khi tình yêu khỏa lấp những kẽ hở như vậy. Ngày 27/6 năm nay là ngày Global Pride, tuy nhiên khác với thông lệ hàng năm, do ảnh hưởng của đại dịch, hàng trăm sự kiện ăn mừng Global Pride Day buộc phải hủy bỏ hoặc được thay thế bằng sự kiện trên mạng.


Lời cuối, #PrideMonth chính xác là tháng để tôn vinh cộng đồng LGBTQ, nhưng bất cứ ai cũng có thể tham gia vào cuộc ăn mừng này, bởi đây cũng chính là cách thể hiện sự ủng hộ và tôn trọng với cộng đồng LGBTQ.

About the author

Một cô gái dành nửa thời gian cho việc viết lách và nửa thời gian cho việc quan sát thế giới. Tốt nghiệp ngành báo chí truyền thông tại Bangkok, và có khoảng thời gian học tập và sống giữa nhiều quốc gia như Thái Lan, Đức và Malaysia. Vân Anh từng cộng tác với các tạp chí lớn ở Việt Nam như tạp chí Đẹp, L'Officiel Việt Nam, Art Republik, An Ninh Thế giới, Thanh Niên hay T-Pot Journal, và đang nuôi mộng viết tiểu thuyết.

author

Vân Anh Nguyễn

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!