Mũi tên thứ hai trong giáo lý đạo Phật và nỗi sợ thứ hai trong tâm lý học hiện đại

SỐNG KHỎE

Mũi tên thứ hai trong giáo lý đạo Phật và nỗi sợ thứ hai trong tâm lý học hiện đại

authorBy Thanh Nguyễn
Share on
Share on
Mũi tên thứ hai trong giáo lý đạo Phật và nỗi sợ thứ hai trong tâm lý học hiện đại

Năm ngoái tôi được tặng một bản đặc san Tết của Chùa Hoa Nghiêm trong lúc bản thân đang có chút vấn đề cá nhân. Trong đó, có một bài viết mà tôi thấy đúng với hoàn cảnh mình, đặc biết là đoạn nói về mũi tên thứ hai trong giáo lý đạo Phật. Sau đó tôi tự nghiên cứu thêm về nó cũng như về tâm lý học. Trong quá trình học hỏi và thực hành, tôi đã rất ngạc nhiên và hứng thú khi thấy có khá nhiều điểm tương đồng giữa giáo lý đạo Phật và tâm lý học hiện đại.


Trong phạm vi bài viết ngắn này, xin được trình bày về sự tương đồng giữa mũi tên thứ hai (second arrow) trong giáo lý đạo Phật và nỗi sợ thứ hai (second fear) trong tâm lý học.


Mũi tên thứ hai


Đức Phật dạy rằng khi nào chúng ta gặp những bất lợi hay khổ đau trong cuộc sống, có hai mũi tên được bắn ra. Mũi tên thứ nhất chính là những trắc trở, khó khăn. Mũi tên thứ hai là phiền não; đó chính là những tức giận, lo âu, than vãn, tủi hờn, la hét. Mũi tên thứ nhất thường khó tránh khỏi nhưng mũi tên thứ hai là do chúng ta chọn lựa để bắn vào chính mình. Mũi tên thứ hai chính là phản ứng tiêu cực của chúng ta đối với mũi tên thứ nhất.


Một hôm, bạn về nhà thấy một đống chén bát bản trên bàn. Lúc đó tâm bạn khởi lên một phản ứng khó chịu tức thời. Nếu mọi sự chấm dứt ở đó thì không có gì xấu. Nhưng bạn tiếp tục đi xa hơn với suy nghĩ rằng người bạn đời luôn bày cho mình dọn, họ chẳng bao giờ màng đến mình. Rồi xa hơn nữa, “sao mình lại ngu ngốc lựa chọn sống cùng anh ta chứ?”, hay “mình chỉ là đứa đầy tớ, mình không nên có mặt trên đời này”… Đây là mũi tên thứ hai mang đến phiền não cho bạn.


Hàng ngày chúng ta bị không biết bao nhiêu mũi tên đủ loại nhắm bắn, có những mũi tên chỉ làm xước da nhưng đôi khi cũng có những mũi tên như đâm vào ngực, và sau mũi tên thứ nhất đó, còn thêm một mũi tên thứ hai bắn vào tâm thức mình nữa. Thay vì nhìn thẳng vào những thứ đau đớn đó để tìm cách hóa giải chúng thì chúng ta lại tìm mọi cách khỏa lấp, che dấu và tìm quên bằng lạc thú. Nhưng những thứ này chỉ giúp xoa dịu tạm thời, rồi chúng ta sẽ lại phiền não hơn. Bộ não con người có một nghịch lý mà các nhà tâm lý học gọi là: “ironic process of the mind” hay “imp of the mind” - khi cố không nghĩ về một điều gì đó, mình sẽ trở nên nghĩ nhiều hơn về nó. Những điều mình càng muốn gạt ra khỏi bộ nhớ, sẽ càng “đeo bám” lấy mình.


mui-ten-thu-hai-trong-giao-ly-dao-phat-va-noi-so-thu-hai-trong-tam-ly-hoc-hien-dai-1.jpg


Cách thức để tránh được mũi tên thứ hai trước tiên phải nhận diện và gọi tên mũi tên thứ nhất một cách chân thật và chính xác nhất. Một nỗi đau thân xác hay khổ đau trong tâm hồn do hoàn cảnh mang lại. Nhận biết phản ứng của mình trước khi mình sẽ bắn ra mũi tên thứ hai. Chẳng hạn mình muốn la mắng hay đổ lỗi ai đó, than vãn, bực tức… Quan sát tâm mình mà không phán xét, đánh giá hay lo lắng về nó. Điều này không hề dễ dàng, cần phải được thực hành thường xuyên. Khi đó, thay vì bị mũi tên thứ hai mang đến phiền não, hãy tự nhỉ: “Ta thấy mi rồi, mi không có cửa đâu”. Việc nhận diện được mũi tên thứ hai sớm đã tước đi một phần sức mạnh của nó. Việc thực hành loại bỏ được mũi tên thứ hai loại nhỏ trong những tình huống như trễ tàu, vợ càm ràm giúp mình chuẩn bị đối phó tốt hơn với những mũi tên loại lớn như lật tàu, hay chia ly. Để triệt tiêu sự tàn phá của mũi tên thứ hai, chúng ta phải biết chấp nhận, biết tha thứ cho mình và cho người.


 “Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau” – Trịnh Công Sơn


Nghe thì dễ nhưng làm thì không dễ chút nào. Là người phàm, khi bị trúng mũi tên thứ nhất, chúng ta lao ngay vào tìm kiếm nguyên nhân, phân tích và suy diễn đủ kiểu một cách liên tu bất tận. Chúng ta sẽ trút giận lên chính mình hay những người xung quanh dẫn đến những suy nghĩ, cảm xúc và cả hành vi tiêu cực như tức giận, lo âu, than vãn, la hét, đấm ngực. Một người tu tập không để cho mũi tên thứ hai ấy bắn trúng mình và chỉ nhận biết sự đau thân hay khổ tâm gây ra bởi một mũi tên duy nhất mà thôi. Hơn nữa người tu tập cũng xem sự đau đớn ấy không phải là thuộc của mình, không phải là mình, và đó cũng là một phương cách khác giúp mình tự tách bản thân ra khỏi những khổ đau trong cuộc sống.


Nỗi sợ thứ hai


Tâm lý học hiện đại cũng có nỗi sợ thứ nhất và nỗi sợ thứ hai. Cũng tương tự mũi tên thứ nhất, nỗi sợ thứ nhất là sợ hãi mang tính bản năng, không thể chặn đứng hay điều khiển bằng ý thức. Nguyên nhân là do con đường dẫn đến sợ hãi thứ nhất không đi qua phần vỏ não (cortex) mà đi trực tiếp từ phần não nhận thông tin là đồi thị (thalamus) đến hạch hạnh nhân (amygdala). Khi giác quan con người nhận được tín hiệu có thể nguy hiểm, đồi thị sẽ cùng lúc phát đi tín hiệu theo hai hướng. Một đường đi trực tiếp rất nhanh đến hạch hạnh nhân. Đường còn lại đi qua vỏ não, phần tư duy của não bộ, rồi mới đến hạch hạnh nhân. Con đường này chậm hơn con đường trực tiếp khoảng ½ giây. Con đường trực tiếp mang tính sống còn để bảo vệ chúng ta. Vì vậy nó được lập trình theo kiểu báo lầm hơn bỏ sót. Con đường thứ hai đi qua võ não giúp thông tin được phân tích và xử lý một cách chính xác hơn. Tuy nhiên cái giá phải trả cho sự chính xác này là đến chậm hơn khi sự đã rồi tương tự như kết cục câu chuyện tình kinh điển Romeo và Juliet.


Sau nỗi sợ thứ nhất được tạo ra từ con đường trực tiếp, hạch hạnh nhân nhận được tín hiệu từ vỏ não qua con đường thứ hai. Nếu không có sự nguy hiểm hạch hạnh nhân sẽ ngừng báo động và chúng ta sẽ bình tâm trở lại. Nỗi sợ thứ nhất sẽ mất đi rất nhanh ngay khi vỏ não nhận ra không có gì nguy hiểm. Nỗi sợ thứ hai có xảy ra hay không là do vỏ não điều khiển.


Vỏ não, phần tư duy của não bộ, có Phần Lo Âu (Worried Voice) và Phần Khôn Ngoan (Wise Mind). Tuỳ theo phần nào hoạt động mạnh hơn mà dẫn đến nỗi sợ thứ hai. Phần Lo Âu, như tên của nó, thường hay lo lắng, than vãn và bi quan. Nếu Phần Lo Âu chiếm ưu thế, hạch hạnh nhân tiếp tục nhận thông tin cảnh báo nguy hiểm và kích hoạt gây ra nỗi sợ thứ hai. Cũng như mũi tên thứ nhất và mũi tên thứ hai trong kinh Phật, nỗi sợ thứ nhất là tự động nhưng nỗi sợ thứ hai có thể kiểm soát được được bằng Phần Khôn Ngoan của não bộ. Hay nói cách khác, nỗi sợ thứ hai là do chúng ta - những tín đồ của thú đau thương lựa chọn.


Phần Khôn Ngoan có thể ví như một phần tuệ giác? Hay nói chính xác hơn, Phần Khôn Ngoan nhận biết được bản chất thực sự của hoàn cảnh hay vấn đề để cơ thể đối phó tích cực hơn đối với chúng mà không phản ứng quá mức cần thiết đưa vấn đề đi quá xa làm tổn hại thân thể và tâm thần chúng ta.


mui-ten-thu-hai-trong-giao-ly-dao-phat-va-noi-so-thu-hai-trong-tam-ly-hoc-hien-dai-2.jpg

 

Cách thức đối phó với nỗi sợ thứ hai, theo tâm lý học hiện đại, cũng mang những điểm tương tự đối với mũi tên thứ hai trong Phật giáo. Không trốn tránh hay tìm quên . Đầu tiên là nhận diện được chính xác những suy nghĩ, cảm xúc hay nỗi đau thân thể. Không thêm đầu thêm đuôi hay thổi phồng chúng. Ghi nhớ rằng suy nghĩ hay cảm xúc không phải là sự thật đang diễn ra, vì vậy nó sẽ không gây hại gì nếu ta để chúng lướt qua mà không chống lại hay bị chúng cuốn vào.


Thay vì chống lại chúng hay chạy trốn thì chúng ta hoan hỉ chấp nhận chúng và những cảm xúc hay ý nghĩ do chúng mang lại, không bắt lỗi hay đánh giá. 


Mũi tên thứ nhất hay nỗi sợ thứ nhất thì người phàm phu, hay bậc giác ngộ đều giống nhau. Chẳng hạn khi nấu ăn bị bỏng dầu, hầu hết chúng ta đều cảm thấy đau tại chỗ bỏng rồi la lên: “Ôi, đau quá”. Nhưng người có tu tập sẽ dừng lại ở đó; người phàm chưa được “khai ngộ” thì giận dữ la hét và thậm chí nguyền rủa, rồi ném chảo dầu xuống đất. Có thể đi xa hơn là la mắng chồng hay vợ cho rằng họ không chịu mua chảo mới. Rồi than thân trách phận sao mình lại khổ thế này, không ai giúp mình cả…. Thay vì chỉ chịu cảm giác đau tại chỗ bỏng, các phản ứng leo thang có thể làm mình bỏng nặng hơn và làm bản thân mình buồn bã hơn, rồi có thể dẫn đến mâu thuẫn hay bạo lực với người khác. 


Bệnh nhân bị bệnh, thay vì cùng thầy thuốc nỗ lực nhổ mũi tên thứ nhất thông qua trị liệu, lại có khi tự cắm vào mình mũi tên thứ hai. Đó là sự sợ hãi, lo âu, bi quan. Thực tế cho thấy người có niềm tin tôn giáo nói chung hay người có hành trì kiên cường chống đỡ, lạc quan tin tưởng, hợp tác điều trị chắc chắn có tiên lượng bệnh tốt hơn hẳn người cùng cực bi quan, than vãn oán trách.


Nếu chúng ta để cho giận dữ, lo lắng chiếm ngự trong ta thì chúng ta có thể sẽ đau khổ thêm gấp trăm lần. Những thứ đó chính là mũi tên thứ hai, rất độc hại. Khi đó, cơ thể sẽ ồ ạt tiết ra các hormones như adrenaline và cortisol dẫn đến sự tăng tải của cơ thể nói chung vốn đã mệt mỏi và phá huỷ nhiều cơ quan nội tạng, làm cho bệnh tình trầm trọng thêm, và phiền não nhiều hơn. Vì vậy bằng hơi thở ý thức, bước chân ý thức, chúng ta sẽ nhìn sâu và nhận diện ra chân tướng của sự việc để những lo lắng, sợ hãi không làm chủ được ta. Cùng mắc bệnh nan y, song người có dính đòn mũi tên thứ hai nhiều hay ít sẽ quyết định khả năng chống chọi với bệnh tật và khả năng sống sót thấp hay cao.


Khi đại dịch COVID-19 đang hoành hành khắp địa cầu với số lượng tử vong lên đến hàng triệu người, điều mà mọi người ít nhận ra là số người chết đi sống lại vì nỗi sợ thứ hai có thế gấp cả trăm lần con số đó. Số người gọi đến đường dây nóng dành cho các vấn đề tâm thần đã tăng hơn cả chục lần trong những tháng cao điểm. Thay vì hiểu được sự lây lan của bệnh dịch để tuân thủ các biện pháp phòng chống một cách bình tĩnh, nhiều người đã trở nên hoảng loạn dẫn đến làm những điều dại dột. Qua đó để thấy người có tri thức và được đào tạo bài bản vẫn có thể có những quyết định sai lầm trong những lúc bị sợ hãi chế ngự. Nỗi sợ hãi bị nhiễm vi rút corona không đáng sợ bằng cảm giác mệt mỏi, bất lực và tuyệt vọng trong việc đấu tranh chống lại chúng. Đó phải chăng là lý do một vài bác sĩ và y tá đã quyết định từ bỏ mạng sống của mình sau khi đã xả thân cứu bệnh nhân?


mui-ten-thu-hai-trong-giao-ly-dao-phat-va-noi-so-thu-hai-trong-tam-ly-hoc-hien-dai-3.jpg


Cách thức để hoá giải mũi tên thứ hai trong giáo lý nhà Phật hay nỗi sợ thứ hai trong tâm lý học cũng khá tương đồng như đã nói ở trên. Phương tiện mà cả hai bên đều sử dụng là tập chánh niệm hay sống tỉnh thức (mindfulness), trong đó thiền là một công cụ hữu hiệu. Khi đạt được chánh niệm, tâm ý chúng ta ngưng tụ, lắng dịu xuống, loại bỏ những cảm xúc và dục vọng, giúp chúng ta nhìn sâu hơn để thấy rõ bản chất sự việc, nhờ đó mà đoạn trừ những điều vô minh (không sáng suốt) và phiền não. Mục tiêu của các liệu pháp tâm lý điều trị các chứng lo âu, sợ hãi cũng giúp chúng ta sống với Phần Khôn Ngoan của não bộ thường trực hơn; sống tỉnh thức cũng là cũng là cách để nuôi dưỡng Phần Khôn Ngoan. Bộ não con người được cấu tạo để lo lắng, chánh niệm cũng là cách để gạn lọc Phần Lo Âu.


Cuối cùng, xin được tiết lộ tôi không phải con nhà Phật và cũng không có pháp danh. Tuy vậy trên con đường phát triển bản thân, tôi có cơ duyên tiếp xúc ít nhiều với giáo lý uyên thâm và nhân bản của đạo Phật. Thật ngạc nhiên khi thấy sự tương đồng khá lớn giữa giáo lý đạo Phật và tâm lý học hiện đại. Tại sao mấy ngàn năm trước mà Đức Phật lại có tuệ giác này? Điều mà ngày nay được chứng minh qua hàng trăm nghiên cứu của hàng ngàn chuyên gia về nhiều lĩnh vực liên quan. Nhất là cách thức hoá giải vấn đề thì gần như là một. Phải chăng tâm lý học hiện đại tham khảo đạo Phật, hay những lời giải đúng có cùng đáp án? Theo tôi, Đức Phật có thể được coi là một trong những nhà tâm lý học đầu tiên của nhân loại.


Xin được kết thúc bằng một trích đoạn trong bài kinh về Mũi Tên, bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu:

 

"Này các tỳ-kheo, bậc đa văn thánh đệ tử khi cảm xúc khổ thọ thời không có sầu muộn, không có than vãn, không có khóc lóc, không có đấm ngực, không có đi đến bất tỉnh. Vị ấy chỉ cảm thọ cảm giác của một cảm thọ, tức là cảm thọ về thân, không có cảm thọ về tâm. Ví như có người bị người ta bắn một mũi tên. Họ không lập tức bắn tiếp người ấy với mũi tên thứ hai. Như vậy người ấy chỉ có cảm giác cảm thọ của một mũi tên. Cũng vậy, này các tỳ kheo, bậc đa văn thánh đệ tử khi cảm xúc khổ thọ; vị ấy không sầu muộn, không than vãn, không khóc lóc, không đấm ngực, không đi đến bất tỉnh. Vị ấy cảm giác chỉ một cảm thọ, tức là cảm thọ về thân, không phải cảm thọ về tâm”. (Sallatha Sutta:The Dart: Samyutta Nikaya 36.6)

About the author

Tốt nghiệp Y khoa ở Huế. Sau đó lấy bằng bác sĩ (ECFMG) và hiện tại đang phụ trách điều hành một công ty y tế tại DC, Hoa Kỳ. Trong hơn 10 năm sống ở Hoa Kỳ, tác giả có cơ hội học hỏi và nghiên cứu về sức khỏe tâm thần, một lĩnh vực mà tác giả đam mê và tâm huyết. Tác giả mong muốn chia sẻ kiến thức đến cộng đồng người Việt trong nước.

author

Thanh Nguyễn

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!