Bà ấy gọi em là Lili - Phim "The Danish girl"

ĐỜI SỐNG

Bà ấy gọi em là Lili - Phim "The Danish girl"

authorBy Đào Bội Tú
Share on
Share on
Bà ấy gọi em là Lili - Phim "The Danish girl"

"Đêm qua em có một giấc mơ. Em thấy mình là đứa trẻ sơ sinh. Mẹ đang bế em trong lòng. Bà ấy gọi em là Lili."


Đó là những lời nói cô ấy thốt ra trước khi trút hơi thở cuối cùng. Tôi không nhớ rõ nguyên văn, nhưng tôi chắc chắn cô ấy đã kể về giấc mơ như thế.


Người đàn bà từng là vợ của cô ấy, người duy nhất nghe được lời kể đó, ngay lập tức cất tiếng gọi: "Lili!"


Lili nở nụ cười nhẹ nhõm, và cô ấy thanh thản ra đi mãi mãi.


Tôi đã không khóc lúc đó. Tôi quá sững sờ khi nhận ra ý nghĩa của toàn bộ câu chuyện. Và thật ra, từ lúc bắt đầu xem phim tôi đã tự nhủ không được khóc khi bắt gặp bất cứ tình tiết nào khiến mọi người quanh tôi rơi nước mắt. Bởi nếu bạn bắt đầu khóc vì một tình tiết nào đó, bạn sẽ chìm đắm vào tình tiết đó và có nguy cơ bỏ qua những gì có thể diễn ra tiếp theo. Đúng vậy, khi xem phim tôi đã không hề bật khóc.


Chỉ có lúc này, khi bắt đầu gõ những dòng đầu tiên, tôi bật khóc.


"Bà ấy gọi em là Lili."

"Lili!"


Tôi phải chờ rất lâu cho nước mắt thôi che lấp cặp mắt mình, để có thể nhìn vào màn hình và viết tiếp. Khi nước mắt thôi trào ra, trước mặt tôi, hàng cây ven hồ dần hiển hiện trên nền trời xám nhạt nhòa, phía sau là Hồ Tây mù mịt trong chiều mưa bụi. Tôi tưởng như nhìn thấy bức tranh của Einar vẽ phong cảnh Vejle, tưởng như mình trông thấy cảnh cuối cùng của bộ phim, khi Gerda cùng Hans - hai người thương yêu cả Einar và Lili nhất - trở về thăm nơi đó sau ngày Lili qua đời.


Không gian, thời gian, tranh vẽ, phim, đời, Vejle, Hà Nội, Paris, Đan Mạch, Dresden, một bờ biển nào đó, một dòng sông ở Châu Âu, một cái hồ ở Châu Á, bất cứ nơi đâu trên trái đất này... tất cả trộn vào nhau, tất cả như những sợi vải mảnh dệt nên chiếc khăn bị cuốn bay theo chiều gió đi đến nơi vô thường chẳng cặp mắt nào theo được đến tận cùng. Nhìn ra hàng cây ven hồ, tôi nghe đâu đó lời bài hát của nhạc sĩ họ Trịnh: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi."



Bạn biết đấy, mỗi một kiệt tác Hollywood được liệt vào dạng "hàn lâm" đều mang đa tầng ý nghĩa. The Danish Girl cũng thế. Ta có thể thấy nó chất chứa tâm tình của giới nghệ sĩ, nỗi niềm trăn trở về chân-thiện-mỹ, về cảm hứng sáng tạo, nó cũng là một bản tin thời sự về hiện thực xã hội, hay một bản báo cáo về lịch sử y học, nó còn là một câu chuyện về thời trang, một ví dụ truyền cảm cho những kẻ tiên phong, hay một đoạn ngụ ngôn đậm chất triết lý về tình người. Rất nhiều lớp lang để bóc tách. Như trong bộ phim này bạn sẽ bắt gặp những cảnh đường phố với các khu nhà có thật nhiều cánh cửa. Những tầng lớp ý nghĩa, hay là những cánh cửa đợi ta mở ra để nhìn vào hay bước vào.


Chiều nay, viết về bộ phim này, tôi thấy trái tim mình hướng đến cánh cửa của Tình Yêu. Hóa ra, phía sau cánh cửa ấy hội tụ tất cả. Những điều có thể được bóc tách xếp đặt riêng rẽ ở từng cánh cửa khác nhau, đều hiện diện ở đó. Tình Yêu là ý nghĩa tồn tại của loài người. Bởi Tình Yêu có thể xuất phát từ bản năng nhưng nó chỉ lớn lên và sống mãi nhờ sự thấu hiểu. Bởi Tình Yêu có thể xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm sự hài lòng cho bản thân nhưng nó luôn đòi hỏi sự chịu đựng và hi sinh. Tình Yêu, nó là tất cả những đắng cay ngọt ngào của đời người, chỉ để một ngày đẹp trời thấy gió cuốn bay đi.


Gerda đã đau đớn thế nào khi buộc phải chấp nhận để người chồng được sống đúng như anh ấy muốn? Có bao nhiêu người vợ từng khóc tức tưởi như Gerda, khi nàng gào thét đòi được thấy lại người chồng thân yêu của mình?


"Em không muốn anh thành ra thế này, em muốn anh như xưa!". Có bao nhiêu người vợ sau 6 năm chung sống cần phải thốt lên những lời này? Không phải chỉ là phim đâu. Không chỉ là câu chuyện ngụ ngôn về anh chồng đòi phẫu thuật thành đàn bà đâu. Nó là cuộc đời. Nó là sự cảnh báo. Hạnh phúc vợ chồng là như thế. Là sự chịu đựng và sẵn sàng chấp nhận sự thay đổi của mỗi người.


Tạo Hóa nhào nặn ra chúng ta, những kẻ buộc phải gắn sự sống của thể xác với thời gian. Tôi, một người đàn bà, luôn phải khổ sở để thích ứng với sự thay đổi của bản thân mình, cả thể xác và tư tưởng. Còn bạn? Bạn có dễ thích ứng với bản thân? Khi những lớp mỡ bụng mỡ đùi, những sợi tóc bạc xuất hiện, bạn có nghĩ ngợi gì? Bạn có vui vẻ khi ốm đau vì người thân phải bận bịu chăm sóc mình? Bạn có lạc quan nếu một ngày kia năng lực phục vụ vợ/chồng trên giường bỗng trên đà giảm sút? Đấy là mấy vấn đề liên quan sức khỏe, thể xác thôi. Còn vấn đề về tư tưởng, chúng ta chẳng thể lường hết những đổi thay khi mỗi người đều có những mối quan hệ riêng trong quá khứ, hiện tại và tương lai, trong công việc, trong hoạt động xã hội, sinh hoạt văn hóa theo sở thích cá nhân... hàng ngày, mỗi tương tác trong bất cứ mối quan hệ nào đều có thể gây ảnh hưởng đến tư tưởng cá nhân, cách ta suy nghĩ và hành động. Làm sao để thích nghi với đổi thay bất ngờ? Làm sao để thấy lại người xưa, thấy lại những ngày êm đềm cũ?


Gerda, trông cô ấy thật thảm thương khi đòi hỏi rồi cầu xin được gặp lại chồng mình, cô ấy cần thấy lại chồng và cần được người đàn ông thương yêu ôm mình vào lòng. Nhưng rồi Gerda vẫn có mặt ở đó khi chồng cô nhất quyết trở thành một người đàn bà. Gerda gọi tên Lili. Gerda gọi như là lời mẹ gọi. Gerda, người vợ cũ, người chị em thân yêu nhất, cũng chính là người mẹ. Gerda, Tình Yêu của người vợ đã trở thành Tình Yêu của người chị em ruột thịt, và rồi trở thành Tình Yêu của người mẹ.


Bởi vậy tôi sẽ luôn khóc khi nghĩ đến cảnh phim này, khi nghĩ đến bộ phim này. Tình Yêu của mẹ, của người đàn bà nhất trong tất cả đàn bà trên đời này, là Tình Yêu lớn lao nhất. Bởi mẹ là người tạo nên con trong cuộc đời này, yêu thương con với tất cả sự thấu hiểu từ khi con chỉ là một bào thai còn chưa rõ là con trai hay con gái.


Lili thấy mẹ gọi mình trong mơ, Gerda thốt lên thành tiếng gọi tên cô ấy, với tất cả thương yêu và thấu hiểu. Ngoài đời thực, Gerda không có mặt khi Lili chết. Ngoài đời thực, rất có thể Gerda có nhiều điểm rất khác với Gerda trong phim. Nhưng với những bức tranh mà nữ họa sĩ Gerda của đời thực đã vẽ Lili, bà xứng đáng là Cô gái Đan Mạch mà bộ phim xây dựng. Và điều đó cũng làm tôi bật khóc.



Nghệ Thuật đỉnh cao chính là Tình Yêu khi nó không làm gì khác ngoài việc tôn vinh vẻ đẹp của Tạo Hóa và giúp cho con người tìm thấy bản ngã của mình. Để làm được như thế, nó cũng đòi hỏi những hi sinh, những quyết tâm, lòng dũng cảm, sự bền bỉ, và cả sự thấu hiểu nữa. Để tiếp tục vẽ Lili, Gerda phải thật bản lĩnh, quên đi những đớn đau trần tục để dành trọn tâm hồn cho công việc của người họa sĩ. Gerda chính là cô gái Đan Mạch mà tôi thấy ở bộ phim này.


Tôi nhớ một câu vừa trông thấy đâu đó trên mạng, của Sigmund Freud:


"We are never so defenseless against suffering as when we love."


Có lẽ, một ngày nào đó nếu tôi lấy chồng, và nếu có những lúc tôi bị tổn thương, uất ức sững sờ trước bất cứ một đổi thay kỳ lạ nào của chồng mình, tôi sẽ nhớ đến Gerda. Nếu tôi vượt qua được thời khắc khó khăn để thấu hiểu và chấp nhận, tôi sẽ tự hào rằng mình có một tình yêu lớn lao như Gerda dành cho Einar-Lili. Nếu tôi không vượt qua nổi, tôi cũng sẽ tự an ủi rằng mình đâu phải nghệ sĩ lớn nên tâm hồn cũng chỉ chật hẹp như bao nhiêu đàn bà cõi phàm này.


Cô gái Đan Mạch, Gerda Wegener, người phụ nữ can đảm. Đây là một trong những nhân vật nữ dạy cho tôi rằng, phương Tây cũng luôn ca ngợi đức tính bao dung và hi sinh của người phụ nữ chứ đâu phải riêng gì Á Đông ta.


Khi đã là vợ chồng, Tình Yêu không còn đơn thuần là vấn đề nam nữ và sự hấp dẫn giới tính. Khi đã là vợ chồng, chúng ta là một gia đình, chúng ta yêu thương, chăm sóc và làm mọi điều cho nhau như là những người được gắn kết bằng dòng máu. Bạn biết đấy, có những người ruột thịt còn sẵn sàng đối xử tệ bạc với nhau. Cho nên, hai kẻ đồng loại có thể gắn kết với nhau kỳ diệu như hai người họa sĩ trong bộ phim này, quả là điều đáng mơ ước trên đời.


Nhưng tất nhiên, hãy bao dung, chịu đựng và hi sinh vì một người xứng đáng - dù người đó là đàn ông hay đàn bà. Einar xứng đáng được biến thành Lili, bởi đó là người chồng đã cảm ơn vợ giúp mình tìm thấy bản thân. Trong thời khắc khó khăn nhất, phải dằn vặt đau khổ vì chưa hiểu được chính mình là ai, đàn ông hay đàn bà, phải chịu sự tra tấn của xã hội, bị du côn đánh đập, bị các bác sĩ xúc phạm coi là kẻ tâm thần... thì Einar không hề mảy may đổ lỗi cho Gerda. Ai đó có thể nghĩ chính vì Gerda bắt chồng giả gái nên anh ta bắt đầu bị ái nam ái nữ, nhưng Einar thì không đời nào nghĩ thế. Ai đó có thể nghĩ chính Gerda vẽ đường để chồng trở nên "biến thái", nhưng Einar nhất định biết ơn những cơ hội mà Gerda đem đến.


Khi chung sống, chúng ta ảnh hưởng lẫn nhau, chúng ta tạo ra con người mới của nhau hoặc khơi dậy những bản chất lẩn khuất trong mỗi người.


Gerda hẳn là đã dằn vặt, tự buộc tội mình về sự biến đổi của chồng, cho rằng mình đã biến chồng thành con người mới đầy bi kịch. Nhưng Einar biết rằng không có gì mới cả, Gerda đã giúp chồng tìm ra con người thật vốn bị hoàn cảnh xã hội nhốt lại trong sâu thẳm mà chính anh còn không tự nhìn thấy được.


Chính Einar cũng phải tự dằn vặt "sao tôi có thể xứng đáng với tình yêu quá lớn của nàng?" Để khi biết tình yêu của Gerda lớn lao thế nào, Einar càng có thể quyết tâm trở thành Lili.


Phút cuối đời, Einar đã hoàn toàn được làm Lili, được nghe Gerda gọi tên Lili. Phút cuối phim, Gerda được nở một nụ cười nhìn theo chiếc khăn nhẹ bẫng bay vút lên trời cao.


Và tôi bây giờ, có một cảm giác thật dễ chịu, tôi cũng nở nụ cười. Dù khi bắt đầu và trong suốt thời gian gõ những dòng chữ này, tôi đã khóc.


Xem một bộ phim hay, nghĩ về một tuyệt tác điện ảnh, là được mỉm cười như thế. Mọi cảm xúc nó dẫn dắt, những giọt nước mắt thổn thức, những nhịp tim hồi hộp, những nỗi sợ hãi... rồi sẽ bay đi bay đi. Cuối cùng ta mỉm cười sung sướng vì đã dành bấy nhiêu phút trong thời gian sống của mình để xem được một bộ phim đáng để ta xem và yêu quý.

About the author

Đào Bội Tú - Một phụ nữ 8x yêu thích việc soi chiếu muôn màu cuộc sống qua văn chương và điện ảnh. Bên cạnh những bài cảm nhận về sách và phim, chị nổi tiếng với nhiều bài viết tản mạn thú vị về những xúc cảm của người phụ nữ.

author

Đào Bội Tú

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!