Mẹ & bé
Nấc cụt ở trẻ sơ sinh
Từ ngày mình có hai bé sinh đôi và cho con bú mẹ hoàn toàn, không phải thêm sữa ngoài hay vắt thêm để kích sữa, mà con vẫn bụ bẫm tăng cân đều, đã có rất nhiều mẹ đến hỏi mình về những bí quyết hay kinh nghiệm cho con bú. Khi trả lời những câu hỏi của các mẹ, mình mới thấy rằng hiện nay có quá nhiều lầm tưởng và quan điểm không có lợi cho việc cho con bú mẹ trực tiếp toàn phần.
Có một lầm tưởng rất lớn mà hầu như ai trước khi có con cũng măc phải, đó là việc cho con bú là một điều rất bản năng và “khi nào đẻ mình sẽ tự biết phải làm thế nào”. Để rồi sau khi sinh, chúng ta mới ngỡ ngàng, thậm chí là sốc nặng, khi thấy việc cho con bú sao mà khó đến thế? Nào là con không ngậm được vào ti, rồi ngậm nhưng không bú, hoặc bú nhưng vẫn khóc, rồi đêm không chịu ngủ, hay là mình không đủ sữa? Và điều khiến chuyện cho con bú càng khó khăn hơn khi những người thân xung quanh sẽ có rất nhiều ý kiến về việc phải nuôi con thế nào (con khóc là phải cho ăn, con bú vẫn khóc tức là còn đói…) khiến chúng ta dễ nản và tự nghi vấn về khả năng cho con bú của mình. Thậm chí kể cả bác sĩ cũng nhanh chóng đề nghị cho con uống sữa công thức nếu mẹ kêu em bé quấy để con no bụng và ngủ tốt hơn (chính mình đã được nhiều bác sĩ y tá kiến nghị điều này khi sinh cặp song thai).
Chẳng phải tự nhiên mà tỉ lệ cho con bú toàn phần trong 6 tháng đầu ở Việt Nam chỉ có 24%, vào mức rất thấp so với mức trung bình thế giới là 40% (theo thông tin của UNICEF). Mặc dù thông tin đại chúng luôn phổ biến “sữa mẹ là tốt nhất cho sức khỏe cả mẹ và bé và sự phát triển toàn diện của con sau này”, nhưng phụ nữ nói chung và phụ nữ có thai nói riêng lại không được đào tạo bài bản về kiến thức và kĩ năng cho con bú. Bên cạnh đó xã hội cũng như giới y tế mặc định rằng họ phải tự đối phó và tự giải quyết những vấn đề khó khăn gặp phải khi cho con bú tại nhà.
Đúng là người mẹ nào cũng có bản năng tiết sữa sau sinh (trừ một tỉ lệ rất nhỏ có mức hormone bài tiết sữa dưới trung bình dẫn đến không đủ hoặc không có sữa) và em bé nào sinh ra cũng có bản năng mút ti (trừ phi bé bị sinh quá non), nhưng điều này lại không có nghĩa là con sẽ bú được sữa từ mẹ. Sự thật là việc cho con bú không phải là một “bản năng”, mà là một “kỹ năng” cần được thực hành (và được hướng dẫn) cho cả mẹ và con - đây có lẽ là điều quan trọng nhất chính mình đã rút ra sau khi cho cả ba đứa con bú toàn phần. Để con bú mẹ thành công, còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố: vị trí; tư thế khi cho bú; hình thái miệng của con hoặc hình thái ti của mẹ có “khớp” nhau không; tinh thần mẹ có tốt hay không và mẹ có được gia đình, người thân hỗ trợ và ủng hộ cho bú hay không…
Đôi khi chỉ cần được chỉ cho cách cho con có khớp ngậm đúng, hoặc tư thế bế con cho bú sao cho thuận lợi nhất, hay được bảo trước là việc cho con bú những tuần đầu sẽ mệt mỏi và hao sức ra sao, con sẽ cần ti liên tục thế nào… để những người mẹ cho con bú được chuẩn bị tinh thần từ trước, không chờ đợi là con sẽ “ăn ngoan ngủ ngoan” theo nhịp như trong sách, thì họ đã có thể phấn đấu cho con bú lâu hơn và không từ bỏ trước mốc 6 tháng (theo WHO thì mẹ nên cho con bú toàn phần trong 6 tháng đầu và sau đó tiếp tục cho bú đến lúc con 2 tuổi).
Nhân đây, sau khi đã thành công cho con trai đầu bú hoàn toàn bằng sữa mẹ (con tự cai sữa lúc 14 tháng) và vừa đạt mốc 6 tháng đầu cho cặp song sinh, mình sẽ chia sẻ với các bạn đọc HER những điều mình ước gì đã được biết trước. Những điều này mình đã được những chuyên gia cho con bú trực tiếp hướng dẫn và tự rút ra qua kinh nghiệm thực tế. Hi vọng qua đây bạn sẽ thấy tự tin hơn với việc cho con bú và không dễ bị nản lòng hoặc bỏ cuộc vì thấy thách thức quá nhé!
Đặc biệt trong 12 tuần đầu, nhu cầu ăn của em bé là liên tục. Thậm chí trong 6 tuần đầu, chưa được 2 tiếng đã lại đòi bú, cả ngày lẫn đêm. Chưa kể trẻ sơ sinh còn hay thích bú “liên tục” vào giờ chập tối (gọi là “cluster feeding”), nên hay có hiện tượng khóc quấy lúc trời bắt đầu tối. Nhiều mẹ cứ nghĩ con phải 2-3 tiếng mới nên ăn một lần, hoặc muốn áp dụng lịch sinh hoạt theo sách vở ngay từ đầu mà không lắng nghe nhu cầu thực tế của con. Không hiểu từ khi nào, khái niệm “con bú vặt” lại bị coi là tiêu cực, là thói quen xấu và mẹ cần “luyện” cho con bú “thành bữa”. Trong khi việc “bú vặt” chính là biểu hiện điển hình của trẻ sơ sinh, do dạ dày của chúng rất bé, chỉ có thể chứa 15-30ml mỗi lần và sau khoảng 45 phút lại tiêu hết sạch, nên lại đòi bú tiếp. Tốt nhất hãy chấp nhận điều này thay vì chống cự nó hoặc chờ đợi con mình phải bú theo lịch mình sắp đặt, thì bạn sẽ giảm được rất nhiều stress cho bản thân và đáp ứng tốt hơn nhu cầu dinh dưỡng (và cả nhu cầu cần được gần mẹ) của em bé.
Có lẽ đây là lầm tưởng lớn nhất của các mẹ và là điều mình thường xuyên được các bà mẹ trẻ đặt câu hỏi. Một lần nữa, bản năng của trẻ sơ sinh là khóc đòi bú liên tục, vì lý do đã nêu trên. Nó không liên quan đến việc sữa bạn có đủ hay không, mà là vì dạ dày em quá bé và nhu cầu dinh dưỡng để phát triển của em bé trong 12 tuần đầu (đặc biệt là 6 tuần đầu) vô cùng lớn. Đặc biệt khi vào tuần thứ 3 trở đi, lúc bước vào giai đoạn “lớn vọt” (growth spurt), em bé sẽ có nhu cầu ăn lớn đặc biệt để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, vì vậy việc đòi bú liên tục chính là cách con kích sữa mẹ một cách tự nhiên và hiệu quả. Nhiều mẹ lúc này lại tưởng là do mình thiếu sữa, nên cố gắng bổ sung sữa công thức cho bé đỡ khóc và “ngủ sâu hơn”. Tuy nhiên làm vậy lại can thiệp vào nhịp “con bú bao nhiêu mẹ tiết sữa bấy nhiêu” vốn rất hoàn hảo và tự nhiên để đáp ứng đúng nhu cầu của con.
Một khi cho con ăn sữa ngoài, sữa mẹ tiết ra không được bú, sẽ đọng lại trong vú và cơ thể sẽ giảm tiết sữa đi - và đây mới là lý do chính khiến mẹ giảm tiết sữa. Thay vì sốt ruột, hãy chấp nhận là khoảng 3 đến 6 tuần đầu đời, việc chính của em bé là bú và của mẹ là cho bú. Bạn càng kháng cự việc này thì con càng khóc, càng đòi, bạn sẽ càng stress. Vì vậy hãy tạo cho mình một góc cho bú thật “chill” trên giường hoặc sofa. Lót nhiều gối tựa, với thức ăn, đồ uống yêu thích để cạnh, một cuốn sách yêu thích và quan trọng nhất là điều khiển TV, để khoảng thời gian cho con bú càng thêm thú vị. Vừa cho bú vừa ăn nhẹ, uống nước để bù năng lượng, chất lỏng, bạn sẽ đỡ mệt hơn.
Lại một lầm tưởng phổ biến. Ngực bé hay ngực to không liên quan gì đến khả năng tiết sữa của mẹ. Con bú bao nhiêu mẹ sẽ tiết bấy nhiêu sữa. Bầu ngực không chỉ là kho trữ sữa, nó còn là “nhà máy sữa”. Vì vậy dù là “nhà kho” bé hay lớn, thì vẫn có khả năng sản xuất một lượng sữa ngang người có ngực lớn hơn trong 24h. Tuy nhiên ở những người ngực bé hơn, có thể em bé sẽ bú thường xuyên hơn để nạp đủ lượng sữa em bé cần. Nếu chỉ vì nghĩ mình ít sữa nên bổ sung sữa ngoài cho em bé, thì hiện tượng “cung cầu” giữa bé và nguồn sữa của mẹ cũng sẽ bị rối loạn và bạn sẽ tiết giảm sữa đi dần.
Dù là sinh thường hay sinh mổ, chúng ta cũng phải đợi trung bình 3-4 ngày sữa mới về cho con bú. Những ngày trước đó, ngực sẽ chỉ tiết ra những giọt trong hơi vàng vàng - đó chính là sữa non vô cùng quý giá. Bạn cần cho con ti liên tục hoặc tối thiểu 2 tiếng một lần để có thể mút được những giọt sữa non, vì theo đó con sẽ nhận được vô số dinh dưỡng, kháng thể và lợi khuẩn cần thiết để khởi động hệ tiêu hoá, giúp chống lại nhiễm trùng và tăng cường hệ miễn dịch.
Có thể bạn nghĩ con đang không bú được gì, nhưng thực ra là có đấy. Và nếu lúc này sốt ruột sợ con đói cho con ăn sữa ngoài, thì bạn sẽ giảm cơ hội được con mút sữa non, đồng thời cũng sẽ không nhận được nhiều sự kích thích từ miệng em bé để mau chóng về sữa mẹ. Lúc này khá là thách thức với nhiều bà mẹ, khi nghĩ con mình phải “nhịn đói” suốt 3, 4 ngày đầu đời. Nhưng thực ra con vẫn còn đủ chất dự trữ từ lúc trong bụng mẹ và dạ dày con bé tí tẹo, chỉ cần tráng một lớp mỏng sữa non lên liên tục trong ngày là đủ rồi. Trừ khi có chỉ định từ bác sĩ phải bổ sung sữa ngoài cho con vì lý do sức khoẻ (như đường huyết thấp) thì bạn không cần phải bổ sung gì ngoài việc cho con mút sữa non liên tục trực tiếp từ ti mẹ nhé.
Bạn cũng không cần phải hút sữa để kích sữa về, vì việc đó không thể kích thích sữa về bằng sự gần gũi với con khi ôm con cho bú. Sau này mỗi lần chỉ nhìn thấy con hoặc chạm vào con, sữa mình đã tự động chảy ra. Sự kết nối này rất quan trọng cho việc tiết sữa, bạn cần “tập” cho mình có sự kết nối đó bằng cách da áp da (skin to skin) với bé và ti liên tục những ngày đầu đời. Dù sao thì đây cũng là những ngày bạn cần hồi phục sau ca đẻ, nên hạn chế đi lại và dành tối đa thời gian với em bé trên giường, vừa cho ti vừa nghỉ ngơi cùng em bé lúc skin to skin là tốt nhất nhé!
Điều này dù có thể chúng ta đã nghe nói, nhưng vẫn thấy rất hoảng sợ khi trải nghiệm. Đối với mình, kể cả lần 2 có con vẫn bị shock khi bị căng ngực lần đầu sau khi sữa về. Ngực căng, đau nhức, cảm giác nóng rực… Thật khó diễn tả cảm giác đau đớn và khó chịu khi đang đau vùng dưới sau sinh hoặc đau vết mổ, lại kết hợp thêm đau ngực. Điều này không thể tránh khỏi, mà tất yếu sẽ xảy ra trong vài ngày sau khi sữa về, hay còn gọi là hiện tượng cương sữa sinh lý thường xuất hiện từ 2-7 ngày sau sinh.
Cách tốt nhất để sớm qua khỏi giai đoạn này là cho bé bú liên tục. Nếu bú xong vẫn căng và khó chịu thì có thể hút ra một ít cho đỡ đau. Thậm chí không cần dùng máy hút sữa, mình chỉ cần dùng cốc hứng sữa có lực hút nhẹ như cốc hứng sữa silicon của Haakaa cũng khá hiệu quả. Tuy nhiên đừng hút nhiều, vì nếu làm thế ngực sẽ lại gọi thêm sữa về và hiện tượng căng không cải thiện. Chỉ cần hút khoảng 5-10ml, rồi đợi đến lần ti tiếp theo.
Bạn cũng hãy kiên nhẫn chịu khó xoa bóp ngực trong lúc cho bú, cả lúc sau bú và chườm ấm cho sữa chảy thông hơn. Qua vài ngày thì cơ thể sẽ hiểu là lượng sữa em bé cần ít hơn nhiều lượng sữa đang sản xuất và tự điều chỉnh lại cho phù hợp với lượng em bé cần. Khi đó ngực sẽ mềm trở lại và đỡ đau hơn. Chịu khó cắn răng chịu đau và chườm, xoa bóp nhiều trong 2, 3 ngày này nhé! Rồi sẽ qua thôi!
Đây cũng là một hiện tượng thường gặp ở tất cả trẻ sơ sinh chứ không riêng gì bạn. Cặp song sinh của mình 2 tuần đầu vì miệng bé quá (lúc sinh ra chỉ hơn 2kg một chút) nên khó bắt được ti, hoặc nếu ngậm vào cũng bị to quá so với miệng, nên luôn khóc lúc bú, khiến mình vô cùng mệt mỏi mỗi lần cho bú. Vì lý do này, nhiều người nghĩ do mình không đủ sữa nên em bé khóc vì không mút được ra sữa và mau chóng chuyển sang cho bú bình (uống sữa ngoài hoặc sữa vắt ra). Tuy nhiên lý do thường gặp nhất khiến con quấy khi bú hoặc sau bú là vì lúc ngậm chưa đúng vị trí dẫn tới việc sữa chảy không tối ưu, chứ không liên quan đến lượng sữa của mẹ.
Để bé ngậm ti được đủ sâu để mút được ra sữa, bạn cần phải cho bé ngậm cả vùng vầng ti (areola) chứ không chỉ phần đầu ti. Để ngậm được sâu như vậy, bạn cần bế em sao cho bụng bé áp vào bụng mẹ, đầu em bé hơi ngả ra sau, rồi bạn có thể hướng đầu ti về phía mũi em bé, cho chạm lên mũi rồi vuốt xuống môi trên em bé, sẽ kích thích phản xạ mở mồm của bé. Khi bé mở mồm, thì để cằm em bé cắm vào bầu vú dưới trong lúc miệng em há to ra, rồi mới cho miệng trên của em bé ngậm qua ti - kết quả là em bé ngậm 1/3 phía trên và 2/3 ở phía dưới đầu ti. Đó mới là cách ngậm thuận lợi nhất cho em bé bú ra sữa hiệu quả, kể cả nếu sinh non và miệng bé hơn bình thường.
Tương tự, nếu đầu ti bạn bé hoặc ngắn (thậm chí thụt vào trong), cũng có thể áp dụng kiểu ngậm ti “sâu” như trên (deep latching). Cách này mình đã được chuyên gia cho bú hướng dẫn qua video nên mới có thể cho cặp sinh đôi bú thành công sau 2 tuần đầu chật vật. Trước đấy, mỗi lần cho bú lại phải nhờ chồng giúp đẩy ti vào miệng em bé rất mất thời gian và bị động. Từ khi bú đúng khớp ngậm, hai em bé bú được nhiều hơn hẳn và bắt đầu tăng cân nhanh chứ không “còi cọc” như những tuần đầu.
Tư thế cho bú cũng rất quan trọng. Bạn hãy chọn tư thế nào sao cho bạn và bé đều thoải mái nhất, và dùng gối để kê đầu em bé cao lên bằng ti, kê gối tựa dưới khuỷu tay mình, tựa sau lưng… hoặc mua gối cho bú thì càng tốt. Thực tế là, mình không thể sống thiếu chiếc gối bú chuyên dụng cho bé sinh đôi bú để hai bé ti mẹ được cùng một lúc. Bởi đỡ 2 em một lúc quá mỏi tay, mà cho từng em một bú sẽ quá mất thời gian và công sức (nhất là ban đêm).
Tư thế "football hold"
Đón đọc phần 2 để thêm tự tin cho con bú sữa mẹ hoàn toàn nhé!
Dao Chi Anh
Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội
Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882
Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn
Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.