Khả năng tương thích tài chính là điều bắt buộc đối với sự thành công chung và tuổi thọ của mối quan hệ. Thật vậy, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các vấn đề về tiền bạc là nguyên nhân thứ ba dẫn đến ly hôn tại Mỹ. Đừng xem nhẹ red flag về tài chính nhé!
Red flag về tài chính là những dấu hiệu đáng lo ngại liên tục liên quan đến tiền bạc hiện đang gây ra các vấn đề trong mối quan hệ hoặc có khả năng gây ra vấn đề đó trong tương lai. Điều này có thể thay đổi theo từng cặp đôi dựa trên tình hình và mục tiêu tài chính tương ứng của mỗi người.
Mặc dù không phải tất cả red flag - các dấu hiệu cảnh báo đều là lý do để phá vỡ một mối quan hệ, nhưng nếu không được giải quyết, có khả năng chúng sẽ tạo ra căng thẳng tài chính và ảnh hưởng đáng kể tới mối quan hệ.
Bạn càng sớm xác định được bất kỳ dấu hiệu cảnh báo tài chính trong mối quan hệ của mình, bạn càng có thể sớm giải quyết chúng. Vì vậy, hôm nay chúng ta sẽ đi tìm hiểu một số dấu hiệu cảnh báo tài chính phổ biến nhất và bạn có thể làm gì nếu nhận thấy dấu hiệu đỏ về tài chính trong mối quan hệ của mình.
Red flag về tài chính thường gặp trong các mối quan hệ
Đối tác của bạn từ chối nói về tiền bạc
Nói về tiền thật khó, đặc biệt là với một đối tác lãng mạn. Nói về thói quen chi tiêu, nợ, điểm tín dụng và mục tiêu tài chính của bạn có thể cảm thấy khó xử và dễ bị tổn thương. Và bạn không đơn độc khi cảm thấy như vậy. Trên thực tế, một cuộc khảo sát gần đây cho thấy mọi người thà nói về bệnh tâm thần, nghiện ma túy, chính trị, chủng tộc, giới tính và tôn giáo hơn là nói về tiền bạc. Buồn cười phải không?
Nicole Carson, một nhà lập kế hoạch tài chính tại Brunch & Budget (New York) cho biết: “Đối với tôi, red flag về tài chính lớn nhất là ai đó không sẵn sàng nói chuyện hoặc che giấu về tài chính của họ”. Điều đó có nghĩa là họ chưa đủ trưởng thành trong cách tiếp cận tiền bạc hoặc họ không coi trọng mối quan hệ của bạn.
Theo Liz Higgins, một nhà trị liệu quan hệ và là người sáng lập Millennial Life Consultant: “Bạn có thể không hỏi về những chi tiết này trong buổi hẹn hò đầu tiên, nhưng sau vài tháng hẹn hò và nếu mối quan hệ dường như đang đi theo hướng nghiêm túc hơn (hoặc bạn hy vọng nó sẽ như vậy), thì bạn nên tìm hiểu về tình trạng sức khỏe tài chính của người ấy. Và khi gặp phải những phản hồi khép kín hoặc không sẵn sàng đối thoại, tôi hoàn toàn coi đây là một dấu hiệu đáng báo động.”
Đối tác của bạn bí mật về thói quen chi tiêu
Mặc dù tất cả chúng ta đều thích lãng mạn hóa ý tưởng về việc người ấy của mình làm chúng ta ngạc nhiên bằng một món quà hoặc kỳ nghỉ bất ngờ, nhưng thực tế của việc chi tiêu bí mật thường ít lãng mạn hơn nhiều.
Chi tiêu bí mật trở thành một mối quan tâm nghiêm trọng khi bạn chia sẻ tài khoản chung với đối tác của mình hoặc đang làm việc cùng nhau để đạt được một mục tiêu tài chính nhất định. Nếu việc chi tiêu bí mật của họ làm cản trở tiến trình hướng tới mục tiêu đó của bạn hoặc không phù hợp với các giá trị tài chính mà hai bạn đã cùng nhau thiết lập, thì việc chi tiêu bí mật đó trở thành hành vi lừa dối và gây tổn hại, và cuối cùng đặt ra câu hỏi, “tại sao bạn lại cảm thấy cần phải giấu tôi điều này? ?”
Vì vậy, cho dù bạn phát hiện ra một biên lai nhàu nát trong thùng rác hay nhận thấy một số khoản phí không giải thích được trên thẻ tín dụng dùng chung, thì việc chi tiêu bí mật cần được giải quyết càng sớm càng tốt.
Họ nói dối về tiền bạc
Cuộc thảo luận về tiền bạc có thể mang lại rất nhiều cảm xúc, nỗi sợ bị phán xét hoặc xấu hổ cũng có thể xuất hiện, đặc biệt nếu tình hình tiền bạc của bạn không được lý tưởng. Nhưng hãy nhớ rằng: Một mối quan hệ lành mạnh được xây dựng một phần dựa trên các giá trị được chia sẻ, tiền cũng có liên quan tới vấn đề này.
Bí mật và dối trá sẽ chỉ khiến bạn xa cách và có khả năng dẫn đến các vấn đề tồi tệ hơn.
Đối tác kiểm soát quá mức tài chính của bạn
Mạng lưới Quốc gia về Chấm dứt Bạo lực Gia đình tại Mỹ báo cáo rằng lạm dụng tài chính xảy ra trong 99% các trường hợp bạo lực gia đình và đặc trưng là sự kiểm soát quá mức đối với tài chính của đối tác.
Cho dù bạn bị hạn chế khả năng tiếp cận tiền, bị cấm làm việc, thông tin tài chính quan trọng bị giấu, bạn bị chỉ trích gay gắt về cách bạn quản lý tiền của mình hoặc người đó đang cố gắng sử dụng tiền như một nguồn quyền lực và đòn bẩy trong mối quan hệ… Bị lấy đi quyền tự chủ tài chính của chính mình là red flag lớn, đừng xem nhẹ điều này.
Đối tác của bạn không hướng tới tương lai
Một đối tác không định hướng tương lai sẽ không quản lý tài chính của họ theo cách chuẩn bị cho tương lai, chẳng hạn như duy trì ngân sách, lập kế hoạch nghỉ hưu hoặc tiết kiệm cho các mốc quan trọng như mua nhà hoặc cho con đi học...
Mặc dù việc phát triển các kỹ năng tài chính cá nhân hướng tới tương lai thường mất thời gian và có thể phụ thuộc nhiều vào tình hình tài chính của mỗi cá nhân, nhưng đối tác không nỗ lực chuẩn bị tài chính cho tương lai có thể thiếu kỷ luật tài chính, mục tiêu dài hạn được xác định hoặc tầm nhìn rõ ràng về tương lai của bạn với nhau.
Cuối cùng, vấn đề không phải là họ kiếm được bao nhiêu tiền, mà là hiểu rõ mối quan hệ của họ với tiền bạc.”
Nếu họ không thể cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào về nhu cầu và mục tiêu của họ, thì bạn sẽ không biết liệu các bạn có chia sẻ các giá trị và có thể cùng nhau đưa ra các quyết định quan trọng trong cuộc đời hay không.
Họ có vấn đề về nợ nần
Bản thân việc mắc nợ không phải là một dấu hiệu cảnh báo, mà là cách họ xử lý nó.
Chuyên gia về tiền tệ Nicole Lapin giải thích: “Khi bạn kết hôn với ai đó, họ sẽ gánh khoản nợ của bạn và ngược lại, vì vậy bạn phải biết về tình hình tài chính của họ nếu mọi thứ trở nên nghiêm trọng. Tôi sẽ không gọi đó là một dấu hiệu nguy hiểm cho việc hẹn hò, nhưng chắc chắn đó là điều cần thảo luận trước khi mối quan hệ tiến triển.”
Xem xét loại nợ, liệu họ có kế hoạch trả nợ hay không và cách thực hiện hiệu quả như thế nào.
Đối tác của bạn tiết kiệm quá mức với tiền của họ nhưng lại vung tay với tiền của bạn
Đối tác của bạn có nhiều lần “để quên ví ở nhà” khi đi ra ngoài cùng nhau không? Họ có hứa sẽ tham gia vào một giao dịch lớn với bạn chỉ để không bao giờ trả tiền cho một nửa của mình không? Có phải họ chỉ sẵn sàng đi uống cà phê hoặc đi xem phim nếu đó là tiền của bạn? Vậy thì chúng ta lại một “lá cờ” đỏ chót.
Mặc dù một đối tác tiết kiệm quá mức với tiền của họ có thể làm như vậy dưới chiêu bài thận trọng về mặt tài chính, nhưng điều này sẽ hoàn toàn bị phủ nhận khi họ tiếp tục đối xử ngược lại với tiền của bạn. Điều này thường thể hiện niềm tin sâu sắc rằng thời gian, công việc và tiền bạc của bạn ít giá trị hơn của chính họ, điều này mang lại những tác động nghiêm trọng về tài chính và quan hệ.
Đối tác của bạn liên tục vay tiền từ bạn bè và gia đình
Không có gì lạ khi phải vay tiền từ bạn bè hoặc thành viên gia đình vào lúc này hay lúc khác. Nhưng vay tiền trở thành vấn đề lớn khi nó trở thành một hành vi lặp đi lặp lại mà không có bất kỳ nỗ lực nào để phá vỡ khuôn mẫu. Việc vay tiền không chỉ nhanh chóng trở thành gánh nặng cho bạn bè và gia đình mà còn cho thấy đối tác của bạn không thể quản lý tốt tiền của họ và có thể thiếu tôn trọng sự hào phóng cũng như ranh giới tài chính của người khác.
Giá trị tài chính của đối tác không phù hợp với bạn
Các giá trị tài chính của bạn sẽ giúp bạn tạo ngân sách phù hợp với lối sống của mình và giúp bạn đạt được các mục tiêu tài chính của mình.
Mặc dù trong giai đoạn đầu của mối quan hệ, không thể đòi hỏi tất cả các giá trị tài chính giống nhau, nhưng khi bạn muốn cùng nhau xây dựng một tương lai, những giá trị tài chính này sẽ vô cùng cần thiết để duy trì sự lành mạnh về tài chính nói riêng và mối quan hệ nói chung.
Một đối tác không chia sẻ các giá trị tài chính của bạn có thể không cùng nhau chia sẻ tầm nhìn về tương lai tài chính của bạn, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến những nỗi thất vọng, những điều đáng lo ngại và khả năng đau lòng trong tương lai.
Phải làm gì nếu bạn thấy red flag về tài chính?
Đây là tin tốt: Không phải tất cả các dấu hiệu đỏ về tài chính đều là bản án tử hình cho mối quan hệ. Trên thực tế, đó có thể là cơ hội để bạn và đối tác của mình đưa mối quan hệ lên tầm cao mới, ngày càng gắn bó, thấu hiểu hơn và lành mạnh hơn (với điều kiện là cả hai bạn đều sẵn sàng trung thực và nỗ lực để đưa mối quan hệ của mình tiến tới một hướng tốt đẹp hơn).
Hãy xác định xem red flag trong mối quan hệ của bạn có thể được giải quyết hay không?
Nếu bạn quyết định tìm kiếm một giải pháp, hãy bắt đầu một cuộc trò chuyện minh bạch với đối tác của mình, trong đó bạn trình bày những lo lắng của mình, lý do bạn cảm thấy những lo lắng này và cách bạn muốn giải quyết chúng.
Cách đối tác của bạn phản ứng với cuộc trò chuyện này sẽ nói lên suy nghĩ của họ và cơ hội giải quyết của bạn: nếu họ sẵn sàng và chân thành để cùng nhau giải quyết các vấn đề, thì đó là một dấu hiệu tốt cho thấy họ sẵn sàng thay đổi để cải thiện mối quan hệ.
Tìm sự trợ giúp của chuyên gia
Có thể đáng để gặp một cố vấn chuyên nghiệp, người sẽ cung cấp cho bạn các công cụ và chiến lược bạn cần để cải thiện giao tiếp tài chính của mình. Một cố vấn cũng có thể giúp bạn và đối tác của bạn áp dụng một số hệ thống nhất định để giúp giảm thiểu rủi ro khi những red flag về tài chính xuất hiện trở lại.
Biết khi nào nên bỏ đi
Chúng ta vẫn đang sống trong một xã hội mà phần lớn sẽ được khuyên rằng nên cố gắng nhẫn nhịn, chịu đựng những hoàn cảnh kém lý tưởng để đổi lấy sự an toàn (cả về tài chính). Tuy nhiên, nếu người ấy luôn phản hồi sự nỗ lực xây đắp mối quan hệ bằng sự từ chối hoặc gạt bỏ mối quan tâm của bạn, thì đây có thể là dấu hiệu cho thấy đã đến lúc bạn nên từ bỏ mối quan hệ. Bạn hoàn toàn xứng đáng được ở trong một mối quan hệ phù hợp với các giá trị và mục tiêu của bạn trong tương lai, một mối quan hệ tốt cho cả tinh thân cũng như sức khỏe tổng thể của bạn và nó phải được xây dựng trên sự tôn trọng lẫn nhau - tài chính là một phần quan trọng trong đó.
Mặc dù việc bỏ đi có thể vô cùng khó khăn, nhưng hãy luôn nhớ đó là cách để bảo vệ bản thân và tương lai của bạn đồng thời dành cho bản thân sự tôn trọng mà bạn xứng đáng có được.
Đừng quên follow Her trên Instagram @thisishervn để nhận thêm nhiều thông tin bổ ích và thú vị nhé!
About the author
Chi