Yêu xa chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt trong tình hình đại dịch vẫn diễn biến phức tạp trên khắp thế giới như hiện nay. Vậy nếu muốn yêu xa mà không bị “cách lòng”, chúng ta cần làm gì?
Tăng Cường Sự Bền Chặt Của Mối Quan Hệ
Một trong những điều giết chết các mối quan hệ yêu xa là sự thiếu chắc chắn luôn tiềm ẩn trong suy nghĩ của một hoặc cả hai người. “Liệu anh ấy có đang bí mật gặp gỡ cô gái nào không?”, “Dạo gần đây cô ấy ít nói chuyện với mình hẳn, không lẽ cô ấy chẳng còn tình cảm với mình như trước?”, “Liệu những gì mình bỏ ra cho tình yêu này có xứng đáng không?”…
Càng xa nhau lâu, những bất ổn trong tâm lý càng tích tụ dần thành quả bom nổ chậm, chỉ chực chờ cơ hội thích hợp (một câu nói vô tâm, một lời trách móc vô ý) là bùng phát. Đó là lý do bạn cần thực hiện những việc giúp tăng cường sự chắc chắn khi yêu xa.
Hãy cùng nhau chia sẻ những khoảnh khắc đặc biệt như những ngày lễ, sinh nhật hay cuộc sống thường nhật. Hỗ trợ lẫn nhau, kể cả từ khoảng cách xa xôi. Hãy “ở bên” đối phương khi họ gặp rắc rối, bị tổn thương hay vì bất cứ lý do gì, chỉ đơn giản là họ rất cần bạn. Hãy luôn sẵn sàng giúp đỡ để đối phương biết rằng bạn quan tâm tới họ. Nếu đối phương phải một mình giải quyết những vấn đề quan trọng của họ, cuối cùng họ sẽ không còn cần tới bạn nữa.
Bên cạnh đó, hãy cố gắng cùng làm những việc giống nhau trong cùng một thời điểm. Điều này sẽ khiến hai bạn cảm thấy kết nối với nhau hơn, khoảng cách sẽ được thu hẹp lại. Nếu bạn không chắc mình nên làm gì, hãy thử những việc dưới đây:
- Lên kế hoạch nấu cùng một món ăn trong cùng một ngày. Nếu cả hai bạn đều không thích nấu nướng, hãy lên kế hoạch ăn những món ăn hoặc đồ ăn vặt giống nhau.
- Cùng đọc một cuốn sách hoặc đọc cho nhau nghe.
- Cùng xem chương trình truyền hình hoặc một bộ phim rồi chia sẻ cảm xúc với nhau.
Bạn cũng nên đặt ra những mục tiêu, cột mốc mà cả hai cùng mong đợi. Đó có thể là lần tiếp theo hai bạn gặp nhau, một kế hoạch đi chơi cùng nhau hoặc lời hứa năm sau sẽ đến lập nghiệp ở thành phố nơi người kia đang sống.
Chỉ khi đặt ra những mục tiêu quan trọng mà cả hai phải cùng nhau đạt được thì mới tạo sự chắc chắn, yên tâm về mặt tình cảm, cũng như thúc đẩy mối quan hệ phát triển hơn. Hai bạn có thể sống xa nhau, đang đi những con đường khác nhau nhưng cần phải tạo nhiều điểm hội tụ để gặp nhau. Nếu không, chắc chắn hai bạn sẽ lạc lối.
Trao Đổi Trung Thực Và Thẳng Thắn Về Suy Nghĩ Của Nhau
Có một điểm bất lợi rõ nhất khi yêu xa đó là ta không thể nhìn thấy nhau. Ta ít tiếp xúc với người đó trong mọi hoàn cảnh nên dễ đưa ra các giả định hoặc đánh giá thường mang tính phóng đại hoặc hoàn toàn sai lầm. Nếu người yêu bạn siêu nhạy cảm, có xu hướng làm quá mọi chuyện thì chỉ cần một sai sót nhỏ nhặt xảy ra cũng có thể là dấu chấm hết cho mối quan hệ. Ví dụ tối hôm đó mất điện và bạn bỏ lỡ cuộc gọi mỗi đêm của người yêu: bùm, anh ấy “block” bạn trên mọi mặt trận. Mối quan hệ kết thúc một cách lãng nhách.
Hoặc một số khác đi theo hướng ngược lại là lý tưởng hóa người yêu mình vô cùng hoàn hảo. Suy cho cùng, người ấy không ở trước mặt bạn cả ngày nên bạn dễ quên đi những tính cách khó ưa khiến bạn khó chịu. Chẳng phải đời trở nên đẹp hơn khi bạn cho rằng ngoài kia có một người hoàn hảo chỉ dành cho bạn?
Dù trong trường hợp nào thì tất cả giả định, đánh giá mang tính phóng đại và phi lý nêu trên đều gây hại cho mối quan hệ. Vì vậy, bí kíp thứ hai để giữ cho tình yêu xa bền lâu là hãy thành thật nói với đối phương những suy nghĩ, cảm xúc của bạn. Vì bạn không có mặt ở đó nên bạn chắc chắn không biết điều gì thật sự đang diễn ra. Đừng suy diễn hay võ đoán. Hãy cố gắng kiểm soát cảm xúc, bình tĩnh hỏi đối phương suy nghĩ của họ và cho họ biết những nỗi lo của bạn để tìm ra cách giải quyết phù hợp.
Đừng Ép Buộc Nhau Phải Nói Chuyện Mỗi Ngày
Rất nhiều cặp đôi yêu xa đặt ra quy tắc mỗi ngày sẽ có X cuộc gọi hoặc cần nói chuyện hằng đêm vào một thời điểm nhất định. Nhiều bài viết trên mạng cũng khuyên nhủ điều này để duy trì mối quan hệ.
Cách làm ấy có thể hiệu quả với một số người, nhưng về bản chất, giao tiếp nên diễn ra một cách tự nhiên. Bạn nói chuyện với nhau khi muốn chứ không vì bạn phải làm vậy. Và nếu điều đó có nghĩa hai, ba ngày không có cuộc gọi hay tin nhắn hỏi thăm thì cũng là chuyện bình thường. Bởi rốt cuộc mọi người vẫn sẽ có những lúc bận rộn với cuộc sống cá nhân.
Giao tiếp là điều rất quan trọng trong mọi mối quan hệ dù xa hay gần, nhưng không phải lúc nào giao tiếp nhiều hơn cũng tốt hơn khi yêu xa. Nếu bạn đặt mình vào tình thế “ép” nhau nói chuyện thì có thể xảy ra hai điều.
Thứ nhất, bạn chắc chắn gặp phải những ngày không có nhiều điều để nói (hoặc cảm thấy không muốn nói). Bạn bắt đầu thấy mình có “nghĩa vụ” phải dành thời gian cho đối phương chứ không phải vì bạn muốn làm thế. Giao tiếp dần trở nên tẻ nhạt và buồn chán.
Thứ hai là một hoặc cả hai bạn sẽ bắt đầu bực bội khi cảm thấy bắt buộc phải kết nối. Sự bực bội này sẽ châm ngòi cho những cuộc cãi vã “thiếu chất xám” kiểu như, “Anh đang hy sinh quá nhiều cho em”, “Không, phải là em chứ!”. Và trò chơi kể công này không bao giờ giải quyết được điều gì.
Cách tốt nhất để tránh những rắc rối này là không buộc nhau phải nói chuyện mỗi ngày. Nghĩa là hai bạn nói chuyện với nhau khi muốn, và cả hai cần tôn trọng lựa chọn của đối phương. Xét cho cùng, người ấy không phải là nô lệ của bạn. Nếu đối phương đang có một tuần bận rộn và căng thẳng hoặc cần thời gian ở một mình thì bạn cần tôn trọng ý muốn của người ấy.
Nhưng bạn cũng cần xem xét tần suất nói chuyện của đối phương để “bắt mạch sức khỏe” của mối quan hệ. Nếu người ấy bỗng nhiên muốn nói chuyện chỉ vài lần một tuần thay vì vài lần một ngày thì đó có thể là dấu hiệu “đỏ”. Lúc này, bạn cần có một cuộc nói chuyện trung thực để hỏi xem có điều gì đang bất ổn giữa hai người không.
Đảm Bảo Rằng Yêu Xa Chỉ Là Tạm Thời
Chuyện tình yêu xa sẽ không thể tồn tại nếu không có kỳ vọng về viễn cảnh cả hai sẽ ở bên nhau và hạnh phúc mãi mãi. Nếu không có tầm nhìn chung đó thì mọi thứ khác sẽ trở nên vô nghĩa.
Bạn chìm đắm trong tình yêu nhưng đừng quên chỉ yêu thôi thì chưa đủ. Cả hai cũng cần có quan điểm sống phù hợp với nhau, chia sẻ các giá trị và lợi ích chung. Nếu cô ấy vừa ký hợp đồng làm việc 10 năm tại Nhật còn bạn đang mỗi ngày đến văn phòng tại tòa nhà Bitexco thì sẽ không có nhiều tương lai cho mối quan hệ này, dù hai bạn yêu nhau đến mức nào.
Không chỉ có chung một tầm nhìn nào đó cho tương lai tươi sáng của cả hai mà hai người còn phải hành động để hướng tới tầm nhìn ấy. Nếu cô ấy đang ở Hà Nội và bạn ở TP. Hồ Chí Minh thì không gì giết chết mối quan hệ nhanh bằng một người ứng tuyển việc làm ở Nhật còn người kia thì nộp đơn ở Singapore.
Đừng Bỏ Bê Cuộc Sống Của Chính Bạn
Yêu xa đòi hỏi chúng ta phải hy sinh nhiều hơn so với yêu gần. Nhưng điều quan trọng là bạn cần cẩn thận, không để mình phải hy sinh nhiều hơn mức cần thiết. Vì điều này có thể tạo ra sự oán giận và hối tiếc theo thời gian. Đặc biệt khi mối quan hệ cứ ngỡ chỉ xa nhau trong khoảng thời gian đã hứa hẹn trước, đột nhiên cần phải kéo dài thêm vì hoàn cảnh. Việc trì hoãn này sẽ khiến bạn hụt hẫng, bối rối và bất an.
Bạn hãy tập trung sống và đầu tư vào chính mình, để bạn không phải bị ảnh hưởng quá nhiều về việc có người ấy ở gần bên hay không. Hơn nữa, một lý do khiến chúng ta luôn thấy lo lắng, bất an trong mối quan hệ yêu xa là dành quá nhiều thời gian cho đối phương. Cuộc sống của bạn chỉ xoay quanh người ấy nên nhất cứ nhất động của họ đều khiến bạn thấp thỏm. Thay vì vậy, bạn nên hướng sự chú ý ra nhiều thứ khác, tập trung chăm sóc bản thân, đầu tư vào sự nghiệp, mở rộng các mối quan hệ, sống trọn vẹn mỗi ngày. Có như vậy, dù cho tương lai diễn biến theo hướng nằm ngoài kế hoạch của hai bạn (như việc yêu xa sẽ kéo dài hơn hoặc một trong hai muốn bỏ cuộc), bạn vẫn nhanh chóng thích nghi và vững vàng trước mọi đổi thay.
Và hãy nhớ, khi yêu xa, chuyện hai người rất dễ tranh cãi là điều bình thường. Khi không ở gần nhau, không đối mặt, không được cảm nhận cảm xúc của nhau, bạn cũng rất dễ để buột miệng nói ra những điều gây tổn thương. Hãy đặc biệt cẩn thận khi suy đoán câu từ của đối phương (bởi nó có thể không phải là ý anh ấy muốn nói), cũng như những gì bạn nói khi tức giận.
About the author
Kim Ngân