Tháng 10 về nơi biển cạn Phá Tam Giang

ĐỜI SỐNG

Tháng 10 về nơi biển cạn Phá Tam Giang

authorBy An Di
Share on
Share on
Tháng 10 về nơi biển cạn Phá Tam Giang

Còn 7km nữa là tới nơi - google map thông báo trên màn hình chiếc điện thoại loang loáng khó nhìn vì nắng. Lại cất chiếc điện thoại vào túi sau balo, tôi thẳng tiến theo hướng đã được chỉ. Đó là một buổi chiều tháng 10 ở Huế.


Từ Rú Chá…


Buổi sáng thong dong, tôi làm cốc cà phê quen trên đường Thạch Hãn thuộc khu thành nội của Huế trước khi lên đường hướng về Phá Tam Giang.


Sau nhiều cuộc đi, tôi nghiệm ra rằng: hãy cứ xác định điểm đến nhưng đừng vẽ hành trình. Bởi sẽ luôn gặp những điều thú vị bất ngờ trên chặng đường tới điểm đến. Và lần này cũng vậy. 

Không nghĩ trước rằng trên đường tới với một vùng mênh mông nước nơi cửa biển lại gặp một khu rừng đẹp đến vậy - Rú Chá.


ru cha 4.jpg


Rú là rừng

Chá là tên của loại cây Chá


Được biết, Rú Chá là khu rừng ngập mặn nguyên sinh với ý nghĩa và vai trò là tấm bình phong bảo vệ các tuyến đê bao ngăn mặn, chống xói lở và bảo vệ người dân khu vực lân cận trước thiên tai.

Với diện tích gần 5ha nằm trên địa phận hành chính làng Thuận Hòa, xã Hương Phong, huyện Hương Trà (Huế) Rú Chá nổi bật lên như một điểm nhấn trên cung đường từ trung tâm thành phố đi Phá Tam Giang.


ru cha 7.jpg


Rú Chá tới mùa lá rụng đẹp không thốt nên lời.


ru cha 6.jpg


Ngay từ bước chân đầu tiên đặt tới Rú Chá cả tâm thân như được dẫn lối vào một thiền tự. Không gian tĩnh lặng như thảng nghe được tiếng rơi của từng chiếc lá. Thỉnh thoảng, đâu đó vang lên tiếng rích rích, khúc khích của các bạn học trò vào Rú Chá chơi. 


ru cha 5.jpg


Đường vào Rú Chá cũng thật đẹp, cong cong mềm mại men theo mép nước xanh ngắt một màu trời. Lối đi nhỏ đổ bê tông uốn lượn, bên trên từng tia nắng xuyên qua tán lá rơi xuống mặt nước loang loang. Vẻ đẹp hoang sơ, khởi đầu của hành trình khám phá mùa thu xứ Huế có sức quyến rũ mà có lẽ, những nét chì đi trên giấy bản vốn gây kích thích sự mê đắm cũng khó lòng biểu đạt hết.


ru cha 3.jpg


Có lẽ cuộc đời đã ưu ái khi ngẫu nhiên để tôi bắt đầu hành trình này vào một ngày mùa thu tháng 10 - mùa thay lá. Bởi vậy, mọi “thanh âm”, “sắc độ” cùng hoà nhịp để tấu lên một vũ khúc êm dịu nhưng cũng dữ dội của sự chuyển sắc của Rú Chá. Nếu một lần tới Huế, bạn nên tới đây. Không chỉ mùa thu, Rú Chá sẽ đãi bạn một bữa tiệc cảnh sắc đặc biệt riêng của mỗi mùa.


ruc cha 2.jpg


… tới Phá Tam Giang


Rời Rú Chá khi trời đã trưa muộn. Trên con đường trải nhựa rộng vắng bóng người đi càng khiến tâm trí lưu luyến Rú Chá. Sau thời gian dừng chân cho bữa trưa ở một quán ven đường tôi lại sẵn sàng để lên đường để tới Phá Tam Giang.


pha-tam-giang.jpg


Nhưng còn xa nữa đâu, phái trước mắt tôi đã bắt đầu dấu hiệu của Phá. Ở cuối điểm nhìn, một dãy dài cắt ngang tựa đường chân trời một màu trắng của cát hòa vào màu xanh của cây. Đây chính là dãy cồn đụn cát chắn bờ ngăn cách Phá với biển Đông có độ cao từ 10-30m, rộng 0,3-5 km. Thu gần lại là mặt Phá mênh mông nước soi chiếu màu trời. Phá Tam Giang bắt đầu từ cửa sông Ô Lâu đến vùng cửa biển Thuận An có chiều dài 25km và diện tích 5.200ha. Nơi đây được biết đến là vùng đầm phá nước lợ lớn nhất khu vực Đông Nam Á. 


pha-tam-giang-2.jpg


Vì đến Phá vào giờ sớm, nên tôi dành thời gian khám phá khu vực dân cư xung quanh trước giờ hoàng hôn buông. Đây cũng là một trong những nơi ngắm mặt trời buông đẹp và khác nhất những nơi tôi đã từng. Bởi không hẳn là biển, Phá Tam Giang là vùng biển cạn, nơi nước lợ với nhiều sản vật đất trời thiên nhiên ưu đãi. Và cũng thật thú vị để khám phá những câu chuyện nơi đây trong lúc chờ thời điểm điểm đẹp nhất chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Phá.


pha-tam-giang-4.jpg


Theo như tìm hiểu, nơi đây có rất nhiều động vật thuỷ sinh. Hiện nay đã xác định được 163 loài cá, nhiều loài quý hiếm như cá vược, cá chình… một số loài cá di cư vào đầm phá để sinh sản như cá mòi, cá cơm biển… Ngược lại, cá đối, cá mú, cá dìa sống trong đầm phá lại di cư ra biển để đẻ trứng. Thực sự là một khám phá tuyệt vời về đời sống của các loài cá cùng sự di trú của chúng. Các loại cá xuất hiện tuỳ mùa đã cùng những ngư dân làm nên một cuộc sống đánh bắt nơi vùng Phá. Không chỉ các loài thuỷ sinh, bề mặt đầm phá do có thảm thực vật tự nhiên nên đã thu hút các loài chim nước về đây tự họp. Người ta quan sát và phát hiện được 34 loài chim di cư, 36 loài chim định cư và đặc biệt là có 21 loài chim thuộc danh mục bảo vệ nghiêm ngặt của cộng đồng châu u và một loài có tên trong sách Đỏ Việt Nam.


pha-tam-giang-3.jpg


Nói về một vùng Phá đẹp mà suýt chút nữa quên nói về nguồn gốc của tên Phá thì thật thiếu sót. Theo sử sách ghi lại thì phá Tam Giang thuở ban sơ được gọi là biển cạn (Hạc Hải), đến năm 1821 mới đổi lại là Tam Giang. Sở dĩ có tên phá Tam Giang là do sông khi đổ ra phá đã chia ra làm ba ngã: “Từ sông Lương Điền (sông Ô Lâu) chảy xuống phá, về phía Tây Nam dòng nước đổ vào một là cửa sông Tả, một là cửa sông Trung, một là cửa sông Hữu, mỗi dòng đều chảy 2 - 3 dặm mà vào, nên gọi là phá Tam Giang”. Hay nói một cách khác, Phá Tam Giang là hợp lưu của ba con sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương trước khi đổ vào biển Đông.


pha-tam-giang-6.jpg


Phá Tam Giang không có sóng lớn. Đắm mình giữa không gian vặng lặng và mênh mông trời nước bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp và sự thanh bình từ sâu trong tâm hồn.


Thời gian không biết bao nhiêu cho đủ, tưởng như chỉ như cái chớp mắt, vài câu chuyện đã kéo tới chiều. Thời điểm đẹp nhất để ngắm hoàng hôn bắt đầu từ khoảng 16h, một gam màu vàng pha đỏ còn đậm nét dần ngả xuống một vùng Phá rộng mênh mông. Lúc này mặt trời còn rực rỡ, nhưng nhanh thôi, bạn sẽ được đắm chìm trong cảnh sắc hoàng hôn. 


pha3.jpg


“Phá Tam Giang chiều ráng đỏ

Màu hoàng hôn buông chơi vơi

Mênh mang mạn thuyền sóng vỗ

Cánh chim tung trời về đâu?”

- "Hoàng hôn trên phá Tam Giang” (thơ Mai Hữu Phước, nhạc Quỳnh Hợp)


Cùng với đó là nhịp sống của người dân địa phương với hình ảnh lao động say mê trên Phá. Và sau một ngày, những con thuyền tìm chỗ đỗ nghỉ ngơi. Dưới bóng nước lấp loáng sắc vàng, đỏ thêm chút tím khi kim đồng hồ dần kéo về bên phải, những con thuyền lại im ả đậu bên bờ, thỉnh thoảng đung đưa do sóng nước vỗ mạn. Cảnh sắc bình yên dù không phải quê nhà cũng khiến lòng người xứ lạ thấy nhẹ nhõm, để khi rời đi lòng vẫn muốn quay lại mỗi khi nhắc về vùng đất ấy - Phá Tam Giang.

About the author

Nhà báo đồng thời là người sáng tác truyện thiếu nhi và vẽ minh họa tự do, hiện An Di đã xây dựng trang blog cá nhân để lưu giữ những sáng tác của mình. Tự nhận là người phức tạp nhưng bản thân lại luôn yêu những thứ đơn giản, tự nhiên đặc biệt là những điều truyền cảm hứng tích cực. 

Tìm hiểu thêm về cô qua kênh:

Website: sunnyhill.vn

Facebook: sunnyhill

author

An Di

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!