Dịch cúm A tăng cao, cẩn trọng nhưng đừng quá lo lắng

SỐNG KHỎE

Dịch cúm A tăng cao, cẩn trọng nhưng đừng quá lo lắng

authorBy Chi
Share on
Share on
Dịch cúm A tăng cao, cẩn trọng nhưng đừng quá lo lắng

Theo chuyên gia y tế, khu vực phía Bắc thường ghi nhận đỉnh dịch của bệnh cúm vào khoảng tháng 7 và tháng 1, vì vậy dịch cúm A đang tăng cao những ngày qua không quá bất thường nhưng cũng không nên chủ quan. Hiểu biết đúng về cúm A để theo dõi, điều trị và phòng ngừa là cách hiệu quả để bảo vệ bản thân và những người xung quanh khỏi dịch bệnh này. 


Cúm A Là Gì?


Cúm là một bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp. Virus cúm lây nhiễm ở người được chia làm 3 nhóm chính là A, B, C. Trong đó, virus có độc tính cao nhất là virus cúm A. Tuy nhiên, virus cúm A lại có nhiều chủng khác nhau và được gọi tên từ 2 kháng nguyên H và N, trong đó, có tới 11 kháng nguyên H, 19 kháng nguyên N. Điều này có nghĩa là có tới hàng trăm chủng virus cúm A khác nhau.


Bạn sẽ mắc bệnh nếu bị lây nhiễm virus cúm A từ người mang virus này. Con đường lây lan cũng tương tự như bệnh cúm thông thường là qua các giọt bắn hô hấp truyền trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện. Hoặc có thể nhiễm virus này khi chạm tay, tiếp xúc vào các bề mặt dính virus sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng. Việc dùng chung vật dụng cá nhân như ly uống nước, khăn tắm, bàn chải đánh răng… với người bệnh cũng có thể làm lây nhiễm loại virus này.


Theo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, virus cúm A (nhất là virus cúm H1N1) tồn tại khá lâu trong môi trường bên ngoài. Chúng có thể sống 48h trên các bề mặt thông thường như tay nắm cửa, bề mặt bàn, ghế… trong quần áo virus có thể tồn tại từ 8 -12 giờ, duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay. Đặc biệt, virus cúm A cũng có thể tồn tại rất lâu trong môi trường nước - 4 ngày trong nước ở nhiệt độ 22°C và 30 ngày ở nhiệt độ 0°C. Vì vậy, các hồ bơi công cộng, hồ bơi trong khách sạn cũng có thể tạo ra môi trường lý tưởng cho virus phát triển, nhất là trong tiết trời mưa dầm, thiếu ánh sáng để diệt virus.


Tuy không nguy hiểm như nhiễm cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), những một số người nhiễm cúm A(H1N1) hay virus cúm mùa khác cũng có thể gây bội nhiễm, viêm phổi nặng, thậm chí có thể gây suy đa tạng, tử vong ở một số người có bệnh mạn tính.


Triệu Chứng Của Cúm A


Dấu hiệu cúm và các triệu chứng cũng gần giống như các chủng cúm khác:


- Sốt đột ngột, thường là trên 38 độ hoặc cao hơn

- Ho (thường ho khan)

- Viêm họng

- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi

- Chảy nước, mắt đỏ

- Nhức mỏi cơ thể

- Đau đầu

- Tiêu chảy

- Buồn nôn và ói mửa


Hầu hết các triệu chứng cúm A có thể tự khỏi mà không cần các can thiệp điều trị. Trong một số trường hợp, các triệu chứng có thể nặng hơn và có nhiều biến chứng. Biến chứng nặng nhất của cúm A chính là suy hô hấp, với triệu chứng khó thở, thở gấp, khạc ra đờm đặc có lẫn máu… dẫn đến viêm phổi cấp tính, thiếu oxy và tử vong nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời. 


Việc nhận biết và phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh có thể giúp điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp nghiêm trọng, nguy hiểm tới tính mạng.


dich-cum-a-tang-cao-1.jpg


Điều Trị Cúm A


Hầu hết mọi người sẽ tự khỏi trong vòng 7–10 ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu tăng nặng, tùy vào tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng vi-rút để chống lại nhiễm trùng như: Zanamivir (Relenza), Oseltamivir (Tamiflu), Peramivir (Rapivab). Những loại thuốc này được dùng để làm giảm khả năng vi-rút cúm lây lan từ tế bào này sang tế bào khác và làm chậm quá trình lây nhiễm của nó. Bạn cần đặc biệt lưu ý không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của bác sĩ.


Ngoài ra, hãy chăm sóc tự chăm sóc bản thân theo hướng dẫn sau của các bác sĩ và chuyên gia y tế:


- Dùng thuốc paracetamol hoặc ibuprofen để giảm sốt và đau cơ. Tuy nhiên, hãy thận trọng khi áp dụng cách điều trị cúm A cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên bằng thuốc aspirin (tốt nhất không sử dụng aspirin cho trẻ em dưới 19 tuổi).

- Uống càng nhiều nước nhiều càng tốt. Bạn có thể uống nước lọc, nước ép trái cây hoặc ăn súp, cháo lỏng để ngăn ngừa cơ thể mất nước.

- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ.

- Nghỉ ngơi và ngủ nhiều nhất có thể

- Giữ vệ sinh cá nhân. Rửa tay thường xuyên, che miệng và mũi khi hắt hơi hoặc ho, cũng như đeo khẩu trang khi đến nơi đông người.

- Không dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn, bàn chải đánh răng, ly uống nước với người khác.

- Nếu bạn bị cúm, hãy ở nhà ít nhất 24 giờ cho đến khi hết sốt mà không cần sử dụng thuốc hạ sốt để tránh lây lan virus cúm cho người khác.


Khi Nào Nên Đến Gặp Bác Sĩ?


Đối với người trưởng thành, nên đến cơ sở y tế ngay nếu có các dấu hiệu cúm A nghiêm trọng như: khó thở, thở nhanh, đau tức ngực, đau bụng, chóng mặt, bị choáng, không tỉnh táo, co giật, nôn mửa nhiều lần và liên tục, không giảm sốt.


Đối với trẻ nhỏ, hãy lưu ý các dấu hiệu: thở nhanh, khó thở, da xanh, môi nhợt nhạt, mất nước, không uống đủ nước, tức ngực, co giật, nôn mửa nhiều lần và liên tục, ngủ li bì, mệt mỏi, uể oải, không chịu chơi. Trẻ có thể hết sốt khoảng 1 – 2 ngày nhưng sau đó lại sốt và ho nhiều hơn.


dich-cum-a-tang-cao-2.jpg


Phòng Ngừa Virus Cúm A


Để phòng chống cúm A(H1N1), Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo cần sử dụng các biện pháp đối với cúm mùa thông thường:


 - Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi; hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt; tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm.

 - Ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.

- Tập thể dục thường xuyên giúp nâng cao thể trạng.

- Vệ sinh không gian sống. Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Đồng thời giữ cho không gian sinh sống và làm việc luôn thoáng mát, thông khí.

 

 Bên cạnh đó, người dân có thể đi tiêm vacxin để phòng bệnh. Tiêm phòng cúm cũng giúp bạn chống lại 2-3 loại virus khác phổ biến trong mùa cúm.


Những Người Có Nguy Cơ Gặp Biến Chứng


Những đối tượng sau cần theo dõi triệu chứng và có hướng điều trị kịp thời khi bị nhiễm cúm A, vì trong một vài trường hợp cúm có thể dẫn đến tử vong:


- Người đang ở bệnh viện, viện dưỡng lão hoặc cơ sở chăm sóc dài hạn khác.

- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đặc biệt là dưới 2 tuổi.

- Người lớn tuổi từ 65 tuổi trở lên.

- Phụ nữ đang mang thai hoặc trong vòng hai tuần sau khi sinh, kể cả phụ nữ bị sảy thai.

- Những người béo phì có chỉ số cơ thể BMI > 40.

- Người mắc bệnh mãn tính (như hen suyễn, khí phế thũng, bệnh tim, tiểu đường, bệnh thần kinh cơ hoặc bệnh thận, gan hoặc máu).

- Người bị ức chế miễn dịch hoặc suy giảm hệ miễn dịch do một số loại thuốc hoặc nhiễm HIV.

- Ngoài ra, nếu bạn mắc bệnh hô hấp mãn tính, bác sĩ có thể cần kê đơn thêm các loại thuốc khác để giúp giảm nhẹ triệu chứng.

About the author

Yêu thích tất cả mọi thứ về văn hóa đại chúng và đặc biệt nghiện cafe.

author

Chi

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!