Người Nhật Bản không chỉ nổi tiếng bởi ẩm thực, văn hóa lịch sử hay công nghệ mà còn khiến cả thế giới nể phục bởi môi trường sống sạch sẽ, văn minh. Một trong những thứ khiến những người nước ngoài khi đến Nhật phải bối rối xen lẫn kính nể đó là cách người Nhật phân loại rác thải.
Theo Waste Atlas, Nhật Bản tạo ra 45.360.000 tấn rác thải đô thị mỗi năm - đứng thứ 8 trên thế giới, trong đó mỗi người dân Nhật Bản thải ra trung bình 356,2kg rác thải/năm. Tuy nhiên, không giống như các quốc gia lớn hơn như Hoa Kỳ và Trung Quốc, Nhật Bản không có không gian để chôn vùi tất cả các loại rác. Vì vậy, người Nhật ý thức được rằng rác thải cần được tái chế hoặc xử lý để giảm bớt gánh nặng cho môi trường.
Phân loại rác là bước đầu tiên trong quy trình xử lý rác thải mà tất cả mọi người đều có thể thực hiện. Phân loại rác chính là cách sử dụng tài nguyên một cách hợp lý và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống. Đặc biệt, với một quốc gia không có nhiều tài nguyên như Nhật Bản, việc tái sử dụng rác đóng một vai trò to lớn cả về kinh tế lẫn môi trường.
Khi tới Nhật, bạn có thể thấy người dân đều nghiêm túc thực hiện việc phân loại rác thải và đó đã trở thành nét văn hóa đặc trưng nơi đây.
Nếu vi phạm, bạn không chỉ nhận được sự khó chịu của cư dân mà còn có thể bị phạt tiền hoặc thậm chí phạt tù bởi Nhật Bản có nhiều quy định pháp luật rất khắt khe trong việc vứt và xử lý rác.
Rác Thải Ở Nhật Bản Sẽ Đi Về Đâu?
Khoảng 20.8% lượng rác thu được sẽ đem đi tái chế (thường là giấy báo các loại và nhựa). Ví dụ điển hình là loại chai nhựa PET (loại nhựa trong các đồ uống đóng chai) sẽ được hòa tan và lọc ở nhiệt độ cao, tạo ra một loại nhựa tinh khiết có thể trở lại thành chai PET mới. Sợi sản xuất từ chai PET tái chế sau đó có thể tạo ra quần áo, túi xách, thảm và áo mưa. Điều này đã làm giảm 90% nhu cầu đối với các nguyên liệu nguồn gốc từ dầu mỏ để sản xuất chai PET của Nhật Bản.
Số rác còn lại sẽ được đem đi đốt, nhưng được xử lí theo công nghệ hiện đại để giảm lượng khí thải, bên cạnh đó quá trình đốt diễn ra liên tục nên có chi phí rẻ hơn đốt thông thường, không tốn diện tích và nhiệt lượng tỏa ra (trên 800 độ C) còn được dùng để sản xuất điện. Nhật Bản cũng xuất khẩu các công nghệ này đến các nước như ở Đông Nam Á.
Thậm chí, Nhật Bản còn có một giải pháp để xử lý rác của mình đó là sử dụng rác thải qua xử lý để tạo thêm đất, bồi đắp thêm đất ra biển. Đây cũng chính là cách Dubai (thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) xây dựng quần đảo Cây cọ nổi tiếng. Nhật Bản đã sử dụng công nghệ kết hợp đá nặng, xi măng, bùn đất và rác thải để tạo ra vùng đất mới, như sân bay quốc tế Chūbu Centrair được xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo gần Nagoya và sân bay quốc tế Kansai.
Sân bay quốc tế Chubu
Cách Phân Loại Rác Của Người Nhật Bản
Ở Nhật, mọi người được yêu cầu phân loại rác trước khi đem rác ra điểm thu gom. Họ phải phân loại rác và đặt vào đúng nơi quy định vào những ngày được quy định trong tuần. Ví dụ, rác có thể đốt bỏ được thu gom vào thứ 2, rác không thể đốt thứ 6… Bên cạnh lịch vứt rác và cách thức phân loại rác khác nhau, ở một số thành phố ở Nhật còn quy định túi vứt rác chuyên dụng cho từng loại rác thải khác nhau để nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại rác đúng quy định, giảm thiểu lượng rác thải vứt ra (nhờ việc tính phí túi rác chuyên dụng).
Tùy vào vào mỗi khu vực sẽ có cách phân loại rác khác nhau, tuy nhiên sẽ có những điểm chung như quy định về các loại rác:
Rác tái chế
Bao gồm chai lọ, hộp, lon, chai nhựa PET, sách báo cũ…
Trong đó các loại chai và lon phải rửa sạch sẽ trước khi thu gom. Đồ thuỷ tinh dễ vỡ phải gói bằng giấy báo, bỏ vào bao và ghi chữ “nguy hiểm” bên ngoài.
Rác đốt được
Bao gồm những vật dụng có thể xử lý bằng nhiệt: thức ăn, quần áo, giấy vụn, cây lá..
Để đốt rác cần tiêu tốn khá nhiều năng lượng, do đó rác thải có càng nhiều nước, lượng năng lượng cần tiêu thụ cho việc đốt và xử lý rác sẽ cần nhiều hơn. Vì vậy, ở Nhật, trước khi vứt rác, người ta thường cố gắng loại bỏ hết nước thừa, chỉ để lại phần rác khô. Gỗ vụn, cành cây phải được cắt ngắn cỡ 50cm, dùng dây bó lại.
Rác không đốt được
Bao gồm những loại vật dụng cần phương pháp xử lý đặc biệt: kim loại (như nồi niêu xoong chảo, dao kéo..),. thủy tinh (như bóng đèn, kính...), gốm sứ, bàn là, bật lửa, pin…
Rác đặc biệt khác
Bao gồm những loại rác thải cỡ lớn và cần được xử lý đặc biệt. Các loại rác cỡ lớn (tủ, bàn ghế, xe đạp…) không được thu gom theo ngày nhất định mà phải gọi điện trực tiếp đến cơ quan xử lý rác hoặc đại lý, nhà sản xuất để được tư vấn về cách vứt phù hợp. Tùy theo loại rác và quy định ở từng địa phương mà bạn có thể phải trả một khoản phí thủ tục thu hồi rác.
Bên cạnh việc xử lý rác thải, người Nhật cũng ưu tiên sửa chữa, tái sử dụng, tặng đồ cũ hoặc bán cho người có nhu cầu để hạn chế tối đa rác thải ra môi trường. Đây là một văn hóa đẹp xứng đáng để chúng ta học hỏi và thực hành mỗi ngày, đúng không?
About the author
S. Reen