Nếu bạn đang lên kế hoạch hoặc chuẩn bị cho trường hợp cần phải sinh mổ, đừng bỏ qua quá trình phục hồi sau sinh. Dưới đây là những gợi ý giúp tăng tốc độ hồi phục để bạn bớt đau đớn, mệt mỏi hơn - và có nhiều thời gian hơn để gắn bó với em bé mới chào đời.
Nghỉ Ngơi Nhiều
Sinh mổ là một cuộc phẫu thuật lớn. Cũng giống như bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, cơ thể bạn cần thời gian để chữa lành sau đó.
Điều đó nói dễ hơn là làm, việc nghỉ ngơi thoải mái gần như là không thể khi có trẻ sơ sinh trong nhà, đặc biệt nếu đây là lần đầu làm cha mẹ.
Hãy ngủ bất cứ khi nào con bạn ngủ và đừng cảm thấy tội lỗi nếu việc nhà chưa hoàn thành - bạn và con bạn quan trọng hơn.
Nếu hoàn cảnh cho phép, hãy cứ "dựa" vào sự hỗ trợ, giúp đỡ từ người thân bởi giai đoạn này cơ thể bạn cần nghỉ ngơi hơn bất cứ khi nào.
Chăm Sóc Vết Mổ
- Giữ vệ sinh sạch sẽ để ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Hỏi ý kiến bác sĩ về cách vệ sinh, tắm rửa trong thời gian vết mổ phục hồi.
- Không chà xát vết mổ. Đừng ngâm mình trong bồn tắm, tắm nước nóng hoặc đi bơi cho đến khi bác sĩ cho biết bạn có thể.
- Dùng đệm sưởi ấm hoặc khăn ấm có thể giúp giảm đau quanh bụng (không đặt trực tiếp trên vết mổ).
- Bất cứ khi nào bạn phải hắt hơi, ho hoặc cười, hãy hóp bụng để bảo vệ vết mổ.
- Mặc quần áo cotton rộng rãi không đè lên vết thương.
Lưu ý đến các dấu hiệu nhiễm trùng khác như sưng tấy, đau dữ dội, chảy máu... Liên hệ với bác sĩ hoặc đến phòng cấp cứu nếu các triệu chứng này xuất hiện.
Và đừng quên bạn không bao giờ phải xấu hổ vì vết sẹo lớn trên cơ thể mình. Vết mổ đã mang 1 thiên thần đến với thế giới này.
Nâng Niu Cơ Thể
- Tránh đi lên và xuống cầu thang càng nhiều càng tốt. Giữ mọi thứ bạn cần, như đồ dùng để thay tã gần bạn để không phải di chuyển quá thường xuyên.
- Không nâng bất cứ vật gì nặng hơn em bé.
- Hỏi bác sĩ những loại thuốc giảm đau mà bạn có thể dùng, đặc biệt nếu bạn cho con bú
- Có thể mất đến 8 tuần để bạn trở lại với thói quen bình thường của mình. Hỏi ý kiến bác sĩ khi nào có thể tập thể dục, quay lại làm việc và lái xe. Việc quan hệ tình dục sau sinh cũng cần đảm bảo vết mổ hoặc cơ thể lành hẳn.
- Tránh tập thể dục sớm và quá sức, tốt nhất hãy đi bộ nhẹ nhàng quanh nhà. Việc vận động sẽ giúp cơ thể bạn mau lành và ngăn ngừa táo bón, đông máu. Ngoài ra, đi bộ ra ngoài là một cách tuyệt vời để giới thiệu con bạn với thế giới.
- Ngay sau khi sinh xong, cơ thể của bạn có thể trông như vẫn đang mang thai. Điều này là bình thường. Hầu hết phụ nữ giảm 6kg ngay sau khi sinh, bao gồm cả trọng lượng của em bé, nhau thai và nước ối. Trong quá trình hồi phục, bạn sẽ giảm nhiều cân hơn khi cơ thể thải bớt chất lỏng dư thừa. Vì vậy đừng quá vội vàng ép bản thân vào chế độ giảm cân, hãy cứ nghỉ ngơi. Khi cơ thể đã hồi phục hoàn toàn, một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên có thể giúp bạn trở lại cân nặng như trước.
- Sau sinh, chúng ta thường nằm/ngồi khá lâu nên hãy tập hít 2 – 3 hơi thở sâu, chậm sau mỗi nửa giờ. Điều này có thể giúp ngăn ngừa tắc nghẽn phổi sau sinh.
- Để hạn chế tình trạng khớp vai bị cứng, một ngày vài lần hãy ngồi thẳng và xoay vai khoảng 20 lần theo cả chiều từ trước ra sau, từ sau về trước.
Chăm Sóc Sức Khỏe Tinh Thần
Hãy nhớ rằng sức khỏe tinh thần của bạn cũng quan trọng như sức khỏe thể chất. Sinh con có thể mang lại những cảm giác mà bạn không bao giờ ngờ tới, thậm chí một số bà mẹ dễ cảm thấy thất vọng hoặc buồn vì họ không thể sinh thường.
Tâm trạng thay đổi liên tục sau sinh là chuyện bình thường. Hãy duy trì những thói quen khiến bạn thoải mái như nghe nhạc, chánh niệm... Tâm sự với chồng/đối tác hoặc người thân để được chia sẻ, hỗ trợ.
Nếu bạn cảm thấy tâm trạng thay đổi nghiêm trọng, chán ăn, mệt mỏi, thiếu niềm vui trong cuộc sống, khó khăn khi chăm sóc em bé hay hoàn thành các công việc hàng ngày hoặc bạn có ý nghĩ làm hại bản thân cũng như em bé, bạn có thể bị trầm cảm sau sinh. Liên hệ với các chuyên gia sức khỏe tâm thần để được điều trị kịp thời.
Tập Trung Vào Chế Độ Dinh Dưỡng Tốt
Chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh không chỉ tốt cho sức khỏe của bạn mà còn cả cho em bé. Đừng kiêng khem khắc nghiệt.
Ngoài ra, hãy uống nhiều chất lỏng, đặc biệt là nước. Bạn cần bổ sung thêm chất lỏng để tăng cường nguồn sữa và tránh táo bón.
Bên cạnh đó, sự kết hợp của sự thay đổi nội tiết tố, cơ dạ dày yếu hơn và dành nhiều thời gian để nằm có thể dẫn đến táo bón. Táo bón nặng có thể gây đau đớn và rặn có thể ảnh hưởng đến vết mổ. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, như trái cây và rau quả, có thể giúp ngăn ngừa táo bón.
Lưu Ý Các Thay Đổi Sau Sinh
Cơ thể bạn sẽ tiếp tục trải qua những thay đổi về thể chất ngay cả khi bạn đã sinh xong như các cơn co thắt, căng/tắc sữa, khô âm đạo, rụng tóc, mọc mụn, đau đầu...
Một vài trong số các thay đổi này sẽ tự biến mất theo thời gian. Tuy nhiên, bạn có thể hỗ trợ chúng bằng cách:
- Sử dụng kem/gel chứa estrogen để chữa khô âm đạo
- Bổ sung dinh dưỡng và các loại vitamin viên uống để giảm rụng tóc
- Chăm sóc da mặt
- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn cho chứng đau đầu
- Chườm ấm, xoa bóp giảm căng/tắc sữa
Cho Con Bú Đúng Cách
Bạn có thể thử các tư thế cho con bú khác nhau để tìm ra tư thế nào thoải mái nhất cho mình. Chú ý bảo vệ vết mổ ở bụng. Nếu chưa có kinh nghiệm trong việc cho con bú, bạn có thể hỏi các y tá, hộ sinh ở bệnh viện.
Có nhiều tư thế cho con bú sữa mẹ thoải mái như:
- Tư thế nằm nghiêng: Dùng gối để nâng đỡ phần đầu, cổ và lưng để người mẹ cảm thấy thoải mái, dùng tay mình hoặc một chiếc gối nhỏ để nâng đỡ lưng bé giúp bé được áp sát vào người mẹ.
- Tư thế ngồi hoặc tư thế nằm nửa ngồi: mẹ ngồi trên giường, đặt một chiếc gối lên đùi, sau đó đặt bé lên gối để tránh bé chạm đến vết mổ.
Kiểm Tra Sức Khỏe Tại Các Cơ Sở Y Tế
Sau khi về nhà, hãy thường xuyên theo dõi sức khỏe và đến ngay các cơ sở y tế nếu có dấu hiệu:
- Vết mổ đỏ, sưng, nóng khi chạm vào hoặc rỉ dịch
- Bạn bị chảy máu âm đạo nhiều, có mùi hôi bất thường...
- Cơn đau của bạn ngày càng nặng hơn
- Bạn bị sưng, nổi da gà, đau hay nóng ở bắp chân ho hoặc khó thở, đau ở ngực (đó có thể là dấu hiệu của cục máu đông)
- Sốt hơn 38° C
- Đau đầu dữ dội không thuyên giảm
- Thị lực thay đổi hoặc khó nhìn
Bạn cũng nên gặp bác sĩ khoảng 6 tuần sau khi sinh. Họ sẽ kiểm tra âm đạo, cổ tử cung và tử cung cũng như cân nặng và huyết áp của bạn.
Cuối cùng, hãy cố gắng không so sánh bản thân với những người xung quanh về các vấn đề như sinh thường/sinh mổ, ít hay nhiều sữa... Trải nghiệm của mỗi người là khác nhau, hãy chăm sóc và yêu thương bản thân thật nhiều nhé!
------------------------------------------------------
Bạn đang lập kế hoạch mang thai và muốn chuẩn bị kiến thức và thiết lập thói quen tập luyện để có thể duy trì khi mang thai?
Bạn đang mang thai và mong muốn được chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho cả mình và em bé, nhưng không muốn bị tăng cân quá mức để hồi phục và về vóc dáng cũ nhanh chóng sau sinh?
Bạn muốn tận hưởng một thai kỳ lành mạnh và hạnh phúc, giảm thiểu các triệu chứng khó chịu cả về thể chất và tinh thần?
Bạn là người thân và muốn chăm sóc, chia sẻ kiến thức với người mẹ tương lai để đồng hành trong khoảng thời gian kỳ diệu này?
Bạn là bác sĩ phụ sản muốn cập nhật kiến thức về dinh dưỡng, tập luyện lành mạnh trong thai kỳ để tư vấn các thai phụ, bệnh nhân của mình tốt hơn và đầy đủ hơn?
Hãy đăng ký ngay chương trình tập luyện mới nhất của Her Academy: FIT & STRONG PREGNANCY cùng HLV Đào Chi Anh - là một HLV Fitness Cá Nhân có chứng chỉ quốc tế hàng đầu thế giới ISSA (Hoa Kỳ) và đã tốt nghiệp bằng Diploma về Sức khỏe Dinh Dưỡng của Royal Institute of Public Health (Vương Quốc Anh).
Link chương trình tập luyện tại đây!
About the author
S. Reen