Vừa qua, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận bệnh nhân nữ 34 tuổi, bị đau tức ngực, khó thở ngày thứ 2, đã cấp cứu và điều trị tại tuyến trước nhưng tình trạng khó thở ngày càng nặng lên. Khi khai thác tiền sử, được biết bệnh nhân thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai Levonorgestrel 10 năm nay, thường uống 12-15 viên Levonorgestrel/tháng.
Thông tin từ Bệnh viện 108 cho biết, bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định là huyết khối thuyên tắc động mạch phổi cấp tính/Lạm dụng thuốc tránh thai Levonorgestrel. Bệnh nhân được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tim mạch theo phác đồ chống đông, hỗ trợ hô hấp tích cực. Bệnh tiến triển tốt, sau 7 ngày, bệnh nhân đã hết khó thở, toàn trạng ổn định và được ra viện.
Tắc mạch phổi (pulmonary embolism - PE) là một cục máu đông lọt vào mạch máu trong phổi và ngăn chặn dòng lưu thông bình thường của máu trong vùng đó. Sự tắc nghẽn này gây trở ngại cho việc trao đổi khí. Tùy thuộc vào cục máu đông nhỏ hay to và số lượng các mạch máu bị tắc nhiều hay ít mà nó sẽ có những biến đổi trên lâm sàng khác nhau, nặng nhất có thể gây tử vong.
Theo nghiên cứu của Alain Weill (đăng trên tạp chí BMJ 2016), trong số 100.000 phụ nữ sử dụng viên tránh thai trong một năm, ước tính có 33 phụ nữ sẽ bị thuyên tắc phổi. Đối với thuốc tránh thai khẩn cấp, theo khuyến cáo không dùng thuốc tránh thai khẩn cấp quá 2 lần trong 1 chu kỳ kinh nguyệt.
Khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp có thể xảy ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, không nên lạm dụng thuốc quá nhiều, chỉ nên dùng trong các trường hợp thật sự cần thiết.
Các yếu tố nguy cơ đối với tắc mạch phổi:
- Các bệnh máu di truyền: Thalassemia
- Các bệnh mạch máu như suy van tĩnh mạch, xơ vữa động mạch
- Một số bệnh như ung thư ung thư vú, ung thư phổi…
- Mang thai hoặc trong vòng 6 tuần sau sinh
- Hút thuốc
- Béo phì
- Vận động muộn sau các phẫu thuật lớn, đa chấn thương
- Lạm dụng thuốc tránh thai
- Cao tuổi
- Một số bệnh gây tăng đông máu: sau nhiễm Sars-CoV-2, sốc nhiễm khuẩn…
Càng nhiều yếu tố nguy cơ, càng nhiều khả năng có cục máu đông.
Một Số Tác Dụng Phụ Khác Của Thuốc Tránh Thai Khẩn Cấp
Việc lạm dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp sẽ dẫn đến một số tác dụng phụ và biến chứng lâu dài.
- Thay đổi, biến động chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ như chậm kinh, không có kinh, rong kinh... Thậm chí có nhiều trường hợp sử dụng thuốc quá nhiều dẫn đến tình trạng tắc ống dẫn trứng, khó rụng trứng dẫn đến vô sinh.
- Ảnh hưởng đến cảm xúc, tâm trạng và có thể gây trầm cảm. Một số người sẽ bị suy giảm ham muốn tình dục.
- Nồng độ hormone trong cơ thể thay đổi dẫn đến nội tiết tố da cũng thay đổi. Sau khi dùng thuốc phụ nữ có thể xuất hiện nhiều mụn, nám, tàn nhang, ửng đỏ, sạm da...
- Rối loạn hô hấp.
- Rối loạn huyết áp.
- Tăng cân.
- Đã có nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phụ nữ sử dụng nhiều thuốc tránh thai khẩn cấp có nguy cơ chửa ngoài tử cung lớn hơn những phụ nữ không thường sử dụng. Đây là một biến chứng có thể ảnh hưởng tính mạng,nếu điều trị muộn.
- Việc sử dụng thuốc tránh thai loại khẩn cấp còn tiềm ẩn nguy cơ nhầm lẫn chảy máu cơ quan sinh dục bất thường do u xơ tử cung với tác dụng không mong muốn của thuốc.
Ai Không Nên Sử Dụng Thuốc Tránh Thai Khẩn Cấp?
Bạn không nên sử dụng thuốc nếu có một trong các yếu tố nguy cơ sau:
- Cơ địa dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong thuốc.
- Bản thân hoặc gia đình có tiền sử bệnh tim mạch, đái tháo đường, mang thai ngoài tử cung, rối loạn tuần hoàn não…
- Chảy máu âm đạo bất thường nhưng không chẩn đoán được nguyên nhân.
Thuốc tránh thai cấp tốc chỉ nên dùng trong những trường hợp bất khả kháng như quan hệ tình dục không an toàn, không nên dùng cho trường hợp có quan hệ tình dục thường xuyên bởi thuốc sẽ không phát huy hiệu quả.
Một Số Lưu Ý Để Sử Dụng Thuốc Tránh Thai Khẩn Cấp An Toàn
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng bao gồm thành phần, tác dụng phụ có thể xảy ra.
- Sử dụng tối đa 2 viên/tháng để tránh những tác hại nghiêm trọng. Nếu dùng quá liều lượng khuyến cáo, cần chú ý những dấu hiệu khác lạ trong cơ thể để thăm khám và điều trị kịp thời.
- Thuốc chỉ phát huy hiệu quả ngừa thai trong khoảng thời gian quy định. Ví dụ, loại thuốc 72 giờ chỉ cho hiệu quả bảo vệ trong vòng 72 giờ sau khi uống.
- Lưu ý uống thuốc tránh thai không giúp bạn phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STDs). Do đó, để chủ động ngừa thai và ngăn ngừa STDs, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn biện pháp ngừa thai phù hợp và hiệu quả hơn, cũng như không ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản.
About the author
Chi