Chạy xe ô tô gầm cao cùng 5km đi bộ xuyên rừng, tôi đã thực hiện hành trình thú vị ở phía đông nam của dải đất hình chữ S.
Chiếc xe jeep thả chúng tôi ở đầu con đường mòn xuyên rừng. Từ đây chúng tôi còn phải đi bộ thêm 5km nữa để tới lãnh địa của những chú cá Sấu Xiêm đó là Bàu Sấu.
Con đường lầy đưa tôi tới điểm bắt đầu của hành trình đi bộ xuyên rừng vào vùng lõi mang tên Bầu Sấu
Bàu Sấu nằm ở vùng lõi của rừng Nam Cát Tiên thuộc tỉnh Đồng Nai, là một vùng nửa đầm nửa hồ nên được gọi là Bàu Sấu. Nơi đây là môi sinh của 200-300 cá thể cá sấu. Không chỉ vậy, Bàu Sấu còn được đánh giá là nơi sinh cảnh lý tưởng của bò tót – một loài thú ăn cỏ quý hiếm đang được liệt vào Sách Đỏ Việt Nam. Cùng với bò tót thì Bàu Sấu còn là thiên đường của các loài chim nước với các loài quý hiếm như (Hạc cổ trắng, Già đẩy nhỏ, Diều Cá lớn, Diều hoa Miến Điện, Cắt nhỏ họng trắng…
Xốc lại chiếc ba lô trên lưng, tôi bắt đầu những bước đầu tiên đi sâu vào vùng lõi của rừng Nam Cát Tiên. 5km chỉ là một hành trình nhỏ cho những kẻ thích xê dịch nhưng 5km trải nghiệm đường rừng ở Nam Cát Tiên đủ để mang đến những thú vị bất ngờ, nhất là đối với những ai có trí tưởng tượng phong phú.
Góc nhìn rộng tại Bàu Sấu
Vị khách chào đón tôi đầu tiên là những chú vắt – đây có thể nói là thứ làm tôi sợ nhất trong những loài có thân hình “nhỏ bé”. Tôi đã hét lên khi chứng kiến một chú đang cố tìm cách xuyên qua đường khóa kéo của chiếc áo khoác bảo hộ bên ngoài. Sau một hồi la hét, biết chẳng có ai giúp tôi đã phải hết sức bình sinh ngắt một chiếc lá và đuổi chú ta đi.
Bàu Sấu nhìn từ trạm kiểm lâm
Khi nghĩ tới việc sẽ tới Bàu Sấu, tôi không hề nghĩ tới một cuộc phiêu lưu, thế nhưng với cái trí tưởng tượng phong phú (may là có giới hạn) đã mang tới những trải nghiệm thú vị. Tôi không ngừng nghỉ việc nghĩ rằng mình sẽ gặp một chú bò tót bất thình lình ở đâu chạy ra, hay một chú trăn trườn tới… thực tế trả lại cho tôi bằng những giai điệu được “tấu” lên bởi những chú chim thuộc hệ chim phong phú của Việt Nam. Được biết, hệ chim Việt Nam có 19 bộ thì rừng Cát Tiên có tới 18 bộ.
Ngoài ra, nơi đây còn có một hệ thống động thực vật đa dạng quý hiếm, nhiều loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và các loài quý hiếm có ý nghĩa bảo tồn nguồn gen trên toàn thế giới. Nếu may mắn hơn tôi, có lẽ bạn sẽ được gặp những chú khỉ chuyền cành. Còn tôi, có lẽ do quá ồn ào nên tôi chỉ được nghe những tiếng lá rung mạnh và rào lên va vào nhau, còn chủ nhân gây ra chuỗi hoạt động đó thì lặn mất tăm trước khi tôi kịp nhìn thấy.
Nếu giữ yên lặng với vẻ như thờ ơ và cố gắng quan sát, bạn sẽ bắt gặp những chú khỉ
Càng đi sâu vào trong rừng, càng có nhiều điều thú vị chờ đón. Tôi dừng lại ở một cây nấm, hay ta thán trước một cái tên mỹ miều của một loài cây… và chẳng lạ lẫm gì khi bắt gặp một cây đại thụ bật gốc chắn ngang đường. Vì là rừng nguyên sinh nên hệ sinh thái ở đây phong phú – đây cũng chính là điều thu hút mọi người tới với Nam Cát Tiên.
Một loài cây thuộc họ Na có cái tên mỹ miều (có lẽ) nhất khu rừng
Tiếp tục theo đường mòn hướng về phía Bàu Sấu, bước chân chạm nơi đây khi trời đã ngả chiều, ánh nắng cuối năm nhuộm một màu vàng óng. Chiếc cầu gỗ là hình ảnh thơ mộng đầu tiên chào đón tôi. Rồi như mở ra những “xứ thiên đường”, tôi chỉ kịp ồ lên mê đắm.
Bạn có nhìn thấy chiếc thuyền sơn màu trời nằm im bên bờ lau? Đừng vội mà chạy tới, bởi ngay đó chưa đầy chục bước chân là một chú cá sấu nằm nấp mình phơi nắng. Cá sấu là loài bò sát có máu lạnh nên chúng thường tìm nơi bóng râm hay có nắng để điều hòa thân nhiệt. Muốn chiêm ngưỡng những chú cá sấu này bơi dưới nước thì thú vị nhất là ngắm vào ban đêm (ban đêm là thời gian hoạt động mạnh của loài cá sấu) qua chiếc ống nhòm của các anh kiểm lâm nơi đây sẽ cho bạn trải nghiệm kỳ thú. Những đôi mắt sáng lên từ từ theo nhau cả bầy bơi trong làn nước.
Trong lúc chờ các anh kiểm lâm làm cơm tối, tôi đã kịp làm một vòng khám phá quanh bàu trên chiếc thuyền và chỉ cách gang tay là chạm làn nước với bất chú cá sấu nào có thể đang bơi ngay dưới. Thỉnh thoảng nghe loài cá quẫy cũng làm tim giật thót. Nhưng cảnh đẹp nơi đây cùng những câu chuyện chia sẻ của các anh kiểm lâm sẽ khiến bạn say mê, “bonus” thêm một buổi sáng ngắm sương tan qua những ngọn cây khiến bạn chẳng muốn về. Mọi cảm xúc hồi hộp, vui thích hòa vào nhau. Tôi có thêm một pha thót tim khi chứng kiến cảnh 2 anh kiểm lâm quăng lưới đánh cá rơi xuống bầu vì lật thuyền. Trong khi tôi - mặt cắt không một giọt máu thì các anh vẫn cười đùa vui vẻ. Không biết thật hay đùa nhưng “tour guide” của tôi nói rằng cá sấu ở đây… hiền nên không sợ.
Chưa đầy chục bước chân từ chiếc thuyền màu trời là chú cá sấu đang nằm phơi mình
Chỉ trước đó chưa đầy 5 phút, tôi đã có pha thót tim vì thuyền của các anh bị lật
Ở Bàu Sấu vào ban đêm, bạn sẽ được ngắm những chú sao hay một số loài khác. Tại sao lại phải ban đêm? Bởi lúc ấy, mọi hoạt động con người trở nên yên ắng, các loài ở Bàu Sấu mới dám xuất hiện. Điều này cũng chính là điều gián tiếp tôi muốn nhắn nhủ với bạn – những ai có ý định tới Bàu Sấu rằng: hãy tôn trọng sinh cảnh của rừng và tôn trọng môi trường sống của các loài. Bởi chỉ cần một tiếng động nhỏ của chúng ta cũng là “xua đuổi” các cá thể sống trong rừng. Hãy làm theo những chỉ dẫn của các anh kiểm lâm để chúng ta có những trải nghiệm thú vị và rất văn minh.
Thông tin thêm
Nếu bạn muốn đi theo tour khám phá thì ngay trên website của Vườn Quốc gia Cát Tiên có thông tin dịch vụ cho bạn lựa chọn.
Thời gian và di chuyển:
Nếu bạn muốn tự đi từ TP. Hồ Chí Minh thì có vài gợi ý nho nhỏ: có thể đi xe đò (xe khách) từ bến xe miền Đông vào buổi sáng để có thể đi một vòng trên dòng sông đồng Nai quanh rừng Nam Cát Tiên, và có một buổi đạp xe đạp khám phá quanh rừng. Còn bạn chỉ có ý định tới Bầu Sấu, vậy chỉ cần khởi hành từ trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh từ tầm trưa rồi mua vé đi Bàu Sấu từ ban quản lý rừng. Chúc bạn một hành trình thú vị!!!
Chi phí
Vé vào Vườn Quốc Gia + vé xe di chuyển tới điểm đầu của hành trình xuyên rừng vào Bầu Sấu + chi phí ăn và ngủ một đêm tại Bàu Sấu khoảng một triệu đồng.
Box thông tin: Cá Sấu Xiêm hay còn gọi là cá sấu nước ngọt. Đây là loài phổ biến trước đây ở Vườn Quốc Gia Cát Tiên. Do hậu quả của tình trạng săn bắt cá sấu trái phép nên loài cá sấu nước ngọt sinh sống tự nhiên ở phụ vực Bàu Sấu dã bị tuyệt chủng. Từ năm 2001-2004 qua nhiều lần thả cùng với sự hỗ trợ của Dự án bảo tồn của chính phủ Hà Lan hiện nay loài này đang được bảo tồn và phát triển tại Bầu Sấu với số lượng cá thể lên tới con số hàng trăm.
About the author
An Di