Một không gian nhiều đồ dễ dẫn đến tình trạng bừa bộn, lộn xộn. Không những thế, chúng còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tình cảm và tinh thần của bạn. Đã đến lúc bạn chấm dứt tình trạng này để vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn. Chúng ta cùng thử thay đổi nhé!
Sự Thật: Không Gian Bị Xâm Chiếm Bởi “Giặc Ngoài” Và “Tay Trong”
Hầu hết, việc không gian ngày càng bị lấp đầy bởi những món đồ là do thói quen của chúng ta. Mỗi ngày một ít và chính chúng ta cũng không thể tưởng tượng được mức độ tăng lên của đồ đạc.
Ngay sau đây là một số thói quen có thể khiến đồ đạc trong nhà của bạn tăng lên:
Thói quen mua sắm không có chủ đích
Trước khi mua sắm các vật dụng cá nhân đơn giản như quần áo, đồ trang điểm, đồ lưu niệm… hầu như chúng ta không lên kế hoạch trước.
Không nghĩ tới mình mua để làm gì và có sử dụng chúng hay không.
Thấy cửa hàng đang sale off lớn là mua.
Thấy đồ đẹp là mua.
Ngày này qua ngày khác, liên tục và không gian dần bị lấp đầy.
Cảm giác tự trách vì đã lỡ tiêu tiền
Đã có lúc, bạn nhận ra việc không gian bị lấp đầy và cần giảm thiểu bớt đồ đạc. Nhưng không thể loại bỏ được bất cứ thứ gì. Bạn cảm thấy có lỗi và tiếc tiền khi đã mua mà bây giờ lại loại bỏ.
Ngày này qua tháng khác, không gian dần bị lấp đầy.
Vật dụng gắn với tình cảm, kỷ niệm
Đây là những thứ chiếm rất nhiều không gian ở nhà chúng ta. Khi gắn chặt tình cảm lên mỗi món đồ và khi phải loại bỏ hoặc thanh lý cho người khác, chắc hẳn bạn sẽ thấy như vừa mất đi một thứ gì cực kỳ quan trọng.
Như những chiếc áo thun mua được khi vừa đi làm vừa đi học. Vài năm sau đó, tôi vẫn không thể bỏ đi vì chúng gắn với “mồ hôi nước mắt” của mình. Cho đến cả những bộ quần áo rộng thùng thình hồi cân nặng 70kg, tôi cũng không nỡ bỏ vì đó là “quá khứ huy hoàng” của mình.
Rồi những chiếc móc khóa, chiếc bút, kẹp tóc… mà bạn bè mua tặng khi đi du lịch. Tôi vẫn giữ, dù chúng đã tróc sơn, bong chỉ, đã không thể sử dụng được và thậm chí cũng không nhớ là ai đã tặng.
Không ngừng, không gian tiếp tục bị lấp đầy.
Thói quen tích trữ đồ vì nghĩ rằng sẽ có lúc dùng đến
Chúng ta luôn sự thiếu thốn và cất trữ rất nhiều thứ vì nghĩ rằng sẽ có lúc dùng đến. Từ những chiếc túi ni lông xinh xắn, túi giấy handmade cho đến hộp nhựa, phong bao dễ thương, dây thun, giấy báo, vải vóc… đều được gắn cho một sứ mệnh quan trọng vào một ngày nào đó: “Sẽ có lúc dùng đến”.
Không gian sống của bạn cuối cùng cũng chất đầy những đồ đạc không dùng tới.
Gợi Ý 5 Bước “Thanh Lọc” Đồ Đạc Ai Cũng Có Thể Thực Hiện
Việc “thanh lọc” đồ đạc mang đến nhiều lợi ích mà chỉ khi bạn tự trải nghiệm mới thật sự trọn vẹn:
Bạn có thêm thời gian nhàn rỗi để dành cho bản thân, gia đình, cho những công việc mình yêu thích.
Bạn tiết kiệm được kha khá từ việc mua sắm có chủ đích và thanh lý lại đồ đạc không còn sử dụng.
Bạn hạn chế được tình trạng căng thẳng khi việc dọn dẹp nhà trở nên nhẹ nhàng.
Bạn cũng chẳng cần bực dọc khi phải tốn quá nhiều thời gian để tìm kiếm một món đồ nào đó không rõ “tung tích”.
Bạn vui vẻ và hạnh phúc hơn mỗi ngày cùng nguồn năng lượng tươi mới, tích cực.
Bạn cảm thấy những lợi ích vừa nhắc đến có ý nghĩa với cuộc sống hiện tại? Và bạn muốn bắt đầu kế hoạch “thanh lọc” đồ đạc ngay?
Sau đây là 5 bước “thanh lọc” đồ đạc mà bạn có thể áp dụng đối với không gian nhà mình:
Bước 1: Tự hỏi mình có cần “thanh lọc” đồ đạc không?
Tôi bắt đầu “thanh lọc” đồ đạc và sắp xếp lại không gian sau khi đọc cuốn “Lối sống tối giản của người Nhật”. Chúng ta không cần áp dụng tất cả những gì tác giả chia sẻ, chỉ cần lưu lại những điều cảm thấy phù hợp đối với mình.
Nhưng không phải ai cũng thích gọn gàng. Nhiều người thích sự lộn xộn và bừa bộn vì sẽ giúp họ có thêm nhiều ý tưởng trong công việc. Nhiều người khác lại cảm thấy an toàn khi có nhiều đồ đạc và đương nhiên chẳng cảm thấy có bất cứ trở ngại nào với chúng.
Vì vậy, trước khi bắt tay thực hiện kế hoạch “thanh lọc” đồ đạc, bạn cần tự trả lời một số câu hỏi:
- Bạn có đang cảm thấy căng thẳng vì nhà mình/ phòng mình có quá nhiều đồ đạc?
- Bạn có nghĩ là mình cần loại bỏ bớt một số vật dụng không quan trọng để thay đổi điều này?
- Thứ gì thật sự cần và quan trọng với bạn?
- Bạn có nghĩ là mình sẽ loại bỏ được một thứ gì đó không? Bạn không thể bỏ vì lý do gì? Vì tiếc tiền, vì tình cảm hay vì điều gì khác?
Bước 2: Thay đổi suy nghĩ về việc loại bỏ đồ đạc
Không chỉ riêng bạn, với tất cả chúng ta, thật khó để loại bỏ đồ đạc vì tiếc tiền và cảm thấy có lỗi với người khác. Hãy thay đổi một chút trong suy nghĩ:
Việc loại bỏ bớt vật dụng thừa, sắp xếp lại không gian là để bản thân và gia đình hạnh phúc, thoải mái hơn.
Nếu bạn vẫn không thể từ bỏ được vật dụng, hãy tha thứ cho bản thân, đừng tự trách mình vì đã lỡ tốn kém nữa, hãy rút kinh nghiệm để sau này mua sắm có chủ đích hơn.
Nghĩ thoáng một chút, thay vì để vật dụng đó ở lại và khiến bạn mệt mỏi, hãy cảm thấy hạnh phúc vì món đồ đó cuối cùng cũng có người cần - họ đang sử dụng chúng và đó là món đồ ý nghĩa với cuộc sống của họ. Chúng không bám bụi, không nằm sâu dưới đáy tủ, không là nguyên nhân khiến bất kỳ ai mệt mỏi, bực bội. Và, người tặng quà cho bạn chắc chắn sẽ hạnh phúc khi bạn đang hạnh phúc.
Bước 3: Lên kế hoạch cho việc “thanh lọc” đồ đạc
Lên kế hoạch cho việc “thanh lọc” đồ đạc sẽ giúp bạn không bị choáng ngợp khi không gian có quá nhiều đồ. Bạn cũng dễ dàng xử lý những món đồ xếp trong danh sách cần “thanh lọc”.
Bạn có thể “thanh lọc” từng phòng hoặc bắt đầu từ những khu vực mà bạn cảm thấy nhiều đồ và lộn xộn nhất.
Chắc chắn, sau khi hoàn thành được một phòng hoặc một khu vực nào đó, thành quả sẽ giúp bạn có thêm năng lượng để bắt đầu lần “thanh lọc” thứ hai, thứ ba...
Bước 4: Phân loại vật dụng và xử lý “hậu quả”
Nào, nhìn quanh một vòng và bắt đầu phân loại nhé.
- Trong phòng đang có những đồ vật gì?
- Thứ gì là quan trọng?
- Thứ nào có thể loại bỏ?
- Loại bỏ bằng cách nào?
Đồ đạc sẽ chia thành 3 nhóm:
- Nhóm không thể sử dụng được vì hư hỏng, hết hạn sử dụng, vô giá trị: Bạn cho chúng vào thùng rác.
- Nhóm đồ còn sử dụng tốt nhưng bạn không có nhu cầu sử dụng hoặc không sử dụng được: Bạn thanh lý hoặc cho, tặng những người cần đến chúng.
- Nhóm đồ đạc và vật dụng bạn cảm thấy cần và ý nghĩa với bạn: Bạn sắp xếp chúng gọn gàng, đúng vị trí.
Bước 5: Duy trì thói quen
Việc “thanh lọc” đồ đạc một lần không đảm bảo rằng không gian của bạn sẽ gọn gàng và trật tự lâu dài. Điều này phụ thuộc vào thói quen của bạn mỗi ngày.
- Dành 15 phút mỗi ngày cho việc dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc để không gian luôn sạch sẽ, gọn gàng. Bạn sẽ không rơi vào tình trạng quá tải mỗi khi bắt đầu kế hoạch dọn dẹp.
- Mua sắm cân nhắc và có chủ đích, hạn chế việc mua sắm theo cảm xúc. Nếu không, một ngày không xa, bạn lại phải tiếp tục vật lộn với một không gian bừa bộn.
- Thường xuyên kiểm tra đồ đạc trong nhà và “thanh lọc” ngay khi bạn cảm thấy chúng đã “cô đơn” lâu ngày.
Tôi Đã Bắt Đầu “Thanh Lọc” Đồ Đạc Như Thế Nào?
Bắt đầu từ tủ quần áo
Sắp xếp lại tủ quần áo để thoát khỏi tình trạng “không có gì để mặc” mỗi ngày
Trước đây, tủ quần áo của tôi rất nhiều quần áo, váy vóc, phụ kiện. Có những bộ quần áo chưa mặc hoặc chỉ mặc một lần rồi cất tủ. Nhưng tôi không tặng ai cũng không thanh lý lại chỉ vì... tiếc.
Và tôi cũng thường dành hàng giờ đồng hồ đứng trước tủ quần áo rồi lắc đầu ngán ngẩm: “Không có gì để mặc”. Bởi vì có quá nhiều sự lựa chọn nên việc lựa chọn thêm băn khoăn, bối rối. Đúng là: “Khi tất cả mọi thứ đều quan trọng thì không có thứ gì quan trọng cả”.
Tôi bắt đầu “thanh lọc” tủ quần áo của nhà mình:
- Bước 1: Xác định những loại quần áo phù hợp với mình, với chồng và con.
- Bước 2: Phân loại quần áo thành những loại quần áo mà gia đình mình cất tủ đã lâu mà không sử dụng, những loại quần áo thường xuyên sử dụng và những loại không thể sử dụng được.
- Bước 3: Loại bỏ những loại quần áo đã hỏng, tặng những loại quần áo còn sử dụng được cho người khác và sắp xếp lại tủ quần áo.
Kết quả:
- Tủ quần áo của tôi đã được thu gọn hai phần ba. Không gian rộng rãi, gọn gàng nên rất dễ tìm kiếm món đồ cần sử dụng.
- Với số ít quần áo còn lại, không quá tốn thời gian để tìm quần áo phù hợp và lại ngán ngẩm “không có gì để mặc”.
Tiếp đến là các ngăn tủ
Tất cả các loại hộc tủ, ngăn kéo trong nhà tôi đã được làm đầy với đủ thứ món trên đời:
- Thiệp chúc mừng dễ thương, phong bao lì xì đẹp, các loại hóa đơn mua sắm, name card, giấy báo xinh.
- Vải vóc, dụng cụ làm đồ handmade, móc khóa, đồ lưu niệm.
- Thuốc uống đã sử dụng.
- Chai nhựa, túi ni lông đẹp, hộp nhựa.
- Một số vật dụng nhỏ như tai nghe, pin, đồ trang trí...
Tôi tiếp tục phân loại và thanh lọc như công thức trên.
Cuối cùng là tủ đựng gia vị
Tủ gia vị của nhà tôi có đủ thứ loại gia vị Á, Âu, các loại bột, các loại dầu ăn, giấm chua… Hầu hết, chỉ dùng để nấu một món ăn nào đó thấy thích, thấy lạ rồi thôi.
Tôi phân loại tủ gia vị, kết quả là quá nửa trong số đó đã hết hạn sử dụng, một số loại cận date.
*Lưu ý: Bạn có thể bắt đầu quá trình “thanh lọc” đồ đạc từng phòng hoặc “thanh lọc” ở những khu vực mà bạn cảm thấy quá nhiều đồ như cách tôi bắt đầu kế hoạch từ tủ quần áo, các ngăn tủ và tủ gia vị.
Việc chia nhỏ hoặc chọn khu vực để “thanh lọc” dần dần giúp bạn đỡ bị ngợp vì khối lượng đồ quá nhiều và không biết nên xử lý như thế nào với những món đồ sau khi phân loại.
Hi vọng những thông tin chia sẻ trong bài viết hôm nay giúp ích được bạn. Và bạn đừng quên chia sẻ thành quả sau khi hoàn thành quá trình “thanh lọc” đồ đạc của mình nhé!
About the author
Nguyễn Nhàn