Đồ ăn Thái đang ngày một trở nên phổ biến với các món ăn đậm đà gia vị đặc trưng của xứ sở chùa vàng, và màu sắc đa dạng của các nguyên liệu. Các món ăn truyền thống của Thái Lan thường có các loại rau, hải sản và thịt, ăn kèm cùng với cơm hoặc mì và nêm bằng các loại thảo mộc như nghệ, riềng, húng quế và sả, cùng khá nhiều gia vị muối, đường… Bài viết này sẽ chỉ ra cho bạn những lợi ích cho sức khỏe của của các nguyên liệu và món ăn nổi tiếng của Thái Lan.
Dinh dưỡng trong đồ ăn Thái Lan
Các món ăn của người Thái thường có sự cân bằng tốt giữa các chất dinh dưỡng đa lượng – protein, chất béo và carbs. Các món cà ri, món xào và súp được chế biến từ nhiều loại rau, bao gồm nguồn protein như đậu phụ, thịt nạc hoặc hải sản và chứa nước cốt dừa, nước sốt đậu phộng hoặc chất béo khác.
Các loại rau được sử dụng phổ biến nhất trong món ăn của người Thái là loại không chứa tinh bột, chẳng hạn như ớt, cà chua, bắp cải, bông cải xanh, cà rốt và hành tây. Những loại rau này chứa nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất và nhiều loại hợp chất hỗ trợ tiêu hóa tốt và có lợi cho sức khỏe tổng thể.
Ăn các bữa ăn gồm rau không chứa tinh bột, protein và chất béo giúp bạn duy trì lượng đường trong máu ổn định suốt cả ngày. Điều này giúp duy trì năng lượng bền vững và hỗ trợ giảm cân.
Bên cạnh đó, các món ăn Thái Lan nổi tiếng với việc kết hợp các loại thảo mộc và gia vị, nhiều loại trong số đó đã được nghiên cứu về lợi ích đối với sức khỏe. Dưới đây là một số nguyên liệu món Thái được sử dụng rộng rãi nhất và thông tin về dinh dưỡng cũng như những lợi ích sức khỏe của chúng.
Riềng
Tương tự như gừng và củ nghệ, riềng thường được sử dụng trong nước sốt, bột cà ri và các món ăn như súp tom yum. Các nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy rễ cây này có chứa các hợp chất có thể tiêu diệt tế bào ung thư. Các nghiên cứu trên người cũng cho thấy riềng có thể giúp kháng viêm và giảm đau hiệu quả.
Húng quế Thái
Loại thảo mộc này được sử dụng trong món cà ri, cơm chiên và các món xào. Nghiên cứu cho thấy rằng dầu và chiết xuất từ cây húng quế có thể hỗ trợ kiểm soát căng thẳng, bảo vệ cơ thể chống lại lượng đường trong máu cao ở những người mắc bệnh tiểu đường.
Nghệ
Củ nghệ không chỉ tạo màu cho cà ri mà còn cung cấp nhiều lợi ích sức khỏe liên quan nhờ hoạt chất chính của nó là curcumin. Cụ thể, chất curcumin có tác dụng chống viêm mạnh mẽ, tăng cường chức năng não và tạo tế bào não. Các hợp chất khác trong nghệ cũng cho thấy khả năng bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường và bệnh tim.
Sả
Sả thêm hương vị cho món Tomyum và giúp tăng cường sức khỏe cùng sức đề kháng của bạn. Các nghiên cứu trên loài chuột cho thấy rằng tinh dầu sả chanh thể giúp bảo vệ chống loét dạ dày và giảm mức cholesterol trong máu cao – một yếu tố nguy cơ gây bệnh tim.
Giá đỗ
Giá đỗ xanh được dùng trong các món canh, món xào và món ăn Thái. Chúng rất giàu các loại vitamin và khoáng chất, cung cấp hơn 30% Giá trị hàng ngày (DV) cho vitamin K và 15% DV cho vitamin C trong 104gram. Vitamin K là một chất dinh dưỡng quan trọng để đông máu thích hợp, trong khi vitamin C cần thiết cho việc sản xuất collagen, hệ thống miễn dịch và làn da khỏe mạnh.
Ớt sừng (ớt thái)
Ớt tươi và khô được thêm vào nhiều món ăn Thái để tạo độ nồng và hương vị. Ớt sừng chứa nhiều hợp chất thực vật có lợi cho sức khỏe, bao gồm capsaicin – chất đem lại hương vị, cũng như sắc tố capsanthin, chịu trách nhiệm về màu sắc đỏ. Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng ăn thức ăn cay có capsaicin thúc đẩy đốt chất béo và giảm cảm giác thèm ăn.
Đu đủ
Gỏi đu đủ xanh là một món ăn nổi tiếng của người Thái. Đu đủ rất giàu chất chống oxy hóa, chẳng hạn như lycopene, có tác dụng chống lại các phân tử phản ứng gây hại tế bào được gọi là các gốc tự do. Lycopene có tác dụng chống ung thư và bảo vệ da khỏi bị lão hóa và hư hại.
Nước cốt dừa
Nước cốt dừa thường được sử dụng trong các món cà ri và súp của Thái Lan. Trong khi các tác dụng đối với sức khỏe của dừa còn được tranh luận rộng rãi do hàm lượng chất béo bão hòa cao, thì nước cốt dừa lại có vô vàn lợi ích. Một nghiên cứu ở 60 người trưởng thành khỏe mạnh ở châu Á cho thấy rằng ăn các món làm từ nước cốt dừa 5 ngày một tuần trong 8 tuần làm giảm đáng kể cholesterol LDL (xấu) và tăng cholesterol HDL (tốt), so với mức cơ bản của họ.
Đậu phụ
Đậu phụ, thường được thêm vào món pad Thái và rất nhiều món ăn khác, chứa các hợp chất gọi là isoflavone, hoạt động tương tự như hormone estrogen trong cơ thể. Isoflavone có khả năng cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu lớn ở hơn 40.000 người trưởng thành Trung Quốc cho thấy ăn thực phẩm từ đậu nành không đường ít nhất một lần mỗi tháng trong vòng 5 năm có tác dụng trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Hải sản
Nhiều món ăn Thái có tôm, cua, cá trắng và các loại như ngao, sò khác. Hải sản là một nguồn protein nạc tuyệt vời và cung cấp vitamin, khoáng chất và chất béo omega-3 lành mạnh. Nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc ăn hải sản thường xuyên với việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim và bệnh tiểu đường loại 2.
Những điều cần lưu ý khi thưởng thức món Thái
Mặc dù một số món ăn Thái có sự cân bằng tốt giữa các chất dinh dưỡng và các thành phần tăng cường sức khỏe, nhưng có một số điểm cần lưu ý như sau.
Cơm chiên và cơm tấm của người Thái thường được làm với tỷ lệ gạo trắng và mì gạo lớn hơn so với các nguyên liệu khác. Ăn quá nhiều carbs tinh chế, như gạo trắng và mì có thể làm tăng cân và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và các bệnh khác
Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ đồ chiên rán với việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim, huyết áp cao và một số bệnh ung thư. Thực phẩm chiên rán cũng chứa nhiều natri, một chất dinh dưỡng mà khi tiêu thụ quá mức có thể góp phần làm tăng huyết áp và làm hỏng các mạch máu ở tim và thận. Cuối cùng, một số món ăn Thái có nhiều đường, đặc biệt là các món tráng miệng và trà sữa Thái làm thường có thêm cả sữa đặc. Ăn quá nhiều đường bổ sung có thể dẫn đến tăng cân, sâu răng và các tác dụng phụ khác đối với sức khỏe.
About the author
Ngọc Anh