Vụ việc 400 học sinh Trường iSchool Nha Trang bị ngộ độc thực phẩm đã gây hoang mang cho dư luận vài ngày qua. Thông tin từ Sở Y tế Khánh Hòa, nguyên nhân ban đầu gây nên vụ ngộ độc là do khuẩn Salmonella. Khuẩn này thường có trong thức ăn, có thể gây ngộ độc, thậm chí tử vong.
Khuẩn salmonella gây ngộ độc thực phẩm là gì?
Vi khuẩn salmonella gây nhiễm trùng đường ruột là loại vi khuẩn thường sống trong ruột của động vật và người, được thải ra ngoài môi trường qua phân. Chúng ta thường có nguy cơ nhiễm salmonella qua thực phẩm bị ô nhiễm.
Vi khuẩn Salmonella được tìm thấy ở nhiều loại thực phẩm, bao gồm thịt gà, thịt bò, thịt lợn, trứng, trái cây, rau mầm, các loại rau khác và thậm chí cả thực phẩm chế biến sẵn, đồ đông lạnh… Bạn có thể bị nhiễm trùng nếu không nấu chín một số loại thức ăn đủ kỹ. Ngoài ra, Salmonella có thể được lây nhiễm từ thực phẩm này sang thực phẩm khác bằng tay hoặc dao, thớt, đĩa và các dụng cụ nhà bếp khác.
Tuy nhiên, CDC Hoa Kỳ cũng cho hay thực phẩm không phải là con đường duy nhất mà Salmonella lây sang người. Vi khuẩn cũng lây lan qua nước bị ô nhiễm, môi trường, người sang người và động vật.
Ngay cả vật nuôi và động vật có thể tiếp xúc tại vườn thú, trang trại… cũng có thể mang vi khuẩn Salmonella và các vi trùng có hại khác.
Khuẩn salmonella nguy hiểm như thế nào?
Các chuyên gia sức khỏe ước tính mỗi năm trên toàn thế giới, có hàng chục triệu trường hợp nhiễm khuẩn salmonella được báo cáo. Trẻ em có nhiều nguy cơ bị nhiễm khuẩn salmonella hơn người lớn. Bên cạnh đó, người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu có nhiều nguy cơ bị nhiễm bệnh nhất.
Nhiễm khuẩn salmonella là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa, ảnh hưởng đến lớp niêm mạc của ruột non, xảy ra khi vi khuẩn salmonella xâm nhập vào cơ thể. So với những khuẩn khác, khuẩn Salmonella không phải là tác nhân quá nguy hiểm (mức trung bình) nhưng điều này còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và chăm sóc y tế đối với mỗi cá nhân. Hầu hết các trường hợp ngộ độc nhẹ có thể tự khỏi mà không cần điều trị, nhưng trong một số trường hợp nặng hơn, người bị ngộ độc cần phải được điều trị đúng cách.
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết vi khuẩn này có thể tồn tại trong nước 2-3 tuần, trong phân 2-3 tháng. Trong nước đá, salmonella sống được 2-3 tháng. Chúng bị hủy bởi nhiệt độ 50 độ C trong vòng một giờ hoặc 100 độ C trong 5 phút, hoặc có thể bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn thông thường. Sau khi hết các triệu chứng lâm sàng, đa số người khỏi bệnh vẫn đào thải vi khuẩn ra môi trường trong 2-3 tuần hoặc 2-3 tháng ở 2-20% người nhiễm.
Triệu chứng nhiễm khuẩn salmonella
Biểu hiện nhiễm độc là nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, sốt... có thể khởi phát từ 12 - 72 tiếng sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh và kéo dài 4-7 ngày. Tình trạng nhiễm khuẩn salmonella thường tự thuyên giảm sau vài ngày.
Triệu chứng nghiêm trọng nhất là mất nước và các muối, khoáng chất cần thiết. Trẻ sơ sinh, người lớn tuổi và những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch hoặc bệnh mạn tính có thể bị mất nước nghiêm trọng dẫn đến tử vong.
Đôi khi nhiễm trùng lây lan đến máu, xương, khớp, não hay hệ thần kinh của bạn và gây ra các triệu chứng lâu dài, ảnh hưởng đến những cơ quan đó.
Hãy tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế ngay nếu bạn nhận thấy một trong những dấu hiệu sau:
- Đi ngoài ra máu
- Tiêu chảy kèm theo sốt hơn 39 độ C
- Tiêu chảy không thuyên giảm sau 3 ngày
- Các dấu hiệu mất nước như khô miệng, lượng nước tiểu ít và cảm thấy chóng mặt khi đứng
- Nôn nhiều
Tuy nhiên, nhiều loại vi trùng và bệnh tật có thể gây ra các triệu chứng điển hình của nhiễm khuẩn salmonella. Để xác nhận có bị mắc bệnh này hay không, bác sĩ sẽ gửi một mẫu phân tích dịch ruột của bạn đến phòng thí nghiệm. Sau đó, sẽ áp dụng các kĩ thuật xét nghiệm để kiểm tra sự tồn tại của salmonella. Nếu bạn bị ốm nặng, bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm thêm các xét nghiệm để xác định chính xác loại vi khuẩn salmonella.
Phòng chống nhiễm khuẩn salmonella như thế nào?
Để hạn chế việc lây nhiễm salmonella từ những tác nhân bên ngoài, bạn nên:
- Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi đi vệ sinh, sau thay tã cho trẻ hoặc sau khi chạm vào động vật và trước khi ăn hoặc chế biến thức ăn.
- Nấu chín kỹ tất cả các loại thực phẩm (thịt bò, lợn, gà, vịt...).
- Cẩn thận với trứng sống hoặc nấu chưa chín, sữa hoặc phô mai chưa tiệt trùng.
- Để thực phẩm chưa nấu chín tránh xa thức ăn đã được chế biến sẵn. Sử dụng thớt và đĩa riêng cho thịt sống.
- Làm lạnh hoặc đông lạnh thực phẩm sống trong vòng 1 giờ nếu không sử dụng đến.
- Rửa kỹ tất cả các bề mặt bếp, dao thớt và các dụng cụ dùng để chế biến thịt hoặc gia cầm ngay sau khi sử dụng để tránh lây nhiễm chéo sang các loại thực phẩm khác.
- Luôn rửa tay sau khi tiếp xúc với động vật. Tránh tiếp xúc với những con vật đang bị tiêu chảy. Không cho các loài bò sát và lưỡng cư vào trong nhà có trẻ dưới 5 tuổi hoặc những người có hệ miễn dịch suy yếu.
Không ăn uống xung quanh những con vật này hoặc khu vực sinh sống của chúng. Đưa thú cưng của bạn đến bác sĩ thú y để kiểm tra sức khỏe thường xuyên.
- Tránh nuốt nước hồ bơi, bể bơi trong khi bơi. Nếu bạn bị bệnh tiêu chảy, nên tránh bơi lội trong bể hoặc hồ công cộng, tắm chung với người khác và chuẩn bị thức ăn cho người khác
About the author
S. Reen