Mâm cỗ Tết Đoan Ngọ 5/5 trên khắp mọi miền Tổ Quốc

ĐỜI SỐNG

Mâm cỗ Tết Đoan Ngọ 5/5 trên khắp mọi miền Tổ Quốc

authorBy S. Reen
Share on
Share on
Mâm cỗ Tết Đoan Ngọ 5/5 trên khắp mọi miền Tổ Quốc

Tết Đoan Ngọ là ngày Tết truyền thống tại một số nước Đông Á như Việt Nam, Triều Tiên và Trung Quốc. Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa) còn "dương" là mặt trời, là khí dương, Đoan dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh. 


Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ được dân gian quan niệm là ngày Tết diệt sâu bọ và thờ cúng tổ tiên. Tết Đoan Ngọ xuất phát từ điển tích trong dân gian và tồn tại nhiều dị bản khác nhau. Người xưa kể rằng, vào một năm được mùa bỗng sâu bọ kéo đến, ăn mất hoa màu, lương thực đã thu hoạch. Dân làng đau đầu không biết làm cách nào bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cách cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh gio, trái cây. Kể từ đó, mỗi năm vào ngày này, người dân đều làm theo lời ông lão với mong muốn xua đuổi sâu bọ phá hoại.


Tùy theo văn hóa, phong tục từng vùng miền, mâm lễ cúng trong ngày Tết Đoan Ngọ ngoài hoa quả còn có những món ăn cũng khác nhau. Ở miền Bắc, rượu nếp là món ăn không thể thiếu vào dịp này. Rượu nếp có vị ngọt của đường, có vị nồng của men rượu khiến không chỉ người lớn mà trẻ con cũng háo hức tận hưởng. Còn ở miền Trung và miền Nam, món ăn đặc trưng trong ngày Tết Đoan Ngọ là món bánh ú lá tre hoặc bánh tro, thịt vịt. Ở miền Tây lại đặc biệt có món bánh xèo.


Mời bạn cùng thưởng thức mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ từ khắp mọi nơi trên đất nước ta.


Với chị Đào Lan Phương, cô gái Huế làm dâu miền Nam đón Tết Đoan Ngọ cũng có phần đặc biệt. Chị Lan Phương chia sẻ : “Dù bận rộn đến mấy mình vẫn sẽ dành thời gian để thực hiện những nghi thức truyền thống quy củ của gia đình, bởi lẽ phá bỏ thì dễ, gìn giữ mới khó. Mình may mắn là người 2 quê được tiếp thu nhiều nền văn hoá nên một lòng muốn lưu giữ và truyền lại cho các con sau này”. 


Mâm cỗ của gia đình chị Phương rất phong phú khi giao hòa văn hóa của người miền Trung và miền Nam. Người Huế ăn “Tết mồng 5” không thể thiếu thịt vịt luộc chấm mắm gừng, chè kê xúc bánh tráng mè và cháo huyết vịt. Người miền Nam lại cần có cơm rượu, bánh ú tro, chè trôi nước và hoa quả chua. 



Ảnh: NVCC


Mâm cúng của chị Vũ Thanh Hoan ở Hà Nội với đầy đủ hoa quả đặc trưng của Tết Đoan Ngọ:


- Mận, đào, hồng bì, vải, bánh gio chấm mật mía, trầu cau

- Hoa sen bách Diệp, hoa cau quế thơm nức

-Trà hoa cúc, táo đỏ, kỳ tử


Và không thể thiếu: cơm rượu nếp cẩm, cơm rượu nếp thường.


Ảnh: NVCC


Từ Đồng Tháp, mâm cúng có bánh xèo truyền thống của chị Candy Châu. Dù tới nay vẫn chưa có câu trả lời nào chính xác để lý giải vì sao người miền Tây lại ăn bánh xèo vào ngày 5/5 nhưng tập tục này đã có từ rất lâu đời, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người con Nam Bộ.


Ảnh: NVCC


Chị Phương Thảo, Hà Nội với mâm cúng ấn tượng, tràn ngập hương thơm của các loài hoa như hoa sen, hoa nhài hay hoàng lan... Chị kể về ngày Tết Đoan Ngọ của tuổi thơ: “Từ sáng sớm lúc trẻ con còn ngủ chưa dậy, người ta lén bôi hồng hoàng vào thóp thở, vào ngực, vào rốn để trừ trùng. Cho trẻ đeo chỉ ngũ sắc và một cục hồng hoàng với những túi nhỏ tết hình quả đào, quả khế, quả ớt... bằng the lụa mầu sắc sặc sỡ. Trẻ nhỏ được nhuộm móng tay, móng chân bằng lá móng, trừ ngón tay trỏ và ngón chân trỏ (không hiểu vì lẽ gì). Ngay từ sáng sớm người ta ăn rượu nếp, bánh tro, ăn mận, ăn vải... cho là để giết sâu bọ. Nhiều nơi còn có tục ăn trứng luộc, ăn kê (kê ăn lẫn với đường cát và bánh đa). Giữa buổi trưa người ta đi hái lá mồng năm, bất cứ lá gì, nhưng ưa chuộng nhất là lá ngải cứu, lá đơn, lá ích mẫu, lá cối xay, lá vối... đem về phơi khô, để nấu nước uống cho lành”. 



Ảnh: NVCC


Mâm cúng đủ đầy và thơm ngát hương sen của chị Nguyễn Thu Hương, Hà Nội.



Ảnh: NVCC


Mời bạn tới Bến Tre và thưởng thức món bánh ú nước tro truyền thống của chị Lê Phương. Đây cũng là lần đầu tiên chị Phương thử tự ngâm nước tro tự nhiên theo cách truyền thống của bà. Bánh có vị thanh mát nên rất tốt cho hệ tiêu hóa và thích hợp với những ngày thời tiết oi bức. 



Ảnh: NVCC


Chị Thu Hiền, người con Quảng Ninh hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội luôn cố gắng mỗi dịp Tết Đoan Ngọ sắp được một mâm lễ có đủ hương vị như ngày xưa mẹ từng làm.


Ảnh: NVCC


Hãy tới Buôn Mê Thuột, Đak Lak cùng Đan Vy và mâm cỗ đầu tiên ở nhà mới. Chị cũng không quên tục lệ ngày 5/5 treo bó lá thảo dược trước cửa nhà như một cách trừ tà của người địa phương.



Ảnh: NVCC


Chị Bích Trương, quê ở Phúc Thọ, Hà Nội chia sẻ truyền thống diệt sâu bọ của quê hương mình khá thú vị. Sáng sớm ngày 5, chị thường được bà và mẹ gọi dậy sớm để bôi vôi vào lòng bàn chân, bàn tay rồi yêu cầu ngồi im trên giường "nếu không sâu bọ chui vào người qua bàn chân". Tiếp đó được diệt sâu bọ với những trái mận, vải... Tục lệ thứ 3 là là màn “hỏi tội cây” vào lúc 12h trưa để tra khảo "vì sao cây ko đơm hoa kết trái". Và cuối cùng là tắm ao làng vào sáng sớm để cả năm ko bị rôm sảy. Trong ký ức của chị, trẻ con trong làng nô nức í ới gọi nhau ra ao làng để tắm, cười đùa và cùng hô “hèo hèo” để xua đi rôm sảy vào mùa hè oi bức là kỷ niệm thật khó quên.


Ảnh: NVCC


Với chị Vĩnh Quyên, Hà Nội mâm lễ là sự kết hợp hài hoà của màu, của vị, của hương như một bức tranh đồng quê thu nhỏ, gồm trầu cau, các loại bánh cổ truyền của dân tộc, hoa quả tươi ngon.


Ảnh: NVCC


Phạm Vũ Phương Anh ở Sài Gòn tâm sự : "Tết không quá quan trọng hình thức vì mình chỉ muốn mang đến chút không khí vui tươi cho các thành viên và tạo một nếp nhà cho các con sau này (giống như các bà đã làm cho mình lúc nhỏ)". Chắc chắn rằng, với mỗi người chúng ta Tết không chỉ là sự đủ đầy của hiện tại, mà còn là những ngọt ngào gợi nhớ về quá khứ và mong ước cho tương lai.



Ảnh: NVCC


Mâm cúng của chị Phương Liên, Hà Nội.



Ảnh: NVCC


Dù ở đâu, Tết Đoan Ngọ là dịp để người dân Việt tạ ơn trời đất, tổ tiên, cầu mong cuộc sống an lành, sâu bọ dịch bệnh mau qua. Hãy chia sẻ mâm cúng ngày Tết của gia đình bạn cùng Her nhé! Chúc bạn mọi điều bình an!

About the author

Một cô gái yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp

author

S. Reen

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!