Chúng ta thường có xu hướng dựa vào trải nghiệm trong quá khứ cộng với xem xét các mối quan hệ xung quanh để đưa ra kết luận. Nếu có nhiều người cũng đồng tình, bạn dễ dàng cảm thấy kết luận của mình đúng. Nhưng điều đó không có nghĩa niềm tin của bạn là chính xác.
Chúng ta dễ rơi vào hiệu ứng “Dunning-Kruger”. Đây là dạng thiên kiến nhận thức, trong đó mọi người đánh giá khả năng của họ cao hơn năng lực thực tế. Một phần lý do là vì chúng ta không nhận ra được những mặt hạn chế trong kinh nghiệm của chính mình.
Dưới đây 5 niềm tin mọi người thường cho là đúng nhưng lại có thể gây hại cho mối quan hệ của bạn, theo nghiên cứu khoa học.
“Xa Mặt” Có Đúng Là “Cách Lòng”?
Các cặp đôi yêu xa thì khó bền vì nhiều lý do. Trong đó có nguyên nhân là chúng ta thích gần gũi về mặt thể xác với đối phương. Vì vậy, khoảng cách vật lý sẽ làm tổn hại đến chất lượng mối quan hệ.
Tuy nhiên, nếu nhìn theo góc độ khác thì chính khoảng cách có thể khiến các cặp đôi gần gũi nhau về mặt tinh thần và tình cảm hơn. Vì họ cần phải giao tiếp nhiều hơn để “giữ lửa” và nỗ lực làm những điều mới mẻ, thú vị để thời gian bên nhau thật chất lượng.
Trên thực tế, gần một nghìn người có mối quan hệ yêu xa từ nhiều quốc gia cho biết, họ yêu nhiều hơn, vui vẻ hơn, giao tiếp tốt hơn, biết ơn nhiều hơn, ít cãi vã và cũng ít có khả năng chia tay hơn các đôi thường xuyên dành thời gian bên nhau.
Vì vậy, mấu chốt là thái độ và ứng xử khi yêu xa của hai người trong cuộc chứ không phải là vấn đề khoảng cách vật lý.
Nam Châm “Trái Dấu” Có Thật Sự Thu Hút Nhau?
Chúng ta thường cho rằng những cặp đôi có tính cách trái ngược nhau thì sẽ thu hút lẫn nhau. Nhưng đó chỉ là giai đoạn đầu. Càng ở bên nhau lâu, họ càng cãi vã và xung đột với nhau. Vì sao vậy? Những đặc điểm đối lập có thể ban đầu rất mới mẻ và thú vị, nhưng sẽ dần trở nên khó dung hòa.
Ví dụ như hiệu ứng “cặp đôi bấp bênh” (Precarious Couple Effect), ghép một bạn nam nhút nhát, sống nội tâm với một bạn nữ tính tình quyết đoán, hay chỉ trích. Ngay từ đầu, họ bị hấp dẫn lẫn nhau bởi sự đối lập và mong muốn tìm kiếm sự bổ sung cho mặt còn thiếu của mình. Nhưng khi mối quan hệ dần trưởng thành, sự ghép đôi mâu thuẫn này trở nên không bền vững, cuối cùng dẫn đến kết cục không mấy tốt đẹp.
Vì vậy, nam châm trái dấu đúng là hút nhau nhưng chỉ ở giai đoạn đầu. Bạn phải cần rất nhiều thỏa hiệp, kiên nhẫn và khoan dung mới có thể đi được lâu dài.
Cảm Xúc Tiêu Cực Ảnh Hưởng Xấu Đến Mối Quan Hệ?
Không phải lúc nào cũng như vậy. Thực tế, chúng còn có thể đem lại lợi ích trong việc xây dựng một mối quan hệ lành mạnh.
Giận dữ, sợ hãi, phẫn uất, thất vọng và lo lắng là những trạng thái cảm xúc tiêu cực mà nhiều người thường xuyên trải qua. Nhưng không phải tạo hóa thiết kế chúng để làm khó con người. Vì mỗi khi chúng xuất hiện là để gửi một thông điệp đến chúng ta. Ví dụ:
+ Sự tức giận và lo lắng cho thấy có điều gì đó trong mối quan hệ này cần phải thay đổi và có lẽ hạnh phúc của bạn đang bị đe dọa.
+ Sợ hãi là một lời kêu gọi sự an toàn của bạn đang ở mức báo động.
+ Sự thất vọng hoặc oán giận thúc đẩy bạn cần thay đổi hoặc xem xét có nên từ bỏ mối quan hệ này không.
Như vậy, về cơ bản, các cảm xúc tiêu cực được thiết kế để giữ chúng ta luôn an toàn và thúc đẩy chúng ta hành động để cải thiện cuộc sống cá nhân và những mối quan hệ thân thiết.
Vậy Cảm Xúc Tích Cực Sẽ Giữ Được Tình Yêu Lâu Bền?
Khi mối quan hệ của bạn có vấn đề, bạn sẽ dễ dàng “vin” vào sức mạnh của suy nghĩ tích cực để vượt qua. Nghe thì có vẻ hợp lý nhưng cách giải quyết này có thể gây phản tác dụng [6]. Đúng là sự tích cực sẽ có ích nếu mối quan hệ thỉnh thoảng xảy ra vài vấn đề nhỏ. Nhưng nếu đó là những vấn đề lớn và nghiêm trọng mà bạn và người ấy thường xuyên gặp phải thì suy nghĩ tích cực không giúp ích được gì, trái lại còn làm mức độ hài lòng của cả hai giảm xuống.
Khi chúng ta phớt lờ những tín hiệu cảnh báo, chỉ dùng sự tích cực để cho qua chuyện thì vấn đề vẫn cứ ở đó mà chưa được giải quyết triệt để. Nó vô tình tạo nên khúc mắc trong lòng mỗi người và sẽ tiếp tục lặp lại trong tương lai, dưới một hình thức khác, để rồi những cuộc cãi vã cứ kéo dài vô tận.
Vì vậy, tích cực vừa đủ thì được nhưng tích cực nhiều quá thì sẽ thành độc hại. Điều quan trọng là bạn cần can đảm nhìn thẳng vào vấn đề để nhận diện ra nó và cùng đối phương giải quyết triệt để tận gốc.
Người Yêu Phải Luôn Ủng Hộ, Đứng Về Phía Bạn?
Ai trong chúng ta cũng đều muốn người mình yêu luôn ủng hộ, đứng về phía mình, đặc biệt khi mình đang cảm thấy tồi tệ. Nhưng điều này đôi khi có thể gây tác động tiêu cực về lâu dài [7]. Trong trường hợp điều bạn làm không thích hợp với hoàn cảnh hoặc trái với quy tắc (như ngoan cố cãi nhau với sếp dù mình làm sai), nếu người yêu “hùa” theo bạn chỉ để khiến bạn thấy tốt hơn thì bạn mãi mãi không cải thiện được khuyết điểm của mình.
Bạn chắc chắn cũng không muốn người ấy khen bạn “Em cứ mặc những gì mình thích, em luôn đẹp theo cách của mình”, để rồi nhận được những ánh mắt kỳ lạ trong bữa tiệc đêm khi xung quanh ai cũng diện trang phục váy đầm, còn bạn thì quần jean và áo thun.
Vì vậy, người yêu không cần lúc nào cũng đứng về phía bạn mà nên trung thực, nói ra sự thật chứ không phải những lời bọc đường. Họ biết điểm yếu của bạn và cần khéo léo gợi ý để bạn có cơ hội cải thiện.
Lời Nhắn Nhủ
Không có sự đổ vỡ nào xuất phát từ quyết định đưa ra bất chợt. Mà đó là tập hợp của các vết nứt nhỏ, những giả định vô căn cứ, những niềm tin sai lầm cùng các hành động tồi tệ làm xói mòn những thứ tạo nên nền tảng vững chắc của mối quan hệ. Bạn cần thẳng thắn nhìn nhận đó là những điều thế nào trước khi chúng đánh cắp tương lai mối quan hệ của bạn.
About the author
Kim Ngân