Sự tin tưởng là một khía cạnh cơ bản của bất kỳ mối quan hệ lành mạnh nào. Nhưng niềm tin không tự sinh ra, bạn cần học cách để xây dựng lòng tin với chính bản thân và người mình yêu thương.
Mặc dù niềm tin hay sự tin tưởng là một thuật ngữ vô cùng phổ biến nhưng thật sự khó có một định nghĩa chính xác về vấn đề này. Tiến sĩ Sabrina Romanoff, nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học Yeshiva (Mỹ), cho biết: “Để có được sự tin tưởng trong một mối quan hệ có nghĩa là bạn cảm thấy sự an toàn và trung thành với đối tác của mình”.
“Tin tưởng có nghĩa là dựa vào một người khác vì bạn cảm thấy an toàn khi ở bên họ và tự tin rằng họ sẽ không làm tổn thương hoặc xâm phạm bạn. Niềm tin là nền tảng của các mối quan hệ vì nó cho phép bạn cởi mở với người ấy mà không cần phải tự bảo vệ mình một cách cẩn thận” - Romanoff nói.
Tiến sĩ, nhà nghiên cứu kiêm diễn giả nổi tiếng Brené Brown đã đi sâu vào các nguyên tắc cơ bản của niềm tin dựa trên nghiên cứu, xác định bảy yếu tố chính bạn nên ghi nhớ trong một mối quan hệ.
Ranh Giới
Trước hết, niềm tin bắt đầu bằng việc đặt ra ranh giới rõ ràng và trung thực. "Không có sự tin tưởng nào tồn tại mà không có ranh giới."
Điều cần thiết là chúng ta phải rõ ràng về ranh giới của mình để họ có thể hiểu và tôn trọng giới hạn của chúng ta. Đồng thời chúng ta phải hiểu ranh giới của người khác để niềm tin có thể đến từ cả hai phía. "Em tin tưởng anh nếu anh rõ ràng về ranh giới của mình và kiểm soát chúng. Bên cạnh đó, anh rõ ràng về ranh giới của em và tôn trọng chúng".
Độ Tin Cậy
Yếu tố tiếp theo của niềm tin là độ tin cậy. Độ tin cậy là về việc bạn chắc chắn rằng ai đó có thể quản lý và tôn trọng các cam kết của họ. Hay nói một cách khác, nếu bạn hứa với đối tác của mình rằng bạn sẽ làm điều gì đó, hãy đảm bảo rằng bạn sẽ làm được.
Đừng bỏ qua những điều nhỏ nhặt bởi giữ lời hứa về những điều nhỏ nhặt cũng quan trọng như giữ lời hứa về những điều lớn lao nếu bạn muốn xây dựng lòng tin trong một mối quan hệ.
Tiến sĩ Brown nói thêm rằng một phần quan trọng của điều này là đảm bảo rằng chúng ta rõ ràng về những hạn chế của mình để không nói hay hứa quá nhiều và cuối cùng không thực hiện được các cam kết.
Trách Nhiệm
Tất cả chúng ta phải chịu trách nhiệm về mọi hành động của mình (trong đó cả cả trách nhiệm làm rõ sự việc), đừng cố đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc người khác. Khi bạn cố gắng che giấu những sai lầm của mình, mọi người sẽ biết rằng bạn đang không trung thực. Thành thật với bản thân và đối tác của bạn về lý do tại sao bạn đưa ra quyết định, hành động hay không hành động của mình. Nhìn xa hơn, ở tổng thể của mối quan hệ, chúng ta chỉ có thể tin tưởng được ai đó nếu khi ta mắc sai lầm, bản thân ta được phép làm chủ tình huống, xin lỗi và sửa đổi.
Bằng cách cởi mở, chúng ta mới có thể xây dựng lòng tin với nhau.
Biết Giữ Im Lặng
Biết giữ bí mật cũng là nền tảng của sự tin tưởng. Làm sao chúng ta có thể tin tưởng được người sẽ mang những bí mật thầm kín của mình để nói với những người khác?
Chính Trực
Sự chính trực có thể là một thuật ngữ mơ hồ, nhưng tiến sĩ Brown đã đưa ra định nghĩa ba phần của riêng mình. "Đó là lựa chọn sự can đảm, giữ vững lập trường thay vì sự thoải mái; lựa chọn điều đúng đắn hơn điều thú vị, nhanh chóng hoặc dễ dàng; và thực hiện đúng với các giá trị của bạn chứ không chỉ tuyên bố suông".
Khi sống chính trực, chúng ta không chỉ xây dựng niềm tin với người khác mà còn xây dựng niềm tin với chính mình.
Không Phán Xét
Điều này được tiến sĩ Brown giải thích rằng nếu bạn tin tưởng ai đó, bạn có thể yêu cầu giúp đỡ khi gặp khó khăn mà không bị người kia phán xét. Và ngược lại, họ cũng có thể mong đợi điều tương tự từ bạn. "Nếu bạn không thể yêu cầu sự giúp đỡ và họ không thể đáp lại điều đó - đó là không phải là một mối quan hệ đáng tin cậy".
Sự Rộng Lượng
Đôi khi sẽ có những hiểu lầm, hoặc xung đột xảy ra, kể cả những người bạn tin tưởng. Tuy nhiên, khi đó, thay vì vội kết luận hay đả kích họ, hãy mở rộng lòng, để cho người đó thêm một cơ hội để giải thích về hành động của mình và để họ có trách nhiệm hơn với mối quan hệ.
About the author
S. Reen