Mọi điều bạn cần biết về que cấy tránh thai

YÊU

Mọi điều bạn cần biết về que cấy tránh thai

authorBy S. Reen
Share on
Share on
Mọi điều bạn cần biết về que cấy tránh thai

Dưới đây là những điều bạn cần biết về que cấy tránh thai một trong những biện pháp tránh thai phổ biến nhất hiện nay để bạn biết cách tránh thai phù hợp, an toàn và hiệu quả.


Que cấy tránh thai là gì?


Cấy que tránh thai là một loại biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố. 


Que cấy tránh thai là những ống nhỏ, mềm và mảnh làm bằng chất dẻo chứa thuốc tránh thai, được cấy dưới da tay không thuận của người phụ nữ. Thành phần có trong que cấy tránh thai bao gồm nội tiết tố levonorgestrel hay etonogestrel.


Que có hiệu quả trong 3 -5 năm hoặc lâu hơn (tùy loại). Khi đã cấy que tránh thai vào cơ thể, phụ nữ không cần sử dụng đến bất kỳ biện pháp tránh thai nào khác.


Ưu điểm của que cấy tránh thai


Tác dụng ngừa thai cao: Với hiệu quả hơn 99%, que cấy tránh thai là một trong những phương pháp ngừa thai hiệu quả nhất hiện có, trong thời gian từ 3-5 năm.


Kín đáo: Que tránh thai nhỏ như được cấy dưới cánh tay khá kín đáo, khó nhận biết. 


Tiện lợi: Phù hợp với những người hay quên uống thuốc tránh thai hàng ngày hoặc không muốn ngừa thai bằng bao cao su.


Mức độ an toàn khá cao: Cấy que tránh thai phù hợp với những người không dùng được thuốc ngừa thai có chứa estrogen, an toàn với cả phụ nữ đang cho con bú... 


Giảm nguy cơ biến chứng: Như viêm nhiễm vùng sinh dục, tuột vòng gây có thai ngoài ý muốn, không ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng, giảm lượng máu kinh và đau bụng kinh.


Nhanh hồi phục khả năng sinh sản: Khi nào muốn có con trở lại, bạn chỉ cần làm tháo que cấy ra là có thể lập tức mang thai trở lại bình thường. 90% phụ nữ sẽ tiếp tục rụng trứng khoảng 3-4 tuần sau khi tháo que.


Nhược điểm


Không có tác dụng khác ngoài việc ngừa thai: Que cấy tránh thai không thể phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS...


Chi phí cao: Que cấy tránh thai có chi phí cao hơn so với các phương pháp khác như đặt vòng tránh thai, uống thuốc hàng ngày, bao cao su...


Một số biến chứng khi cấy que: Tụ máu, nhiễm trùng chỗ cấy, dị ứng, que cấy dịch chuyển (thường dưới 2cm) dù tỷ lệ khá thấp chỉ từ 0,2-1%.


que-cay-tranh-thai-2.jpg

Ảnh: Nestplanon


Que cấy tránh thai hoạt động như thế nào?


Thành phần có trong que cấy tránh thai bao gồm nội tiết tố levonorgestrel hay etonogestrel, với tác dụng ức chế sự phát triển của nang trứng, làm đặc chất nhầy ở cổ tử cung để ngăn không cho tinh trùng tiếp cận với trứng và làm mỏng nội mạc tử cung khiến trứng đã thụ tinh khó làm tổ. Que có hiệu quả ngừa thai hơn 99% trong 3-5 năm hoặc lâu hơn (tùy loại).


Ai không nên sử dụng que cấy tránh thai?


Que cấy tránh thai không phải là phương pháp tránh thai phù hợp cho tất cả mọi người. Bạn không nên sử dụng que cấy tránh thai nếu bạn:


• Có khả năng đang mang thai. Đây cũng là lý do trước khi cấy bạn được yêu cầu làm kiểm tra xem bản thân có mang thai hay không.

• Không muốn chu kỳ kinh nguyệt bị xáo trộn hoặc thay đổi.

• Đang sử dụng một số loại thuốc có thể làm giảm hiệu quả của que tránh thai 

• Bị chảy máu âm đạo mà không rõ nguyên nhân.

• Tiền sử ung thư vú, bệnh gan nặng, có huyết khối hoặc đột quỵ.


Trước khi sử dụng thiết bị cấy ghép, bạn cũng nên cho chuyên gia chăm sóc sức khỏe biết nếu bạn:


• Dị ứng với thuốc sát trùng hoặc thuốc gây mê

• Huyết áp cao

• Bệnh tiểu đường

• Bệnh túi mật

• Tiền sử trầm cảm

• Cholesterol cao


Que cấy tránh thai được cấy vào như thế nào?


Trước khi cấy


Bác sĩ sẽ thăm khám và kiểm tra tình trạng sức khỏe để biết bạn có phù hợp với phương pháp này hay không. Sau khi đánh giá tổng thể sức khỏe, tiền sử bệnh lý và nhu cầu ngừa thai, bác sĩ sẽ trao đổi về ưu, nhược điểm của phương pháp cấy que tránh thai.


Thực hiện thủ thuật


Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiêm một lượng nhỏ thuốc gây tê ở phía trong cánh tay không thuận của bạn.


Khi thuốc gây tê có tác dụng, bác sĩ sẽ cấy que tránh thai ở vùng dưới da cánh tay bằng dụng cụ hỗ trợ cấy vô trùng. Sau khi thực hiện cấy xong sẽ được quấn băng tại chỗ cấy trong 24 giờ. 


Việc cấy que tránh thai thường diễn ra trong vòng vài phút.


Sau khi cấy


Bác sĩ sẽ tư vấn về cách theo dõi và chăm sóc vết cấy tại nhà cũng như các biểu hiện bất thường sau khi cấy que và các trường hợp cần tới gặp bác sĩ.



Que cấy tránh thai bắt đầu có tác dụng khi nào?


Que cấy tránh thai bắt đầu có tác dụng khi nào tùy thuộc vào thời điểm bạn đang ở trong chu kỳ kinh nguyệt khi cấy que cấy vào.


Nếu được cấy trong vòng 5 ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt (ngày một là ngày bắt đầu hành kinh), que cấy tránh thai sẽ có tác dụng ngay lập tức.


Nếu que được cấy vào bất kỳ ngày nào khác trong chu kỳ kinh nguyệt, bạn sẽ cần sử dụng phương pháp ngừa thai dự phòng khác, như bao cao su, trong 7 ngày tiếp theo.


Tác dụng phụ của phương pháp cấy que tránh thai 


Một số người gặp phải tác dụng phụ khi cấy ghép, nhưng nhiều người thì không. Tác dụng phụ thường gặp nhất sau cấy que tránh thai là chảy máu âm đạo (chảy máu lốm đốm hoặc tiết dịch màu nâu). Các tác dụng phụ khác gồm có:


• Đau đầu

• Buồn nôn

• Đau bầu ngực

• Tăng cân

• Thay đổi tâm trạng


Hầu hết các tác dụng phụ sẽ tự biến mất sau vài tháng khi cơ thể đã làm quen và tiếp nhận que cấy tránh thai. Tuy nhiên, nếu nhận thấy các triệu chứng không thuyên giảm hay mức độ tăng dần, bạn nên đến ngay bệnh viện để được kiểm tra. 


Que cấy tránh thai được tháo ra như thế nào?


Trước hết, bác sĩ sẽ tiêm một mũi gây tê vào ngay bên dưới phần cuối của que cấy tránh thai. Sau đó, bác sĩ sẽ rạch một vết nhỏ ở trên da và phần cuối của que cấy sẽ được đẩy qua vết rạch nhỏ này. Vùng da này sẽ được băng lại ngay sau đó.


Thông thường, việc tháo que cấy tránh thai mất khoảng vài phút. Sau khi tháo que tránh thai, nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.


que-cay-tranh-thai-1.jpg

Ảnh: Akkalak Aiempradi


Một số lưu ý khác


Theo bệnh viện Từ Dũ, sau sinh và đang có con bú, thời điểm có thể cấy que tốt nhất là sau sanh từ 4-6 tuần trở lên. Khi chưa có kinh trở lại bạn có thể đến bệnh viện để được tư vấn và cấy que bất kỳ thời điểm nào nếu chắc chắn là đang không có thai.


Bạn nên báo ngay với bác sĩ nếu bạn không sờ thấy que cấy hoặc que cấy bị cong, da vùng cấy bị tấy sưng đỏ hay có bất cứ gì lạ. 


Hãy đến phòng cấp cứu gần nhất nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, điều này có thể cho thấy một biến chứng nghiêm trọng hoặc phản ứng dị ứng:


• Đau ngực dữ dội hoặc nặng nề

• Khó thở đột ngột

• Ho ra máu

• Sưng mặt, lưỡi hoặc cổ họng

• Đau đầu đột ngột, dữ dội không giống như những cơn đau đầu thông thường của bạn

• Yếu hoặc tê ở cánh tay hoặc chân của bạn

• Khó nói

• Đau bụng dữ dội


Quyết định biện pháp tránh thai và phương pháp sử dụng là quyết định cá nhân của mỗi người sử dụng. Hãy tìm tới nhân viên y tế để được tư vấn và hướng dẫn lựa chọn phương pháp nào phù hợp và tốt nhất cho mỗi cá nhân để tránh thai an toàn và hiệu quả.

About the author

Một cô gái yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp

author

S. Reen

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!