Áp dụng 4 kỹ năng trong kinh doanh để cải thiện mối quan hệ

YÊU

Áp dụng 4 kỹ năng trong kinh doanh để cải thiện mối quan hệ

authorBy Kim Ngân
Share on
Share on
Áp dụng 4 kỹ năng trong kinh doanh để cải thiện mối quan hệ

Bạn đang gặp rắc rối trong mối quan hệ? Dù là chiến tranh “nóng” hay “lạnh”, bài viết này sẽ gợi ý một giải pháp đến từ thế giới kinh doanh. Có thể bạn sẽ không bao giờ nghĩ các kỹ năng dùng trong lĩnh vực khô khan, khó nhằn này lại ứng dụng được vào trong chuyện tình cảm. Nhưng có 4 kỹ năng, mà người làm kinh doanh thường sử dụng, có thể giúp bạn và người yêu vượt qua những khó khăn hiện tại, thậm chí còn cải thiện chất lượng mối quan hệ.


Kỹ Năng 1: Sử Dụng Phản Hồi Theo Kiểu “Sandwich”


Trong công việc, khi muốn đưa ra lời nhận xét không mấy “dễ nghe”, để tránh người tiếp nhận cảm thấy bị tổn thương hay phật lòng, người ta hay dùng phương pháp phê bình theo kiểu “sandwich”. Nghĩa là bạn “kẹp” lời phê bình ở giữa khen ngợi và kỳ vọng.


Đầu tiên, bạn nói điều gì đó tích cực như khen ngợi hoặc đánh giá cao đối phương. Tiếp theo, bạn đưa ra nhận xét, phê bình – đây chính là trọng điểm của cuộc nói chuyện. Bánh sandwich thì ngon nhất ở phần chính giữa, phải không? Cuối cùng, bạn nói lời động viên, kỳ vọng theo hướng bạn mong muốn ở người nghe.


Phương pháp này nhằm làm dịu đi những phê bình bạn sắp nói, giúp người nghe dễ tiếp nhận vấn đề hơn trong tinh thần vui vẻ vì được khen trước đó.


Tương tự, trong một mối quan hệ mà những lời chỉ trích và tiêu cực nhiều hơn phản hồi tích cực thì việc bạn áp dụng công thức “sandwich” trên sẽ làm xoa dịu bầu không khí căng thẳng. Bạn cần lưu ý là nên khen một cách chân thành, thực tế chứ không phải khen cho có để rồi phê bình một cách thậm tệ. Vì như vậy sẽ chỉ gây phản tác dụng.



Kỹ Năng 2: Đưa Ra Nhiều Nhận Xét Tích Cực Hơn Tiêu Cực


Một trong những lý do khiến phương pháp phản hồi kiểu “sandwich” có hiệu quả là nó làm tăng số lượng những điều tích cực mà bạn nói với người khác. Tuy vậy, chỉ phương pháp này thôi vẫn chưa đủ. 


Trong một nghiên cứu cùng với nhiều cặp yêu nhau và vợ chồng, Tiến sĩ John Gottman đã phát hiện ra một tỷ lệ kỳ diệu là 5:1. Nghĩa là một mối quan hệ lành mạnh thường có 5 tương tác tích cực tương ứng với mỗi 1 tương tác tiêu cực. Các cặp đôi thường có mối quan hệ ổn định và hạnh phúc luôn chia sẻ nhiều cảm xúc và hành động tích cực nhiều hơn tiêu cực. Ngược lại, những đôi không mấy hạnh phúc có xu hướng chỉ trích nhau, liên tục đưa ra phản hồi tiêu cực nhưng lại rất ít khi khen ngợi, đánh giá cao, hoặc không quan tâm, ủng hộ nhau. Điều này đã dẫn đến sự mất cân bằng trong mối quan hệ.


Như vậy, mỗi khi bạn đưa ra một nhận xét phê bình hoặc khiến đối phương thấy tiêu cực, bạn cần bù lại bằng năm hành động tích cực. Ví dụ như làm việc nhà, ôm hôn người ấy nhiều hơn, dành thời gian trọn vẹn bên người ấy, khen ngợi một cách chân thành, lắng nghe những tâm sự của người ấy…


Kỹ Năng 3: Mượn Các Kỹ Thuật Giải Quyết Xung Đột Từ Kinh Doanh


Bạn có thể sử dụng các kỹ thuật giải quyết xung đột trong kinh doanh cho mối quan hệ của bạn. Ví dụ mô hình Thomas-Kilmann giới thiệu năm hình thức giải quyết xung đột khác nhau, sau đó đề xuất các nhà quản lý xác định hình thức nào phù hợp với họ và nhân viên của mình. Năm hình thức đó là:


1. Competing (Cạnh tranh). Hình thức này mang tính quyết liệt nhằm đạt được mong muốn của bản thân mà không cân nhắc đến ý kiến của người khác.

2. Collaborating (Hợp tác). Hình thức này cân nhắc đến tất cả ý kiến của mọi người để đưa ra phương án giải quyết làm hài lòng đôi bên. 

3. Compromising (Thỏa hiệp). Hình thức đưa ra giải pháp mà chỉ đạt được một phần mong muốn của hai bên. Chúng ta thường hay nói “hai bên nhường nhau một chút để cùng chiến thắng” là vậy.

4. Accommodating (Thích nghi). Hình thức “hy sinh quên mình”, bỏ qua mong muốn cá nhân để nghe theo ý kiến hoặc thỏa mãn mục đích của người khác.

5. Avoid (Tránh né). Hình thức này dùng để tránh né vấn đề, cả hai bên đều không đạt được mục đích của mình.


Để áp dụng năm hình thức giải quyết xung đột trên vào mối quan hệ, bạn hãy suy nghĩ xem bạn và đối phương đang dùng hình thức nào mỗi khi có mâu thuẫn. Sau đó, hãy thử chọn một hình thức khác với cả hai đang dùng mà phù hợp hơn. Ví dụ, có thể người yêu bạn có xu hướng muốn dùng tránh né để giải quyết xung đột, trong khi bạn lại cố gắng đoán những gì người ấy mong muốn để đáp ứng mà bỏ qua ý muốn bản thân. 


Để thay đổi, bạn có thể thử trò chuyện với người yêu rằng bạn muốn cùng nhau tìm ra giải pháp nhưng đối phương cần phải nói ra chứ đừng tránh né. Sau khi cẩn thận lắng nghe những gì người ấy nói, bạn hỏi xem người ấy có muốn bạn nói ra suy nghĩ trong lòng không. Điều này không phải để khiến đối phương đáp ứng nhu cầu của bạn mà là nhằm mở ra khả năng hai bạn có thể cùng nhau tìm hiểu để đưa ra giải pháp tốt cho hai bên. 





Kỹ Năng 4: Áp Dụng Các Kỹ Thuật Phỏng Vấn Tạo Động Lực


Phỏng vấn tạo động lực (Motivational Interviewing) ban đầu là kỹ thuật dùng để giúp những người nghiện, lạm dụng chất kích thích; được phát triển bởi các nhà tâm lý học là William R. Miller và Stephen Rollnick. Mục đích là để giúp người đó nhận ra mong muốn thay đổi từ chính mình. Hiện nay, phương pháp cũng được áp dụng trong kinh doanh nhằm khuyến khích nhân viên nói về nhu cầu thay đổi và lý do muốn thay đổi, từ đó thúc đẩy nhân viên phát triển bản thân theo hướng tốt hơn.


Phỏng vấn tạo động lực sẽ không hiệu quả nếu bạn cố gắng áp đặt ý kiến của mình hoặc thuyết phục người đó làm việc gì. Trọng tâm ở đây là từ những câu hỏi mở, bạn sẽ “khơi ra” mong muốn, động lực thật sự của đối phương, sau đó để đối phương tự làm chủ hành động. Bởi các nhà tâm lý tin rằng, ý muốn hoặc động lực thay đổi phải xuất phát từ chính bản thân người đó chứ không phải do người ngoài tác động.


Trong mối quan hệ, kỹ thuật này có thể giúp thay đổi một cuộc tranh cãi vô tận và không có kết quả thành một cuộc trò chuyện cởi mở để tìm ra giải pháp hợp lý. Bạn chỉ cần ghi nhớ ba yếu tố chính để áp dụng kỹ thuật này thành công, đó là: sự hợp tác (chứ không đối đầu), khai thác ý kiến đối phương (chứ không áp đặt ý kiến của mình), khơi gợi cho đối phương tự thay đổi và chịu trách nhiệm về hành động của mình.


4 kỹ năng trên có thể giúp hai bạn giải quyết các xung đột, thương lượng với nhau để tiếp tục gắn bó lâu dài. Ngay cả khi hai bạn không thể hàn gắn mối quan hệ đã “sứt mẻ” quá sâu, bạn vẫn có thể nói lời chia tay mà không gây tổn thương cho nhau.

About the author

Ngân là một người viết chuyên về chủ đề tình yêu – tình dục.

Cô thích làm việc với chữ nghĩa, có niềm hứng thú với chuyện “người lớn”, mong muốn dùng con chữ của mình để vén bức màn bí ẩn về tình dục, đem đến cái nhìn cởi mở hơn cho mọi người về chủ đề nhạy cảm và khó nói này.

Câu slogan yêu thích của cô: Sống văn hóa – Yêu văn minh – Làm tình có trách nhiệm.

Theo dõi Ngân tại: https://itsreallove.net/

author

Kim Ngân

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!