Sự nghiệp & Tài chính
Có phải bạn đang “cháy túi” vì mạng xã hội?
Thẻ ngân hàng là vật dụng rất thân quen với tất cả mọi người, trong thời điểm hiện nay, hầu như ở các thành phố ai cũng có ít nhất 1 chiếc thẻ trong ví. Cùng Her tìm hiểu xem tại sao một tấm thẻ nhỏ gọn nhưng lại có quyền năng vô cùng to lớn để trở thành một trong những vật bất ly thân đối với chúng ta nhé.
Thẻ ngân hàng (Bank Card) là một loại phương tiện thanh toán không sử dụng tiền mặt. Có thể bạn khá bất ngờ nhưng thẻ ngân ra đời từ hình thức mua bán chịu một số đồ dùng nhu yếu phẩm trong quá khứ.
Thẻ ngân hàng chắc chắn phải do ngân hàng phát hành cấp cho khách hàng sử dụng để thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ hoặc rút tiền mặt trong phạm vi số dư tiền gửi của mình hoặc hạn mức tín dụng được cấp. Ngoài ra, thẻ ngân hàng còn được dùng để thực hiện các giao dịch trên máy rút tiền tự động ATM (Automatic teller machine).
Thẻ ngân hàng có thể do các tổ chức tài chính hoặc phi tài chính phát hành nhưng đều được tuân thủ các yêu cầu về hình thức, kích cỡ chuẩn quốc tế và bao gồm các yếu tố căn bản như: Nhãn hiệu thương mại của thẻ; Tên và logo của nhà phát hành; Số thẻ; Ngày hiệu lực và tên chủ thẻ. Ngoài ra trên một số thẻ còn có thêm Công ty chịu trách nhiệm thanh toán thẻ hoặc thêm một số yếu tố khác theo quy định của tổ chức hoặc tập đoàn thẻ quốc tế...
Trên thế giới có rất nhiều loại thẻ ngân hàng sử dụng hầu hết với mục đích thanh toán. Tuy nhiên có 3 loại thẻ được sử dụng phổ biến bao gồm:
Thẻ tín dụng (Credit Card)
Đây là loại thẻ khá phổ biến ở các nước có nền tài chính phát triển hoặc ở những thành phố trong nhóm nền kinh tế mới nổi. Thẻ tín dụng là một công cụ thanh toán không dùng tiền mặt, cho phép chủ thẻ này chi tiêu trước, trả tiền sau. Ngân hàng sẽ cung cấp cho bạn một hạn mức chi tiêu, bạn sử dụng hạn mức đó để thanh toán các hóa đơn hàng hóa tại các điểm máy POS hoặc mua hàng online.
Đây thực chất là một khoản vay, bạn vay của ngân hàng để thực hiện các chi tiêu trong một hạn mức nhất định, sau đó sẽ trả nợ khi đến hạn trả nợ theo quy định. Do đó, chỉ những người có nguồn thu nhập ổn định hay chứng minh được khả năng trả được nợ cho ngân hàng mới có thể làm thẻ này.
Chủ thẻ tín dụng thường được miễn lãi tối đa 45-55 ngày tùy chính sách của từng ngân hàng. Tức là từ ngày mua hàng bằng thẻ tín dụng, bạn có tối đa 45-55 ngày không bị tính lãi suất nếu trả đủ số tiền đã dùng từ thẻ. Vượt quá 45-55 ngày này mà chưa thanh toán, bạn chịu lãi suất từ 6,5% - 30%/năm trở lên tùy vào từng ngân hàng.
Vì đặc điểm là thẻ phục vụ mục đích tiêu dùng nên bạn không được chuyển khoản từ thẻ tín dụng và nếu muốn rút tiền thì lưu ý giới hạn hạn mức rút tiền/ lần và phí rút tiền cao. Tuy nhiên với tính liên kết cao, khi mua hàng bạn sẽ thường nhận được những chương trình giảm giá, khuyến mại, hoàn tiền để kích cầu mua sắm. Khi toàn bộ số tiền phát sinh được hoàn trả cho ngân hàng, hạn mức tín dụng của bạn được khôi phục như ban đầu.
Thẻ tín dụng thường là thẻ quốc tế với tính năng thanh toán trên phạm vi toàn cầu, chỉ có số ít ngân hàng phát hành thẻ tín dụng nội địa. Thẻ tín dụng quốc tế có thể mang thương hiệu khác nhau (như Visa, MasterCard, JCB, American Express…) nhưng tính năng sử dụng hoàn toàn như nhau.
Thẻ tín dụng cũng có các hạng thẻ dành cho từng nhóm khách hàng: Thẻ hạng chuẩn; Thẻ hạng vàng; Thẻ bạch kim. Trên thẻ không có chữ ‘Credit” giống như thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng cũng thường xuyên nhận ưu đãi từ ngân hàng hoặc nhà cung cấp như giảm giá, quà tặng, điểm thưởng…Vì vậy nếu tận dụng tốt thì chắc chắn thẻ tín dụng sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều.
Thẻ ghi nợ (Debit Card)
Thẻ ghi nợ do ngân hàng cung cấp kèm theo khi mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, thẻ này cho phép bạn tiêu đúng số tiền bạn có trong tài khoản. Bạn có thể thanh toán, chuyển khoản, rút tiền mặt tại ATM hay thực hiện những giao dịch khác trong phạm vi số tiền bạn có.
Không giống với thẻ tín dụng, bạn chỉ có thể mua sắm nếu có tiền trong thẻ ghi nợ và là tiền của bạn chứ không phải tiền đi vay. Rõ ràng bạn sẽ không phải lo lắng về thời hạn thanh toán, lãi suất và các loại phí phạt giống như thẻ tín dụng song lại không có nhiều ưu đãi.
Một số ngân hàng còn phát hành thẻ ghi nợ theo hạng thẻ:
Với hạng thẻ chuẩn, bạn chỉ cần mang CMND tới chi nhánh ngân hàng để mở tài khoản thanh toán và yêu cầu làm thẻ ghi nợ.
Với các hạng thẻ cao hơn bạn có thể phải đảm bảo số tiền gửi tối thiểu trong tài khoản.
Thẻ trả trước (Prepaid card)
Bạn không cần mở tài khoản ngân hàng để làm thẻ trả trước, thậm chí bạn có thể mua thẻ này tại chi nhánh mà không cần có giấy tờ tùy thân. Bạn chỉ cần nạp tiền vào thẻ này và chi tiêu, số tiền trong thẻ cũng chính là giới hạn chi tiêu của bạn do đó loại thẻ được ví như SIM điện thoại trả trước.
Thẻ trả trước được chia thành thẻ định danh và thẻ không định danh.Trong đó thẻ định danh có đầy đủ thông tin của chủ thẻ và có thể rút tiền mặt tại cây rút tiền tự động ATM, thẻ không định danh không thể rút tiền tại ATM nhưng bạn có thể mua thẻ mà không cần giấy tờ tùy thân.
Ngoài ra, trong loại thẻ này còn có thể là thẻ trả trước không cần mở tài khoản. Một số ngân hàng đồng phát hành thẻ ảo, thẻ phi vật lý. Hiện nay, hầu hết việc mua thẻ ảo của các ngân hàng sẽ không mua trực tiếp được tại trang web của ngân hàng đó mà sẽ thông qua các ứng dụng, ví điện tử online như Paypal, Momo, Trustcard... bạn thực hiện qua một số bước đơn giản ngay lập tức thông tin của thẻ sẽ được gửi về Email hoặc số điện thoại của bạn.
Đối với thẻ tín dụng
Trước khi mở thẻ, hãy cân nhắc cách bạn sẽ vượt qua những cám dỗ trong chi tiêu và xem xét đó có phải là loại thẻ phù hợp dành cho bạn hay không. Bạn nên đặt ra một số quy tắc cho bản thân về chi tiêu, chẳng hạn như: chỉ chi tiêu một số tiền nhất định mỗi tháng hoặc chỉ sử dụng thẻ cho các trường hợp khẩn cấp hay những mua sắm có giá trị lớn.
Nếu bạn có kế hoạch thanh toán toàn bộ dư nợ thẻ hàng tháng, bạn sẽ không cần bận tâm về vấn đề lãi suất. Tuy nhiên nếu bạn dự định chỉ thanh toán một phần dư nợ thẻ mỗi tháng và chấp nhận có số dư, bạn nên cân nhắc chọn thẻ nào có mức lãi suất thấp nhất có thể. Hãy nhớ rằng bạn không nên mang một khoản nợ dài hạn trên thẻ tín dụng vì điều này sẽ tạo lịch sử tín dụng xấu cho bạn.
Ngoài ra, các loại lệ phí cũng như lãi suất thẻ là điều bạn nên quan tâm. Ngoài các loại phí thường niên, phí thanh toán ngoại tệ, bạn có thể phải chịu thêm "phí vượt hạn mức” hoặc “phí trả trễ” nếu bạn thanh toán chậm hơn ngày đến hạn thanh toán. Điều này có thể ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng cũng như cơ hội vay tín dụng mới của bạn trong tương lai. Lãi suất thẻ là cách ngân hàng xác định chi phí vay tiền trong một năm. Khi so sánh thẻ tín dụng, bạn có thể nhìn vào lãi suất thẻ để biết mức lãi bạn có thể phải trả cho ngân hàng (nếu bạn không thanh toán hết dư nợ trên thẻ).
Mặc dù bạn có thể sử dụng thẻ tín dụng của mình để rút tiền mặt tại máy ATM, tuy nhiên điều này không được khuyến khích vì bạn sẽ bị tính lãi ngay khi bạn rút tiền có thể khiến khoản tiền lãi tăng lên nhanh chóng. Lãi suất thẻ tín dụng khá cao, vì vậy bạn sẽ phải trả lãi khá nhiều nếu dùng thẻ tín dụng để chi tiêu cho một giao dịch mua hàng lớn như mua ô tô, bất động sản hay kinh doanh. Trong những tình huống như trên, bạn có thể cân nhắc đăng ký một khoản vay cá nhân thay vì dùng thẻ tín dụng.
Đối với thẻ ghi nợ
Bạn nên luôn nắm rõ số dư tài khoản của mình và số tiền có thể sử dụng. Đừng quên những khoản thanh toán khác vẫn chưa được ghi vào tài khoản. Bạn nên xem xét việc mở tài khoản trực tuyến để có thể dễ dàng quản lý các thanh toán qua thẻ ghi nợ, séc và hóa đơn phải trả cùng một lúc. Ngoài ra cũng cần nắm rõ hạn mức của thẻ ghi nợ. Rất nhiều thẻ ghi nợ có hạn mức sử dụng hàng ngày và hạn mức rút tiền. Những hạn mức này giúp bảo vệ bạn trong trường hợp thẻ bị đánh cắp. Nhưng bạn nên nhớ, thẻ ghi nợ của bạn có thể bị từ chối nếu bạn sử dụng quá hạn mức cho phép, mặc dù bạn vẫn có đủ tiền trong tài khoản.
Nhiều ngân hàng buộc bạn phải trả phụ phí nếu sử dụng thẻ ghi nợ trên máy ATM của một ngân hàng khác. Khách hàng không có tài khoản tại ngân hàng của họ cũng phải trả phí nếu sử dụng máy ATM của ngân hàng. Thay vì phải trả phụ phí, bạn nên lựa chọn ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng nào có mạng lưới ATM gần nhà và cơ quan hoặc sử dụng thẻ ghi nợ để lấy tiền mặt khi thực hiện thanh toán.
Thẻ ghi nợ của bạn sẽ có Mã số bảo mật cá nhân (PIN) vì mục đích bảo mật. Bạn nên chọn một dãy số đặc biệt, lưu giữ cẩn thận, không nên nói cho ai biết số PIN của mình. Nếu bạn nghĩ là số PIN đã bị người khác phát hiện, bạn bên thay đổi số PIN ngay lập tức bằng cách liên lạc với tổ chức tài chính phát hành thẻ của bạn.
Dzung Phạm
Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội
Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882
Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn
Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.