Chuyến viếng thăm Việt Nam của Kamala Harris - “người phụ nữ của những lần đầu tiên”

ĐỜI SỐNG

Chuyến viếng thăm Việt Nam của Kamala Harris - “người phụ nữ của những lần đầu tiên”

authorBy S. Reen
Share on
Share on
Chuyến viếng thăm Việt Nam của Kamala Harris - “người phụ nữ của những lần đầu tiên”

Kamala Harris được báo chí phương Tây gọi là "người phụ nữ bứt phá những rào cản". Vào ngày 24/8 tới đây, người phụ nữ với nhiều lần đầu tiên nhất, lần đầu tiên sẽ tới Việt Nam.


Kamala Harris là nữ Phó Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Việt Nam trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày. Bà cũng là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm khu vực kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1, hứa hẹn sẽ củng cố các liên minh mà Mỹ coi trọng ở Đông Nam Á trong chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của mình.


Tại Hà Nội, bà Harris sẽ gặp gỡ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính và dẫn đầu phái đoàn Mỹ trong việc thành lập văn phòng khu vực cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh.


kamala-harris.jpeg

Ảnh: Reuters


Tiểu Sử Kamala Harris 


Kamala Harris tên đầy đủ là Kamala Devi Harris, sinh ngày 20.10.1964 ở Oakland, bang California. Mẹ bà - Shyamala Gopalan - là một nhà khoa học về ung thư vú di cư từ Tamil Nadu, Ấn Độ tới Mỹ năm 1960 để theo học tiến sĩ ngành Nội tiết học tại Đại học California-Berkeley. Cha bà - Donald J. Harris - là một giáo sư danh dự chuyên ngành Kinh tế của Đại học Stanford, nhập cư từ Jamaica năm 1961 để học kinh tế tại Đại học California-Berkeley.


kamala_and_shyamala.jpg

Kamala và mẹ - Ảnh: Whitehouse


Bà được nuôi dưỡng và lớn lên trong một khu dân cư có nhiều người Mỹ gốc Phi ở Berkeley. Khi còn nhỏ, Kamala đã theo cha mẹ đi dự các cuộc biểu tình của phong trào dân quyền.


Tiến sĩ Gopalan đã đặt cho con gái mình cái tên Kamala, có nghĩa là "hoa sen" trong tiếng Phạn và là một tên khác của vị thần Hindu Lakshmi - đây niềm tự hào về nguồn cội cũng như là cách bà bảo tồn bản sắc văn hóa cho các thế hệ sau. Tên đệm của phó tổng thống, Davi, dịch thành "nữ thần" trong tiếng Phạn, một sự tôn vinh khác dành cho đạo Hindu. “Một nền văn hóa tôn thờ các nữ thần sẽ tạo ra những người phụ nữ mạnh mẽ,” bà Gopalan nói với Los Angeles Times vào năm 2004.


Kamala-harris-3.jpg

Ảnh: Instagram @KamalaHarris


Kamala Harris tốt nghiệp Đại học Howard với bằng cử nhân Khoa học Chính trị và Kinh tế năm 1986, tốt nghiệp trường Luật Hastings College năm 1989.


Kamala-harris-4.jpg

Ảnh: Instagram @KamalaHarris


kamala-harris-2.png

Ảnh: Instagram @KamalaHarris


Năm 2003, Kamala Harris đánh bại sếp cũ của mình - ông Terence Hallinan - giành được chức vụ công tố viên quận San Francisco, bang California.


Bà Kamala Harris tiếp tục phát triển trên con đường sự nghiệp khi đạt được vị trí Tổng Chưởng lý bang California vào tháng 11.2010, trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên và cũng là người phụ nữ đầu tiên nắm chức vụ này. Trong cương vị này, bà thương thuyết thành công với 5 ngân hàng lớn nhất nước để các ngân hàng phải bồi thường về hoạt động thiếu chính đáng của họ trong lĩnh vực cho vay tiền thế chấp mua nhà, buộc các ngân hàng chi ra 20 triệu USD, cao gấp 5 lần con số do tiểu bang California đề nghị.


Bà Kamala Harris cũng gây ra nhiều tranh cãi về quyết định của bà khi từ chối bảo vệ Dự luật 8, tu chính án được đề nghị để sửa đổi hiến pháp California nhằm thu hẹp định nghĩa của hôn nhân chỉ công nhận sự kết hợp giữa hai người khác giới tính, gạt bỏ quyền kết hôn của những cặp đồng tính. Tổng Chưởng lý Kamala Harris là người chủ trì cuộc hôn nhân đồng giới đầu tiên tại California vào năm 2013.


kamala_pride.jpg

Ảnh: Whitehouse


Năm 2016, bà giành được một ghế tại Thượng viện. Kamala Harris gây chú ý khi năm sau, 2017, bà trở thành người Mỹ gốc Ấn đầu tiên và phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên phục vụ trong cương vị thượng nghị sĩ (Đảng Dân chủ), đại diện cho bang California. Tại Thượng viện, bà tham gia nhiều tiểu ban quan trọng, trong đó có Ủy ban An ninh nội địa và các vấn đề chính phủ, Ủy ban Đặc biệt về Tình báo, Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Phân bổ Ngân sách.


Bà thất bại trong cuộc vận động để được Đảng Dân chủ chọn đại diện cho đảng ra tranh chức với Tổng Thống Donald Trump. 


Gia Đình - Nền Tảng Của Thành Công


Cha mẹ ly hôn năm 1972, nên Kamala và em gái Maya do một tay mẹ nuôi dạy. Bà Gopalan hiểu rằng dù là con lai nhưng mọi người sẽ chỉ xem con gái bà như người da đen, và điều này khiến bà quyết tâm nuôi dạy cả hai thành "những phụ nữ da màu tự tin và kiêu hãnh" - trích trong cuốn tự truyện của Harris.


Trong một cuộc phỏng vấn năm 2009 của báo Indian Abroad, bà Kamala Harris nói về ảnh hưởng của mẹ bà và nguồn gốc văn hóa của quê mẹ trong cuộc đời mình: "Mẹ tôi rất tự hào về di sản văn hóa của bà và dạy chúng tôi chia sẻ với bà niềm tự hào về văn hóa Ấn Độ. Cứ vài năm, chúng tôi lại về thăm Ấn Độ”.


Một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đối với bà Harris, ngoài mẹ, là ông ngoại P.V.Gopalan - từng giữ chức vụ tương đương với Bộ trưởng Ngoại giao của Mỹ, người luôn đấu tranh cho nền độc lập của Ấn Độ. Và bà ngoại, một nhà hoạt động đã đi khắp vùng nông thôn để dạy những phụ nữ nghèo khó về kiểm soát sinh sản.


kamala-harris-5.jpg

Kamala Harris cùng em gái và cháu gái - Ảnh: Meena Harris/Twitter


“Ông ngoại tôi là một trong những nhà đấu tranh cho độc lập đầu tiên của Ấn Độ. Và một số kỷ niệm tuổi thơ đáng nhớ nhất của tôi là đi dạo ngoài biển với ông sau khi ông về hưu và sống ở Besant Nagar, giờ gọi là Madras. Mỗi sáng, ông thường đi dạo với những người bạn thân từng tranh đấu với ông. Họ bàn chuyện chính trị, về công lý và sự cần thiết phải diệt trừ nạn tham nhũng. Họ bày tỏ ý kiến, tranh luận với nhau và thỉnh thoảng lại cười lớn... Những cuộc đối thoại đó có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi. Tôi học hỏi nơi họ tinh thần trách nhiệm, phải trung thực và bảo vệ danh dự của mình... Những điều đó ảnh hưởng rất nhiều tới con người tôi hôm nay, cũng như những công việc mà tôi theo đuổi".


Không kém phần quan trọng với bà Harris là em gái Maya Harris (sn 1967). Ngay từ năm 13 tuổi, Kamala Harris đã cùng em gái Maya dẫn đầu một cuộc biểu tình ngay trước tòa nhà chung cư đang sống để phản đối chính sách cấm trẻ em vui chơi trên cỏ. Không chỉ là tri kỷ, bà Maya còn là cố vấn chính trị và đồng minh thân cận của chị gái. Họ thậm chí được so sánh với cặp anh em quyền lực Jack và Bobby Kennedy, tức cố Tổng thống thứ 35 John F.Kennedy và em trai. Theo News18, vài phút sau khi bà Kamala Harris được tuyên bố là nữ Phó Tổng thống đầu tiên của Mỹ, bà Maya đã đăng đàn trên Twitter để chúc mừng chị gái: “Mẹ đã dạy rằng chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì. Hôm nay mẹ hẳn sẽ rất tự hào”.


Đại Diện Cho Xã Hội Đa Sắc Tộc


Khi mẹ của Kamala Harris rời Ấn Độ đến California vào năm 1958, tỉ lệ người Mỹ nhập cư ở mức thấp nhất trong hơn một thế kỷ. Việc những người như bà Shyamala Gopalan đến Berkeley năm 19 tuổi hay chồng bà, một người nhập cư từ Jamaica là sự khởi đầu của làn sóng nhập cư lịch sử từ bên ngoài Châu Âu sẽ biến đổi nước Mỹ theo những cách mà các nhà lãnh đạo nước này không bao giờ tưởng tượng được. Giờ đây, những đứa trẻ - con của người nhập cư, giống như Harris, sinh ra ở Mỹ sẽ là bộ mặt tương lai nhân khẩu học của đất nước này, theo New York Times.


kamala-harris-6.jpg

Ảnh: Whitehouse


Không chỉ là người phụ nữ da đen đầu tiên, người gốc Ấn đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ trở thành phó tổng thống, việc chọn bà cũng làm nổi bật lên một sự thay đổi đáng chú ý ở Mỹ: Sự gia tăng của một làn sóng trẻ em nhập cư mới, hay những người Mỹ thế hệ thứ hai, như một lực lượng chính trị và văn hóa đang phát triển, khác với bất cứ lực lượng nào đã đến trước đây.


Gia đình Kamala Harris là một phần của xu hướng lớn hơn có ý nghĩa rộng lớn đối với bản sắc của nước Mỹ, biến một xã hội chủ yếu là người da trắng thành một xã hội đa chủng tộc.


Biểu Tượng Của Sức Mạnh Phụ Nữ


Hành trình đạt đến cột mốc quan trọng của Kamala đã liên quan đến việc phá bỏ rất nhiều rào cản, định kiến về cách phụ nữ trở thành nhà lãnh đạo.


Các nhà lãnh đạo nữ phải đối mặt với nhiều trở ngại, trong khi nam giới ở các vị trí quyền lực được khen thưởng vì mạnh mẽ, quyết đoán thì phụ nữ vì quá quyết đoán, quá định hướng mục tiêu và quá mạnh mẽ lại bị phê phán. Tương tự như vậy, nếu phụ nữ quá đồng cảm hoặc giàu lòng trắc ẩn, họ sẽ bị nghi ngờ về khả năng lãnh đạo của mình.


Tuy nhiên, Kamala Harris đã cho thấy rằng sự cứng rắn, tham vọng và sức mạnh của bà, bất kể giới tính.


kamala_speaking-1912x1147.jpg

Ảnh: Whitehouse


Trong một bài phát biểu tại Nghị viện Châu Âu nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ, Kamala Harris đã kêu gọi các quốc gia xây dựng một thế giới hành động vì phụ nữ. 


Bà nói: “Nếu chúng ta xây dựng một thế giới hành động vì phụ nữ, các quốc gia của chúng ta sẽ an toàn hơn, mạnh mẽ hơn và thịnh vượng hơn.


...Sức mạnh của mọi quốc gia trên Trái đất, phụ thuộc vào sức mạnh của tất cả mọi người.


Là một nửa dân số thế giới, phụ nữ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đóng góp lớn cho xã hội.


Họ là những nhà khoa học chữa bệnh, và những quân nhân bảo vệ quốc gia của chúng ta. Họ là những doanh nhân tạo ra công ăn việc làm và những nhà giáo dục định hình thế hệ tiếp theo. Và tất nhiên, phụ nữ là những nhà lãnh đạo chính phủ...


Ngày nay, các cuộc khủng hoảng toàn cầu mà chúng ta đang phải đối mặt đã cho thấy rất rõ cả những đóng góp của phụ nữ và những thách thức mà phụ nữ phải đối mặt.


Nói một cách đơn giản, thế giới của chúng ta vẫn chưa làm được những điều dành cho phụ nữ như những gì họ nên nhận được.


Tôi tin rằng chúng ta phải đảm bảo an toàn cho phụ nữ tại gia đình và trong cộng đồng.


Chúng ta phải đảm bảo rằng phụ nữ có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao và những nhu cầu sức khỏe đặc biệt cho phụ nữ cần được giải quyết. Chúng ta phải đối xử với phụ nữ một cách đàng hoàng tại nơi làm việc và đặt ra những chính sách cần thiết để phụ nữ có thể vừa chăm sóc gia đình vừa xuất sắc trong lực lượng lao động. Cuối cùng, chúng ta phải trao cho phụ nữ tiếng nói bình đẳng trong việc tự quyết định, vì đây là điều cần thiết cho tự do và công bằng…”


“Điều tôi muốn phụ nữ và trẻ em gái biết là: Bạn là người mạnh mẽ và tiếng nói của bạn rất quan trọng” - Kamala Harris.


Hi vọng rằng, những đấu tranh của Kamala dành cho phụ nữ sẽ truyền cho bạn những niềm cảm hứng, sự tự hào và thật nhiều hi vọng!

About the author

Một cô gái yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp

author

S. Reen

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!