Love bombing (tạm dịch “Ném bom tình yêu”) là hành động thao túng tâm lý khi một người thể hiện tình cảm cuồng nhiệt bằng sự chú ý và tình cảm, chẳng hạn như những lời khen và quà tặng quá mức. Mặc dù điều này có vẻ giống như ai đó đang quá say mê và mãnh liệt trong tình yêu mới, nhưng đánh bom tình yêu là một chiến thuật thao túng nhằm đạt được quyền lực và quyền kiểm soát khi bắt đầu một mối quan hệ.
Love bombing do Sun Myung Moon, lãnh đạo của giáo phái cực đoan Giáo hội Thống nhất Hoa Kỳ (Unification Church of the United States) sử dụng vào những năm 1970, để mô tả sự hạnh phúc và tình yêu quá lố mà các tín đồ của hắn thể hiện với người khác. Theo Psychology Today, love bombing cũng đã được sử dụng bởi những tên ma cô và những kẻ cầm đầu băng đảng để khuyến khích lòng trung thành và sự phục tùng.
Tuy nhiên, các nhà tâm lý học đã bắt đầu áp dụng thuật ngữ này cho những hành vi có vấn đề ở các mối quan hệ yêu đương. Tiến sĩ Geraldine Piorkowski, tác giả của “Too Close for Comfort: Exploring the Risks of Intimacy, mô tả kiểu “ném bom tình yêu” này là "một thủ thuật quyến rũ bao gồm sự yêu mến, quan tâm chú ý, quà cáp, nịnh nọt và tâng bốc thái quá được nhằm dụ dỗ, gạ gẫm và tạo ra cảm xúc tích cực ở đối phương."
Ném bom tình yêu được coi là một chiến thuật có chủ ý và thao túng được triển khai nhằm chiếm thế thượng phong trước đối tác mới và tăng sự phụ thuộc của anh ấy/cô ấy vào kẻ ném bom.
Các dấu hiệu và giai đoạn của love bombing
Có một số dấu hiệu cần tìm nếu bạn nghĩ mình đang bị đánh bom tình ái. Mặc dù các biện pháp được sử dụng có thể khác nhau, nhưng cảm giác chung là "quá nhiều, quá sớm".
• Tặng quà nhiều quà, thậm chí quà xa xỉ, đặc biệt là khi mới bắt đầu mối quan hệ. Tất cả những điều này có vẻ vô hại, nhưng mục đích là khiến bạn nghĩ rằng bạn nợ họ điều gì đó.
• Tâng bốc quá mức và/hoặc phóng đại, như: "Cuộc sống của anh sẽ chẳng là gì nếu không có em" hay “Em chưa từng gặp ai hoàn hảo như anh.”
• Tuyên bố tình yêu và tình cảm sớm, thường xuyên và/hoặc cực đoan (ví dụ: nói “Anh yêu em”, “Bạn là người bạn tâm giao của anh” hoặc “Em là tất cả những gì anh tìm kiếm” trong buổi hẹn hò đầu tiên).
• “Tấn công” bạn bằng tin nhắn hoặc cuộc gọi điện thoại. Thường xuyên liên lạc là điều tự nhiên trong một mối quan hệ mới, nhưng cảm giác bị choáng ngợp bởi giao tiếp thì không.
• Tìm kiếm cam kết nhanh chóng; trong một mối quan hệ lãng mạn, chẳng hạn, đề cập đến những thứ như kết hôn hoặc chuyển đến sống cùng nhau ngay lập tức.
• Họ không muốn bạn có mối quan tâm nào khác ngoài bản thân họ. Kẻ ném bom tình yêu có thể phản ứng và khó chịu ra mặt nếu người kia có kế hoạch khác hoặc không trả lời thông tin liên lạc ngay lập tức.
• Ghét bị thiết lập ranh giới. Khi bạn cố gắng yêu cầu họ ‘giảm tốc độ’, họ sẽ tiếp tục cố gắng thao túng bạn để đạt được điều họ muốn.
Chiến thuật ném bom tình yêu nhằm mục đích áp đảo mục tiêu và khiến họ cảm thấy như thể họ đã tìm thấy một kết nối thực sự. Nhiều kẻ đánh bom tình yêu muốn mục tiêu của họ ngày càng dành ít thời gian hơn cho bạn bè và gia đình để dành thời gian cho thủ phạm.
Nhưng sau một thời gian đầu dành tình cảm và sự chú ý (thường được gọi là lý tưởng hóa), những kẻ đánh bom tình yêu thường sẽ bắt đầu thực hiện các chiến thuật gây hấn và làm tổn thương đối phương một cách công khai như xúc phạm, cố gắng kiểm soát ngoại hình hoặc hành vi, mắng mỏ họ vì những lỗi nhỏ, hoặc thậm chí tham gia vào hành vi lạm dụng thể chất. Giai đoạn này thường được gọi là giai đoạn hạ thấp giá trị. Đôi khi, họ cũng xoay vòng giữa 2 giai đoạn này, quay lại hành vi âu yếm thái quá để “bù đắp” cho hành vi lạm dụng đã xảy ra trong giai đoạn hạ thấp giá trị và khiến người kia mủi lòng, tha thứ và tiếp tục lao vào mối quan hệ bất chấp những vấn đề hiện hữu.
Khi bạn nhận ra hành vi của đối phương là không lành mạnh, bạn đối đầu với họ và cố gắng đặt ra ranh giới. Để trả thù, họ từ chối thỏa hiệp hoặc đổ lỗi cho bạn về hành động của họ. Đối tác của bạn có thể đột ngột kết thúc mối quan hệ khiến bạn cảm thấy đó là lỗi của mình. Họ cũng có thể ngay lập tức thay thế bạn bằng một đối tác mới.
Tại sao love bombing có thể trở nên nguy hiểm?
Ném bom tình yêu có thể đặc biệt nguy hiểm vì đôi khi rất khó phát hiện. Nghiên cứu cho thấy khi yêu, cơ thể chúng ta sẽ giải phóng các hormone tạo cảm giác dễ chịu như serotonin, oxytocin, dopamine và norepinephrine. Sự mới lạ của mối quan hệ mới thường mang lại cảm giác hưng phấn, thậm chí mù quáng.
Những kẻ lạm dụng sử dụng kỹ thuật love bombing để chiếm được lòng tin và sự yêu mến của đối tác, khiến họ cởi mở hơn, biết được những điểm yếu của họ và cuối cùng sử dụng điều đó để chống lại họ. Thao tác có thể diễn ra chậm và lúc đầu việc điều khiển có thể không được chú ý. "Sự quyến rũ" này thường biến mất sau giai đoạn đầu của mối quan hệ, thay vào đó là sự coi thường và lạm dụng tình cảm. Theo chuyên gia liệu pháp tâm lý và tư vấn mối quan hệ Denise Dunne, khi người này đột ngột dừng lại, không còn nhận được sự quan tâm, ngưỡng mộ, tán dương từ những kẻ này, bạn thấy trống rỗng và khó hiểu, và muốn đuổi theo thứ tình cảm đó, rồi bạn trở thành 'người phục tùng'.
Ném bom tình yêu cũng xảy ra với các cặp đôi sau khi họ mâu thuẫn lớn hoặc chia tay. Không có gì sai khi cho ai đó cơ hội thứ hai, nhưng nếu người ấy coi thường bạn, sau đó cầu xin sự tha thứ, hứa rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa và đưa ra những cử chỉ quá khoa trương, chẳng hạn như gửi cho bạn năm trăm bông hồng để bày tỏ sự hối lỗi của họ, thì hãy thận trọng.
Đặc biệt phổ biến trong các trường hợp bạo lực gia đình, kẻ bạo hành sẽ lạm dụng, nhắc lại rằng họ yêu bạn nhiều như thế nào và sử dụng các chiến thuật kịch tính để lấy lại thiện cảm của bạn nhằm giữ bạn trong mối quan hệ. Điều nguy hiểm là kẻ lạm dụng cần kiểm soát và chu kỳ tương tự lặp lại. Họ không thay đổi hành vi lạm dụng của mình và bạn có thể gặp nguy hiểm.
Nếu bạn đang bị "ném bom" tình yêu
Nếu bạn đang cảm thấy choáng ngợp hoặc không thoải mái, đó là một dấu hiệu đáng để bạn chậm lại và suy nghĩ.
Nếu cảm thấy bối rối, gặp khó khăn trong việc giải thích cảm xúc của mình, hãy chia sẻ về hành vi của đối tác, mối quan hệ của bạn và cảm nhận của bạn về điều đó với một người bạn hoặc người thân đáng tin cậy. Họ có thể cung cấp cho bạn cái nhìn sâu sắc từ góc độ bên ngoài mối quan hệ.
Nếu bạn vẫn muốn tiếp tục mối quan hệ, bạn có thể thảo luận về cảm xúc của mình với đối tác và cùng nhau thiết lập các ranh giới cho phép bạn cảm thấy thoải mái và được tôn trọng. Nếu đối tác của bạn không tôn trọng những ranh giới này, từ chối thay đổi hoặc đổ lỗi cho bạn về hành động của họ, thì đó là lúc bạn nên rời đi. Đó không bao giờ là lỗi của bạn khi ai đó cố gắng thao túng bạn về mặt cảm xúc. Nếu bạn cần trợ giúp để điều hướng cảm xúc của mình sau khi bị lạm dụng tình cảm hoặc kết thúc một mối quan hệ, hãy tìm sự giúp đỡ của bạn bè, gia đình hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Làm thế nào để biết sự khác biệt giữa love bombing và tình cảm chân chính?
Theo các chuyên gia, tình cảm chân chính nên diễn ra với tốc độ thoải mái cho cả hai bên. Ngược lại, ném bom tình yêu có xu hướng phiến diện, với một bên liên tục ‘tấn công’ và dữ dội như ném bom, khiến bên còn lại cảm thấy choáng ngợp hoặc như thể họ bị cuốn vào một cơn lốc. Một người nào đó liên tục vượt qua các ranh giới đã nêu—ngay cả khi họ cho rằng họ có động cơ tích cực để làm như vậy—cũng có thể là dấu hiệu cho thấy ý định thao túng. Tương tự như vậy, mặc dù dành nhiều thời gian cho nhau là điều bình thường, nhưng cảm giác bị cô lập khỏi gia đình và bạn bè vì một người dành toàn bộ thời gian cho người yêu mới có thể cho thấy mối quan hệ đang rơi vào tình trạng không lành mạnh.
Quan trọng nhất, dù ở bất kỳ mối quan hệ nào, bạn cũng cần nhận thức được sâu sắc giá trị bản thân, yêu bản thân, luôn ‘mở to mắt’ khi yêu và cố gắng đừng mù quáng.
About the author
S. Reen