7 giai đoạn của một cuộc chia tay, theo các chuyên gia

YÊU

7 giai đoạn của một cuộc chia tay, theo các chuyên gia

authorBy S. Reen
Share on
Share on
7 giai đoạn của một cuộc chia tay, theo các chuyên gia

Chia tay là một quá trình "tàn khốc" và có thể mất nhiều thời gian cho đến khi bạn định hình và sẵn sàng bước tiếp. Dù phải trải qua rất nhiều giai đoạn, xin bạn hãy nhớ yêu thương bản thân mình đầu tiên.


Bạn không muốn tin rằng nó thực sự kết thúc. Bạn không thể tin được. Ngay cả khi mối quan hệ tồn tại những vấn đề không thể giải quyết được thì ý nghĩ phải sống thiếu nó thật khó chấp nhận.


Mất Bao Lâu Để Vượt Qua Sự Tan Vỡ?


Theo Tiến sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng Kristina Hallett không có câu trả lời chắc chắn về việc mất bao lâu để vượt qua một cuộc chia tay: "Điều đó phụ thuộc vào thời gian, mức độ mạnh mẽ của bạn và tầm quan trọng của mối quan hệ". Nó có thể là một vài tháng hoặc lâu hơn rất nhiều.


7 Giai Đoạn Của Một Cuộc Chia Tay


Các giai đoạn này không nhất thiết phải đi theo một trình tự nhất định cho tất cả mọi người. Bằng cách hiểu rõ giai đoạn đau buồn hoặc cảm xúc của mình, bạn có thể đối diện với sự đổ vỡ tốt hơn. 


Nhận thức là bước đầu tiên để phục hồi và chữa lành. Đau buồn là một quá trình tự nhiên, nó xảy ra trong cuộc sống của mỗi người và do đó, bạn phải nhắc nhở bản thân rằng bạn không đơn độc và nó sẽ thực sự trôi qua, khi nhìn lại.


Giai đoạn 1: Sốc


Sốc là phản ứng tức thì ngay sau khi chia tay, bạn sẽ đặc biệt trải qua giai đoạn này nếu cuộc chia tay đến một cách bất ngờ. Bạn đã quen với một người, và bây giờ đột nhiên họ không còn là một phần trong cuộc sống của bạn nữa. Những suy nghĩ như vậy khiến bạn cảm thấy bối rối, cô đơn, tổn thương và bất an.


Giai đoạn này đi kèm với rất nhiều đau khổ, nước mắt và tràn ngập tâm trí bạn là những câu hỏi "Tại sao điều này lại xảy ra?" hoặc "Tôi đã làm gì sai?", “Còn tất cả điều đẹp đẽ chúng ta có với nhau thì sao?”...

 

Giai đoạn này có thể kéo dài trong nhiều ngày, nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng.


Liên tục gọi cho người yêu cũ và tìm kiếm lời giải thích sẽ không giúp ích được gì. Mặc dù thảo luận về điều gì đã xảy ra trong một mối quan hệ là điều hoàn toàn bình thường, nhưng đừng để nhu cầu về câu trả lời bóp nghẹt tâm hồn bạn. Đừng lo lắng! Hãy hiểu rằng đây chỉ là một giai đoạn sẽ phải trải qua. Hãy cho bản thân một chút thời gian và mọi thứ sẽ tự bắt đầu có ý nghĩa. Bạn có thể chia sẻ cùng bạn bè, thử thực hành thiền hoặc đi bộ để chuyển hướng tâm trí.


Giai đoạn 2: Phủ nhận thực tế


Sốc và từ chối thực tại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, khi bạn vật lộn với thực tế của những gì đã xảy ra. Khi chuyển sang trạng thái từ chối, bạn thường chỉ tập trung vào những thứ như “Anh ấy nói sẽ yêu tôi mãi mãi”... Bạn không chấp nhận thực tế, cố gắng hợp lý hóa mọi thứ bằng bộ não logic rồi thuyết phục bản thân rằng người đó không cố ý hoặc họ sẽ thay đổi ý định. Có thể bạn đang làm điều này để cứu mình khỏi những cảm xúc tồi tệ và bạn không muốn chấp nhận rằng thứ mà bạn đã nuôi dưỡng bao lâu nay bỗng nhiên không tồn tại và bạn sẽ phải sống thiếu nó.


 Trong giai đoạn này, người ta thường gọi điện, theo dõi mạng xã hội hoặc nhắn tin quá mức - bất cứ điều gì về mối quan hệ mà nhìn từ bên ngoài vào có vẻ “bình thường” - để trì hoãn quá trình giải quyết đau lòng. Phủ nhận đôi khi khiến bạn gạt bỏ cái tôi và lòng tự trọng của mình sang một bên, nó làm cho bạn tạm thời quên đi nỗi đau đang phải trải qua hoặc những sai lầm mà họ đã phạm phải trong mối quan hệ.


Phủ nhận hoàn cảnh cũng có mặt tốt là sẽ cho bạn thời gian để có thêm sức mạnh đối diện với việc bạn biết rằng bạn phải sớm đối mặt. Điều cần thiết là sớm nhận ra rằng việc phớt lờ thực tế sẽ chỉ khiến bạn bế tắc lâu hơn trong giai đoạn này. Để tiến về phía trước, hãy cố gắng chấp nhận hiện tại ngay cả khi nó đau đớn. Mở lòng với một người bạn hoặc ghi lại cảm xúc và nỗi sợ của bạn vào nhật ký. Xác định những suy nghĩ không hợp lý sẽ giúp bạn có cơ hội vượt qua chúng.


Giai đoạn 3: Thương lượng


Khi “chế độ” phủ nhận thực tại không hiệu quả và người ấy tiếp tục từ chối mọi thứ bạn nói, bạn bắt đầu thương lượng. Trong một số trường hợp, điều này gần như là cầu xin. Thậm chí, bạn nói lời xin lỗi vì những điều bạn chưa bao giờ làm sai, bạn cố gắng sửa chữa những điều chưa bao giờ là lỗi của bạn và bạn muốn chịu trách nhiệm về mọi thứ liên quan tới mối quan hệ này. Bạn gạt nỗi đau của bản thân sang một bên và đặt niềm đau của họ lên hàng đầu. Nó khiến bạn tự vấn bản thân, sự tồn tại và giá trị của mình.


Khi ở trong giai đoạn này, bạn nên cố gắng nhắc nhở bản thân rằng tình yêu không đến từ một phía. Cả hai người đều phải nỗ lực như nhau thì mới có hiệu quả. Nếu nó đã đến mức mà một mình bạn phải chịu trách nhiệm cho tất cả mọi việc thì điều đó là không đáng. Việc này có thể kéo dài bao lâu tùy thích nhưng bạn sẽ chỉ lãng phí thời gian. Hãy đợi cho đến khi mọi thứ hạ nhiệt, nếu còn có cơ hội giãi bày và hàn gắn, hai bạn sẽ cần thời gian và không gian thích hợp. 


Giai đoạn 4: Giận dữ


Khi bạn đã trải qua những giai đoạn trên, thực tế của cuộc chia tay sẽ bắt đầu hiện ra, đặc biệt khi không thể thay đổi ý định của người kia. Bạn tức giận vì bị lừa dối? Giận vì chia tay không lý do? Tức giận với chính bản thân vì không đầu tư nhiều hơn vào mối quan hệ? Tuy nhiên, cuối cùng, tức giận thường là một cảm xúc nổi lên trước khi chúng ta có thể đối mặt với những cảm xúc sâu sắc hơn như tổn thương, thất vọng, đau buồn, bất lực...


Chia tay khiến bạn chìm đắm trong những điều chưa biết, điều này có thể gợi lên nỗi sợ hãi và hoang mang. Tại thời điểm đó, nỗi sợ hãi sẽ át đi sự tức giận. Do đó, khi cơn tức giận bùng phát, đó là vì bạn đã trút bỏ được phần nào nỗi sợ hãi, ít nhất là tạm thời. Tùy thuộc vào tính cách, cuộc sống của bạn mà sự tức giận có thể hướng đến người kia, hướng đến mọi thứ xung quanh hoặc chính bạn. Lý do cho tất cả những điều này là để tìm một cái gì đó hoặc một người nào đó để đổ lỗi.


Tin tốt là sự tức giận của bạn, bất kể nó hướng đến đâu, đều có tác dụng tiếp thêm sức mạnh cho bạn. Sự tức giận sẽ tạo ra cảm giác sống động trong một thế giới đang trở nên tồi tệ vì mất mát. Nó cũng có thể nhắc nhở bạn về giá trị của bản thân, rằng bạn xứng đáng nhận được nhiều hơn thế. Ngay cả khi tức giận với bản thân và tự làm tổn thương mình, đây vẫn là một phần của quá trình chia tay. Nó chỉ ra rằng ở đâu đó sâu bên trong, bạn đang tạo ra động lực để thay đổi quan điểm của bạn về mối quan hệ, về thực tại.


Hãy cứ giận dữ, nhưng đừng để cơn giận bùng nổ và mất kiểm soát. Hãy để sự tức giận cho bạn một hướng đi mới, bất cứ nơi đâu trừ người yêu cũ của bạn.


Giai đoạn 5: Đau buồn


Khi cơn giận bắt đầu tan biến, quá trình đau buồn thực sự sẽ bắt đầu, hầu hết mọi người đều rơi vào trạng thái đau khổ cùng cực, giống như trầm cảm nhẹ. Đối với nhiều người, ngay cả việc ra khỏi giường cũng cảm thấy khó khăn. Nếu bạn đang trải qua giai đoạn này, bạn có thể cảm thấy những cảm xúc mãnh liệt như tuyệt vọng, bất lực và trống rỗng. Tại thời điểm này, bạn đang dần chấp nhận thực tế rằng cuộc chia tay đã xảy ra. Đau buồn trong một mối quan hệ là hoàn toàn bình thường bởi bạn đang mất đi sự quen thuộc bấy lâu nay, mất đi các kế hoạch tương lai, bạn bè chung và tất cả những gì đã chia sẻ.


Để chữa lành, bạn phải vượt qua nỗi đau! Nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng đó là sự thật.


Đây là một giai đoạn đặc biệt khó khăn để vượt qua, kéo dài hơn bất kỳ giai đoạn nào khác. Nhưng tin tốt là, ngay khi bạn bắt đầu “xử lý’ những cảm giác đau khổ này đó chính là lúc bắt đầu chữa lành cho bản thân mình. Bạn nên ưu tiên các nhu cầu của bản thân và tự chăm sóc bản thân. Điều cần thiết là hãy tìm tới sự tích cực trong thời gian này. Gần gũi bạn bè và gia đình, làm những thứ mình yêu thích hay kiếm tìm sở thích mới và cố gắng tránh những thói quen không lành mạnh như uống rượu hoặc ăn uống vô độ.


Trong trường hợp sức khỏe tâm thần của bạn có vấn đề, hãy tìm kiếm trợ giúp y tế để đối phó với chấn thương tâm lý hoặc trầm cảm.


Giai đoạn 6: Chấp nhận


Đúng rồi, cuối cùng đã tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm. Khi bạn bắt đầu chấp nhận sự thật rằng bạn đã chia tay, mọi thứ sẽ bắt đầu cảm thấy tích cực hơn và thậm chí bạn có thể bắt đầu nhận ra rằng mối quan hệ này không phải là thứ duy nhất dành cho bạn. 


Hãy lưu ý, ở đầu giai đoạn này, bạn có thể cảm thấy đã giải quyết ổn thỏa mọi thứ, tưởng chừng mình đã có thể tự tin bước tiếp nhưng sẽ có những khoảnh khắc khiến bạn ngập ngừng không muốn nhìn về phía trước. Có đôi lúc bạn cảm thấy mình đang ngồi trên chiếc tàu lượn cảm xúc, phút trước bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng và hy vọng nhưng ngay sau đó, bạn nằm xuống và khóc, "Liệu, tôi có bao giờ tìm thấy tình yêu đích thực không?" "Tôi sẽ hạnh phúc trở lại chứ?"... Không sao hết, những giây phút xao động sẽ dễ trôi qua.


Con người trở nên mạnh mẽ hơn khi họ chấp nhận mọi thứ. Chúng ta cũng nhận ra điều gì là tốt đối với sức khỏe tinh thần và cảm xúc của mình.


Giai đoạn 7: Ngập tràn hi vọng vào cuộc sống mới


Cuối cùng, bạn đã ngừng “theo dõi” trang cá nhân của người đó, bạn không thường xuyên nghĩ về họ và bạn mong điều tốt nhất cho họ dù biết rằng bạn sẽ không có mặt trong hành trình đó. Bạn cũng dừng nghĩ về trải nghiệm đau đớn, thay vào đó, bạn nghĩ những bài học mà bạn rút ra sau hành trình này.


Hi vọng là động lực. Nó khiến chúng ta muốn thức dậy mỗi ngày và sống hết mình với đam mê. Sau khi chia tay, hi vọng tưởng chừng tan biến để rồi quay trở lại với nhiều năng lượng hơn. Hi vọng là giai đoạn cuối của hành trình đau buồn. Khi bước qua giai đoạn này, bạn có thể cảm thấy như bạn đã sẵn sàng để bước ra ngoài thế giới một lần nữa. Bạn có thể nhận ra những gì tương lai nắm giữ. Mặt trời bắt đầu chiếu sáng trở lại, và bạn bắt đầu cảm thấy là chính mình ở phiên bản tốt hơn, sẵn sàng bước tiếp.


Hãy tận dụng tối đa giai đoạn này, tận hưởng những khoảnh khắc nhỏ bên những người thân yêu của mình. Hãy kiên nhẫn với bản thân và cho bản thân nhiều thời gian nếu cần. Đừng vội vàng.


Các Cặp Đôi Có Quay Lại Với Nhau Sau Khi Chia Tay?


Trong thời gian tan vỡ, một số cặp đôi nhận ra rằng họ không thể xa nhau trong khi những người khác nhận ra rằng họ nên chia tay. Nó phụ thuộc vào mối quan hệ bạn đã có với đối tác của bạn.


Làm Thế Nào Để Cuộc Chia Tay Không Ảnh Hưởng Tiêu Cực Đến Bạn?



Để một cuộc chia tay không ảnh hưởng đến bạn, hãy cố gắng tạo cho mình những điều mới mẻ để hướng tới. Bạn nên bắt đầu một sở thích mới hoặc một mối quan tâm mà bạn có thể theo đuổi trong thời gian rảnh. Đừng quên chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần một cách lành mạnh.


Bạn sẽ vượt qua thôi!

About the author

Một cô gái yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp

author

S. Reen

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!