Hơi thở Á Đông tại Oscar

ĐỜI SỐNG

Hơi thở Á Đông tại Oscar

authorBy Chi
Share on
Share on
Hơi thở Á Đông tại Oscar

Chiến thắng lịch sử của người châu Á tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 95 cho thấy Hollywood đã sẵn sàng chấp nhận những tác phẩm độc đáo và hoàn toàn nguyên bản từ văn hóa Á Đông cũng như các cộng đồng thiểu số.


Trong mắt thế giới, Hollywood là nước Mỹ. Nó không chỉ đại diện cho sự hào nhoáng của các ngôi sao điện ảnh Mỹ, mà còn là "quyền lực mềm" của "siêu cường quốc duy nhất" trên thế giới. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây chúng ta đã thấy sự thay đổi của Hollywood nói chung và giải Oscar danh giá nói riêng về vấn đề đa dạng hóa.


Sự đa dạng không chỉ giới hạn ở chủng tộc, giới tính và giai cấp. Đó còn là về văn hóa, sắc tộc, niềm tin chính trị, tuổi tác và tôn giáo. 


Sau thành công của Parasite năm 2020 tại Oscar với hạng mục "Phim xuất sắc nhất", người ta cho rằng đây cũng chỉ là một điểm sáng dễ lóe lên rồi vụt tắt của châu Á. Nhưng tới năm nay, bản sắc văn hóa Á Đông hiện rõ hơn bao giờ hết khi xuất hiện tại nhiều hạng mục chính của Oscar.


Dương Tử Quỳnh, ngôi sao của Everything Everywhere All at Once, đã tạo nên lịch sử khi trở thành phụ nữ châu Á đầu tiên được đề cử cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Giải Nam phụ xuất sắc cũng được trao cho Quan Kế Huy (người Mỹ gốc Việt), phim "Everything everywhere all at once"...


Mặc dù vậy, bạn có biết, đã từng có diễn viên châu Á đầu tiên được đề cử tại Oscar từ năm 1936?


Hơi thở Á Đông tại Oscar


Người phụ nữ châu Á đầu tiên được đề cử Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất là Merle Oberon vào năm 1936, với bộ phim The Dark Angel. 


Ít ai biết Oberon đã cẩn thận che giấu danh tính thật của mình để trốn tránh sự phân biệt chủng tộc, bà chỉ đóng vai phụ nữ da trắng trong các vai diễn trong phim. Mãi cho đến nhiều thập kỷ sau khi bà qua đời vào năm 1979 ở tuổi 68, thế giới mới biết được sự thật của bà.


Estelle Merle O'Brien Thompson sinh tại thành phố Bombay, Ấn Độ. Cha ruột của cô là quản đốc người Anh gốc Ireland của một đồn điền chè. Mẹ của cô, được cho là có tổ tiên là người Sri Lanka và người Maori, mới 14 tuổi khi cô sinh con vào năm 1911. Vào thời bấy giờ, những đứa trẻ sinh ra từ mối quan hệ giữa hai chủng tộc đã trở thành một nỗi xấu hổ thầm lặng – bị cả người Anh và người Ấn Độ xa lánh. Hơn nữa, tại Mỹ, khi nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn mạnh mẽ, các diễn viên da màu thường không được coi trọng.


Bởi vậy, Oberon đã quyết tâm tận dụng tối đa nước da trắng hơn bẩm sinh của mình. Nó trở thành tấm vé đưa cô đến một thế giới rộng lớn hơn.


hoi-tho-a-dong-tai-oscar-2.jpg

Merle Oberon trong bộ phim The Dark Angel


Monica Sandler, nhà sử học về Hollywood tại Đại học California, Los Angeles, nói về sự nghiệp của Oberon khi đóng những vai không phải người châu Á. “Để có thể tham gia vào ngành điện ảnh, cô ấy phải che giấu danh tính của mình… Nếu cô ấy công khai là người châu Á vào thời điểm đó, cô ấy sẽ không thể có bất kỳ vai chính nào”. 


Ngang trái hơn nữa, Hollywood đã trao thưởng cho các diễn viên da trắng đóng vai các nhân vật châu Á trên màn ảnh. Một ví dụ nổi tiếng trong thời kỳ này là diễn viên người Đức Luise Rainer đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho The Good Earth, bộ phim ra mắt năm 1937 được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên kể về cuộc sống gia đình ở một ngôi làng Trung Quốc vào đầu thế kỷ 20. Giải Oscar “chưa bao giờ trao thưởng cho một người châu Á nhưng họ đã trao thưởng cho một người đóng vai người châu Á”. Khi ấy, tác giả Buck muốn dàn diễn viên toàn người Trung Quốc, nhưng các nhà sản xuất không nghĩ rằng điều đó sẽ hấp dẫn khán giả Mỹ, khó sinh lời - theo Museum of Chinese in America.


Thật vậy, nhà nghiên cứu xã hội Nancy Wang Yuen, tác giả cuốn Reel Inequality: Hollywood Actors and Racism, cho biết: "Trước đây, các vai diễn cho người gốc Á tại Mỹ bị đóng khung bởi định kiến. Bạn chỉ có thể thấy họ trong các phân cảnh chiến tranh, võ thuật hoặc ảo ảnh nhục dục". 


Hơn tám thập kỷ từ khi Merle Oberon được đề cử, Dương Tử Quỳnh đã giành chiến thắng lịch sử, cô nói rằng muốn được coi là hình mẫu cho phụ nữ châu Á ở khắp mọi nơi. Trong bài phát biểu nhận Giải thưởng của Hiệp hội Diễn viên Điện ảnh vào ngày 26 tháng 2, cô nói, “Giải thưởng này không chỉ dành cho tôi, giải thưởng này dành cho mọi cô gái nhỏ trông giống tôi.”


hoi-tho-a-dong-tai-oscar-3.jpg

Dương Tử Quỳnh tại lễ trao giải Oscar lần thứ 95 - Ảnh: Kevin Winter/Getty


Thành công ngắt quãng


Theo The New York Times, xuyên suốt lịch sử 95 năm của giải Oscar, có 23 diễn viên châu Á được đề cử trong tổng số 1.808 đề cử ở bốn hạng mục diễn xuất và chỉ có bốn người đoạt tượng vàng. Ca sĩ kiêm diễn viên Umeki Miyoshi đã trở thành người phụ nữ gốc Á đầu tiên mang về giải thưởng danh giá của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ vào năm 1958. Vai diễn trong Sayonara đã giúp bà Umeki thắng giải Oscar cho hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Năm 1985, nam diễn viên Haing S. Ngor (Campuchia) đạt giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất trong phim The Killing Fields.


hoi-tho-a-dong-tai-oscar-4.jpg

Diễn viên Umeki Miyoshi (trái) và Haing S. Ngor


Cũng cần kể tới Ben Kingsley, nam diễn viên người Anh gốc Ấn. Năm 1982, ông giành chiến thắng ngay lần đầu tiên được đề cử với vai chính trong phim Gandhi, kể về vị lãnh tụ vĩ đại của Ấn Độ. Sau đó, ông tiếp tục nhận thêm ba đề cử. Đến hiện tại, Ben Kingsley là diễn viên gốc Á duy nhất mang về nhiều đề cử Oscar.


Giải Oscar cũng đã chứng kiến một số bước tiến đối với các nhà làm phim Á và Mỹ gốc Á nhưng dường như văn hóa Á Đông vẫn chỉ là một chấm mờ nhạt đối với giải thưởng điện ảnh danh giá Oscar.


Cho tới năm 1993, The Joy Luck Club (Phúc Lạc Hội), bộ phim dựa theo cuốn tiểu thuyết của Amy Tam đã gây tiếng vang lớn, đánh dấu tác phẩm lớn đầu tiên về người châu Á với dàn diễn viên gốc Á hoàn toàn.


hoi-tho-a-dong-tai-oscar-5.jpg

Phim The Joy Luck Club


Năm 2000, Ngọa hổ tàng long của đạo diễn Lý An nhận 10 đề cử Oscar và chiến thắng bốn hạng mục. Sau đó, ông hai lần giành tượng vàng "Đạo diễn xuất sắc". Ở hạng mục diễn xuất, có 5 diễn viên gốc Á được đề cử nhưng đều không có giải.


Năm 2018, bộ phim Crazy Rich Asians đã thành công mang đến một góc nhìn hiện đại, hoàn toàn khác về châu Á trở lại Hollywood. Đây cũng được coi là bước ngoặt lớn khi tạo một làn sóng mới cho điện ảnh châu Á.


Cùng với sự cạnh tranh không ngừng của xu hướng đa dạng sắc tộc trên màn ảnh rộng, The Conversation nhận định: "Các hãng phim đang dần nhận ra dàn diễn viên đa chủng tộc hoàn toàn có thể kiếm lời tương đương, thậm chí hơn, so người da trắng như trước".


Năm 2020, Parasite của Hàn Quốc lập kỷ lục với bốn giải, trong đó có giải Phim hay nhất, điều chưa từng có trong tiền lệ Oscar khi Viện hàn lâm trao cho một phim không nói tiếng Anh. Đó là một chiến thắng cho một cộng đồng vẫn đang đấu tranh để được công nhận và tỏa sáng.


Năm 2021, Marvel phát hành bộ phim siêu anh hùng do người châu Á dẫn dắt đầu tiên, Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings, trong khi các bộ phim hài như The Farewell và Always Be My Maybe được ca ngợi vì những mô tả gần gũi về các nhân vật người Mỹ gốc Á . Và tại lễ trao giải Oscar 2021, Youn Yuh-Jung đã giành giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Minari, trở thành diễn viên châu Á đầu tiên giành giải Oscar diễn xuất kể từ năm 1985. 


hoi-tho-a-dong-tai-oscar-6.jpg

Diễn viên Youn Yuh Jung dưới cùng bên phải - Ảnh: Emily Assiran / Getty


Nữ đạo diễn người Trung Quốc Chloé Zhao mang về hai tượng vàng tại Oscar lần thứ 93 với bộ phim Nomadland. Cùng năm, giải thưởng tôn vinh các diễn viên châu Á khi đề cử Steven Yeun, Riz Ahmed. Drive my car của Nhật Bản nhận bốn đề cử và chiến thắng giải Phim quốc tế...


Nhưng phải tới năm nay, điện ảnh châu Á tại Hollywood mới thực sự tỏa sáng tới với Everything Everywhere All At Once - bộ phim hài giả tưởng về đa vũ trụ đã tạo nên cơn "địa chấn" khi giành tới bảy giải thưởng trên tổng số 11 đề cử. Giải Oscar cho Phim, Đạo diễn và Kịch bản gốc xuất sắc nhất. Và Dương Tử Quỳnh trở thành người châu Á đầu tiên thắng giải Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.


hoi-tho-a-dong-tai-oscar-8.jpg

Nhà sản xuất phim Hoa Kỳ Jonathan Wang (giữa) nhận giải Oscar cho Phim hay nhất cho Everything Everywhere All At Once tại Nhà hát Dolby, 12 tháng 3 năm 2023 - Ảnh: Patrick T. Fallon / AFP


Không chỉ thế, trưởng bộ phận trang điểm phim The Whale, Judy Chin đã trở thành người phụ nữ gốc Á đầu tiên giành chiến thắng ở hạng mục trang điểm và làm tóc.


Bên cạnh đó, một đại diện khác của châu Á - Ấn Độ cũng giành về 2 hạng mục: giải Oscar Ca khúc nhạc phim gốc hay nhất cho Naatu Naatu trong phim RRR (Rise Roar Revolt) của đạo diễn người Ấn S. S. Rajamouli và giải Phim tài liệu ngắn hay nhất cho The Elephant Whisperers của nữ đạo diễn Kartiki Gonsalves.


hoi-tho-a-dong-tai-oscar-7.jpeg

Phim RRR (Rise Roar Revolt)


“Đừng để ai nói rằng bạn đã hết thời rồi”


Quay trở loại cuối những năm 1990, Dương Tử Quỳnh là một ngôi sao nổi tiếng ở châu Á, đóng vai chính trong các bộ phim hành động Hồng Kông, nhưng luôn phải đối mặt với những lựa chọn hạn chế trong các bộ phim Hollywood. Mặc dù được chú ý với vai một điệp viên bí mật Trung Quốc trong bộ phim James Bond Tomorrow Never Dies năm 1997, nữ diễn viên liên tục từ chối các bộ phim Hollywood trong 3 năm tiếp theo vì cô không muốn đóng bất kỳ vai nào có định kiến về phụ nữ châu Á. Ngay cả sau khi cô đóng vai chính trong bộ phim đoạt giải Oscar Ngọa hổ tàng long (2000), phải đến năm 2022 với sự thành công của Everything Everywhere All at Once, Dương Tử Quỳnh mới được giới chính thống Hollywood công nhận rộng rãi tài năng của mình.


Thành công của Dương Tử Quỳnh đến trong bối cảnh cuộc đấu tranh giành quyền đại diện cho người châu Á ở Hollywood đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.


Theo chia sẻ của cô với tờ TIME vào năm 2022, người hâm mộ nói với nữ diên viên rằng sự nghiệp của cô ấy có sức mạnh nâng đỡ toàn bộ cộng đồng châu Á, “Họ đến gặp tôi và nói 'Bạn đang làm điều đó cho chúng tôi’."

About the author

Yêu thích tất cả mọi thứ về văn hóa đại chúng và đặc biệt nghiện cafe.

author

Chi

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!