Trong một mối quan hệ, đôi khi chúng ta im lặng vì không muốn nói những lời làm tổn thương đối phương, đặc biệt khi đang tranh cãi. Nhưng nếu một người dùng im lặng để trừng phạt, kiểm soát hoặc thể hiện quyền lực với người kia thì đó là sự im lặng độc hại.
Im Lặng Độc Hại Là Gì?
Im lặng độc hại là một loại hành vi thao túng, có thể khiến các vấn đề trong một mối quan hệ không được giải quyết triệt để. Nó làm người chịu sự im lặng từ người kia cảm thấy mình không được tôn trọng, bị tổn thương, dẫn đến thất vọng và tức giận.
Khi một người hờn dỗi, bĩu môi hoặc từ chối nói chuyện, người đó đang sử dụng một loại quyền lực tàn nhẫn trong mối quan hệ nhằm kiểm soát tình hình, trốn trách trách nhiệm hoặc không muốn thừa nhận hành vi sai trái. Ví dụ, bạn đang cảm thấy khó chịu khi người yêu lúc nào cũng về nhà muộn. Bạn muốn có một cuộc nói chuyện nghiêm túc để bày tỏ cảm xúc của mình và biết lý do người ấy thường xuyên về muộn.
Nhưng người ấy chỉ nói, “Anh không muốn nói về chuyện này”, hoặc đơn giản là không phản hồi gì cả và hoàn toàn phớt lờ bạn. Hành động này cho thấy người ấy không muốn nhận trách nhiệm về việc đã làm tổn thương bạn, hoặc không muốn thừa nhận để thay đổi hành vi (đi làm về muộn).
Nhiều người còn sử dụng sự im lặng để đạt được điều mình muốn. Khi yêu cầu không được thỏa mãn, người đó sẽ dùng “chiến tranh lạnh”, không nói chuyện với đối phương nhiều ngày hoặc nhiều tuần, cho đến khi nào đạt được mục đích của mình mới thôi. Đó là sự lạm dụng tình cảm.
Im Lặng Độc Hại Khác Với Im Lặng Lành Mạnh Như Thế Nào?
Quay trở lại với ví dụ ở phần trên, nếu người ấy từ chối nói chuyện nhưng chỉ là tạm thời hoãn lại để tìm một thời điểm trao đổi thuận tiện hơn cho hai bên thì đó là im lặng lành mạnh. Còn im lặng độc hại là từ chối thẳng thừng, không bao giờ thảo luận vấn đề dù là bây giờ hay sau này. Cuối cùng, người đó để bạn tiếp tục vật lộn với nỗi đau và sự thất vọng một mình, không cho bạn cơ hội để giải quyết vấn đề, thỏa hiệp hay cố gắng thấu hiểu quan điểm của người đó.
Mà bạn biết đấy, khi vấn đề xuất hiện nhưng không được giải quyết triệt để, nó sẽ tiếp tục “mưng mủ” và ăn mòn mối quan hệ. Khi tích tụ quá nhiều có thể dẫn đến nguy cơ rạn nứt và tan vỡ tình cảm.
Ngoài ra, im lặng lành mạnh cũng được sử dụng trong trường hợp người ta không biết cách thể hiện cảm xúc bản thân hoặc muốn tránh nói những điều mà sau này họ sẽ hối hận. Nhưng im lặng ấy chỉ là nhất thời. Một thời gian trôi qua, khi lấy lại bình tĩnh và sự thông suốt thì họ sẽ chủ động nói chuyện với đối phương để giải quyết vấn đề hoặc nếu vấn đề nhỏ nhặt, họ thường bỏ qua luôn.
Dấu Hiệu Của Im Lặng Độc Hại
Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy mối quan hệ của bạn đang xuất hiện sự im lặng độc hại:
• Họ tránh né các cuộc trò chuyện, tránh giao tiếp bằng mắt, không trả lời điện thoại hoặc tin nhắn.
• Họ sử dụng ngôn ngữ bác bỏ bằng cách nói những câu như "Ai quan tâm?" hoặc “Im đi”.
• Thường xuyên xảy ra “chiến tranh lạnh” và có xu hướng kéo dài thời gian im lặng hơn.
• Sự im lặng chỉ kết thúc khi bạn xin lỗi, cầu xin hoặc chịu nhượng bộ.
• Bạn luôn phải cố gắng thay đổi hành vi của mình để tránh bị người ấy phớt lờ.
• Họ đang nói chuyện với người khác - thậm chí có thể trước mặt bạn - nhưng sẽ không nói chuyện với bạn.
Bạn Cần Làm Gì Nếu Đang Nhận Sự Im Lặng Độc Hại?
Tìm hiểu nguyên nhân đằng sau sự im lặng
Theo Tiến sỹ Tâm lý Kristin Davin, những người im lặng đôi khi cũng là nạn nhân của tổn thương. Họ sợ phải đối diện với vấn đề và xem sự im lặng như tấm khiên tự vệ để bảo vệ cảm xúc chính mình. Cũng có người im lặng là vì họ gặp khó khăn trong việc kiểm soát và thể hiện cảm xúc.
Bởi vậy hãy tìm hiểu câu chuyện phía sau sự im lặng, và hãy cho họ chút thời gian với bản thân.
Nói cho đối phương biết cảm xúc của bạn
Bạn hãy nói cho người ấy biết sự im lặng từ người ấy đang làm bạn thấy thất vọng và cô đơn thế nào. Đó không phải là điều bạn muốn hoặc cần trong một mối quan hệ. Bạn cũng giải thích thêm mình không thể giải quyết vấn đề chỉ bằng cách “chiến tranh lạnh” mãi thế này.
Lưu ý là khi nói, bạn hãy cẩn thận tránh trách móc, đổ lỗi cho đối phương, vì như thế sẽ chỉ gây phản tác dụng. Trong mọi cuộc trò chuyện, khi chưa biết lý do đằng sau sự im lặng của họ, bạn nên đặt sự tin tưởng làm nền tảng và thể hiện rằng bạn muốn hiểu quan điểm của họ, đồng thời nói rõ bạn cảm thấy thế nào khi bị phớt lờ.
Ví dụ, bạn có thể nói: “Anh à, em thấy rất buồn khi gần đây anh không còn nói chuyện với em nữa. Giống như anh đang phớt lờ em vậy. Em sẽ chẳng biết mình đã gây lỗi lầm gì để sửa chữa nếu anh cứ tiếp tục im lặng. Em sẽ luôn ở đây lắng nghe anh nhưng anh có thể nói cho em biết rốt cuộc chuyện gì đang xảy ra không?”
Khéo léo đề xuất các bước tiếp theo cần làm
Khi đưa ra bất kỳ vấn đề nào, bạn cần cố gắng đề xuất các bước tiếp theo, điều hướng đến cuộc thảo luận. Điều này sẽ giúp bạn tập trung vào cuộc trò chuyện và tránh rơi vào trò chơi đổ lỗi.
Trong trường hợp này, bạn có thể khéo léo đề xuất một cuộc trò chuyện vào thời gian khác, để đối phương có thêm không gian sắp xếp lại mọi thứ, bao gồm cảm xúc. Bạn có thể mở lời: “Em biết khi anh ngừng nói chuyện với ai đó nghĩa là anh đang tức giận, khó chịu hoặc cảm thấy buồn. Nếu anh chưa sẵn sàng nói chuyện hoặc cần không gian riêng, em sẽ để anh một mình. Chúng ta có thể dời cuộc nói chuyện sang tuần tới được không? Vì im lặng sẽ không giải quyết được gì cả.”
Bạn không nên
• Phản ứng trong cơn tức giận. Vì điều này chỉ khiến tình trạng thêm căng thẳng
• Van xin hoặc nài nỉ. Vì điều này chỉ khuyến khích người kia tiếp tục hành vi im lặng độc hại trong tương lai.
• Xin lỗi chỉ để chấm dứt tình trạng im lặng, dù bạn không làm gì sai.
• Đe dọa chấm dứt mối quan hệ, trừ khi bạn muốn làm vậy.
• Phớt lờ ngược trở lại, tham gia cuộc chiến “ai im lặng nhiều hơn ai”.
Lời Nhắn
Nếu bạn đã cố gắng trò chuyện nhưng đối phương vẫn không thay đổi và tiếp tục hành vi im lặng độc hại thì có thể đã đến lúc, bạn nên cân nhắc việc rời bỏ mối quan hệ này. Vì tất cả chúng ta đều xứng đáng được yêu thương trong những mối quan hệ lành mạnh và an toàn.
--------------------------------
Bạn có biết, không phải tiền bạc hay danh vọng, sức khỏe tinh thần mới là điều quan trọng nhất để có cuộc sống hạnh phúc?
Tháng 6 này, Her Academy mang đến cho bạn khoá học toàn diện: “TÔI ĐỦ ĐẦY - I Am Enough” kéo dài 8 tuần, giúp bạn thêm hiểu và yêu thương bản thân, từ đó giải quyết từng vấn đề trong cuộc sống bao gồm sức khỏe, tâm trí và các mối quan hệ.
Với các phương pháp thiền để thay đổi tâm trí, và tìm thấy một cuộc sống ý nghĩa hơn, khoá học đầu tiên này của Her Academy sẽ giúp bạn giữ vững niềm tin không gì lay chuyển được rằng “bạn đủ và sẽ luôn là đủ”.
Bạn sẽ nhận được gì?
- 8 videos bài học để thực hành trong 8 tuần, cùng 6 audio luyện tập thiền, tài liệu hướng dẫn thiền với các tư thế yoga, chứa đầy đủ thông tin bạn cần..
- Học trực tuyến tại bất cứ nơi đâu bạn cảm thấy thoải mái, bất cứ thời gian nào trong ngày, trên bất cứ thiết bị gì bạn yêu thích.
- Quyền truy cập tài liệu độc quyền trọn đời.
- Gia nhập nhóm thành viên riêng tư, nơi bạn có thể thoải mái chia sẻ kinh nghiệm và thành công của mình sau mỗi bài học, và trao đổi trực tiếp với giảng viên hướng dẫn.
TÌM HIỂU THÔNG TIN & ĐĂNG KÝ NGAY ĐỂ THAM GIA KHOÁ HỌC "TÔI ĐỦ ĐẦY - I AM ENOUGH" - https://academy.her.vn
About the author
Kim Ngân