Bangkok với nhiều người là thành phố của những kì nghỉ ngắn, dễ dàng và thuận tiện, một thiên đường mua sắm, một vùng đất của những cuộc hội hè và những món ăn cay nóng, nhưng với tôi, Bangkok là nhà.
Hai năm trước, tôi tìm thấy một cuốn sách ở hiệu sách Kinokuniya ở tầng 4 trung tâm thương mại sầm uất Emquartier giữa lòng con phố tài chính sôi động bậc nhất Bangkok Sukhumvit. Cuốn sách có tên “Bangkok Wakes to Rain” (Bangkok thức giấc trong cơn mưa) của nhà văn nổi tiếng người Thái Pitchaya Sudbanthad. Cuốn sách có bìa màu vàng, được bày trang trọng ở khu vực sách bestseller mới, thầm như sự tự hào của những người Thái làm việc ở hiệu sách này dành cho cuốn sách về Thái Lan được viết bằng tiếng Anh của một tác giả người Thái 100%. Đó cũng là lần đầu tiên trong suốt 3 năm sống ở Bangkok tôi được đọc một cuốn sách về thành phố nơi tôi sống, và lúc này, khi nhớ về Bangkok, tâm trí tôi quay trở về cái tên rất đẹp ấy.
Công viên Benchasiri, nơi tôi hay ngồi đọc sách mỗi chiều muộn và là địa điểm yêu thích của người dân sống ở đường Sukhumvit
Bangkok không dành cho khách du lịch
Căn hộ tôi sống ở tầng 8 một chung cư nhỏ không mới chẳng cũ trong khi Ramkhamhaeng, cũng là con đường dài bất tận. Lần đầu tiên đến căn hộ tôi đã rất mơ hồ vì không biết mình có thích nó hay không, nhưng vì gần trường đại học của tôi và cũng khá gần bến tàu Huamak nối từ nhà ga sân bay lớn nhất Bangkok vào trung tâm thành phố, tôi chọn sống ở Ramkhamhaeng chỉ vì lý do vị trí thuận tiện.
Ngã tư Makassan nhìn từ bến tàu Makassan lúc nào cũng đông đúc xe cộ
Chỉ những năm sau đó, nhiều lần đắn đo, tôi vẫn không thể bỏ cái con phố cũ rích toàn những khu nhà kiểu shopshouse của người Thái gốc Hoa, chúng cũ kĩ đến nỗi chỉ còn những mảnh tường hoặc sơn đủ màu sắc xanh đỏ tím vàng, hoặc những tòa nhà bê tông xám – đặc trưng ảnh hưởng của kiến trúc Mỹ. Tòa nhà của tôi nằm phía cuối khu phố, nối dài tưởng bất tận nếu đi từ con đường chính, trái với tưởng tượng của nhiều người với một Bangkok sôi động toàn những công dân toàn cầu, khu phố chỉ thuần người Thái cư trú, nên mỗi lần đi lại trong khu phố, tôi có dịp quan sát một đời sống Bangkok địa phương nhất, những thói quen rất “Bangkok” mà nếu chỉ là một du khách ghé chơi thành phố này, tôi sẽ khó có thể hiểu được.
Một góc Ramkhamhaeng nhìn từ ban công căn hộ của tôi ở Bangkok
Người Bangkok yêu thích sự trang trí, họ luôn muốn ngôi nhà của mình phải được điểm tô bởi những sắc hoa, những món đồ gốm hình thù ngộ nghĩnh để ngoài bậc cửa, những giàn hoa tigon lơ lửng trên mảng tường gạch xám, và ngay cả những món đồ cũ cũng vô tình trở thành thứ có giá trị trang trí. Nép mình bên tường ngôi nhà nọ là chiếc xe hơi kiểu cổ sơn vàng ươm đã bỏ đi, lẩn khuất sau cánh cổng ngôi nhà kia là cây lựu cảnh liên tục ra trái, trước cổng ngôi nhà ngay gần mặt phố là hai bức tượng thiên thần màu trắng và cây hoa hồng mọc như thể ngẫu nhiên… Trang trí nhà cửa ngẫu hứng thế nào, cuộc sống của người dân Bangkok cũng ngẫu hứng y hệt như vậy.
Người Bangkok thích ăn uống và … nhậu nhẹt, và có một luật bất thành văn là ở bất cứ ngõ phố nào ở Bangkok cũng có một xe bán hoa quả đã cắt sẵn ướp lạnh, một (vài) xe chuyên bán một loại đồ ăn như mì, đồ chiên hay cơm gà, một cửa hàng tiện lợi 7/11, chưa kể những quán ăn cố định. Vì thế, đúng là chỉ cần từ nhà ra ngõ là đã có thể ăn ngày ba bữa, kèm hoa quả tươi kem dừa hàng ngày, những con phố như vậy vì thế lúc nào cũng bận rộn bán buôn.
Trung tâm thương mại Emquatier
“Bangkok Wakes to Rain”
Bangkok là thành phố không ngủ theo đúng nghĩa đen, sự sôi động và sống động của thành phố dường như khiến tâm trạng người ta lúc nào cũng dễ chịu và hưởng thụ hơn so với nhiều thành phố khác tôi từng ghé thăm. Dù bạn có đang ở những quận trung tâm như Wattana (nơi có phố Sukhumvit, khu Nana…) hay Pathum Wan (nơi có Siam Square, Central World mall) hay len lỏi trong một con ngõ (Sol trong tiếng Thái) ở Ramkhamhaeng nơi tôi sống, hoặc bạn sẽ thấy dòng người qua lại liên hồi trên vỉa hè, trên skywalk, hay ồ ạt tràn vào những ga tàu điện. Đi kèm với những chuyển động không ngừng ấy là rất nhiều cung bậc thanh âm, tiếng thông báo từ bến tàu giục giã mọi người lên xuống ở bến, hồi còi vang lên kèm theo âm thanh ken két của những chiếc tàu điện ra khỏi bến, những giọng nói qua điện thoại của lớp cư dân bận rộn và khách du lịch bằng đủ mọi ngôn ngữ, dưới phố là tiếng còi xe không ngừng, bất chấp cơn tắc nghẽn điên loạn đã trở thành “đặc sản” của Bangkok.
The Vibe of Bangkok, nghệ thuật đường phố trên phố Sukhumvit
Nói về chuyện tắc nghẽn, đây có lẽ là cách đơn giản nhất rèn luyện sự kiên nhẫn với bất cứ ai, với phần đông dân số chọn phương tiện di chuyển là xe hơi, chỉ bởi trái với tưởng tượng của nhiều người, xe hơi ở Bangkok chỉ ở mức giá trung bình, và đây cũng là thiên đường xe hơi cổ. Vì thế chẳng khó để bắt gặp trên phố những chiếc xe hơi nhập khẩu từ Mỹ hay Nhật từ 20-30 năm trước, chúng hòa vào dòng xe cộ thẳng tắp đủ màu sắc và bất kể ngày đêm. Tôi thường liên tưởng đến một xã hội Bangkok thu nhỏ từ chính những con đường như vậy. Ở đó có kẻ giàu có và người nghèo, dân lao động và những nhân viên đeo cặp táp cà vạt làm việc ở các tập đoàn lớn hàng đầu. Ở đó có những người nhập cư Malaysia mặc áo choàng dài theo đạo Hồi, những gương mặt người Thái gốc Hoa, những làn da rám nắng nâu cháy của người gốc Thái… Bangkok có chỗ cho bất cứ ai, và chính sự cởi mở này khiến xã hội Bangkok có xu hướng chấp nhận hầu hết những sự trái khoáy ngược đời.
Những chuyến tàu điện là phương tiện đi lại yêu thích của tôi
Có một ví dụ điển hình là trong khi người Thái phần đông theo đạo Phật nhưng đây cũng là nơi bạn có thể thấy ladyboy, người chuyển giới, du nhập đậm nét của văn hóa phương Tây… Sư đối lập này như những mảng màu tô điểm cho một thành phố cởi mở và ít đánh giá, trong khi giới hạn của nó vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ với tôi, dù tôi đã sống ở đây trong nhiều năm.
Cơn mưa rào đầu tiên của tôi ở Bangkok trở thành gần như một cú shock văn hóa, chỉ vài giây sau những đợt nắng gắt, cơn mưa ào đến, nhòa trắng nước. Vốn đã nghe nhiều về nạn lụt lội ở Bangkok, tôi vẫn không thể tưởng tượng nổi hoạt cảnh đang diễn ra trước mắt ngay ở khu phố “tưởng bình thường” nơi tôi sống. Chỉ sau 15 phút mưa rào, khu phố ngập trong biển nước cao đến quá đầu gối, điều lạ lùng hơn cả là cư dân lập tức bì bõm trong dòng nước để quay trở lại công việc họ đang làm trên phố, người đi mua hàng vẫn đi mua, kẻ bán vẫn bán, như thể dòng nước vặt vãnh đang rút dần dưới chân họ chính là mặt đất.
Khu phố Tàu ở Bangkok một ngày mưa
Không lâu sau đó để tôi nhận ra người Thái đã quen với những cơn lụt lội như một phần đời sống, nhưng thời tiết khắc nghiệt không thể ngắt quãng nhịp sống bận rộn ở đây, lúc đó tôi thực sự hiểu “Bangkok thức giấc trong cơn mưa” là thế nào.
Những khoảnh khắc Bangkok chững lại cùng cơn mưa rào
Không vội ở Bangkok
Nếu để chọn một bí mật ở Bangkok để chia sẻ với bất cứ ai, đó có lẽ là dòng kênh Saen Saep (tiếng Thái là Khlong). Hệ thống kênh đào dày đặc khiến Bangkok có thể dễ dàng trở thành phiên bản Venice của Châu Á, nhưng nó cũng gắn liền với toàn bộ quá trình lịch sử của thành phố này.
Đô thị của những du khách
Tôi mê Saen Saep đến độ không muốn chuyển đến quận trung tâm cũng chỉ bởi dòng kênh này. Saen Saep dài đến 72km, chảy qua 21 quận ở Bangkok và kết nối với hơn 100 dòng kênh nhỏ hơn, vì thế đây được coi là một phương thức di chuyển của nhiều người dân Bangkok nếu không muốn bắt xe bus hay tàu điện. Dọc kênh là nhiều bến tàu lên xuống nối với con đường chính và thường rất gần những địa điểm lịch sử văn hóa ở Bangkok, nên nhiều khi chỉ cần bắt một waterbus như vậy người ta đã có thể ngắm nhìn toàn cảnh Bangkok và thăm thú những địa điểm có và không có tên trong sách du lịch.
Xuôi trên dòng kênh Saen Saep là cách thú vị nhất để khám phá Bangkok theo cách của người Thái
Kênh Saen Saep không dành cho những người vội, vì vận chuyển bằng đường sông ở Bangkok có thể chiếm nhiều thời gian, kèm với một chút sợ hãi (chuyển động của những waterbus có lẽ là trải nghiệm đáng nhớ nhất với bất cứ ai ghé thăm Bangkok bởi độ giật gân của nó), nhưng bù lại, bạn có thời gian ngồi trong một không gian mở, nhìn ngắm hình hài bí mật của thành phố, hai con đường hẹp bên sông, những cộng đồng người sinh sống và chùa chiền gắn với từng cộng đồng, hoa cỏ, những cây cầu…
Saen Saep Khlong gần nhà, nơi có rất đông người Hồi giáo sinh sống
Ở Bangkok, Saen Saep đưa tôi đến mọi nơi tôi hay đến, rạp chiếu phim độc lập RCA luôn chiếu những bộ phim hiếm, BangKapi Mall nơi tôi hay mua đồ và có tiệm café quen thuộc, đi xa hơn nữa tôi sẽ đến được bến ở Siam Square, nơi có hầu như mọi hoạt động văn hóa thương mại của Bangkok, và đi xa một chút nữa thôi, là bảo tàng Jim Johnson House – bảo tàng tôi thích nhất và ghé thăm nhiều nhất ở Bangkok. Là người yêu thích lịch sử, Saen Saep đưa tôi về những ngày tháng quá khứ khi thành phố mới được hình thành. Chuyện kể rằng vào năm 1837 Vua Rama III vận động rất nhiều thợ đào kênh người Malay đến Thái Lan để giúp xây dựng kênh phục vụ cho cuộc xung đột giữa nước Siam, Anam (Việt Nam lúc bấy giờ) với Campuchia. Đổi lại, người Malay được sống ở hai bên bờ kênh, và đến tận bây giờ, dọc hai bờ kênh vẫn còn cộng đồng người Thái theo đạo Hồi (gốc Malay) sinh sống, họ xây dựng những đền thờ Hồi giáo ở bờ kênh, họ mặc đồ truyền thống như những ngày xưa cũ, họ ở trong những nếp nhà gỗ mái thấp và bán những món Thái dành cho người Hồi giáo. Mỗi hoàng hôn, từ căn hộ, tôi có thể nghe thấy tiếng hát cầu nguyện từ những đền thờ Hồi giáo như vậy vang vọng khắp một góc phố, âm thanh đẹp và yên bình đến mức lấn át mọi hỗn độn của phố phường, len lỏi giữa sắc trời hoàng hôn luôn đổi màu của Bangkok.
Đó luôn là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất tôi ghi nhớ về Bangkok.
About the author
Vân Anh Nguyễn