Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO đánh giá, mặc dù đã có vaccine phòng bệnh nhưng đến nay bệnh bạch hầu vẫn là một căn bệnh truyền nhiễm được đánh giá là nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ em và những người chưa tiêm phòng, bởi căn bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và tử vong. Năm 2019, WHO ghi nhận thế giới có gần 23.000 ca bạch hầu, tăng 2,6 lần so với năm 2017.
Bệnh bạch hầu được xếp vào nhóm B (là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong) trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm của nước ta.
Nguồn truyền nhiễm và đường lây truyền bệnh bạch hầu
Phương thức lây truyền: Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn của người nhiễm vi khuẩn lúc ho, hắt hơi. Thông thường vi khuẩn bạch hầu nhân lên ở trên bề mặt hoặc gần bề mặt màng nhầy của cổ họng. Khi người bệnh/ người lành mang vi khuẩn bạch hầu ho hoặc hắt hơi sẽ bắn ra môi trường xung quanh những giọt nhỏ có chứa mầm bệnh, những người ở gần đó có thể hít phải vi khuẩn bạch hầu. Bạch hầu lây lan nhanh chóng theo cách này, đặc biệt ở những nơi đông người.
Ngoài ra, bệnh có thể lây qua con đường gián tiếp khi tiếp xúc với đồ vật có dịch mũi hầu từ người bệnh, tiếp xúc với vùng da tổn thương do bạch hầu.
Thời gian ủ bệnh (đã nhiễm khuẩn nhưng chưa biểu hiện bệnh): Bệnh bạch hầu có thời gian ủ bệnh 2-5 ngày hoặc hơn thế, kể từ khi người bệnh nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
Thời kỳ lây truyền: Không cố định. Người bệnh đào thải vi khuẩn từ thời kì khởi phát, có thể ngay từ cuối thời kỳ ủ bệnh. Thời kỳ lây truyền kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn, ít khi trên 4 tuần. Người lành mang vi khuẩn bạch hầu có thể từ vài ngày đến 3, 4 tuần, rất hiếm trường hợp kéo dài tới 6 tháng. Điều trị kháng sinh có hiệu quả nhanh chóng sẽ chấm dứt sự lây truyền.
Triệu chứng của bệnh bạch hầu
Theo thông tin từ Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, triệu chứng bệnh bạch hầu thường bắt đầu từ 2- 5 ngày sau khi bị nhiễm bệnh, gồm: Sốt và ớn lạnh; chảy nước mũi; khó chịu; khó thở hoặc thở nhanh; sưng hạch bạch huyết ở cổ; đau họng và khàn giọng... Cần lưu ý bởi ban đầu người nhiễm bệnh sẽ có biểu hiện tương tự cảm lạnh.
Dấu hiệu đặc trưng nhất của bệnh bạch hầu là những mảng màu trắng xám (gọi là lớp giả mạc) do các lớp tế bào bị viêm tạo ra lớp màng bám vào trong họng, khẩu cái mềm, amidan, lưỡi. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Nếu không điều trị thì giả mạc sẽ lan xuống vùng thanh quản gây ho, khàn giọng, khó thở..
Không giống như các vi khuẩn thông thường khác, vi khuẩn bạch hầu gây ra viêm họng, nóng, sốt và nguy hiểm là do độc tố của vi khuẩn. Độc tố đó sẽ theo máu và tác động lên các cơ quan chính của cơ thể, có thể gây ra viêm tim, viêm thận hoặc tác dụng lên hệ thần kinh làm liệt tay, liệt chân, mắt lé, giọng nói có thể thay đổi do bị ngọng thanh quản. Bệnh có thể gây tử vong với tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%.
Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu không có miễn dịch đặc hiệu hoặc nồng độ kháng thể ở dưới mức bảo vệ. Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời người bệnh có thể hồi phục bình thường.
Phòng bệnh bạch hầu
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp:
• Đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch tiêm các vaccine có chứa thành bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT…) đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm, đưa trẻ tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể.
• Người dân tại nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế. Trong trường hợp tiếp xúc gần tự theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cán bộ y tế.
• Người dân không để tâm lý hoang mang, tiếp nhận thông tin sai lệch từ các phương tiện thông tin đại chúng không chính thống, không tự ý tiêm chủng vaccine chứa thành bạch hầu khi chưa có hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể của của cơ quan y tế trong vùng có dịch và theo hướng dẫn của từng loại vaccine có chứa thành phần bạch hầu.
• Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
• Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Ngoài ra, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết đối với vắc xin bạch hầu, sau 10 năm, người dân nên tiêm nhắc lại do kháng thể trong máu sẽ giảm theo thời gian. Đặc biệt, các đối tượng phụ nữ mang thai, người từ 50 tuổi trở lên, người lớn có bệnh mạn tính ở phổi, tim mạch, thận… là các đối tượng có nguy cơ tử vong cao hơn khi mắc bạch hầu, cần rà soát lịch tiêm để bổ sung kịp thời.
Với thai phụ, vaccine được tiêm trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ ngoài bảo vệ mẹ còn giúp truyền kháng thể bảo vệ bé trong những tháng đầu đời trước khi đến tuổi tiêm chủng.
About the author
S. Reen