Quần áo cũ đang trở thành một ngành kinh doanh lời lãi

ĐẸP

Quần áo cũ đang trở thành một ngành kinh doanh lời lãi

authorBy Diệu Anh
Share on
Share on
Quần áo cũ đang trở thành một ngành kinh doanh lời lãi

(Nhà kho của công ty tái chế thời trang ThredUp. Ảnh: Business Insider)


Mỗi năm, ngành sản xuất thời trang tốn khoảng 120 tỉ USD cho quần áo không bán được, bao gồm chi phí nhà kho, giảm giá, outlet, và cả… đốt bớt đi nữa (Burberry nổi tiếng với truyền thống đốt quần áo, phụ kiện không bán được để bảo vệ thương hiệu.


Năm 2017, Burberry đốt khoảng 37 triệu đô giá trị sản phẩm không bán được, bằng 1% của tổng doanh thu của hãng.) Theo một thống kê của Queen of Raw, có những công ty sản xuất thời trang tốn mất 15% tổng chi phí mỗi năm cho quần áo không bán được. Tệ hơn là, kể cả quần áo bán được thì chúng ta, người tiêu dùng, chỉ sử dụng 15% tủ quần áo của mình thường xuyên.

 

Tin tốt là nhiều thương hiệu đã bắt đầu nhận ra: quần áo không bán được, quần áo cũ cũng có giá trị của nó. Thay vì đốt đi, cả một thị trường lớn đang hình thành từ những sản phẩm này. Đây có thể là lời giải cho bài toán bền vững của ngành thời gian thế giới.


Sự Thay Đổi Trong Thói Quen Mua Sắm


Theo một báo cáo của ThredUp vào năm 2019, mô hình kinh doanh bán đồ cũ đang tăng nhanh gấp 21 lần bán đồ mới (shocking!). Con số này có thể là do mô hình này vẫn còn đang trong giai đoạn khởi điểm, nên rất dễ để có thể đi từ số 0 lên số 1. Thị trường đồ cũ và đồ “ế” được dự báo sẽ đạt 51 tỉ USD trong vòng 5 năm tới. 


Có một vài lý do chính cho sự chuyển biến này.


Đầu tiên, người tiêu dùng đang ngày càng trở nên nhạy cảm hơn với các vấn đề về môi trường do ngành thời trang mang lại. Mỗi năm, chỉ có 1% lượng quần áo bán ra được tái chế. Việc mua quần áo cũ giúp kéo dài vòng đời của mỗi sản phẩm, cũng như giảm nhu cầu mua sắm quần áo mới mà không được mặc thường xuyên. Như vậy, ngành công nghiệp fast-fashion cũng phải điều chỉnh tốc độ ra sản phẩm mới khi nhu cầu của khách hàng giảm sút.


(Quần áo đang chờ được tái chế. Ảnh: The Conversation)


Thứ hai, người tiêu dùng càng ngày càng thoải mái hơn với việc mua đồ “si'“ hay đồ “second-hand.” Đặc biệt là trong nhóm tuổi Millennials và Gen Z, việc mua quần áo vintage, đồ “si” hay đồ thanh lý còn trở thành một thói quen rất cool, thể hiện cá tính và phong cách thời trang cá nhân. Nhóm “Mê Đồ Si Đa” trên Facebook hiện có hơn 50 nghìn thành viên, với motto: “Hãy yêu những cô gái mê đồ si đa. Họ yêu tiết kiệm, ưa sáng tạo và chăm đi chợ.” Hàng chục, hàng trăm hội nhóm khác trên Facebook và Instagram vô cùng sôi nổi chia sẻ bí quyết săn đồ “si.” Trên Youtube thì những video có chủ đề “thrifting,” shopping đồ cũ, thu hút hàng trăm triệu view.


Thứ 3 là vấn đề giá cả. Đồ cũ hoặc đồ giảm giá, dù có thương hiệu hay không, đều sẽ rẻ hơn đi mua đồ mới ngoài cửa hàng. Với một năm dịch bệnh hoành hành và nền kinh tế cả thế giới chững lại, người tiêu dùng cũng dè dặt hơn với những sản phẩm không-thiết-yếu, ví dụ như quần áo và phụ kiện thời trang. Mua đồ cũ và giảm giá giúp shopper tiết kiệm kha khá và còn đa dạng không kém gì các bộ sưu tập mới ra.


(Ảnh: Hội mê đồ si đa)


Cuối cùng, Marie Kondo. Cô gái nhỏ nhắn người Nhật này đã tạo nên một cơn bão truyền thông và ảnh hưởng sâu rộng đến xu hướng tiêu thụ tối giản trên toàn thế giới. Người tiêu dùng muốn nhà cửa gọn gàng lại, tiêu giản đồ đạc, và mua sắm có chất lượng hơn. Xu hướng toàn dân dọn nhà theo kiểu Marie Kondo cũng thải ra một lượng lớn quần áo, đồ cũ không sử dụng đến để đem bán lại hoặc tái chế.


Tất cả những lý do trên đã tạo thành một “perfect storm,” cơ hội hoàn hảo cho ngành công nghiệp đồ cũ có sức bật trong năm 2020 và tương lai gần.


Ngành Công Nghiệp Nở Hoa


Khó để có thể nhìn quanh và không thấy bóng dáng của thị trường đồ cũ, đồ tái chế thời trang ở xung quanh chúng ta. Ở thể đơn giản nhất, đó chính là những chợ đồ cũ, chợ sinh viên đầy rẫy ở khắp cả nước. Có tính tổ chức hơn một chút sẽ là những buổi Garage Sale, swap đồ được tổ chức vào cuối tuần, thu hút cả người tiêu dùng bình thường cho đến những ngôi sao, người nổi tiếng tham gia. Coco Dressing Room, một dịch vụ ký gửi và bán quần áo second-hand qua tuyển chọn ở TP. Hồ Chí Minh, từng thực hiện sự kiện bán quần áo từ tủ của ca sĩ Hồ Ngọc Hà. Các influencer nổi tiếng như Julia Đoàn, Chloe Nguyễn… cũng hay ký gửi đồ ở những pop up event quanh thành phố, bán từ quần áo, giày dép cho đến mỹ phẩm không dùng đến.


Trên thế giới, xu hướng này đã trở thành từ khóa trong chiến lược phát triển của nhiều thương hiệu thời trang lớn. TheRealReal là một sàn thương mại điện tử có doanh thu khoảng 300 triệu USD một năm và chuyên mua đi bán lại đồ hiệu secondhand, từ Hermes, Chanel, Gucci, Balenciaga cho đến Converse, Nike. Sắp tới, TheRealReal sẽ ra mắt chương trình Recollection nhằm “upcycle” những sản phẩm cũ của Balenciaga, Dries Van Noten và Stella McCartney.


(Một cửa hàng offline của The Realreal. Ảnh: Forbes)


The RealReal cũng đang hướng đến sản xuất quần áo thời trang cao cấp từ những sản phẩm không bán được của các thương hiệu họ đang làm việc cùng. Bộ sưu tập tái chế này sẽ tuân theo các tiêu chuẩn của thời trang bền vững, ví dụ như dây chuyền sản xuất không-rác-thải (no-waste production) và trả mức lương xứng đáng cho công nhân. Allison Sommer, Giám đốc Chiến lược của The RealReal cho biết đây mới chỉ là bước khởi đầu. “Với dịch COVID-19, nhu cầu giải quyết hàng tồn của các thương hiệu thời trang đang ngày càng tăng. Chúng tôi hi vọng sản xuất quần áo tái chế sẽ trở thành một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh của The RealReal trong những năm tới.”


Ngoài The RealReal, rất nhiều các trang thương mại điện tử khác cũng đang nhắm tới thị trường mua đi bán lại sản phẩm thời trang cao cấp, ví dụ như Vestiaire Collective, Tradesy, ở Việt Nam thì có nền tảng Reloved… Thậm chí tập đoàn LVMH cũng đang phát triển một website bán sản phẩm và nguyên liệu không bán được. Thị trường đồ hiệu “second-hand” được định giá khoảng 2 tỉ USD vào năm 2019, và dự kiến sẽ tăng trưởng 20-25% mỗi năm.


(Cửa hàng của Vestiaire Collective có màn hình hiển thị website, giúp mua sắm online & offline dễ dàng)


Để kết lại bài viết này, xin phép lấy lại lời quảng cáo của Vestiaire Collective: “Give your wardrobe a second life. It’s the new luxury.” (tạm dịch: Hãy để tủ quần áo của bạn được sử dụng lần nữa. Đó chính là sự xa xỉ mới.) Xu hướng mua bán đồ cũ, tái chế thời trang được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai, khi mà những lo ngại về môi trường tăng cao và định kiến về đồ cũ được dỡ bỏ. Mua những sản phẩm thời trang lấp lánh mới tinh tại cửa hàng không được cho là “cool” nữa, nhất là với đối tượng Gen Z. Hi vọng đọc xong bài này mọi người cũng tìm thấy cảm hứng đi săn một vài món đồ “si” thật chất vào cuối tuần!

About the author

Nghề chính của Diệu Anh là phụ trách Digital Marketing cho các nhãn hàng về phong cách sống, bao gồm thời trang, du lịch, bán lẻ và giáo dục.

Trong thời gian rảnh, Diệu Anh phát triển kênh Youtube chia sẻ trải nghiệm cuộc sống và sự nghiệp cho các bạn trẻ, cũng như viết về thời trang trên website: dieuanh.me

author

Diệu Anh

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!